Dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng trong việc phát triển các dịch vụ hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Chia sẻ dữ liệu là điều kiện tiên quyết để cung cấp dịch vụ số, đơn giản hóa quy trình, thay đổi mô hình tổ chức, cách thức cung cấp dịch vụ. Để xây dựng và phát triển kinh tế số, thì một trong những ngành đóng vai trò rất quan trọng, đó là ngành Ngân hàng, được coi là huyết mạch của nền kinh tế quốc dân, đây là ngành phải tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, thực tế, hệ thống, quy trình của một số ngành, lĩnh vực chưa sẵn sàng để tích hợp kết nối với hạ tầng ngành Ngân hàng cũng như ứng dụng các hình thức thanh toán mới, hiện đại; dữ liệu chưa được chuẩn hóa, chưa có cơ sở dữ liệu tập trung... dẫn đến khó khăn trong việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị với ngân hàng.
Xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính, ngân hàng để thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia
Tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định mục tiêu và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngân hàng được xác định là lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được giao nhiệm vụ về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng nhằm hướng tới việc cung cấp dịch vụ ngân hàng số, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính, ngân hàng để thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia; ban hành cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số được tiếp cận tín dụng một cách thuận lợi; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được thời gian qua và đồng hành cùng công cuộc chuyển đổi số quốc gia, ngày 11/5/2021, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt "Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (Quyết định 810). Một trong những mục tiêu tổng quát tại Kế hoạch là: Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.
Đồng thời, tại Quyết định 810 cũng đề ra giải pháp: Nghiên cứu và triển khai hạ tầng tập trung để cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong quá trình chuyển đổi số, trong đó có sự đóng góp tích cực từ các ngân hàng thương mại, cũng như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số.
Để triển khai chương trình Chuyển đổi số quốc gia, NHNN đã nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách, Đề án, quy định tạo thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số và đã đạt được những kết quả tích cực. Các công nghệ thành tựu của CMCN 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi (thanh toán, tín dụng, nhận tiền gửi), thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hằng năm (90% về số lượng và 150% về giá trị).
Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch và lợi ích to lớn cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số. Ngành Ngân hàng đã đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch thanh toán của người dân tăng cao trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch Covid-19, hàng chục triệu người đã sử dụng dịch vụ thanh toán trên môi trường số. Theo khảo sát của tổ chức thẻ Visa, 87% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến, tăng gấp 20 lần so với thời điểm trước đại dịch.
Các dịch vụ cơ bản đã được thực hiện hoàn toàn trên kênh số (mở tài khoản, thanh toán, chuyển tiền, tiền gửi tiết kiệm...); nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số; các ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực (theo đánh giá tháng 9/2021 của Hãng tư vấn McKinsey).
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng, NHNN đã chỉ đạo toàn Ngành nâng cấp hạ tầng công nghệ, quy trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên kênh số phục vụ cho việc kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng.
Hiện nay, các ngân hàng tại Việt Nam khá “mở” trong chia sẻ dữ liệu với Fintech và nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ khác như điện, nước, viễn thông… thông qua các cổng giao diện lập trình ứng dụng (API). Có thể hình dung, người dùng Fintech thông qua ứng dụng Fintech yêu cầu truy cập dữ liệu ngân hàng, sau khi xác thực, ngân hàng đồng ý cho người dùng truy cập, xác thực tài khoản và thực hiện các dịch vụ thanh toán. Thực tế đã có rất nhiều ngân hàng đang ứng dụng công nghệ ngân hàng mở. Có thể kể tên một số ngân hàng như: VietinBank, OCB, Agribank, Bac A Bank, BIDV, VPBank, Vietcombank... đều đã có những bước đi tiên phong trong việc mở API. Cụ thể, VietinBank đã có hơn 127 API được cung cấp trên thị trường với hơn 73 đối tác (nền tảng iConnect); OCB đã triển khai hơn 30 API mở; BIDV triển khai nền tảng BIDV Paygate; ứng dụng ngân hàng số Timo kết hợp với VPBank, Viet Capital Bank…
Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp triển khai kết nối giữa các ngành, lĩnh vực để thiết lập hệ sinh thái số, cho thấy một số thách thức như: (i) Hệ thống, quy trình của một số ngành, lĩnh vực chưa sẵn sàng để tích hợp kết nối với hạ tầng ngành Ngân hàng cũng như ứng dụng các hình thức thanh toán mới, hiện đại; dữ liệu chưa được chuẩn hóa, chưa có cơ sở dữ liệu tập trung… dẫn đến khó khăn trong việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị với ngân hàng; (ii) Khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng.
