Chiều 21/12/2022, tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng đã phối hợp với Câu lạc bộ Khối Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải thương mại trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam”. TS. Bùi Hữu Toàn - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý là lãnh đạo, đại diện đến từ các vụ, cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân; Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; Đại học Luật Hà Nội; các ngân hàng thương mại; các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu và các cơ quan thông tấn, báo chí…
TS. Bùi Hữu Toàn - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Bùi Hữu Toàn - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng chia sẻ, nền kinh tế nước ta trong những năm trở lại đây đang phát triển theo nhiều chiều hướng khác nhau. Sự phát triển này cũng dẫn đến nhiều hệ quả, đặc biệt là nảy sinh nhiều tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. Kinh tế càng phát triển thì các quan hệ kinh tế, thương mại diễn ra càng đa dạng, phức tạp, giá trị kinh tế, lợi nhuận càng lớn, và nguy cơ phát sinh tranh chấp càng cao. Hay nói cách khác, tranh chấp trong hoạt động kinh doanh thương mại là một phần tất yếu. Tại Việt Nam, các quy định của pháp luật điều chỉnh về trọng tài, hòa giải thương mại mặc dù đã được hình thành, song vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, dẫn đến hệ quả là quá trình áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải thương mại cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải thương mại được các tổ chức tài chính đặc biệt quan tâm. Việc sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hòa giải thương mại sẽ đảm bảo được tối đa quyền lợi của các tổ chức tài chính, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
TS. Bùi Hữu Toàn cho biết, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 33 bài viết và trải qua các vòng phản biện, 25 bài viết đã được đăng toàn văn kỷ yếu. Trong số đó, nhiều bài viết có hàm lượng nghiên cứu cao với việc ứng dụng linh hoạt các phương pháp nghiên cứu hiện đại. Nội dung các bài viết xoay quanh các chủ đề chính bao gồm: (i) Những vấn đề lý luận về thực thi phán quyết trọng tài thương mại, kết quả hòa giải thương mại; (ii) Tác động của việc thực thi phán quyết trọng tài thương mại, kết quả hòa giải thương mại đối với hoạt động của các tổ chức tài chính, tín dụng tại Việt Nam; (iii) Vai trò của cơ quan, tổ chức và cá nhân đối với việc nâng cao hiệu quả thực thi phán quyết trọng tài thương mại, kết quả hòa giải thương mại; (iv) Khảo lược quy định và thực tiễn thực thi phán quyết trọng tài thương mại, kết quả hòa giải thương mại ở một số quốc gia và rút ra bài học cho Việt Nam; (v) Phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn thực thi phán quyết trọng tài thương mại, kết quả hòa giải thương mại ở Việt Nam; (vi) Định hướng giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực tiễn việc thực thi phán quyết trọng tài thương mại, kết quả hòa giải thương mại tại Việt Nam.
Thông qua những bài tham luận, trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, TS. Bùi Hữu Toàn hy vọng sẽ mang lại những kiến thức khoa học và thực tiễn bổ ích, cũng như những trải nghiệm thực sự có ý nghĩa cho các đại biểu tham dự.
PGS.,TS. Phạm Thị Giang Thu - Trung tâm Trọng tài Thương mại và Đầu tư Việt Nam (VTIAC) trình bày tham luận
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe PGS.,TS. Phạm Thị Giang Thu - Trung tâm Trọng tài Thương mại và Đầu tư Việt Nam (VTIAC), Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận: “Vị trí, vai trò và định hướng hoạt động cho các tổ chức tài chính, tín dụng trong việc bảo đảm thực thi kết quả hòa giải thương mại, phán quyết trọng tài thương mại”. PGS.,TS. Phạm Thị Giang Thu cho biết, tranh chấp thương mại là hiện tượng phổ biến xảy ra trong nền kinh tế, làm chậm quá trình lưu thông hàng hóa, quá trình thanh toán và gây tác động xấu đến quan hệ đối tác giữa các bên. Luật Thương mại năm 2005 đã quy định cụ thể về các hình thức giải quyết tranh chấp, như thương lượng, hòa giải giữa các bên do một bên thứ ba làm trung gian hòa giải, Trọng tài, Tòa án. Cơ sở pháp lý về hòa giải thương mại, trọng tài thương mại tại Việt Nam hiện nay khá đầy đủ được thể hiện qua Luật Trọng tài Thương mại năm 2010, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ về Hòa giải thương mại.
