Với mục tiêu tạo diễn đàn kết nối giữa các nhà khoa học, các chuyên gia thực tiễn đến từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngân hàng thương mại, các nhà quản lý với các nhóm/doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech, ngày 04/10/2021, Học viện Ngân hàng đã phối hợp với Câu lạc bộ Khối đào tạo và nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Ban Hỗ trợ khởi nghiệp, Nhóm triển khai nhiệm vụ thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Vai trò ngân hàng trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Fintech”. Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động triển khai nhiệm vụ thuộc Đề án 844 do Học viện Ngân hàng chủ trì. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức online qua nền tảng Zoom.
Quang cảnh Hội thảo tại Học viện Ngân hàng
Khái niệm Fintech ra đời và được xem là một làn sóng mới làm thay đổi toàn bộ cách thức cung ứng và vận hành các dịch vụ tài chính cũng như mô hình tổ chức đã có từ trước đến nay. Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, số lượng các công ty Fintech đã tăng gấp gần 3 lần từ khoảng 40 công ty cuối năm 2017 lên tới khoảng 115 công ty ở thời điểm cuối năm 2020. Xét về thị phần, mặc dù tỷ trọng các công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán đã giảm so với toàn thị trường, nhưng cùng với lĩnh vực cho vay ngang hàng vẫn là một trong hai lĩnh vực chủ đạo. Tính đến cuối quý II/2021, Việt Nam có 43 nhà cung cấp dịch vụ phi ngân hàng được cấp phép, với 5 ví điện tử lớn nhất là MoMo, Payoo, Moca, Zalo Pay và ViettelPay. Doanh thu lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD năm 2020 và được dự báo trên 15 tỷ USD năm 2021 khi nhiều sản phẩm đang gia tăng mạnh, nhất là trong các thanh toán qua điện thoại di động, Internet và ví điện tử.
Việt Nam có cơ hội phát triển Fintech rất lớn với dân số hơn 98 triệu người, khoảng 70% dân số chưa tiếp cận được hoặc đang tiếp cận một cách hạn chế dịch vụ ngân hàng, cơ hội tại Việt Nam vẫn rộng mở cho những công ty có khả năng cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, Fintech ở Việt Nam hiện mới phát triển ở giai đoạn đầu do hệ sinh thái còn đang trong quá trình hoàn thiện, đồng thời lĩnh vực này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có khuôn khổ pháp lý, vốn và nguồn lực con người.
Cùng với sự ra đời của Fintech là sự xuất hiện của hàng loạt công ty khởi nghiệp kèm theo một hệ sinh thái liên quan đã mở ra những cơ hội hợp tác và đầu tư cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Gần đây, Vụ Thanh toán - NHNN cũng đã và đang nỗ lực nghiên cứu cho sự ra đời của cơ chế thử nghiệm Sandbox dành cho các công ty Fintech. Trên thị trường, sự tương tác giữa ngân hàng với các công ty Fintech nói riêng và sự tương tác giữa ngân hàng với hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech nói chung đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của cả cơ quan quản lý và các chuyên gia.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Thắng - Trưởng Ban cố vấn Làng Fintech, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) trình bày tham luận về “Vị thế của các ngân hàng thương mại trong thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Fintech Việt Nam”; ông Phạm Mạnh Thắng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trình bày tham luận “Xây dựng hệ sinh thái số Vietcombank - Chiến lược hợp tác với Fintech”; ông Phạm Xuân Hòe - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng - NHNN trình bày tham luận “Cơ chế thử nghiệm (Sandbox) cho Fintech cần tư duy vượt trội”.
Phần thảo luận gồm nhiều ý kiến chia sẻ của các chuyên gia về hệ sinh thái Fintech, các thông lệ và kinh nghiệm quốc tế về các quy định và sáng kiến pháp lý nhằm hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của hệ sinh thái Fintech, chính sách hỗ trợ vốn từ khu vực công và các quỹ tư nhân cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech cùng những phương thức đào tạo để phát triển lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Từ đó, các chuyên gia đã đưa ra các giải pháp phát triển công nghệ, đổi mới tư duy, sáng tạo để phù hợp với thị trường hiện nay. Một số giải pháp và kiến nghị được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo như sau:
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước:
- Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp và người dân nhằm phát triển kinh tế số, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng ngân hàng số tại các ngân hàng thương mại;
- Các chính sách quản lý đối với lĩnh vực Fintech cần theo kịp và lường trước được sự phát triển nhanh chóng của công nghệ;
- Công tác kiểm tra, giám sát tuân thủ cần dựa nhiều vào công nghệ để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, phát triển thị trường Fintech an toàn lành mạnh;
- Cần sớm ban hành các quy định, khung pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin khách hàng;
- Cần sớm ban hành văn bản pháp lý cho phép cơ chế thử nghiệm Sandbox cho ngân hàng và hệ sinh thái Fintech.
Đối với các ngân hàng thương mại:
- Cần có chiến lược thích hợp về lộ trình chuyển đổi số; xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn lực phù hợp với chuyển đổi số theo từng giai đoạn, chú trọng hệ thống an ninh bảo mật; xây dựng hệ sinh thái ngân hàng hướng tới phục vụ khách hàng trải nghiệm đa dạng hóa dịch vụ và cá thể hóa;
- Hợp tác nghiên cứu, liên kết đối tác kinh doanh giữa ngân hàng và Fintech; hỗ trợ, hợp tác xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Fintech;
- Cần xây dựng nguồn nhân lực phù hợp, đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo nguồn nhân lực ngân hàng số.
Khuyến nghị từ các chuyên gia sẽ là nguồn thông tin quý giá đối với các cơ quan quản lý Nhà nước nói chung, NHNN nói riêng trong tiến trình xây dựng và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam phát triển phù hợp với định hướng của Chính phủ.
TK