Chào mừng kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 - 6/5/2024), thực hiện Chương trình công tác năm 2024, ngày 04/5/2024, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Ngân hàng Trung ương (NHTW) tổ chức Chương trình tham quan Phòng Truyền thống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với mục đích giới thiệu lịch sử ngành Ngân hàng đến các đoàn viên, thanh niên, công chức, viên chức, người lao động mới tuyển dụng tại các đơn vị có cơ sở đoàn trực thuộc Đoàn Thanh niên NHTW.
Tham dự Chương trình, có Phó Bí thư Thường trực Đoàn Thanh niên NHTW Trần Long, các đoàn viên, thanh niên mới tuyển dụng đợt gần nhất tại các đơn vị đoàn trực thuộc Đoàn Thanh niên NHTW.
Phát biểu tại Chương trình, Phó Bí thư Thường trực Đoàn Thanh niên NHTW Trần Long cho biết, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Đảng và Nhà nước; trong đó, ngành Ngân hàng luôn tiên phong, đi đầu trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, viên chức, người lao động. Với tinh thần xung kích, nhiệt huyết, phát huy sức trẻ và sáng tạo, trong thời gian qua, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên luôn được Đoàn Thanh niên NHTW quan tâm, chú trọng. Đồng chí Trần Long hi vọng, Chương trình tham quan Phòng Truyền thống NHNN sẽ giúp từng đoàn viên, thanh niên thêm tự hào, thấu hiểu hơn những trang lịch sử hào hùng nhưng cũng đầy gian khó của ngành Ngân hàng Việt Nam; từ đó, nâng cao ý thức nghề nghiệp và niềm tự hào về đơn vị mình công tác, nỗ lực phấn đấu, cống hiến, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Phó Bí thư Thường trực Đoàn Thanh niên NHTW Trần Long phát biểu tại Chương trình
Cũng trong Chương trình, các đoàn viên, thanh niên đã được tham quan Phòng Truyền thống NHNN, được ngắm nhìn những kỷ vật, hình ảnh và lắng nghe thuyết minh về trang sử hào hùng của ngành Ngân hàng Việt Nam. Với chặng đường 73 năm phát triển hào hùng, lịch sử ngành Ngân hàng đã được các thế hệ của Ngành viết lên bằng lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, trách nhiệm, sáng tạo và niềm tin để đóng góp tích cực vào công cuộc kiến thiết đất nước.
Ngược dòng thời gian về với lịch sử, ngày 6/5/1951 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại hang Bòng thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Hệ thống tổ chức của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam giai đoạn này gồm NHTW, Ngân hàng liên khu và ngân hàng tỉnh, thành phố với trụ sở đầu tiên đặt tại xã Đầm Hồng, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Sự ra đời của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển hệ thống tiền tệ - ngân hàng của đất nước. Hoạt động của Ngân hàng Quốc gia trong thời kỳ này đã góp phần quan trọng củng cố hệ thống tiền tệ độc lập, tự chủ của đất nước, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, tăng cường lực lượng kinh tế quốc doanh, phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp.
Đoàn viên, thanh niên tham quan Phòng Truyền thống NHNN
Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã tiến hành thu hồi tiền địch ở vùng mới giải phóng, thiết lập thị trường tiền tệ thống nhất trên miền Bắc. Mạng lưới ngân hàng được mở rộng tới các quận, huyện, thị xã; đội ngũ cán bộ được tăng cường, nâng cao trình độ. Tới ngày 26/10/1961, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trong giai đoạn 1955 - 1965, NHNN đã có nhiều cải tiến trong công tác thanh toán không dùng tiền mặt, mở rộng quan hệ thanh toán đến hầu hết các xí nghiệp, tổ chức kinh tế, cơ quan của nhà nước; tập trung quản lý và đẩy mạnh các nguồn thu ngoại hối để đáp ứng nhu cầu kiến thiết nước nhà, hoạt động tín dụng được đẩy mạnh để đáp ứng yêu cầu khôi phục kinh tế, phục vụ yêu cầu hợp tác hóa và đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phát triển kinh tế quốc doanh.