PGS.,TS. Phạm Thị Giang Thu cũng phân tích về khả năng triển khai phương thức hòa giải thương mại. Đặc biệt là bảo đảm thực thi kết quả hòa giải thương mại, trọng tài thương mại trong việc giải quyết tranh chấp của các tổ chức tài chính, tín dụng; đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phương thức giải quyết tranh chấp bằng đường hòa giải thương mại, trọng tài thương mại của tổ chức tín dụng (TCTD), gồm: (i) Xác định rõ các loại hình tranh chấp cùng với đặc điểm của tranh chấp do các TCTD thực hiện và chỉ rõ tính ưu việt của phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải thương mại hoặc trọng tài thương mại; (ii) Đưa phương án giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại mà một bên là TCTD là phương án ngang bằng với các phương án giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài và con đường tòa án; (iii) Xây dựng điều khoản giải quyết tranh chấp bằng hòa giải hoặc trọng tài thương mại trong hợp đồng hoặc thỏa thuận mẫu về áp dụng phương pháp hòa giải hoặc trọng tài thương mại; (iv) Xây dựng quan điểm thống nhất về việc cần thiết sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải thương mại trong hệ thống tổ chức tư vấn pháp lý nội bộ của TCTD; (v) Đào tạo cán bộ nhân viên, phổ biến kiến thức về giải quyết tranh chấp nói chung và giải quyết tranh chấp bằng hình thức hòa giải thương mại, trọng tài thương mại nói riêng; xây dựng hệ thống thư viện pháp lý liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động và giải quyết tranh chấp; (vi) Lựa chọn các trung tâm hòa giải thương mại chuyên sâu về lĩnh vực tài chính - ngân hàng cùng đội ngũ hòa giải viên có trình độ chuyên môn tốt, hỗ trợ đắc lực cho việc tạo ra hiệu quả; (vii) Tư vấn và giải thích cho khách hàng, đối tác thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp; và (viii) Khi giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên cần mềm dẻo thực hiện thương lượng như là một bước đầu tiên nhằm đối thoại để làm rõ các vướng mắc, nguyên nhân và nhất trí về cách khắc phục.
TS. Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN trình bày tham luận
Với tham luận: “Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”, TS. Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN chia sẻ những thông lệ tốt về giải quyết tranh chấp vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng tài chính, như của Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD); những kinh nghiệm trong cơ chế giải quyết tranh chấp vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng tài chính - ngân hàng của Malaysia và Indonesia, bài học cho Việt Nam. TS. Phạm Minh Tú cũng nêu ra thực trạng giải quyết tranh chấp vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng tài chính - ngân hàng tại Việt Nam hiện nay, về khung khổ pháp lý, về các tổ chức tiếp nhận và xử lý tranh chấp, những tồn tại, hạn chế; đồng thời đề xuất các giải pháp định hướng sau: Thứ nhất, NHNN cần xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý khiếu nại của khách hàng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước, áp dụng cho mọi loại hình sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; thứ hai, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính, giúp người dân nâng cao hiểu biết để tự bảo vệ bản thân, đưa ra các quyết định phù hợp về sản phẩm, dịch vụ tài chính, có ý thức tôn trọng pháp luật và đảm bảo hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính; thứ ba, 5 cơ quan chủ đạo tham gia vào tiếp nhận và xử lý tranh chấp lĩnh vực tài chính - ngân hàng cần chủ động xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp và chặt chẽ để có thể có những phối hợp, hỗ trợ cần thiết, giải quyết kịp thời những vụ khiếu nại có tính tập thể, có thể mang đến rủi ro cho hệ thống tài chính - ngân hàng.
