Quang cảnh buổi Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) không còn là một chủ đề mới, xa lạ với mọi người. Rất nhiều diễn đàn, hội thảo ở nhiều cấp độ đã được tổ chức để bàn luận, đánh giá nhiều khía cạnh khác nhau. Nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, Chính phủ cũng dã được ban hành nhằm nâng cao năng lực tiếp cận, giúp Việt Nam chủ động thích ứng với cuộc CMCN 4.0.
CMCN 4.0 đã tạo ra những đột phá làm thay đổi sâu sắc tới cách con người sống và làm việc, xác định lại các giá trị, và tạo ra các sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới. Xu hướng ngân hàng không giấy sẽ trở nên phổ biến. Đặc biệt, các ngân hàng có thể tận dụng công nghệ để vượt qua rào cản, đưa dịch vụ ngân hàng tới những người dân ở vùng sâu, vùng xa, người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn chưa từng có lịch sử tín dụng, giúp họ tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng phù hợp nhu cầu với chất lượng tốt và chi phí hợp lý.
Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày một số nội dung chính kết quả đề tài
Thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày một số nội dung chính kết quả đề tài nghiên cứu bà Đỗ Bích Hồng, Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết một số kết quả nghiên cứu chính của đề tài bao gồm: Những thành tựu CMCN 4.0 tác động đến sự phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; Các xu hướng trong hệ thống ngân hàng dưới tác động của CMCN 4.0; Xu hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trong bối cảnh CMCN 4.0; Thực trạng ứng dụng các thành tựu CMCN 4.0 trong phát triển sản phẩm, dịch vụ của ngành Ngân hàng và các khuyến nghị chính sách.
Đại diện nhóm nghiên cứu đề tài đưa ra một số khuyến nghị chính sách đối với NHNN như: Nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng như: Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4.
Nhóm nghiên cứu đề tài cũng đưa ra một loạt khuyến nghị chính sách đối với các TCTD về định hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ để thích ứng với công nghệ 4.0 như: Phát triển mô hình sản phẩm lấy khách hàng làm trung tâm. Tối ưu hóa các kênh phân phối sản phẩm, phát triển các kênh phân phối hiện đại với chiến lược phù hợp. Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0: Data Analytics, A.l, open API…tăng trải nghiệm khách hàng, nâng cao hiệu quả đầu tư. Thiết kế sản phẩm tùy biến hơn với nhu cầu của từng khách hàng. Tăng cường quản trị rủi ro an ninh mạng, bảo vệ bí mật khách hàng…
Bên cạnh đó, đại diện nhóm đề tài cũng đưa ra khuyến nghị chính sách đối với Chính phủ, các Bộ ngành như: Hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm...xây dựng các cơ chế, chính sách sách ưu đãi thuế, miễn giảm thuế và ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech (đặc biệt trong giai đoạn đầu)…
Tại buổi hội thảo, ngoài việc nhóm nghiên cứu trình bày các nội dung chính của Đề tài, đại biểu là đại diện NHNN, các chuyên gia tham dự cũng đã trao đổi về các định hướng, giải pháp phát triển ngân hàng số, chuyển đổi số từ góc độ cơ quan quản lý và chia sẻ bài học kinh nghiệm cũng như thực tiễn triển khai số hóa ngân hàng…
NN
Theo sbv.gov.vn