Sáng ngày 15/6/2018 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Ngành Ngân hàng Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương chủ trì.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo có các diễn giả là các chuyên gia về công nghệ tài chính, ngân hàng và hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia từ NHNN, Bộ Khoa học và Công nghệ, các ngân hàng thương mại, các công ty công nghệ và đông đảo các phóng viên báo chí đến dự và đưa tin.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh, tác động đến mọi mặt trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Mặc dù không nằm trong 9 khu vực, lĩnh vực được đánh giá là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của CMCN 4.0, nhưng làn sóng công nghệ mới này cũng đang tạo ra những thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, đặc biệt làm thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Phát biểu khai mạc, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định: Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của Cuộc CMCN 4.0 bắt đầu manh nha từ năm 2000 và được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số, đặc trưng bởi mạng Internet ngày càng phổ biến và kết nối Internet di động, bởi các cảm biến nhỏ, mạnh hơn với giá thành rẻ hơn, bởi điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn… giúp tự động hóa hơn nữa quá trình sản xuất. CMCN 4.0 có đặc điểm là thông minh hóa sản xuất, mang tính tích hợp cao, linh hoạt và có tác động mạnh mẽ tới mọi ngành nghề, quốc gia. Điều khiến CMCN 4.0 trở nên khác biệt với các cuộc cách mạng trước đó chính là sự dung hợp của các công nghệ và sự tương tác của chúng trên các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học.
Trong cuộc cách mạng này, các công nghệ mới nổi và sự đổi mới sáng tạo trên diện rộng được khuếch tán nhanh hơn và rộng rãi hơn so với những cuộc cách mạng trước, làm thay đổi căn bản, toàn diện cách thức chúng ta sản xuất, sinh sống, làm việc và tương tác lẫn nhau. Ngành ngân hàng Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của cuộc cách mạng này.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Phó Thống đốc cho biết, thời gian qua nhằm chủ động thích ứng và phát triển bền vững trước bối cảnh CMCN 4.0, các ngân hàng Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào một số công nghệ thành tựu của CMCN 4.0 trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị của mình. Nổi bật nhất là việc triển khai thực tế các công nghệ số nền tảng như: Điện toán đám mây, Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng, giải pháp như xác thực sinh trắc học, trao đổi dữ liệu mở qua giao diện chương trình ứng dụng (open API)… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Sử dụng các kênh phân phối, tiếp cận người dùng trên nền tảng số, các điểm tương tác với khách hàng qua ứng dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội… và ứng dụng các công nghệ số trong cải thiện hiệu quả vận hành hệ thống nội bộ, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, các ngân hàng có thể nâng cao khả năng quản trị quan hệ khách hàng, giúp ngân hàng hiểu biết sâu sắc hơn về thói quen, sở thích khách hàng để cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp, hỗ trợ quản lý danh mục rủi ro. Các công nghệ số, công nghệ mới gắn với CMCN 4.0 không chỉ giúp chuyển dịch kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống từ các chi nhánh, quầy giao dịch, ATM vật lý sang các kênh số hóa, giúp tương tác khách hàng nhiều và hiệu quả hơn; mà còn có khả năng thay đổi mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa, giúp các ngân hàng từng bước trở thành ngân hàng số, cung cấp tiện ích, trải nghiệm mới mẻ và đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng. Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0, các ngân hàng có nhiều cơ hội tiếp cận và mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp đến những người dân hiện chưa có tài khoản ở vùng sâu, vùng xa với chi phí hợp lý, góp phần đẩy mạnh phổ cập tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mở ra từ CMCN 4.0, ngành Ngân hàng cũng đồng thời phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0; thách thức đối với các ngân hàng trong thay đổi mô hình quản trị điều hành, mô hình kinh doanh, cấu trúc sản phẩm dịch vụ thích ứng với xu hướng khách hàng thế hệ số, nền kinh số cũng như thách thức trong phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ bí mật thông tin khách hàng trong kỷ nguyên số.