Giai đoạn 1965 - 1975, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, chiến sự diễn ra rất ác liệt, mọi hoạt động của NHNN phải chuyển hướng để phù hợp với hoàn cảnh thời chiến. NHNN đã cải tiến và mở rộng các quan hệ tín dụng, thanh toán, quản lý tiền mặt, quản lý quỹ ngân sách nhà nước, giúp các xí nghiệp sơ tán và phân tán sản xuất, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể; tích cực khai thác các nguồn ngoại tệ cho Nhà nước, bảo đảm thanh toán quốc tế thông suốt, đáp ứng yêu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, nước ta bước sang thời kỳ hòa bình, độc lập, ngành Ngân hàng đã khẩn trương tiếp quản và cải tạo hệ thống ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam, xây dựng hệ thống ngân hàng mới của chính quyền cách mạng, thực hiện thống nhất tiền tệ trong cả nước; ban hành và thực hiện nhiều biện pháp về tiền tệ, tín dụng, quản lý ngoại hối, thanh toán góp phần ổn định tình hình kinh tế và lưu thông tiền tệ, đáp ứng nhu cầu vốn và tiền mặt cho sản xuất, quốc phòng, an ninh, đời sống kinh tế - xã hội; mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế cho công cuộc tái thiết đất nước.
Thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 và các Nghị quyết Đại hội Đảng sau đó, ngành Ngân hàng đã có nhiều cải cách trong cơ cấu tổ chức và hoạt động. Ngày 26/3/1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 53/HĐBT với định hướng “chuyển hẳn hệ thống ngân hàng sang hoạt động kinh doanh”. Tổ chức, bộ máy của NHNN được kiện toàn, sắp xếp lại để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng; đồng thời, thực hiện chức năng ngân hàng của các ngân hàng; các ngân hàng chuyên doanh thực hiện nhiệm vụ kinh doanh tín dụng và dịch vụ ngân hàng. Theo đó, bốn ngân hàng chuyên doanh được thành lập trên cơ sở chuyển và tách ra từ NHNN gồm: Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
Năm 1997, Quốc hội thông qua Luật NHNN và Luật Các tổ chức tín dụng, tạo nền tảng pháp lí căn bản hơn cho hệ thống ngân hàng tiếp tục đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Từ đó đến nay, NHNN đã thực thi có hiệu quả chính sách tiền tệ, phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế, đồng thời tiếp tục đổi mới hoạt động ngân hàng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hơn bảy thập kỷ qua, ngành Ngân hàng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (2006), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1996 và năm 2011). Ba đơn vị được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ là Ban Tài chính đặc biệt (N2683), Quỹ đặc biệt (B29), Ban Ngân khố tín dụng R (C32). Nhiều tập thể, cá nhân trong Ngành được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý khác: Anh hùng Lao động, Huân chương, Huy chương, Bằng khen các cấp.
Toàn cảnh Chương trình
Trong khuôn khổ Chương trình tham quan Phòng Truyền thống NHNN, các đoàn viên, thanh niên đã cùng nhau xem video Tổng kết hoạt động của Đoàn Thanh niên NHTW thời gian qua. Với sự nỗ lực cố gắng của các cấp bộ đoàn, phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo trong học tập, lao động của từng đoàn viên, thanh niên, Đoàn Thanh niên NHTW đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định vị trí tiên phong, là lực lượng trẻ, đầy tiềm năng của ngành Ngân hàng, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng lịch sử vàng son của Ngành và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam, Chương trình tham quan Phòng Truyền thống NHNN là một hoạt động giáo dục có ý nghĩa đối với các đoàn viên Đoàn Thanh niên NHTW về những trang sử hào hùng của ngành Ngân hàng, qua đó thêm yêu quý, tự hào và gắn bó với con đường sự nghiệp đã chọn; đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần, sức trẻ của mình, đóng góp vào sự phát triển của đơn vị công tác và của ngành Ngân hàng.
Ngọc Linh