Luật sư Nguyễn Văn Phúc - Trưởng phòng Pháp chế Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình trình bày tham luận
Bàn về thực trạng pháp luật và thực tiễn thực thi phán quyết trọng tài thương mại ở Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Phòng Pháp chế, Ban Pháp chế và Tuân thủ Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình cho rằng: Một số bất cập dẫn đến việc các TCTD hoặc khách hàng không ưu tiên lựa chọn giải quyết tranh chấp tại trọng tài. Về mặt pháp lý, trọng tài thương mại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp có giá trị pháp lý độc lập với các phương thức tranh chấp tại Tòa án, hòa giải thương mại. Tuy nhiên, sở dĩ số vụ việc giải quyết tại trọng tài thương mại không cao, đặc biệt các TCTD thường không lựa chọn trọng tài làm phương thức ưu tiên khi giải quyết tranh chấp tín dụng bởi các quy định pháp luật về trọng tài thương mại còn nhiều hạn chế và chưa thực sự thuận lợi cho các TCTD, cụ thể:
Một là, tính quyền lực Nhà nước của phương thức giải quyết tranh chấp: Các khách hàng sử dụng dịch vụ của các TCTD đại đa số là khách hàng cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, mức độ hiểu biết về phương thức giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại thấp nên các khách hàng vẫn thường ưu tiên quyền lực nhà nước cao nhất.
Hai là, thủ tục tố tụng. Mức độ phổ biến của quy tắc tố tụng trọng tài rất hạn chế, không thực sự công khai, các bên không nắm rõ đầy đủ thông tin về quy tắc tố tụng này, dẫn đến tâm lý e ngại khi lựa chọn. Thay vào đó, các khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn những phương thức an toàn, chắc chắn và rõ ràng về mặt thủ tục.
Ba là, thủ tục tiếp nhận và thụ lý phán quyết của trọng tài. Trên thực tế, nhiều trường hợp các TCTD yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xác nhận phán quyết trọng tài không bị tuyên hủy đều không nhận được câu trả lời từ phía Tòa án, dẫn tới hồ sơ thi hành tại cơ quan thi hành án dân sự bị chậm hoặc không được tiếp nhận do không xác nhận được tình trạng pháp lý của phán quyết. Hơn nữa, việc xác định tình trạng pháp lý của phán quyết trọng tài là trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự hay đương sự còn chưa được quy định rõ, dẫn tới khó khăn trong công tác thụ lý thi hành án.
Bốn là, thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng và đầy đủ để các TCTD ưu tiên áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp tại trọng tài trong các giao dịch cấp tín dụng có tài sản bảo đảm, nhất là với bất động sản.
Năm là, việc yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có quy định về quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại Tòa án. Do đó, chính cơ chế này dường như đã triệt tiêu đi ưu thế về thời gian giải quyết nhanh và phán quyết của trọng tài là chung thẩm.
Sáu là, chi phí trọng tài là tốn kém hơn chi phí Tòa án.
TS. Nguyễn Mai Dung- Học viện Ngân Hàng chia sẻ về vấn đề pháp luật trong giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng thông qua phương thức trọng tài thương mại
Trao đổi về vấn đề pháp luật trong giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng thông qua phương thức trọng tài thương mại, TS. Nguyễn Mai Dung- Học viện Ngân hàng đã nêu các phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng, đó là: Giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, việc áp dụng phương thức này trong lĩnh vực ngân hàng rất linh hoạt, nhưng tính khả thi không cao vì quá trình thương lượng thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của các bên; giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại - đặc trưng của phương thức này trong lĩnh vực ngân hàng là đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, linh hoạt, hiệu quả và ít tốn kém; giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thể hiện nhiều ưu điểm và mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng và khách hàng khi có tranh chấp…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi của các đại biểu, đây là cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu viên, người làm thực tế học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực trọng tài và hòa giải thương mại, đánh giá những quy định của pháp luật hiện hành về thực thi phán quyết trọng tài thương mại, kết quả hòa giải thương mại và những vấn đề còn tồn tại trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, từ đó đặt ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hạn chế hiện nay.
Thu Thủy