Kết luận Phiên họp tháng 1 - 2019 của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 12-1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã “đặt hàng” các thành viên Hội đồng, các nhà khoa học, các chuyên gia đóng góp trí tuệ, cùng Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội trong giai đoạn 10 năm tới. Đặt biệt, Phó Thủ tướng nêu rõ quan điểm coi khoa học công nghệ (KHCN) là một động lực của phát triển kinh tế, không chỉ đơn thuần là một lĩnh vực khoa giáo.
Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
họp phiên tháng 1/2019
Ngày 12/1, Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp phiên họp Quý I/2019, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chủ trì phiên họp nhằm đánh giá công tác điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô trong năm 2018 và kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành của năm 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Hội nghị
Tham dự phiên họp có Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng; ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Phó Chủ tịch Hội đồng. Tham gia phiên họp còn có Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cùng các Ủy viên Hội đồng là lãnh đạo cấp bộ của một số bộ, ngành liên quan, các chuyên gia tài chính, tiền tệ… Mở đầu phiên họp, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trình bày Báo cáo đánh giá diễn biến Kinh tế vĩ mô, tiền tệ và Hoạt động ngân hàng 2018, định hướng, giải pháp điều hành 2019.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trình bày báo cáo tai Hội nghị
Năm 2018 kinh tế toàn cầu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng có biểu hiện chậm lại từ nửa cuối năm. Thị trường hàng hoá, tiền tệ, tài chính biến động khó lường với giá hàng hoá cơ bản trên thị trường thế giới biến động mạnh, áp lực lạm phát tăng tại nhiều thời điểm, đồng USD tăng giá, ngân hàng Trung ương các nước lớn tiếp tục giảm dần việc nới lỏng chính sách tiền tệ, kéo theo xu hướng tăng lãi suất, nhiều nước mới nổi và đang phát triển can thiệp ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định và phát triển thương mại, tài chính toàn cầu. Chứng khoán thế giới biến động liên tục, tần suất lớn.
Mặc dù kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng kinh tế trong nước đã có sức chống chịu tốt khi môi trường bên ngoài biến động, đạt được kết quả tích cực với 12/12 chỉ tiêu đạt, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch của Quốc hội giao, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế là 7,08%, mức cao nhất trong 11 năm qua. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Các thành viên Hội đồng đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong phát triển kinh tế- xã hội nói chung, trong đó đánh giá thành công từ công tác điều hành chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan; điều hành chính sách tiền tệ đồng bộ, linh hoạt, chủ động góp phần ổn định đồng tiền, đảm bảo thanh khoản thị trường, ổn định tỷ giá; Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng đã góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định, trong đó lãi suất đã giảm ở một số lĩnh vực ưu tiên, chủ động và quyết liệt trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tổng nợ nền kinh tế giảm nhiều, thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã đẩy mạnh hơn, công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng góp phần duy trì thứ hạng của VN.
Về tài chính thì như GS Nguyễn Công Nghiệp nói “năm nay chúng ta thắng tương đối toàn diện”. Không chỉ thu ngân sách tăng, mà đặc biệt cả Trung ương và địa phương đều tăng, cả xuất nhập khẩu vào nội địa đều tăng với con số tăng lên khoảng hơn 100 nghìn tỷ. Huy động trái phiếu Chính phủ, bộ Tài chính cũng đã chủ động điều tiết, chỉ chiếm khoảng 80-90%, đây là sự sụt giảm có chủ định điều hành, vì khi huy động nhiều để trong kho bạc phải trả lãi mà chưa giải ngân hết thì rất lãng phí; Các chỉ số về bội chi ngân sách, tín dụng, tỷ lệ an toàn nợ công…cũng đạt tốt. Phó Thủ Tướng Vương Định Huệ nhấn mạnh: “Đặc biệt hội đồng đánh giá cao điều hành tài chính ngân hàng. Sức ép của năm 2018 rất lớn khi kinh tế khó khăn, biến động về tài chính tiền tệ thế giới rất khó lường, mà chúng ta giữ được như vậy là rất tốt, nhiều chuyên gia kinh tế nước ngoài cũng đánh giá cao”… Hội đồng tin tưởng rằng kinh tế của đất nước sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn trong năm 2019.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng kinh tế thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp tiếp tục tác động tới trong nước.Trong khi đó, nội tại của nền kinh tế vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” ở tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, chậm triển khai các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, doanh nghiệp có vốn mỏng, “tín dụng đen” vẫn hoành hành, cải thiện môi trường kinh doanh chưa theo kịp với thực tiễn của đời sống kinh tế và vẫn còn rủi ro trong chống chọi với những thách thức từ bên ngoài.
Tại phiên họp, Thống đốc Lê Minh Hưng đã phát biểu, giải đáp các ý kiến của các chuyên gia kinh tế liên quan đến điều hành hoạt động của ngành Ngân hàng cụ thể như sau:
Về vấn đề tỷ giá, có ý kiến cho rằng, mặc dù năm 2018, NHNN đã điều hành tỷ giá đã khá ổn định nhưng NHNN cần điều hành linh hoạt theo hơi thở của thị trường hơn nữa. Nhưng theo Thống đốc, trên thực tế, những ngày gần đây NHNN đang mua vào để tăng dự trữ ngoại hối. Có thể thấy đó là quyết định rất linh hoạt, rất chủ động của NHNN, bám sát diễn biến thị trường, đánh giá được tình hình và đưa ra những quyết sách đúng thời điểm. Vì thế trong năm 2019 sắp tới tinh thần là NHNN vẫn tiếp tục điều hành một cách chủ động, linh hoạt theo diễn biến của thị trường.”
