Ngày 01/7/2018, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Nguyên, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã long trọng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018 với chủ đề “Thái Nguyên - Tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Hội nghị có khoảng 800 đại biểu tham dự gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp, doanh nhân trong nước và quốc tế. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng dẫn đầu đoàn đại biểu ngành Ngân hàng tham dự Hội nghị.
Cấp giấy chứng nhận đầu tư, cam kết cấp vốn tín dụng cho nhiều dự án
Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Đ/c Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 là sự kiện quan trọng, là cơ hội tốt để tỉnh Thái Nguyên quảng bá, giới thiệu về các tiềm năng, thế mạnh, các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, các lĩnh vực, các dự án, công trình trọng điểm kêu gọi, thu hút đầu tư vào tỉnh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, các tập đoàn có một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định lâu dài, phát triển và thịnh vượng. Tỉnh sẽ có những giải pháp quyết liệt để tiếp tục thực hiện các cam kết một cách tốt nhất, hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên.
Tại Hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị, đã có 38 chủ đầu tư đã được trao Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Biên bản ghi nhớ đầu tư đối với 50 dự án, với tổng vốn đầu tư 46.785 tỷ đồng.
Các Ngân hàng thương mại đã phối hợp với các Nhà đầu tư thẩm định, cam kết, ký hợp đồng tín dụng cho 27 dự án, với số tiền là 10.196 tỷ đồng trong các lĩnh vực ưu tiên: Nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ cao.
Cũng tại Hội nghị này, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam; Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam trao khoản hỗ trợ an sinh xã hội 12 tỷ đồng cho tỉnh Thái Nguyên để thực hiện các chương trình an sinh xã hội về giáo dục, y tế và xây dựng nhà cho người nghèo.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương và tỉnh Thái Nguyên chụp ảnh với các nhà đầu tư
Theo NHNN Chi nhánh Thái Nguyên, tính đến hết tháng 5/2018, nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt 50.314 tỷ đồng, tăng 7,32% so với 31/12/2017; Dư nợ tín dụng đạt 48.708 tỷ đồng, tăng 5,47% so với 31/12/2017. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm 85%/tổng dư nợ, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Về cơ cấu dư nợ tín dụng theo ngành, lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 12,26%; Công nghiệp, xây dựng chiếm 30,52%; Thương mại, dịch vụ chiếm 57,22%.
Xác định đúng định hướng phát triển, phát huy lợi thế của tỉnh
Phát biểu tại Hội nghị, chúc mừng tỉnh Thái Nguyên về số lượng, quy mô các dự án đã được ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Thái Nguyên đứng trước cơ hội lớn chuyển mình về mô hình tăng trưởng, cũng như trở thành một cực tăng trưởng của miền Bắc và cả nước.
Thủ tướng đề nghị tỉnh xác định tầm nhìn lớn, đủ sâu rộng trong phát triển, trong đó cân nhắc bốn định hướng lớn:
Thứ nhất, Thái Nguyên cần trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, sáng tạo hàng đầu của miền Bắc và đất nước trong mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp dân doanh.
Thứ hai, tỉnh cần phát huy vai trò của tập đoàn Samsung, tạo lan tỏa tích cực, thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào những ngành công nghệ cao, xây dựng liên kết bền vững và nâng cao năng lực tham gia vào mạng sản xuất đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Thứ ba, đa dạng hóa nền kinh tế với 3 trụ cột là: Phát triển công nghiệp công nghệ cao, với nòng cốt là công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ có liên quan; du lịch - dịch vụ, trong đó, phát triển giáo dục, đào tạo, dịch vụ y tế từng bước trở thành ngành quan trọng của kinh tế địa phương; phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ tư, song song với tăng trưởng kinh tế, Thái Nguyên cần mẫu mực trong phát triển bền vững cả kinh tế- xã hội và môi trường; quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, xây dựng chính quyền thân thiện, môi trường đầu tư thông thoáng, hạ tầng giao thông thông suốt, tích hợp, tiện lợi, môi trường sống trong lành, an toàn, trở thành một nơi đủ hấp dẫn cho các nhà đầu tư định cư và làm ăn lâu dài.
Các đại biểu dự Hội nghị
Với tầm nhìn đó, Thủ tướng đã chỉ ra các giải pháp để địa phương hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, bền vững, có độ mở cao, kết nối với các tỉnh và quốc tế. Phát huy vai trò đòn bẩy của Samsung đối với kinh tế- xã hội địa phương.
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Thái Nguyên tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và phải chuyển biến thực sự từ cơ sở; ưu tiên, thúc đẩy quá trình đô thị hóa đồng bộ, chất lượng với quy hoạch không gian đô thị có tầm nhìn xa, đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa. Coi đô thị hóa là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của Thái Nguyên.
Đẩy mạnh khai thác du lịch, đặc biệt là liên kết phát triển khu du lịch Hồ Núi Cốc với phát triển sườn Đông dãy núi Tam Đảo và các di tích văn hoá lịch sử.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế tự nhiên, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, kết nối các trường đại học, trung tâm dạy nghề với các khu công nghiệp, các doanh nghiệp.
Tỉnh cũng cần chú trọng bảo đảm bảo triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, để mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển, được đón nhận cơ hội từ quá trình phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đối với nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị lời hứa, lời nói phải đi đôi với việc làm, tránh tình trạng trao giấy phép đầu tư hoành tráng nhưng chậm trễ triển khai. Trong sản xuất, phải quan tâm đến bảo vệ môi trường, đời sống người lao động.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững môi trường hòa bình, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư, bảo đảm bình đẳng trong kinh doanh.
CKH
(Nguồn:
http://www.sbv.gov.vn)