Keywords: International integration, banking, challenges, solutions.
Đặt vấn đề
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì hội nhập quốc tế đang trở thành một xu thế tất yếu ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Hòa cùng dòng chảy hội nhập quốc tế của đất nước ta, việc thúc đẩy hội nhập ngành Ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng và đưa quan hệ của nước ta đến gần hơn với các đối tác quốc tế, từ đó mang lại những lợi thế và đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc hội nhập quốc tế ngành Ngân hàng là nền tảng giúp nước ta thu hút dòng vốn nước ngoài lớn vào nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống ngân hàng nâng cao tính thanh khoản và tiếp cận các nguồn vốn có chi phí thấp trên thế giới. Thêm vào đó, quá trình hội nhập quốc tế tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, học hỏi kiến thức, kĩ năng của các quốc gia tiến bộ vào công cuộc phát triển đất nước. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả những cơ hội của quá trình hội nhập quốc tế thì phải giải quyết hiệu quả một số thách thức, bất cập đang hiện hữu như: Yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ am hiểu và vận dụng hiệu quả pháp luật quốc tế; rào cản về ngôn ngữ; sự khác biệt văn hóa, pháp lí giữa các quốc gia; sự cạnh tranh của các ngân hàng trong và ngoài nước… Theo đó, các ngân hàng cần chủ động thích ứng và mạnh dạn thay đổi nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế sâu, rộng và hiệu quả hơn, góp phần đưa ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung phát triển bền vững.
1. Sự cần thiết của việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng
Việc hội nhập quốc tế diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội, trong đó không thể thiếu ngành Ngân hàng. Theo đó, ngành Ngân hàng được biết đến chính là “huyết mạch” của nền kinh tế đất nước, đóng vai trò trung gian hỗ trợ nền kinh tế huy động nguồn lực về tài chính để phát triển đất nước. Ngân hàng không trực tiếp tạo ra vật chất, của cải cho xã hội nhưng là chủ thể điều khiển dòng tiền, đảm bảo dòng tiền sử dụng đúng mục đích, thúc đẩy phát triển đất nước cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng sẽ là một nền tảng cần thiết trong việc thu hút dòng vốn nước ngoài, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế. Theo đó, chỉ tính riêng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), trong hai quý đầu năm 2022 đã nhận được khoản vay hợp vốn quy mô 700 triệu USD kèm quyền chọn gia tăng thêm 300 triệu USD đến từ 26 ngân hàng quốc tế - khoản vay hợp vốn trung và dài hạn lớn nhất được thu xếp cho một ngân hàng thương mại tại thời điểm này ở Việt Nam. Hội nhập quốc tế đã tạo nên một nguồn vốn lớn giúp cho các ngân hàng nâng cao tính thanh khoản và dễ dàng hơn trong việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, tiếp thu các kinh nghiệm, kiến thức phong phú từ các tổ chức tài chính uy tín, lâu đời trên thế giới. Từ đó, giúp cho ngành Ngân hàng nâng cao được năng lực quản lí rủi ro, áp dụng những công nghệ hiện đại vào trong lĩnh vực của mình, đưa ra những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho người dân.
