Ngày 18/01/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo Khung chiến lược Quốc gia về Tài chính toàn diện tại Việt Nam. Tham dự Hội thảo có PGS. TS. Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN, đại diện lãnh đạo các đơn vị của NHNN, một số Bộ, Ngành liên quan, các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ và các ngân hàng.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, tài chính toàn diện ngày nay đã trở thành mối quan tâm toàn cầu, là chìa khóa giúp xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng xã hội và là cơ hội cho nhiều người để đi tới tương lai. Thế giới hiện vẫn còn có tới 2 tỷ người chưa tiếp cận và sử dụng bất kỳ một dịch vụ tài chính chính thức nào, hầu hết trong số họ sinh sống tại các nước đang phát triển và kém phát triển.
Tại Việt Nam, tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao của tài chính toàn diện đang nhận được sự quan tâm lớn của các ngành, các cấp, của người dân và doanh nghiệp. Mục tiêu của tài chính toàn diện hoàn toàn phù hợp với đường lối Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, khi mà nguồn lực tài chính cho phát triển còn rất hạn hẹp, với những nỗ lực không ngừng, Chính phủ và ngành ngân hàng Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách, chương trình cụ thể để giúp những người nghèo, người yếu thế trong xã hội, cư dân các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ được tiếp cận tới nguồn vốn tín dụng, từ đó giúp họ phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết nhu cầu an sinh xã hội. Cùng với những thành tựu tăng trưởng kinh tế nhiều năm qua, cuộc sống của người dân đã không ngừng cải thiện. Tuy vậy, cho dù hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, nhưng không phải mọi người dân và doanh nghiệp đều đã được thụ hưởng những thành quả phát triển đó. Trong khi những người dân đô thị và các doanh nghiệp lớn tiếp cận khá dễ dàng đến các dịch vụ do các định chế tài chính cung cấp thì dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa; các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn đang gặp không ít trở ngại. Ngành nông nghiệp là một trong ba ngành kinh tế trụ cột và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, nhưng tài trợ cho nông nghiệp mới chỉ chiếm khoảng 10% danh mục tín dụng của các ngân hàng Việt Nam. Còn khoảng một nửa dân số chưa có tài khoản tại ngân hàng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và khá nhiều người trong số đó còn chưa biết tới bất kỳ một dịch vụ tài chính nào.
Quang cảnh Hội thảo
Hiện nay, mặc dù Việt Nam có dân số cao nhưng tỷ lệ tài chính toàn diện còn thấp do còn tồn tại một số rào cản chính đối với tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính chính thức, như: mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng còn chưa tiếp cận được đến vùng sâu, vùng xa, chi phí dịch vụ cao, quy trình, thủ tục mở tài khoản còn phức tạp.
Ông Douglas Randall, Chuyên gia lĩnh vực tài chính, WB với phần trình bày “Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện: Xu hướng và kinh nghiệm của Thế giới”
Để tháo gỡ những rào cản trên đòi hỏi phải có những sửa đổi về mặt chính sách và khuôn khổ pháp lý hợp lý nhằm tang tỷ lệ tiếp cận của người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ tài chính cơ bản chính thức. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy những quốc gia đã ban hành Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện (NFIS) có thể đạt được các mục tiêu đề ra về tài chính toàn diện thành công và hiệu quả hơn. Hiện nay trên thế giới đã có khoảng 35 quốc gia công bố Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và khoảng 25 quốc gia khác đang trong qua trình xây dựng Chiến lược.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh: “Xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện của Việt Nam đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Chiến lược thể hiện sự cam kết dài hạn của Chính phủ thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, với các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, và những giải pháp đồng bộ, nhằm giúp cho mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng thường xuyên, thuận tiện các dịch vụ tài chính cơ bản, có chi phí thấp và phù hợp với khả năng chi trả của họ. Việc thực thi tài chính toàn diện sẽ là sự đóng góp quan trọng cho quá trình giảm nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau, để Việt Nam có thể phát triển nhanh, bền vững và hoàn thành những mục tiêu thiên niên kỷ của mình”.
Được sự hỗ trợ của WB, NHNN đang trong quá trình xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện trên cơ sở tiếp cận tổng thể, trong đó tài chính toàn diện được định nghĩa là việc tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính cơ bản của cá nhân và doanh nghiệp, bao gồm: thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, cho va, bảo hiểm theo nhu cầu, thuận lợi, phù hợp và có chi phí hợp lý. Mặc dù còn đang trong quá trình xây dựng nhưng dự thảo Chiến lược đã xác định một số ưu tiên dự kiến như: đổi mới sản phẩm, dịch vụ, chú trọng tài chính dựa trên nền tảng công nghệ số; cung cấp dịch vụ tài chính tới các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa; người nghèo, người yếu thế, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm và dịch vụ; tang cường bảo vệ người tiêu dung và phổ biến kiến thức tài chính. Việc thiết kế và xây dựng được một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện hiệu quả sẽ tạo ra nền tảng, lộ trình và định hướng giúp Việt Nam thực hiện thành công các cải cách, qua đó hoàn thành các mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia.
Hiện nay NHNN là cơ quan chủ trì về tài chính toàn diện nói chung và xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện nói riêng, tuy nhiên tài chính toàn diện gồm rất nhiều bên liên quan khác nhau ở cả khu vực công và tư nhân. Do đó, để triển khai Chiến lược thành công đòi hỏi sự tham gia và phối hợp giữa các bên thông qua một cơ chế điều phối hiệu quả trong Chính phủ và giữa Chính phủ với khu vực tư nhân. Kinh nghiệm từ quốc tế và các nước trong khu vực (Indonesia, Philippins, Malaysia,…) cũng sẽ chỉ ra tầm quan trọng của một cơ chế điều phối hiệu quả đối với sự thành công của việc triển khai tài chính toàn diện.
Phiên thảo luận về dự thảo Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và Cơ chế điều phối do ông Nimal A. Fernando, Chuyên gia tư vấn từ WB điều phối với các diễn giả: Bà Lê Phương Lan, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN); Ông Nguyễn Việt Hưng, Trưởng Phòng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính); Ông Phan Cử Nhân, Ngân hàng Chính sách xã hội; Bà Nguyễn Tuyết Mai, Trung tâm tư vấn phát triển nguồn lực tài chính vi mô doanh nghiệp vừa và nhỏ; Ông Douglas Randall, Chuyên gia lĩnh vực tài chính (WB); Ông Kennedy Komba, Trưởng Ban Chiến lược và Quan hệ thành viên, Liên minh tài chính toàn diện (AFI). Các diền giả chia sẻ nhiều thông tin thực tiễn ở Việt Nam, kinh nghiệm của các nước trên thế giới khi xây dựng Chiến lược, sự phối hợp giữa các bên liên quan để xây dựng Chiến lược, cơ chế phối hợp,…
Phiên thảo luận
Buổi chiều Hội thảo tiếp tục với những chia sẻ kinh nghiệm triển khai tài chính toàn diện ở Indonesia; Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện của Malaysia và Tanzania và thực trạng cơ sở dữ liệu về tài chính toàn diện ở Việt Nam.
Hội thảo đã nhận được nhiều thông tin hữu ích, thiết thực từ những trao đổi, thảo luận giữa các chuyên gia quốc tế và Việt Nam, các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước và đại diện ngân hàng thương mại và các định chế tài chính, các đối tác phát triển và những tổ chức, cá nhân, trên cơ sở đó NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung của dự thảo Chiến lược, cùng các cơ chế giúp thực thi Chiến lược trong quá trình triển khai.
Theo sbv.gov.vn