Những ngày tháng 5 năm 2022, tiết trời trở nên mát dịu bởi cơn mưa đầu mùa, đoàn cán bộ, đảng viên, viên chức Tạp chí Ngân hàng đã có chuyến đi về nguồn nơi “Thủ đô gió ngàn” vô cùng ý nghĩa nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ về An toàn khu (ATK) Định Hóa, Thái Nguyên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (20/5/1947 - 20/5/2022) và hướng tới kỷ niệm 70 năm Tạp chí Ngân hàng xuất bản số đầu tiên (9/1952 - 9/2022).
Vui sao một sáng tháng Nǎm
Đường về Việt Bắc lên thǎm Bác Hồ
Suối dài xanh mướt nương ngô
Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn...
(Sáng tháng Nǎm - Tố Hữu)
Đến với Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, Thái Nguyên, trong không khí thiêng liêng, đoàn cán bộ, đảng viên, viên chức Tạp chí Ngân hàng đã dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kính cẩn trước anh linh của Bác Hồ kính yêu, tập thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên công đoàn Tạp chí Ngân hàng nguyện không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, ra sức phấn đấu xây dựng một tập thể đoàn kết, vững mạnh, trau dồi phẩm chất, đạo đức cách mạng của người làm báo, rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Ngân hàng.
Cán bộ, đảng viên, viên chức Tạp chí Ngân hàng tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khu di tích lịch sử ATK Định Hóa
Sau lễ dâng hương, các cán bộ, đảng viên, viên chức Tạp chí Ngân hàng đã thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ, Đảng, Chính phủ tại ATK Định Hóa trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1947 - 1954), thăm Lán Tỉn Keo, nơi diễn ra cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 06/12/1953 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, thông qua “Phương án tác chiến mùa xuân 1954” của Tổng Quân ủy và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ, Đảng, Chính phủ tại ATK Định Hóa
Ngược dòng thời gian trở về những ngày tháng ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nền độc lập dân tộc mà nhân dân ta mới giành được bị đe dọa nghiêm trọng trước dã tâm xâm lược của các thế lực phản cách mạng. Với nhãn quan sáng suốt và tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã nhận thấy cần phải củng cố căn cứ địa cách mạng Việt Bắc thành căn cứ kháng chiến, nơi làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, làm cơ sở cho cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc khi cuộc kháng chiến bùng nổ.
Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Hưởng ứng "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân Hà Nội và cả nước đã đứng lên chiến đấu với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ của dân tộc, đầu năm 1947 theo chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ… đã nhanh chóng chuyển từ Thủ đô Hà Nội về chiến khu Việt Bắc, đặt ATK chủ yếu trên địa bàn các huyện Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn), Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang). Định Hóa là địa điểm Bác Hồ và Bộ Chính trị đã quyết định chọn là nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. ATK Trung ương Định Hóa nằm ở trung tâm căn cứ địa Việt Bắc, nơi có địa thế hiểm trở "tiến có thể đánh, lui có thể giữ", có đầy đủ yếu tố địa lợi, nhân hòa, đã trở thành địa bàn hoạt động an toàn của các cơ quan đầu não kháng chiến.
Tại ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã đưa ra những quyết định lịch sử, những quyết sách có tính quyết định cho thắng lợi của cuộc kháng chiến như: Chỉ thị "Phải phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp (Thu - Đông 1947); quyết định chiến lược biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta những năm 1948 - 1949; quyết định mở các chiến dịch: Biên giới (năm 1950), Hòa Bình (năm 1952), Tây Bắc (năm 1953)… nhằm tiêu hao sinh lực địch, phát triển lực lượng và mở rộng vùng giải phóng và sự ủng hộ của quốc tế với cuộc kháng chiến. Đặc biệt, tại nơi đây, ngày 06/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954, lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân đi tới thắng lợi cuối cùng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" ngày 07/5/1954.
Kết hợp với chương trình về nguồn, đoàn cán bộ, đảng viên, viên chức Tạp chí Ngân hàng đã tới thăm và làm việc với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, khảo sát tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh, trao đổi kinh nghiệm hoạt động báo chí, viết tin, bài với các đơn vị.
Tiếp nối hành trình về nguồn, đoàn cùng đại diện lãnh đạo và cán bộ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đến thăm Di tích lịch sử quốc gia - địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915 hy sinh tại Lưu Xá, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên. Đoàn đã dâng hương viếng lễ, tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Đồng chí Vũ Minh Xuân, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên cùng các cán bộ, đảng viên, viên chức Tạp chí Ngân hàng thăm Không gian trưng bày hiện vật, xúc động ôn lại khúc tráng ca bất tử về 60 TNXP Đại đội 915 và 91 Bắc Thái
Tiếp đó, đoàn đi thăm không gian trưng bày hiện vật TNXP Đại đội 915 và 91 Bắc Thái - những kỷ vật, hình ảnh gắn liền với những chiến công, sự hy sinh xương máu của các TNXP Đại đội 915, trong đó, gây ấn tượng cho khách thăm quan là chiếc lọ hoa và chiếc lược được chế tác từ chiếc máy bay thứ 1.000 của đế quốc Mỹ bị quân và dân Thái Nguyên bắn rơi. Đặc biệt, với hiện vật là chiếc áo rét, tất cả các thành viên trong đoàn đã bị thu hút và không khỏi xúc động bởi câu chuyện về bà Bùi Thị Loan - người TNXP của Đại đội 915 còn sống sót sau trận mưa bom của đế quốc Mỹ qua lời kể của hướng dẫn viên khu di tích.
