Sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (sau đây gọi chung là Mobile-Money) là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán mới và đang được Chính phủ thí điểm triển khai...
Mobile-Money đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối mọi người, cung cấp các nguồn tài chính cần thiết với cách thức an toàn, không tiếp xúc, để thanh toán cho các dịch vụ thiết yếu và nhu cầu hằng ngày
1. Đặt vấn đề
Sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (sau đây gọi chung là Mobile-Money) là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán mới và đang được Chính phủ thí điểm triển khai. Về bản chất, Mobile-Money là hình thức hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) do doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử và Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện hoặc là công ty con được công ty mẹ có Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông thực hiện. Phát triển Mobile-Money là giải pháp hữu hiệu giúp tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo - một trong những mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, phát triển Mobile-Money cũng giúp tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh TTKDTM trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được trao đổi các vấn đề pháp lý về Mobile-Money như một hình thức thanh toán mới trong nền kinh tế và những vấn đề pháp lý cần quan tâm trong phát triển hình thức thanh toán này ở nước ta hiện nay.
2. Thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ thông qua tài khoản viễn thông trong hệ thống TTKDTM
Về bản chất, Mobile-Money còn được gọi là dịch vụ thanh toán di động, một dịch vụ thanh toán có nét tương đồng với ví điện tử trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), được phát triển quy mô lớn tại các nước châu Âu và ngày càng lan rộng, đặc biệt là các nước khu vực châu Á. Theo đó, Mobile-Money tồn tại như một dạng ví điện tử nhưng không có tài khoản ngân hàng và được định danh bởi chính các tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông. Mobile-Money hoạt động dựa trên nguyên tắc tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông nên người dân có thể linh hoạt và thanh toán nhanh chóng những sản phẩm, dịch vụ y tế, giáo dục, tài chính, an sinh xã hội, nông nghiệp... Mobile-Money là sản phẩm thu hút được sự quan tâm không chỉ của các ngân hàng thương mại (NHTM) mà còn cả người dân, cũng như tổ chức cung ứng dịch vụ viễn thông, do Mobile-Money có đặc tính như một công cụ có nhiều ứng dụng và là giao điểm của các quy định liên quan đến tài chính, viễn thông và công nghệ1.
Ở Việt Nam, đối với việc cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, pháp luật Việt Nam hiện hành đã có quy định chi tiết về hoạt động thanh toán qua tài khoản ngân hàng bằng phương tiện điện tử bao gồm hoạt động thẻ ngân hàng2, cung ứng và sử dụng séc3, cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán4. Pháp luật về cung ứng dịch vụ thanh toán, nhất là thanh toán thẻ ở Việt Nam quy định về các hình thức thanh toán liên quan đến hoạt động ngân hàng điện tử như máy giao dịch tự động, thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán, thanh toán thẻ qua mã phản hồi nhanh dựa trên các hình thức bảo mật như mã số xác định chủ thẻ, mã tổ chức phát hành thẻ. Cơ chế hoạt động thanh toán thẻ được thể hiện thông qua việc tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ, đơn vị chấp nhận thẻ, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ, tổ chức thanh toán quốc tế có trách nhiệm bảo mật các thông tin thẻ, chủ thẻ, giao dịch thẻ và chỉ cung cấp thông tin theo yêu cầu của chủ thẻ, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của pháp luật. Việc chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động thẻ do tổ chức phát hành, tổ chức thanh toán thẻ thỏa thuận với nhau theo quy định của pháp luật. Tổ chức thẻ quốc tế có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến giao dịch thẻ có BIN do tổ chức thẻ quốc tế cấp theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) để thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, để sử dụng được dịch vụ thanh toán, khách hàng phải mở tài khoản thanh toán tại một tổ chức tín dụng (TCTD) được cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng. Quy định này trở thành rào cản cho tiến trình phổ cập các dịch vụ tài chính để đạt được mục tiêu phát triển tài chính toàn diện, theo đó, mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó, chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ5. Do đó, phổ cập các dịch vụ tài chính trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và Mobile-Money đã đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối mọi người, cung cấp các nguồn tài chính cần thiết với cách thức an toàn, không tiếp xúc, để thanh toán cho các dịch vụ thiết yếu và nhu cầu hằng ngày. Theo báo cáo từ Hiệp hội Viễn thông di động toàn cầu (GSMA)6 năm 2021, số lượng tài khoản Mobile-Money đăng ký thêm trong năm 2020 tăng 12,7% trên toàn thế giới với hơn 136 triệu tài khoản. Lần đầu tiên ngành công nghiệp này xử lý hơn 2 tỷ USD mỗi ngày, tăng hơn gấp đôi về giá trị kể từ năm 2017 và dự kiến đạt 3 tỷ USD đến cuối năm 2022 (Hình 1).
Từ kết quả thống kê của GSMA cho thấy, phát triển Mobile-Money là giải pháp hữu hiệu góp phần phát triển hoạt động TTKDTM, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, rất phù hợp với điều kiện địa hình của Việt Nam. Phát triển Mobile-Money giúp tận dụng được hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh TTKDTM trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng, đồng thời, cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile-Money. Trong chừng mực nhất định, có thể khẳng định, phát triển Mobile-Money góp phần làm phong phú hơn hoạt động TTKDTM ở Việt Nam, đồng thời tăng tính tiện ích cũng như cơ hội tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính cho người dân ở những vùng không có điều kiện phát triển hoạt động ngân hàng mà ở đó, Mobile-Money cho phép những người không có tài khoản ngân hàng sử dụng điện thoại thay cho tài khoản ngân hàng để gửi, rút, chuyển tiền bằng điện thoại của mình và thanh toán các hóa đơn, mua hàng hóa tại các cửa hàng.