Nhiều ngân hàng đã nắm bắt từ rất sớm các cơ hội từ quá trình hội nhập quốc tế. Điển hình như Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đã hợp tác với Opportunity Network cung ứng dịch vụ kết nối 28.000 doanh nghiệp ở hơn 120 quốc gia từ năm 2018 để tìm kiếm đối tác mua, bán hàng hóa, huy động vốn và mở rộng thị trường; hợp tác cùng Amazon từ năm 2021 cung cấp dịch vụ ngân hàng số trên điện toán đám mây; trở thành đối tác lớn và uy tín của nhiều tổ chức trong và ngoài nước trên lĩnh vực mua bán ngoại hối... Qua đó, nhờ vào sự hợp tác này đã giúp cho các giao dịch tài chính, thanh toán của khách hàng được thực hiện dễ dàng hơn, đảm bảo tính an toàn, minh bạch và nâng cao việc áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng. Nhờ vậy, VietinBank đã xác lập kỉ lục 5 năm liền (từ năm 2018 đến năm 2022) nhận được giải thưởng Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất Việt Nam do Tạp chí uy tín thế giới Global Finance công bố. Thêm vào đó, thông qua sự hợp tác quốc tế đã giúp cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành 5 loại thẻ quốc tế American Express, Visa, Mastercard, JCB, UnionPay từ năm 1990. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng thì quá trình hội nhập quốc tế cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thâm nhập vào thị trường quốc tế, cũng như mở rộng mạng lưới kinh doanh. Có thể kể đến, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 6 dự án đầu tư tại nước ngoài, gồm: Ngân hàng liên doanh Lào - Việt (LVB) tại Lào, Công ty Bảo hiểm Lào Việt (LVT), Văn phòng đại diện tại Đài Loan (Trung Quốc), Văn phòng đại diện tại Liên bang Nga, BIDV - Chi nhánh Yangon tại Myanmar và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) tại Campuchia.
Qua những số liệu trên có thể thấy được sự cần thiết và xu hướng tất yếu của ngành Ngân hàng là hội nhập quốc tế, cũng như những lợi ích và thành tựu đáng kể thông qua quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam mà ngành Ngân hàng đã đạt được. Do đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
2. Thách thức đặt ra trong hoạt động hội nhập quốc tế lĩnh vực ngân hàng
Quá trình hội nhập quốc tế đã giúp cho ngành Ngân hàng có nhiều cơ hội hợp tác đối với các tổ chức, doanh nghiệp tài chính lớn trên thế giới. Qua đó, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khách hàng, cũng như nâng cao kinh nghiệm, năng lực quản lí rủi ro, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, đáp ứng được các nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng. Tuy nhiên, để tận dụng được tối đa những lợi ích mà quá trình hội nhập quốc tế mang lại, đòi hỏi ngành Ngân hàng phải nỗ lực hơn nữa trong việc thay đổi toàn diện, cả bên trong lẫn bên ngoài. Sau đây là một số thách thức nổi bật của ngành Ngân hàng có thể gặp phải trong quá trình hội nhập quốc tế:
Một là, hệ thống ngân hàng chịu áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Quá trình mở cửa mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam tạo không ít điều kiện về vốn, cơ hội tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng trong nước. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập cũng mở ra cơ hội cho các ngân hàng nước ngoài tham gia vào thị trường trong nước. Các ngân hàng này đưa ra các khuyến mại, ưu đãi cho các sản phẩm, dịch vụ, khách hàng sẽ cân nhắc các ưu điểm của từng ngân hàng mà lựa chọn sản phẩm, dịch vụ.
Hai là, càng tham gia hội nhập thì hệ thống ngân hàng càng cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, am hiểu khoa học kĩ thuật, có trình độ ngoại ngữ. Đánh giá một cách khách quan, nguồn nhân lực hiện nay vẫn chưa đồng bộ, vẫn còn những nhân viên trình độ chuyên môn chưa cao cũng như chưa có khả năng am hiểu về công nghệ kĩ thuật tiên tiến.
Ba là, quá trình hội nhập quốc tế làm gia tăng các giao dịch vốn ở phạm vi trong và ngoài nước, dẫn đến các rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Nếu luồng vốn vào ngày càng tăng mạnh có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế nóng, tiền cung ứng tăng quá mức so với tăng trưởng GDP thực tế. Điều này gây áp lực lạm phát và biến động về tỉ giá hối đoái, cũng như tiềm ẩn rủi ro về cán cân thanh toán và tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
3. Một số giải pháp
Với các thách thức như vậy, ngành Ngân hàng thời gian tới cần nhiều sự nỗ lực và quan tâm của Chính phủ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan. Một số giải pháp được khuyến nghị như sau:
Một là, các ngân hàng trong nước cần có những giải pháp nhằm tận dụng cơ hội mà quá trình hội nhập quốc tế mang lại để tăng sức cạnh tranh đối với các ngân hàng, tổ chức tài chính ở nước ngoài. Hội nhập sẽ mang lại cho các ngân hàng trong nước rất nhiều cơ hội để phát triển, tuy nhiên để có thể tận dụng tốt các cơ hội đó, đòi hỏi các ngân hàng phải nhanh chóng, sớm tận dụng quá trình hội nhập để tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi những kĩ năng, kiến thức của các tổ chức, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới.