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh chia sẻ: NHNN đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động của ngành nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 ở các mặt sau: (i) Hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, phát triển hạ tầng CNTT, an toàn, bảo mật; (ii) Tăng cường phát triển hạ tầng CNTT; (iii) Đẩy mạng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chính phủ điện tử; (iv) Tích cực hỗ trợ sự phát triển của các công ty Fintech, tổ chức cuộc thi Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính (FCV) lần đầu tiên tại Việt Nam vào Tháng 5/2018; (v) Tăng cường công tác truyền thông và nghiên cứu khoa học về ứng dụng công nghệ thành tựu CMCN 4.0 trong ngành ngân hàng. Thời gian qua, nhiều NHTM đã ứng dụng một số công nghệ, giải pháp của CMCN 4.0 như Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, xác thực sinh trắc học… để tạo ra một số dịch vụ thanh toán số, ngân hàng số; đánh giá hành vi khách hàng, dự đoán doanh thu, nhu cầu thị trường, cảnh báo rủi ro; nhiều ngân hàng bước đầu đã chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa thực thụ như các ngân hàng TpBank với ngân hàng tự động LiveBank, Vpbank với ứng dụng ngân hàng số Timo, OCB với chiến lược chuyển đổi ngân hàng số, Vietcombank với không gian ngân hàng số Digital Lab, Vietinbank với corebank thế hệ mới và kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) hiện đại, MB với ứng dụng trở lý ảo ChatBot phục vụ 24x7 trên mạng xã hội…
Tuy đã chủ động triển khai nhiều hoạt động khác nhau, nhưng để tiếp cận thành công và tận dụng được những lợi thế mà CMCN 4.0 mang lại thì cần có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu về những tác động của CMCN 4.0 đến ngành Ngân hàng, đặc biệt cần phải chỉ ra được những điều kiện triển khai và thích ứng với CMCN 4.0 của ngành.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương cũng đã khắng định: “Ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành chủ động và đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong quản lý và kinh doanh. Dưới sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước và sự năng động của các ngân hàng thương mại, những công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng đồng bộ, hiệu quả trong toàn bộ hệ thống. Sự chủ động này đã tạo ra một nền tảng vững chắc và những lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh mới, khi kinh tế số phát triển, xu thế thanh toán điện tử tăng nhanh, trung tâm kinh tế thế giới dịch chuyển dần từ tây sang đông”.
Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Phạm Đại Dương phát biểu tại Hội thảo
Các đại biểu tại Hội thảo được nghe các diễn giả trình bày về kết quả Ngành Ngân hàng đã triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những thách thức và đưa ra những định hướng giải pháp; Tác động của CMCN 4.0 đối với ngành Ngân hàng; Kinh nghiệm quốc tế về phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trong thời kỳ CMCN 4.0; Và nền tảng cho sự chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng trình bày
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng – Trưởng Tư vấn Chiến lược công nghệ mới cho ngành NH, KPMG
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TP Bank
Ông Pattarapong Kanhasuwan, Phó Chủ tịch điều hành KBank
Ông Vũ Tất Thành, Phụ trách Khối tài chính ngân hàng, Microsoft
Trên cơ sở các phần trình bày của các diễn giả, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia đã thảo luận về: (i) Đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, sâu sắc những tác động của cuộc CMCN 4.0 tới ngành Ngân hàng; trong đó nhận định và chỉ rõ những cơ hội, thách thức mà hệ thống ngân hàng phải đối mặt; (ii) Đi sâu phân tích các xu hướng công nghệ tác động tới việc phát triển các dịch vụ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; Phân tích, làm rõ những điều kiện mà ngành Ngân hàng cần hướng tới triển khai để thích ứng với cuộc CMCN 4.0; trong đó bao gồm những điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ, điều kiện về con người…; (iii) Khuyến nghị về chính sách phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam thích ứng với CMCN 4.0.
Thảo luận bàn tròn: Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN (ngoài cùng bên phải) điều hành Phiên 2
Kết thúc Hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhận định: Tại Hội thảo này, nhiều ý kiến quý báu, hữu ích của các chuyên gia, các cán bộ, các nhà khoa học, nhà quản lý sẽ giúp các NHTM trong nước xác định rõ chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực, mang tính cạnh tranh, tích hợp và bám sát với những công nghệ mới để đầu tư phát triển. Các đơn vị liên quan của NHNN thu được thêm thông tin để đánh giá một cách đầy đủ những tác động, cơ hội, thách thức trong cuộc CMCN 4.0; từ đó có cơ sở trong việc định hướng chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng; xây dựng và ban hành chính sách đối với hoạt động ngân hàng thích ứng với cuộc cách mạng này. Đồng thời, Viện Chiến lược Ngân hàng NHNN - đơn vị chủ trì, đầu mối sẽ tổng hợp báo cáo kiến nghị của Hội thảo gửi các cơ quan hữu quan để đóng góp những luận điểm khoa học làm cơ sở cho việc định hướng và hình thành các giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0.
Theo sbv.gov.vn