Không những thế, việc chia sẻ dữ liệu với ngân hàng vẫn khá rủi ro vì chưa có hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề này. Hơn nữa, vấn đề an ninh, bảo mật cũng là thách thức với các ngân hàng. Qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận định có nhiều phương thức tấn công mạng, gián điệp mạng đánh cắp thông tin dữ liệu khách hàng tại ngân hàng, truy cập trái phép vào dữ liệu khách hàng. Riêng trong năm 2020, có khoảng 5.000 cuộc tấn công vào các cơ quan Nhà nước, tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, ngân hàng… truy cập trái phép vào thông tin dữ liệu quan trọng của các đơn vị này. Tội phạm ngày càng gia tăng và diễn biến tinh vi, đặc biệt trong bối cảnh giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Nhiều đối tượng lắp đặt thiết bị để đánh cắp thông tin khách hàng từ cây ATM, sử dụng thông tin khách hàng để chiếm đoạt, thanh toán khống dịch vụ hàng hóa qua máy POS; giả mạo tin nhắn của ngân hàng, lập giả mạo các web của ngân hàng, gửi link đánh cắp thông tin…
Xây dựng khung pháp lý về quản lý, chia sẻ, bảo vệ dữ liệu và tăng cường an ninh bảo mật
Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ quan điểm phát triển dữ liệu trong Chính phủ số, đó là: “Dữ liệu là tài nguyên mới. Cơ quan Nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Các cơ quan Nhà nước kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan Nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu”.
Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là dữ liệu từ các Cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương sẽ giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu; nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin thủ công, nhiều lần cho cơ quan Nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ; tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí.
Ngày 01/3/2022, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 297/QĐ-NHNN về Kế hoạch triển khai và công bố danh mục dữ liệu mở của NHNN. Theo đó, mục đích của Kế hoạch này nhằm xác định danh mục dữ liệu mở của NHNN, là cơ sở để triển khai các nhiệm vụ tiếp theo trong Kế hoạch của NHNN triển khai Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước; thực hiện quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của NHNN, tạo lập nền tảng cho việc xây dựng Chính phủ điện tử và hướng tới xây dựng Chính phủ số tại NHNN; xác định trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHNN trong việc tổ chức quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của NHNN.
Về vấn đề đảm bảo bí mật thông tin khách hàng của ngân hàng, chia sẻ thông tin cho bên thứ ba được điều chỉnh theo một số quy định của luật chuyên ngành (Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng)…; đồng thời, chịu sự điều chỉnh bởi một số quy định trong các luật liên quan khác như: Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng,...
Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Công an xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân hướng đến quản lý việc xử lý dữ liệu cá nhân của các pháp nhân hoặc thể nhân. Nghị định quy định chi tiết về các hoạt động xử lý dữ liệu (thu thập, tiết lộ, phân tích, thay đổi, sử dụng, xóa,...), quyền của chủ thể dữ liệu và các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân. Mục tiêu của Nghị định này là xây dựng được các quy định pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính dự báo về dữ liệu cá nhân, chủ dữ liệu cá nhân, quyền cơ bản của chủ dữ liệu cá nhân; đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam; tạo cơ chế, chính sách đồng bộ trong bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thời gian tới, Bộ Công an cần sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; xây dựng cơ chế, chính sách cho phép các ngành, dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông,... khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết hợp yếu tố sinh trắc học nhằm thúc đẩy việc mở tài khoản từ xa thông qua phương thức điện tử thuận tiện, an toàn và đảm bảo phòng, chống rủi ro. Đồng thời, Bộ Công an sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và tạo thuận lợi cho việc thu thập, lưu trữ, chia sẻ, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Phạm vi Nghị định cần bao trùm toàn bộ, đầy đủ hoạt động định danh và xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức trong mọi giao dịch điện tử.
