Ngày 08/12/2022, tại Hà Nội, Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học giới thiệu, trao đổi kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Tác động của tài chính toàn diện đến giảm nghèo đa chiều tại Việt Nam” do TS. Trần Thị Thanh Hương - Trưởng bộ môn, Khoa Kế toán - Kiểm toán, Học viện Ngân hàng làm Chủ nhiệm Đề tài. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục NHNN, chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố; một số ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức tài chính vi mô; các trường đại học và đơn vị nghiên cứu. TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN chủ trì Hội thảo.
TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại Hội thảo, các nội dung chính của Đề tài nghiên cứu đã được TS. Trần Thị Thanh Hương - Chủ nhiệm Đề tài trình bày. Theo đó, tài chính toàn diện ngày càng được quan tâm trong quá trình hướng tới phát triển bền vững do mang lại lợi ích kinh tế và xã hội cho nhóm người nghèo nói riêng và cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của các quốc gia nói chung. Tài chính toàn diện là việc các tổ chức tài chính chính thống cung cấp các dịch vụ tài chính một cách trách nhiệm, bền vững cho người dân và tổ chức trong xã hội nói chung, đặc biệt chú trọng đến nhóm yếu thế và thu nhập thấp với chi phí hợp lý.
Ngày 19/11/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ- TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, đánh giá nghèo đa chiều của Việt Nam bao gồm 5 chiều đo lường: Giáo dục, y tế, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin. Với 10 chỉ số đo lường: Trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; tiếp cận dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
TS. Trần Thị Thanh Hương - Trưởng bộ môn, Khoa Kế toán - Kiểm toán, Học viện Ngân hàng - Chủ nhiệm Đề tài trình bày nội dung nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu thực trạng nghèo đa chiều ở Việt Nam cho thấy: Tỷ lệ hộ nghèo có xu hướng giảm nhưng tốc độ giảm nghèo nhìn chung còn chậm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn cao hơn so với thành thị, nhưng khoảng cách đang có xu hướng giảm dần; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tập trung phần lớn ở trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và khu vực duyên hải miền Trung; hộ gia đình có chủ hộ là nam, hộ gia đình có tỷ lệ người phụ thuộc bao gồm trẻ em và người già thì đều có tỷ lệ rơi vào tình trạng nghèo đa chiều cao hơn so với nhóm khác; mức độ thiếu hụt các chiều của nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều quốc gia nhìn chung có xu hướng giảm nhẹ; tăng trưởng kinh tế sẽ tạo những điều kiện cơ bản và cần thiết để giảm nghèo đa chiều, tuy nhiên, một vấn đề quan trọng hơn nữa là duy trì thành quả giảm nghèo trong dài hạn nhằm hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Từ kết quả nghiên cứu, Đề tài đã nêu những khuyến nghị thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện bao gồm: Đẩy mạnh mức độ tiếp cận tài chính toàn diện; đẩy mạnh mức độ sử dụng dịch vụ tài chính; phát triển tài chính số; tăng cường giáo dục tài chính và tăng cường bảo vệ người tiêu dùng tài chính số. Những khuyến nghị nhằm giảm nghèo đa chiều bao gồm: Thúc đẩy phát triển tài chính vi mô; thúc đẩy việc làm có năng suất nhằm tăng thu nhập cho người lao động; nâng cao hiệu quả của các chương trình, chính sách giảm nghèo.
Hội thảo đã nhận được các ý kiến trao đổi và thảo luận của các đại biểu tham gia. Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN mong muốn nhóm nghiên cứu sẽ có những bổ sung, cập nhật các vấn đề liên quan đến thực tại hiện nay cho Đề tài và hy vọng các ý kiến được trình bày, trao đổi tại Hội thảo sẽ góp phần cùng nhóm nghiên cứu đưa những ý tưởng nghiên cứu trở thành các giải pháp thực tiễn trong cuộc sống.
NH