Đại diện KDIC và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của KDIC
Trong bối cảnh hoạt động ngân hàng ngày càng chịu nhiều rủi ro, Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 được Quốc hội thông qua đặt ra cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nhiều nhiệm vụ mới, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, ổn định hệ thống tài chính - ngân hàng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã nỗ lực đổi mới, học hỏi kinh nghiệm của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới, đặc biệt là từ Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc (KDIC).
KDIC với tư cách là đối tác và người bạn thân thiết của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, KDIC luôn sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác giúp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam triển khai thành công Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi, hoàn thiện nghiệp vụ theo tiêu chuẩn quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành một nước đi đầu khu vực Asean trong phát triển kinh tế và ổn định tài chính - ngân hàng, bất chấp những căng thẳng về địa chính trị và rủi ro gia tăng của hệ thống tài chính toàn cầu.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của KDIC vào tháng 7/2024, KDIC cũng chia sẻ với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quá trình thực tiễn triển khai chính sách và nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi tại Hàn Quốc, đặc biệt là các nội dung chính liên quan tới Cơ chế xử lý tổ chức tài chính mất khả năng thanh toán.
Hàn Quốc có mạng an toàn tài chính vững chắc và có sự phân chia rõ ràng về nhiệm vụ cũng như quyền hạn giữa các thành viên. Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) là cơ quan quản lý tài chính chịu trách nhiệm chung trong việc xây dựng chính sách tài chính và giám sát các tổ chức tài chính. Cơ quan Giám sát Tài chính (FSS) có vai trò giám sát tài chính dưới sự hướng dẫn và giám sát của FSC. KDIC đóng vai trò là cơ quan xử lý và tổ chức bảo hiểm tiền gửi, chịu trách nhiệm về quy trình xử lý cùng với FSC. Bộ Kinh tế và Tài chính (MoEF) và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cũng là thành viên của mạng an toàn tài chính Hàn Quốc. Các cơ quan trên tổ chức các cuộc họp định kỳ để tăng cường phối hợp liên cơ quan và có Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) để chia sẻ thông tin giữa các cơ quan.
Về thẩm quyền quyết định xử lý tổ chức tín dụng yếu kém tại Hàn Quốc, FSC và KDIC đều có thẩm quyền quyết định xử lý các tổ chức tài chính có vấn đề. Tuy nhiên, trên thực tế, FSC thường quyết định biện pháp xử lý và tuyên bố tổ chức tài chính đổ vỡ. Đối với KDIC, trước khi FSC tuyên bố tổ chức tài chính bị đổ vỡ, KDIC thực hiện kiểm tra chi phí tối thiểu để FSC có thể lựa chọn biện pháp xử lý ít tốn kém nhất cho quỹ bảo hiểm tiền gửi.
KDIC chịu trách nhiệm về một số vấn đề thực tiễn liên quan đến xử lý như hỗ trợ tài chính, chi trả cho người gửi tiền, thực hiện quy trình đấu giá công khai cho biện pháp mua lại và tiếp nhận (P&A) và sáp nhập và mua lại (M&A), thành lập và quản lý ngân hàng bắc cầu, thu hồi tiền hỗ trợ tài chính...
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KDIC JaeHoon Yoo đánh giá, hoạt động hợp tác trong thời gian qua của KDIC và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã có những hiểu biết nhất định về nhau trên nhiều phương diện. Sự phát triển của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thật sự là một bước tiến vượt bậc. KDIC thường xuyên tham gia các cuộc họp hội đồng với các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên toàn thế giới ở Basel, Thụy Sĩ. KDIC cũng cho rằng, trong số khoảng 120 tổ chức bảo vệ tiền gửi trên toàn cầu, không có nhiều tổ chức thể hiện tốt năng lực và thực hiện tốt nhiệm vụ như Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Vì vậy, KDIC cho rằng, việc làm sao để phát triển hơn nữa năng lực và nhiệm vụ của một tổ chức xuất sắc như vậy cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong tương lai.
Thời gian tới, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần quan tâm đến nguyên tắc chung lớn nhất - đó là các cơ quan giám sát tài chính và cơ quan xử lý tài chính với các vai trò và chức năng khác nhau. Hai chức năng giám sát và xử lý này rất cần thiết để duy trì mạng lưới an toàn tài chính.
Tuy nhiên, ba chức năng giám sát tài chính, chính sách tài chính và xử lý các tổ chức tài chính không thể được thực hiện tập trung tại một cơ quan mà phải được giao cho các cơ quan chuyên trách riêng biệt thực hiện. Về mặt này, Việt Nam đã hình thành được các cơ quan đảm nhiệm tốt và đã có môi trường pháp lý đầy đủ. Do đó, cần duy trì và phát triển năng lực của các cơ quan này.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là một tổ chức đã có sự phát triển xuất sắc, vượt bậc so với các tổ chức bảo hiểm tiền gửi khác trên thế giới. Vì nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa và thị trường tài chính cùng hệ thống tài chính của Việt Nam ngày càng mở rộng, vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo đó ngày càng quan trọng.
Việt Nam còn là một quốc gia dẫn đầu trong khu vực ASEAN. Chính vì vậy, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không chỉ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ để góp phần phát triển hệ thống ngân hàng, nền tài chính của Việt Nam, mà còn hướng đến đóng góp vào sự phát triển của khu vực nói chung. “Tôi cho rằng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai và KDIC luôn sẵn sàng đồng hành hỗ trợ sự phát triển của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam” - ông JaeHoon Yoo nhấn mạnh.
Nguyễn Lê (Hà Nội)