Về phía ngành Ngân hàng, NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, đề xuất và triển khai các mô hình kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng hệ sinh thái số, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, khách hàng; quy định chuẩn hóa các nền tảng, tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo tính đồng bộ, chia sẻ. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề cần được luật hóa và các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, ưu tiên vào các nội dung liên quan đến ứng dụng các công nghệ số như: Thu thập, khai thác, xử lý và chia sẻ dữ liệu khách hàng; giao dịch điện tử; xây dựng và triển khai Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng; ban hành các tiêu chuẩn dữ liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số… Song song với đó, mở rộng và phát triển hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử cho các giao dịch thanh toán bán lẻ hướng tới thiết lập hạ tầng thanh toán thống nhất, đồng bộ, có khả năng tích hợp, kết nối các ngành, lĩnh vực khác, từ đó mở rộng hệ sinh thái số.
NHNN tiếp tục phối hợp Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và triển khai hạ tầng tập trung để cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu phục vụ xác minh thông tin, phân loại, đánh giá khách hàng. Cần xây dựng các chính sách, cơ chế quản lý phù hợp để thúc đẩy hoạt động quản lý và phân tích dữ liệu được thực hiện một cách bài bản. Đồng thời, xây dựng chính sách quản lý dữ liệu phù hợp với cơ chế chia sẻ thông tin rõ ràng gắn với trách nhiệm cung cấp dữ liệu chính xác. Từ đó, thông tin trong tổ chức không chỉ dừng lại ở mức độ được sắp xếp, lưu trữ hợp lý mà được luân chuyển, tạo thành dòng chảy hiệu quả mang đến những giá trị mới giúp nâng cao hiệu quả hoạt động.
NHNN cần sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định về thu thập, khai thác, xử lý dữ liệu trong ngành Ngân hàng; xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn về Open API trong lĩnh vực thanh toán.
Để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, mở rộng hệ sinh thái về thanh toán số, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng theo Quyết định 810; đồng thời, đẩy mạnh triển khai các chương trình giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp để tăng cường kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, nâng cao hiểu biết trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội bảo vệ người tiêu dùng cần phối hợp xây dựng hành lang pháp lý nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng tài chính. Để hoàn thiện khung pháp lý đối với bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính, cần quy định trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính trong vấn đề bảo mật thông tin, tài sản của người tiêu dùng dịch vụ tài chính; quy định cơ chế tiếp nhận, quản lý, giải quyết khiếu nại hiệu quả; chú ý đến các vấn đề bảo vệ người tiêu dùng phát sinh từ các giao dịch quốc tế, tiếp thị và bán hàng xuyên biên giới; chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong quá trình thu thập và chia sẻ thông tin giữa các bên sử dụng dịch vụ.
Các ngân hàng thương mại cần tăng cường các giải pháp an ninh, bảo mật nhằm bảo vệ thông tin, dữ liệu của chính ngân hàng và khách hàng, chú trọng công tác phát triển nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cần tăng cường gia tăng đầu tư vào hệ thống Firewall (tường lửa), đặc biệt là thế hệ NextGen để ngăn chặn truy cập bất hợp pháp và các cuộc tấn công. Các Firewall thế hệ cũ chỉ hoạt động ở tầng giao vận (Layer 4 - OSI), tuy nhiên, với thế hệ NextGen Firewall mới, hệ thống hỗ trợ cho việc hoạt động cả ở tầng ứng dụng (Layer 7 - OSI), cung cấp một giải pháp toàn diện cho người quản trị về đảm bảo an ninh và quản lý hệ thống. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần đầu tư vào các phần mềm phòng, chống mã độc; có biện pháp chống thất thoát các dữ liệu nhạy cảm qua các máy trạm và thiết bị đầu cuối, mạng, email, truy cập Internet, giúp tăng cường bảo mật cho máy tính người dùng; chủ động nhận biết và đánh giá những rủi ro tiềm ẩn, đưa ra các giải pháp để giảm thiểu, loại trừ rủi ro; giám sát chi tiết các giao dịch, các kết nối mạng, hiệu năng của hệ thống, phát hiện các vấn đề bất thường…
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN phê duyệt "Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
2. Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
3. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0.
4. Quyết định số 297/QĐ-NHNN ngày 01/3/2022 của Thống đốc NHNN về Kế hoạch triển khai và công bố danh mục dữ liệu mở của NHNN.
5. Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước.
Phạm Trang