Hai là, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực am hiểu chuyên môn lẫn khoa học kĩ thuật, chú trọng áp dụng công nghệ số vào trong hoạt động ngân hàng nhằm phục vụ cho thời đại hội nhập quốc tế. Theo đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì đòi hỏi cần phải đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tổ chức các khóa học nâng cao, tạo cơ hội cho nhân viên có thể tiếp cận khoa học kĩ thuật, kiến thức từ bên ngoài thông qua việc tăng cường hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, đối với những ngân hàng tiên phong trong việc áp dụng khoa học kĩ thuật với nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần có những chiến lược lâu dài hơn để tuyển dụng cũng như giữ nhân tài cho chính tổ chức của mình. Ngoài ra, bên cạnh việc đào tào nguồn nhân lực nội bộ thì cũng nên có sự đầu tư và chú trọng trong việc đưa kiến thức mới và những kĩ năng thực tiễn cần thiết vào trong đào tạo và giảng dạy cho những thế hệ tương lai.
Ba là, cần nâng cao năng lực quản lí, thanh tra, giám sát chặt chẽ đối với các giao dịch vốn trong quá trình hội nhập quốc tế. Do quá trình mở cửa thị trường, xóa bỏ các hạn chế nhằm thúc đẩy hội nhập toàn cầu dẫn đến tình trạng gia tăng các giao dịch vốn ở phạm vi trong và ngoài nước, dễ dẫn tới rủi ro thanh khoản. Do đó, Nhà nước cần dự liệu được trước những kịch bản có thể xảy ra và dự phòng trước các biện pháp đối phó phù hợp nhằm đảm bảo ổn định nền kinh tế vĩ mô nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Đặc biệt hơn, cần xác định rõ cơ chế mở cửa, xóa bỏ từ từ các hạn chế, đảm bảo sự kiểm soát, thanh tra, giám sát chặt chẽ các giao dịch vốn dựa trên mục tiêu kinh tế, cũng như các quy định của Nhà nước đưa ra, đảm bảo cho các ngân hàng luôn kiểm soát được các giao dịch vốn trong và ngoài nước, không rơi và tình trạng mất dần kiểm soát và gây ra biến động về tỉ giá hối đoái.
Kết luận
Xu thế chung của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng. Ngành Ngân hàng đã và đang có những nỗ lực đáng kể nhằm từng bước thực hiện công cuộc hội nhập quốc tế và đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó thì hệ thống ngân hàng cũng gặp không ít các khó khăn, thử thách trong quá trình hội nhập quốc tế, đòi hỏi phải vượt qua. Chính vì thế, việc phân tích, đánh giá được sự cần thiết của hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng cũng như chỉ ra các khó khăn, thách thức mà hệ thống ngân hàng đang gặp phải và từ đó đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng phát triển mạnh mẽ và bền vững là điều rất quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Hương Giang (2022), “Ngân hàng mở rộng tiến trình hội nhập quốc tế”, Thời báo Ngân hàng, https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-mo-rong-tien-trinh-hoi-nhap-quoc-te-132434.html, truy cập ngày 01/5/2023.
2. Lê Viết Huyến (2008), “Tăng cường hợp tác đào tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của các ngân hàng thương mại Việt Nam”, Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ, số 21.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2008), “Tự do hóa giao dịch vốn và sự ổn định khu vực tài chính Việt Nam”, https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/m/menu/trangchu/ddnhnn/nctd/nctd truy cập ngày 01/5/2023.
4. Tô Huy Vũ (2019), “Hội nhập kinh tế quốc tế ngành Ngân hàng giúp thu hút nguồn vốn lớn chi phí thấp”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/m/menu/trangchu/ttsk/
ThS. Trịnh Tường Khiêm (Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh)
ThS. Trần Linh Huân, Lê Phạm Anh Thơ (Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh)