Ngày 29/7/2020, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức Cơ quan NHNN Trung ương (NHNN TW).
Toàn cảnh Hội nghị
Chủ trì Hội nghị có Đ/c Lê Minh Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Thống đốc NHNN; Đ/c Đào Minh Tú – Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc thường trực NHNN, Thủ trưởng hành chính Cơ quan NHNN TW, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam.
Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Tham dự Hội nghị có Đ/c Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc NHNN; Đồng chí Đoàn Thái Sơn, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc NHNN; các đồng chí đại diện Đảng ủy, Ban Chấp hành Công đoàn, Ban Nữ công, Ban Thanh tra nhân dân Cơ quan NHNN TW, cùng Thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN, các đại biểu là cán bộ, công chức tiêu biểu được bầu chọn từ các đơn vị tại trụ sở chính NHNN.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, thời gian qua, hoạt động tiền tệ Ngân hàng đã và đang đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các mặt, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt là quá trình ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Với những thành tựu đạt được trong mấy năm qua đã khẳng định sự đúng đắn trong đường lối và chính sách phát triển hoạt động ngân hàng, tạo niềm tin và khí thế mới cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành cũng như của NHNN TW.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu khai mạc Hội nghị
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, Hội nghị đại biểu công chức, viên chức, người lao động là diễn đàn dân chủ cơ sở để công chức, viên chức, người lao động Cơ quan NHNN TW tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng và phát triển của Cơ quan NHNN TW, phát huy quyền làm chủ và thực hiện dân chủ trong hoạt động của Cơ quan theo quy định tại Quy chế dân chủ cơ sở. Đây cũng là diễn đàn để các đại biểu thảo luận, kiến nghị, đề xuất giải pháp thực hiện các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Song đây cũng là dịp để mỗi chúng ta nhìn nhận lại trách nhiệm của mình trong việc hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chuyên môn được giao; trong việc thực hiện chức trách, phận sự của một công chức, viên chức đối với việc đảm bảo các quy định, nguyên tắc của một cơ quan nhà nước; trong việc đóng góp bảo vệ giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa công sở và trật tự nội vụ của đơn vị mình cũng như cả NHNN TW.
Đoàn Chủ tịch Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thực hiện dân chủ tại cơ quan NHNN TW năm 2018-2019, 6 tháng đầu năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Theo đó:
NHNN đã chủ động chỉ đạo triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), tín dụng, ngoại hối, tập trung vào các nhóm giải pháp chính: (i) Điều hành đồng bộ và linh hoạt các công cụ CSTT; phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (ii) Điều hành ổn định và giảm mạnh mặt bằng lãi suất trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều sức ép; (iii) Điều hành tỷ giá phù hợp với cân đối kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường trong và ngoài nước; (iv) Tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng phù hợp; (v) Điều hành tín dụng tăng trưởng phù hợp với cân đối vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng...
Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh kinh tế, tài chính thế giới biến động nhanh, phức tạp do tác động của dịch bệnh Covid-19, NHNN đã chủ động vào cuộc kịp thời để triển khai có hiệu quả các giải pháp cấp bách nhằm ứng phó và khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế như điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, chủ động truyền thông… góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ; 02 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành; miễn, giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng...
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân theo chủ trương của Chính phủ, bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán; chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào các sản phẩm, dịch vụ thanh toán; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt...
Thừa ủy quyền Thủ tướng, Thống đốc Lê Minh Hưng trao bằng khen của Thủ tướng cho Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc Đào Minh Tú
Về công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng: Đẩy mạnh triển khai toàn diện 6 lĩnh vực CCHC, trọng tâm vào 3 trụ cột đó là cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở hiện đại hóa đồng bộ hóa hạ tầng cơ sở; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải cách công vụ, công chức. Đồng thời, NHNN đã ban hành và chỉ đạo các đơn vị trong Ngành triển khai nghiêm túc, quyết liệt Kế hoạch CCHC từng năm 2018, 2019 và Chương trình hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Theo Báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh 2020 (Doing Business 2020) của Ngân hàng Thế giới, Chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam cải thiện đáng kể và nằm trong nhóm 25 quốc gia có điểm cao nhất, góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ CCHC của NHNN được đánh giá rất cao thông qua kết quả chỉ số CCHC của NHNN được Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ xếp thứ 1 liên tục trong 5 năm (từ năm 2014 đến 2019) trong 19 bộ ngành.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trao tặng Cờ thi đua của NHNN Việt Nam cho các đơn vị
Trong công tác truyền thông, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã kịp thời truyền thông về các giải pháp điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng, đặc biệt là kết quả điều hành CSTT, tín dụng, tỷ giá, quản lý thị trường vàng, kết quả triển khai đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế và dịch bệnh Covid-19 diễn biến khá phức tạp… Nhờ triển khai hiệu quả công tác truyền thông đã góp phần tích cực truyền tải nhanh chóng, đầy đủ, chính xác các chủ trương, giải pháp điều hành của NHNN, đóng góp tích cực vào hiệu quả điều hành và thực thi chính sách của NHNN nói riêng và Chính phủ nói chung…
Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN tiếp tục thực hiện tốt vai trò là đại diện của Chính phủ Việt Nam tại các tổ chức tài chính tiền tệ, ngân hàng quốc tế; tích cực tham dự các Hội nghị, Diễn đàn cấp cao của các tổ chức tài chính tiền tệ, ngân hàng quốc tế; tăng cường hợp tác đa phương, chủ động thông tin với các nước, các nhóm công tác để trao đổi về tình hình, diễn biến kinh tế - tài chính cũng như các phản ứng chính sách tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, từ đó tham vấn, đề xuất những biện pháp chính sách phù hợp, góp phần duy trì mối quan hệ hợp tác kinh tế - tiền tệ - ngân hàng khu vực và quốc tế. Đặc biệt trong những tháng đầu năm 2020, NHNN đã chủ động và tích cực triển khai nhiều hình thức vận động các tổ chức quốc tế có các chính sách và cung cấp các nguồn hỗ trợ cho Việt Nam để ứng phó với dịch Covid 19...
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thống đốc Lê Minh Hưng trao tặng Huân chương Lao động cho lãnh đạo các đơn vị vụ, cục của NHNN
Về phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, NHNN tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng, thường xuyên rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành Ngân hàng góp phần tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, đồng bộ cho mục tiêu điều hành CSTT và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả.
Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế khôi phục sau dịch. Theo đó, trước mắt sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 để phù hợp với tình hình mới (như mở rộng phạm vi nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ,…); chú trọng hoàn thiện các khung khổ pháp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các dịch vụ công nghệ tài chính mới.
Điều hành các công cụ CSTT chủ động, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và thực tế hoạt động của TCTD nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của thị trường tiền tệ, ngoại tệ; hỗ trợ TCTD triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khôi phục kinh tế sau dịch.
Chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, khả năng phục hồi sau dịch; kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động.
Triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Tăng cường phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn...
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe Báo cáo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân NHNN TW nhiệm kỳ 2017 - 2019, đồng thời tổ chức giới thiệu nhân sự, lựa chọn và tiến hành bầu Ban Thanh tra nhân dân nhiệm kỳ 2019-2021.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú tặng hoa chúc mừng các đồng chí trúng cử Ban Thanh tra nhân dân, Cơ quan NHNN TW
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng ghi nhận những kết quả hoạt động Ngân hàng thời gian qua đã được Đảng, Chính phủ, Quốc hội, cử tri cả nước ghi nhận và các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Đây là minh chứng cho thấy các chủ trương, chính sách của Ngành là hết sức đúng đắn, thể hiện bản lĩnh và sự nỗ lực, sự đồng lòng, cố gắng, vượt lên mọi khó khăn của toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành ngân hàng, mà trên hết là vai trò cơ quan đầu não, là vị trí đầu tàu dẫn dắt, chỉ đạo của Cơ quan NHNN TW. Các đơn vị, Vụ, Cục đã thực hiện tốt vai trò tham mưu trong việc xây dựng cơ chế, chính sách và hướng dẫn thực thi, đảm bảo hoạt động của cả hệ thống được trôi chảy, hiệu quả và thống nhất, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Thừa ủy quyền Thủ tướng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân
Để phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2020 cũng như cả giai đoạn 2016-2020, Thống đốc yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành nói chung và các đơn vị, Vụ, Cục tại NHNN TW nói riêng tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2020 cũng như từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nỗ lực, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển ổn định, bền vững của Ngành và mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.
Bám sát tình hình, diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để dự báo, đánh giá đúng bản chất và kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp, đảm bảo thanh khoản thị trường, hỗ trợ ổn định và giảm dần mặt bằng lãi suất, kiểm soát tốt lạm phát cơ bản theo mục tiêu đề ra;
Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Chỉ đạo các TCTD tiếp tục giảm chi phí đầu vào để có điều kiện tiếp tục ổn định và giảm dần lãi suất cho vay theo lộ trình;
Theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu ngoại tệ của nền kinh tế để chủ động điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết nhằm ổn thị trường ngoại tệ; Theo sát biến động giá vàng thế giới và trong nước để kịp thời thông tin, khuyến cáo người dân, ổn định tâm lý thị trường khi cần thiết, không để ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô;
Chỉ đạo và tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…
Thống đốc yêu cầu, Thủ trưởng các đơn vị, Vụ, Cục cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý cán bộ và kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, đổi mới lề lối, tác phong làm việc, thường xuyên trao đổi trực tiếp trong xử lý công việc, hạn chế công văn giấy tờ.
Coi trọng công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, lấy yếu tố con người là trọng tâm để mỗi một cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thấy được vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trên mỗi cương vị công tác được giao, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức công vụ đáp ứng yêu cầu của nền hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp;
Các tổ chức Đảng và đoàn thể các cấp phải thật sự sâu sát, lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, tìm hiểu những diễn biến tư tưởng của từng cá nhân để có hướng giải quyết phù hợp, hiệu quả…
Theo sbv.gov.vn