Ngày 18/4/2019, Viện Chiến lược Ngân hàng NHNN Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học giới thiệu kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ: “Nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)”.
Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo
Cuộc Hội thảo do Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, NHNN Nguyễn Thị Hiền chủ trì, có sự tham gia của đại diện NHCSXH Việt Nam, đại diện các Vụ, cục, đơn vị NHNN, đại diện một số trường đại học, viện nghiên cứu và đại diện các tổ chức tín dụng.
Trình bày các nội dung chính của đề tài nghiên cứu, Ts. Trần Hữu Ý, Giám đốc Trung tâm đào tạo Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), Chủ nhiệm đề tài, cho biết, đồng bào các DTTS ở Việt Nam chiếm tỷ lệ khoảng 15% tổng dân số cả nước, nhưng lại chiếm đến hơn 50% tổng số hộ nghèo và thu nhập bình quân chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Do đặc điểm cư trú của đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, miền biên giới còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, Đảng và Nhà nước, Ngành Ngân hàng đã ban hành nhiều chính sách đối với các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, trong đó, có chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho đồng bào DTTS giúp đồng bào cải thiện cuộc sống, hội nhập với xu hướng phát triển chung của cả nước, tiến tới giảm nghèo bền vững, đồng thời góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định xã hội ở các địa phương.
Ts. Trần Hữu Ý - Chủ nhiệm đề tài tại cuộc hội thảo
Theo đánh giá của TS. Ý, Nguồn vốn dành riêng cho hộ đồng bào DTTS có sự tăng trưởng đều qua các năm trong giai đoạn nghiên cứu của đề tài (từ 2014 – 5/2017). Năm 2014 mới chỉ có 0,52%, sang năm 2015 đã tăng lên đáng kể, đạt tới 1,5% trong tổng nguồn vốn của NHCSXH, và năm 2016 là 1,36%. Mức vay chương trình hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn cũng được nâng lên từ 5 triệu đồng/hộ lên mức 8 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS tại NHCSXH đã đầu tư cho gần 100% hộ đồng bào DTTS tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tại vùng sâu, vùng xa, có những hộ đã vay được vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng chính sách. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết được những vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống đồng thời giúp hộ đồng bào DTTS nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo thêm việc làm, giảm bớt khó khăn, giảm bệnh tật, thất học, góp phần phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng chính sách còn góp phần thay đổi nhận thức của bà con các DTTS, giúp bà con tự tin hơn trong việc quyết định các phương án sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, từ đó góp phần giảm tệ nạn xã hội, cải thiện tình hình an ninh địa phương.
Tại hội thảo, các đại biểu tham gia đều nhất trí cho rằng chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng DTTS có ý nghĩa quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển hài hòa các vùng miền, đồng thời đảm bảo ổn định xã hội, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh – quốc phòng, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, các vùng miền còn khó khăn. Tuy vậy, việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, mà có nguyên nhân xuất phát từ cả phía ngân hàng hàng (nguồn vốn cho vay, chất lượng tín dụng, cán bộ..), cũng như phía người vay (trình độ dân trí, năng lực sử dụng vốn vay, tình trạng di cư, ý thức trả nợ). Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân của việc bố trí nguồn lực, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan chưa đồng bộ, tích cực. Từ đó, Nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS. Các đại biểu tham dự cũng đề xuất ý tưởng để nâng cao hiệu quả các chính sách cho vay.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, NHNN Nguyễn Thị Hiền phát biểu tại hội thảo
Kết luận cuộc hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, NHNN Nguyễn Thị Hiền đánh giá cao đề tài nghiên cứu và cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo. Bà Hiền cho biết, NHNN đang xây dựng chương trình giáo dục tài chính toàn diện và sẽ quyết liệt triển khai trong thời gian tới, trong đó đặc biệt chú trọng giáo dục kiến thức tài chính cho cộng đồng, nhất là các đối tượng còn có khó khăn trong việc tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, trong đó có đồng bào và phụ nữ DTT. Hiện nay,NHNN đang tích cực triển khai rộng rãi các chương trình truyền thông về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, các chương trình tín dụng chính sách thông qua các kênh truyền hình, truyền thanh, điển hình như chương trình “Tiền khéo, tiền khôn”, chương trình “Ví tiền của bạn”. Về chính sách đối với đồng bào DTTS, Bà Hiền cũng nhấn mạnh,một mình Ngân hàng CSXH không thể giải quyết tận gốc vấn đề phát triển kinh tế khu vực đồng bào DTTS mà cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và các cơ quan ban ngành liên quan.
Theo sbv.gov.vn