Ngày 24/10/2019, tại Đà Nẵng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị thường niên các thành viên Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn thế giới (SWIFT) tại Việt Nam.
Quang cảnh Hội nghị
Hội nghị do Giám đốc Sở Giao dịch NHNN – Chủ tịch VIETSWIFT Nguyễn Vân Anh chủ trì. Tham dự Hội nghị có bà Lê Diệu Hồng - Đại diện của SWIFT tại Việt Nam; chuyên gia Hyundong Lee – Trưởng nhóm thiết kế giải pháp SWIFT và đại diện một số vụ, cục NHNN, đại diện các ngân hàng thương mại.
Trao đổi tại Hội nghị, Giám đốc Sở Giao dịch - Chủ tịch VIETSWIFT Nguyễn Vân Anh đánh giá cao và cảm ơn sự phối hợp của tổ chức SWIFT đã quan tâm, hỗ trợ NHNN và các thành viên tiếp cận và học tập kinh nghiệm về thanh toán quốc tế, nâng cao hoạt động hệ thống SWIFT Việt Nam.
Ông Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Sở Giao dịch, Chủ tịch VIETSWIFT phát biểu khai mạc Hội nghị
Chủ tịch VIETSWIFT Nguyễn Vân Anh nhấn mạnh sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và yêu cầu cao về ứng dụng công nghệ tài chính Fintech trong kỷ nguyên số đang tác động mạnh mẽ tới hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là trong lĩnh vực thanh toán và thanh toán quốc tế. Tuy vậy, việc đảm bảo an ninh, an toàn và phòng chống tội phạm mạng là yếu tố quan trọng, tác động mạnh mẽ tới uy tín và kết quả hoạt động của các TCTD. Vì vậy Chủ tịch VIET SWIFT yêu cầu các TCTD tăng cường tuân thủ các yêu cầu của hoạt động thanh toán quốc tế như chương trình an ninh khách hàng CSP, đáp ứng các tiêu chuẩn của sáng kiến đổi mới thanh toán toàn cầu của tổ chức SWIFT (SWIFT gpi); tiêu chuẩn ISO 2022; KYC-SA… Giám đốc Sở Giao dịch Nguyễn Vân Anh cho biết NHNN sẽ tăng cường việc giám sát tuân thủ CSP và các báo cáo nghiệp vụ nhằm tăng cường công tác kiểm soát rủi ro, đảm bảo hệ thống thanh toán quốc tế hoạt động an toàn và hiệu quả.
Hội nghị đã nghe báo cáo về tình hình thành viên và hoạt động thanh toán qua SWIFT năm 2019; các nội dung công việc triển khai thực hiện trong thời gian qua. Đặc biệt, Chủ tịch VIETSWIFT Nguyễn Vân Anh đã chia sẻ nhiều kết quả tích cực của VIETSWIFT khi tham dự Hội nghị Sibos 2019 – sự kiện lớn thường niên của ngành tài chính, ngân hàng thế giới được tổ chức tại Luân đôn, Vương quốc Anh với sự tham gia kỷ lục của hơn 11.000 đại biểu, 600 diễn giả và 300 tổ chức, bao gồm các Ngân hàng Trung ương (NHTW), ngân hàng thương mại (NHTM), các công ty lưu ký, trung tâm thanh toán, nhà cung cấp cơ sở hạ tầng thị trường tài chính, các nhà môi giới, các công ty tư vấn và nhà cung cấp phần mềm đến từ khắp các nước trên thế giới. Hội nghị cũng nhất trí về kế hoạch thực hiện các hoạt động và định hướng phát triển SWIFT năm 2020.
Tại Sibos 2019, Đoàn NHNN đã chủ động tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn với các chủ đề quan trọng liên quan tới việc đảm bảo và phát triển công tác thanh toán quốc tế của NHNN nói riêng và của Việt Nam nói chung theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời nắm bắt xu hướng, xây dựng lộ trình triển khai hiệu quả tại Việt Nam. Bên cạnh đó đoàn đã trực tiếp gặp gỡ, làm việc với các lãnh đạo cao cấp của SWIFT và các NHTW, tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức lưu ký... nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, mở rộng đầu tư, hạn chế rủi ro và giải quyết vướng mắc về nghiệp vụ trong quản lý, đầu tư dự trữ ngoại hối (DTNH) nhà nước.
Các đại biểu chia sẻ tại Hội nghị
Hiện Việt Nam đứng thứ 15 khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đứng thứ 54 các nước sử dụng SWIFT trên thế giới tính theo lưu lượng điện. Tính đến hết tháng 6/2019, tổng số lưu lượng điện đạt 8,34 triệu, trong đó số điện gửi là 4,24 triệu (tăng 14,3% so với cùng kỳ ); Điện nhận là gần 4,1 triệu (tăng 8,6% so với cùng kỳ). Các tổ chức tín dụng đang sử dụng SWIFT là phương tiện thanh toán chủ chốt trong công tác thanh toán quốc tế.
Tại Hội nghị, các chuyên gia đến từ SWIFT khu vực Châu Á và Đông Nam Á đã cập nhật kết quả triển khai Chương trình an ninh khách hàng CSP; Giải pháp kiểm soát thanh toán PCS. Các chuyên gia cũng trình bày một số sản phẩm của SWIFT; Tình hình và lộ trình áp dụng chuẩn ISO 20022; Cập nhật chuẩn diện SWIFT SR2020; Các sáng kiến mới của SWIFT về mức độ sẵn sàng của các ngân hàng khi doanh nghiệp kết nối trực tiếp với SWIFT…
Bên cạnh đó, nhằm đổi mới hinh thức hoạt động của VIETSWIFT, các chuyên gia cũng cập nhật thêm về tình hình triển khai Sáng kiến đổi mới thanh toán toàn cầu – SWIFTgpi. SWIFTgpi là sáng kiến đổi mới thanh toán toàn cầu, được coi như một cuộc cách mạng trong thanh toán quốc tế dựa trên tiến bộ và ứng dụng công nghệ thông tin. Việc triển khai SWIFTgpi được đánh giá là một cuộc cách mạng lớn nhất về thanh toán quốc tế trong vòng 30 năm trở lại đây. SWIFT gpi cung ứng các dịch vụ cho phép ngân hàng thực hiện thanh toán trên toàn cầu với tốc độ nhanh hơn, hầu hết được hoàn thành trong ngày và có thể theo dõi khoản tình trạng thanh toán trực tuyến nhất là các giao dịch thanh toán xuyên biên giới một cách nhanh chóng, minh bạch, có thê vấn tin, tra cứu được luồng thanh toán … một cách dễ dàng.
SWIFT bắt đầu triển khai dịch vụ này từ năm 2016. Đến nay, tại Việt Nam đã có 05 ngân hàng đã triển khai hệ thống SWIFTgpi: VCB, Vietinbank, BIDV, MB, Abbank; và 02 ngân hàng đã đăng ký và đang triển khai: Á Châu, HDbank.
VA
Nguồn: sbv.gov.vn