Sau trận bom, đồng đội phát hiện bà Loan đã ngừng thở và đưa về nghĩa trang để mai táng nhưng như một kỳ tích, lúc đồng đội thay đồ cho bà thì thấy tay bà cử động... Bà Loan được cứu sống nhưng do chấn thương nặng đã khiến cô gái 17 tuổi bị tâm thần, câm, mất trí nhớ, bỏ nhà đi lang thang trong 3 năm trời, sau đó, bà Loan được người nhà tìm thấy và đưa đi điều trị. Sau giải phóng, người yêu bà Loan tìm về quê không gặp nên đã cất công tìm kiếm suốt thời gian dài. Về phần bà Loan, sau khi được điều trị khỏi, bà Loan được Nhà nước cử đi học và xung phong lên Cao Bằng công tác. May mắn, người yêu bà Loan cũng công tác tại Cao Bằng, hai người gặp lại nhau và cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc. Chiếc áo rét sau này được bà Loan tặng trưng bày tại khu di tích.
Một câu chuyện khác cũng khiến các thành viên trong đoàn lặng người, rơi lệ, đó là câu chuyện của cựu TNXP Hoàng Văn Thắng. Ông Thắng và người yêu là bà Nông Thị Bích Nga, cùng thuộc Đại đội 915. Trong lúc bị vùi lấp bởi trận bom, ông Thắng nghe thấy tiếng kêu cứu của người yêu dần nhỏ rồi rơi vào lặng im nhưng ông đành bất lực... Trận bom đã cướp mất vĩnh viễn người yêu của ông. Ông Thắng may mắn còn sống nhưng để lại những vết thương trên cơ thể cũng như vết thương trong tim không bao giờ nguôi ngoai. Đến nay, ông Thắng vẫn ở một mình, không lập gia đình.
60 TNXP Đại đội 915 hy sinh đêm 24/12/1972 khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam có nhiều người ở tuổi 16-17, có người vừa cưới vợ hôm trước, còn chưa kịp báo hỷ với anh em... Các chị, các anh mãi mãi ra đi khi tuổi đời đang tươi trẻ, với bao ước mơ và khát vọng còn dang dở. Sự hy sinh của các anh, các chị đã trở thành khúc tráng ca bất tử, chói ngời cho các thế hệ trẻ Việt Nam đời đời ghi nhớ. Ghi nhận sự hy sinh của các chị, các anh, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại đội 915. Tổ quốc đã ghi công các liệt sĩ TNXP, nhân dân địa phương đã xây dựng Nhà tưởng niệm, lập bia để lưu danh truyền thống.
Rời khu di tích Đại đội 915, trong khuôn khổ Chương trình về nguồn, đoàn cán bộ, đảng viên, viên chức Tạp chí Ngân hàng đã đến thăm, tặng quà tri ân 02 cán bộ Ngân hàng B68 năm xưa là bác Phạm Đức Thịnh, nguyên Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Tiền Giang và bác Dương Đức Chỉnh, nguyên Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, hiện thường trú tại thành phố Thái Nguyên, cùng các bác ôn lại những năm tháng hào hùng của đất nước, của cán bộ Ngân hàng B68 để thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc và được các bác tiếp thêm động lực, ý chí và tinh thần trong công tác ngày nay.
Cán bộ, đảng viên, viên chức Tạp chí Ngân hàng thăm gia đình bác Phạm Đức Thịnh - cán bộ Ngân hàng B68
Cán bộ, đảng viên, viên chức Tạp chí Ngân hàng thăm gia đình bác Dương Đức Chỉnh - cán bộ Ngân hàng B68
Giữa thời điểm gay go ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, 452 cán bộ ngành Ngân hàng đã hăng hái lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Chỉ tính riêng trong năm 1968 có đến 364 cán bộ lên đường vào Nam.
Nhiệm vụ xuyên suốt trong thời kỳ này của cán bộ Ngân hàng B68 là vừa tham gia đánh địch trên mặt trận kinh tế, tài chính tiền tệ, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu cùng các lực lượng vũ trang. Đồng thời, vận động nhân dân đóng góp tài chính cho cách mạng, thu gom tiền ngụy, thu mua lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến; tham gia xây dựng chính quyền cách mạng còn non trẻ tại các địa phương.
Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ oanh liệt, 81 cán bộ B68 ngành Ngân hàng đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhiều người bị tù đày, thương tật song vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Những đóng góp của đội ngũ cán bộ B68 ngành Ngân hàng đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang trong cuộc tổng tiến công nổi dậy lịch sử mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất non sông đất nước.
Những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ ngành Ngân hàng trong kháng chiến rất âm thầm, lặng lẽ, bởi mọi thứ luôn phải nằm trong tình trạng tuyệt đối bí mật, nhưng lại vô cùng quan trọng góp nên thành công của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngay sau ngày đại thắng 30/4/1975, các thành viên Đoàn cán bộ Ngân hàng B68 đã tích cực tham gia các ban quân quản, tiếp quản các ngân hàng ngụy và khẩn trương tham gia vào bộ máy ngân hàng ở vùng mới giải phóng. Sau này, nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt tiếp tục xây dựng ngành Ngân hàng đổi mới và phát triển.
Hành trình về nguồn đã để lại nhiều cảm xúc cho các thành viên trong đoàn khi được trải nghiệm, lắng nghe những câu chuyện và tận mắt thấy những hiện vật, di tích dù rất đơn sơ, giản dị nhưng đã tạo nên những thành quả cách mạng vô cùng to lớn; được thành kính bày tỏ sự biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự hy sinh xương máu của các liệt sĩ TNXP Đại đội 915 và tự hào về truyền thống đấu tranh chống quân xâm lược của quân và dân ta. Qua đó, tiếp thêm động lực cho các thành viên trong đoàn tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu thi đua học tập, công tác đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nam Hải