Ngày 28/8/2020, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo Khoa học giới thiệu, trao đổi kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc triển khai chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có đại diện một số Vụ, Cục NHNN, đại diện một số ngân hàng thương mại, đại diện một số đơn vị nghiên cứu.
Chủ nhiệm đề tài trình bày tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo TS.Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) cho biết, triển khai chuẩn mực vốn Basel II được coi là giải pháp có tính chiến lược, thay đổi về chất, tạo nền tảng giúp cho hệ thống ngân hàng Việt Nam đầy đủ năng lực đáp ứng cho yêu cầu phát triển và hội nhập. Ngay từ những năm 2014 NHNN đã phê duyệt lộ trình triển khai thực hiện Basel. Xác định đây là việc làm then chốt và vô cùng cần thiết NHNN đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt chú trọng ưu tiên cho việc xây dựng khuôn khổ pháp lý để làm sao khi thực hiện chuẩn mực an toàn vốn Basel II phải đồng thời đảm bảo tuân thủ thông lệ quốc tế nhưng cũng phải phù hợp với đặc điểm Việt Nam, phù hợp với lộ trình để các TCTD triển khai trúng, đúng, thống nhất và giúp cho quá trình giám sát, kiểm tra của NHNN được thuận lợi.
Trình bày các nội dung chính của đề tài nghiên cứu, ThS. Lê Trung Kiên – Phó Cục trưởng Cục giám sát an toàn hệ thống các TCTD, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN cho biết một số nội dung nghiên cứu của Đề tài: Lý luận và kinh nghiệm triển khai áp dụng Chuẩn mực an toàn vốn Basel II; Thực trạng quy định an toàn vốn và triển khai Chuẩn mực an toàn vốn tại Việt Nam; Giải pháp để hoàn thiện hành lang pháp lý về an toàn phù hợp với Chuẩn mực an toàn vốn Basel II.
Về kinh nghiệm triển khai Basel II của một số quốc gia, chủ nhiệm đề tài ThS. Lê Trung Kiên cho biết, có lộ trình triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể, mức độ phát triển của từng quốc gia. Các ngân hàng thuộc nhóm đầu thực hiện phương pháp nâng cao, trong khi ngân hàng quy mô nhỏ thực hiện phương pháp đơn giản. Điều chỉnh hướng dẫn của Ủy ban Basel cho phù hợp với điều kiện, mức độ phát triển của từng thị trường. Nâng cao năng lực thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý, nhất là khi thực hiện theo phương pháp nâng cao.
Đề cập đến quá trình thực hiện quy định an toàn vốn tại Việt Nam trước khi triển khai Basel II, ThS. Lê Trung Kiên cho rằng, Pháp lệnh ngân hàng (1990): chỉ quy định giới hạn số vốn huy động so với vốn tự có của ngân hàng. Quyết định 107/QĐ-NH5 (1992): ngân hàng phải duy trì thường xuyên tỷ lệ tối thiểu giữa vốn tự có với tổng giá trị tài sản ở mức 5%. Tỷ lệ này mới được quy định một cách đơn giản, yêu cầu TCTD phải duy trì một mức vốn tự có cho các hoạt động có rủi ro. Quyết định 297/1999/QĐ-NHNN5 (1999): Tỷ lệ an toàn vốn của TCTD (không bao gồm CN NHNNg) phải duy trì tối thiểu 8% giữa vốn tự có so với tài sản "Có", kể cả các cam kết ngoại bảng được điều chỉnh theo mức độ rủi ro. Quyết định 297 là lần đầu tiên áp dụng quy định về an toàn vốn theo nguyên tắc dựa trên yếu tố rủi ro. Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN (2005): Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% với phương pháp tính toán tiếp cận theo Basel I đối với TCTD, chi nhánh NHNNg. Thông tư 13/2010/TT-NHNN (2010) và Thông tư 36/2014/TT-NHNN (2014): TCTD, CN NHNNg phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9% giữa vốn tự có so với tổng tài sản “Có” rủi ro theo Basel I.
Trao đổi về quá trình triển khai Basel II tại Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài cho biết, tại NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Basel II trong ngành Ngân hàng. Lựa chọn 10 NHTM trong nước thí điểm triển khai Basel II. Xây dựng mẫu biểu và hướng dẫn NHTM phân tích khoảng cách chênh lệch theo 3 trụ cột Basel II, IT và Data so với hướng dẫn Basel II. Xây dựng mẫu biểu và hướng dẫn NHTM thực hiện đánh giá tác động định lượng (QIS). Ban hành khuôn khổ pháp lý để hướng dẫn triển khai 3 trụ cột của Chuẩn mực vốn Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn. Xây dựng Công cụ giám sát CMD để giám sát việc NHTM triển khai Basel II, xây dựng phương án tập trung cơ sở dữ liệu rủi ro qua CIC. Phối hợp với các tổ chức quốc tế, đơn vị tài trợ tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về Basel II.
Còn tại NHTM, thành lập Ban quản lý Dự án triển khai Basel II (PMO) với vai trò đầu mối điều phối việc triển khai Basel II. Phân tích đánh giá chênh lệch thực trạng (về quản trị, dữ liệu, công nghệ thông tin, quy trình quản lý rủi ro,…) so với yêu cầu của Basel II. Thực hiện Đánh giá tác động định lượng QIS (02 lần) tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II theo hướng dẫn của NHNN.Triển khai các dự án để thu hẹp khoảng cách và đáp ứng lộ trình triển khai Basel II.
Đề cập đến ứng dụng của Đề tài, ThS. Lê Trung Kiên cho biết, việc triển khai Basel II đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, sự đầu tư lớn về tài chính, nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin, năng lực thanh tra. NHNN đã ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Thông tư 13/2018/TT-NHNN để triển khai 3 trụ cột theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II. Việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc triển khai Chuẩn mực an toàn vốn Basel II là một trong những ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới trong việc quản lý nhà nước đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo Bà Nguyễn Thị Hiền cho biết thêm, đề tài mang tính ứng dụng thực tiễn rất cao, trực tiếp hỗ trợ cho đơn vị hoạch định chính sách. Đây cũng là minh chứng về vai trò khoa học của công tác nghiên cứu hỗ trợ đắc lực phục vụ cho công tác chuyên môn, phục vụ cho hoạt động của ngành Ngân hàng.
NN
Theo sbv.gov.vn