Nói về vấn đề “tín dụng đen”, Thống đốc cho biết: tín dụng đen cũng xuất hiện ở rất nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... khi trong nền kinh tế có kinh tế không chính thức thì có tín dụng không chính thức. Chúng ta cần phân biệt thành 2 loại: Nhu cầu bất hợp pháp thì không có một hệ thống hay một tổ chức tín dụng nào có thể đáp ứng được chúng ta đặt sang một bên. Còn tín dụng có nhu cầu thực sự trong đời sống hàng ngày như: sản xuất kinh doanh chẳng hạn, khi người ta khó khăn tạm thời không trả được nợ, cần đến thời điểm mua phân bón, thuốc thú y gấp..thì người ta phải vay ngoài. Hay bên cạnh đó là tín dụng tiêu dùng, nhu cầu này mới là lớn, chủ yếu tín dụng không chính thức đến từ nhu cầu tiêu dùng như đau ốm, bệnh tật, con cái đi học...thì hệ thống Ngân hàng cần có trách nhiệm và trách nhiệm lớn nhất là ngân hàng Chính sách Xã hội và ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN vì có mạng lưới đến tận thôn bản. Trong thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng này xây dựng các chương trình tín dụng phù hợp đáp ứng những nhu cầu tín dụng chính đáng cho người dân. Mặc dù vây, đúng là cho vay tiêu dùng rủi ro rất lớn, nên NHNN sẽ yêu cầu NH CSXH và NH Agribank phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội để đáp ứng vốn cho nhu cầu của đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, học sinh sinh viên, người lao động...Tất nhiên để làm được cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và các tổ chức công quyền thì mới đảm bảo an toàn vốn, mức lãi suất có thể cao hơn mức lãi suất hiện nay của Ngân hàng CSXH, nhưng người nghèo vẫn có thể chấp nhận được và đặc biệt là thấp hơn rất nhiều so với lãi suất mà người dân vay bên ngoài. Bên cạnh đó, NHNN kiến nghị với Chính Phủ xem xét để Ngân hàng CSXH báo cáo dừng bớt một số chương trình khác để tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách của đời sống xã hội hiện nay.
Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao các ý kiến của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Hội đồng đã tham mưu hiệu quả cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành và đạt được những kết quả tích cực trong năm 2018. Về phương hướng trong năm 2019, Hội đồng nhất trí với Nghị quyết của Quốc Hội, Chính Phủ, có nhấn mạnh thêm một số vấn đề: như kiến nghị Chính phủ và Thủ Tướng chỉ đạo các Bộ Ngành kể cả Bộ Tài chính, NHNN, Bộ Công thương…đánh giá kỹ hơn các chỉ tiêu và các số liệu để một mặt phân tích kỹ hơn được chất lượng của tăng trưởng và tính bền vững của nền kinh tế. Chỉ đạo các Bộ ngành tiếp tục điều hành để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô và vi mô, nhằm tạo ra “vùng đệm” để cả nền kinh tế hay từng doanh nghiệp, từng định chế tài chính có thể chống đỡ với những tác động từ bên ngoài. Đẩy mạnh thị trường vốn và tiền tệ với hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch; đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong lĩnh vực ngân hàng chú trọng hơn doanh thu của các hoạt động phi tín dụng, đẩy nhanh tiến trình thẩm định, định giá các doanh nghiệp nhà nước; xây dựng hành lang pháp lý cho các mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ, các hình thức thanh toán mới, cho vay ngang hàng, hạn chế tình trạng “tín dụng đen”; quan tâm hơn tới kiểm soát bội chi ngân sách, nợ nước ngoài của quốc gia, cải cách cơ chế thu chi ngân sách, kể cả cơ chế phân cấp thu, chi ngân sách của các địa phương để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Phó Thủ tướng cũng đồng tình với yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh nhưng phải gắn các tuyên bố của các bộ, ngành về cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và tạo thuận lợi thương mại với thực tiễn thông qua các văn bản pháp luật.
Phó Thủ tướng ghi nhận các kiến nghị của các thành viên Hội đồng về điều hành chính sách tài chính, tiền tệ trong năm 2019 và những năm sau và cho biết Chính phủ đang tích cực xây dựng hành lang pháp luật để triển khai, trong đó có việc phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thanh toán trung gian và cho vay ngang hàng, hạn chế tình trạng tín dụng đen,... Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ “đặt hàng” các thành viên Hội đồng, các nhà khoa học đóng góp trí tuệ, cùng Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn tới 10 năm tới, trong đó có quan điểm coi khoa học công nghệ là một lực lượng, động lực của phát triển kinh tế chứ không đơn thuần là một lĩnh vực khoa giáo.
Theo sbv.gov.vn