3. Thực trạng quy định về hoạt động Mobile-Money ở Việt Nam
Phân tích hiện trạng phát triển thị trường dịch vụ thanh toán, Trần Hùng Sơn và các tác giả (2020) cho rằng, các doanh nghiệp Fintech đang hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như: Thanh toán, gọi vốn cộng đồng, Blockchain, quản lý tài chính cá nhân, quản lý POS/mPOS, quản lý dữ liệu, cho vay, so sánh thông tin. Trong đó, doanh nghiệp hoạt động thanh toán phát triển mạnh nhất. Thị trường thanh toán di động có những lợi thế phát triển nhờ cơ cấu dân số trẻ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và một tầng lớp trung lưu ngày một gia tăng7. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp luật điều chỉnh hoạt động Mobile-Money ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn thí điểm8 và được NHNN, doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử và Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện hoặc là công ty con được công ty mẹ có Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông nỗ lực nghiên cứu, triển khai trong thực tiễn. Từ nội dung thí điểm tại Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Quyết định số 316/QĐ-TTg) cho thấy:
Thứ nhất, dịch vụ Mobile-Money được thực hiện thông qua các nghiệp vụ: (i) Nạp tiền mặt vào tài khoản Mobile-Money tại các điểm kinh doanh; nạp tiền vào tài khoản Mobile-Money từ tài khoản thanh toán của khách hàng (chủ tài khoản Mobile-Money) tại ngân hàng hoặc từ Ví điện tử của khách hàng (chủ tài khoản Mobile-Money) tại chính doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money; (ii) Rút tiền mặt từ tài khoản Mobile-Money tại các điểm kinh doanh; rút tiền từ tài khoản Mobile-Money về tài khoản thanh toán của khách hàng (chủ tài khoản Mobile-Money) tại ngân hàng hoặc rút về Ví điện tử của khách hàng (chủ tài khoản Mobile-Money) tại chính doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money; (iii) Thanh toán việc mua hàng hóa, dịch vụ cho đơn vị chấp nhận thanh toán bằng tài khoản Mobile-Money; (iv) Chuyển tiền giữa các tài khoản Mobile-Money của khách hàng trong cùng hệ thống của doanh nghiệp thực hiện thí điểm, giữa tài khoản Mobile-Money của khách hàng với tài khoản thanh toán tại ngân hàng, giữa tài khoản Mobile-Money với ví điện tử do chính doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng. Nhìn chung, các nghiệp vụ này đã thể hiện hầu hết các tính chất của nghiệp vụ cung ứng qua tài khoản của khách hàng do tổ chức thực hiện nên có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Thứ hai, đối với phạm vi không gian địa lý và hạn mức sử dụng dịch vụ Mobile-Money, Quyết định số 316/QĐ-TTg cho phép việc triển khai thí điểm áp dụng trên phạm vi toàn quốc, trong đó, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải ưu tiên triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành phục vụ cho nhu cầu cuộc sống người dân. Việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money chỉ áp dụng đối với giao dịch nội địa hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam bằng đồng Việt Nam, không được thực hiện thanh toán/chuyển tiền cho các hàng hóa, dịch vụ cung cấp xuyên biên giới. Về hạn mức cho tổng các giao dịch rút tiền, chuyển tiền và thanh toán không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản Mobile-Money. Việc không giới hạn phạm vi không gian thí điểm là nội dung có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi lẽ, kết quả thí điểm trên diện rộng sẽ giúp cho cơ quan nhà nước có được cơ sở dữ liệu có độ tin cậy để ban hành các chính sách có tính khả thi cao trong thực tiễn, nhất là những khó khăn trong thực tế triển khai.
Thứ ba, đối với doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile-Money, Quyết định số 316/QĐ-TTg đã quy định khá chặt chẽ điều kiện để được tham gia thí điểm. Theo đó, doanh nghiệp thực hiện thí điểm ngoài việc phải xây dựng quy trình (sơ đồ và diễn giải các bước thực hiện, quy trình dòng tiền từ lúc khởi tạo giao dịch đến lúc quyết toán nghĩa vụ giữa các bên liên quan) đối với các nghiệp vụ đăng ký còn phải thành lập một đơn vị/bộ phận riêng để vận hành, triển khai việc cung ứng dịch vụ Mobile-Money và phải có phương án cụ thể để quản lý tách bạch tài khoản Mobile-Money với tài khoản của SIM thuê bao di động (là tài khoản sử dụng cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ thông tin di động, dịch vụ viễn thông). Để đảm bảo khả năng thanh toán, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán tại NHTM và số dư trên các tài khoản đảm bảo thanh toán phải được duy trì không thấp hơn so với tổng số dư tất cả các tài khoản Mobile-Money của các khách hàng tại cùng một thời điểm; xây dựng cơ chế xử lý rủi ro về thanh khoản để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Mobile-Money phải được tách bạch, riêng biệt với các tài khoản thanh toán khác của doanh nghiệp thực hiện thí điểm mở tại NHTM (tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử, hỗ trợ thu hộ, chi hộ, tài khoản thanh toán phí, tài khoản trả lương và các tài khoản phục vụ cho mục đích khác của doanh nghiệp thực hiện thí điểm). NHTM có trách nhiệm theo dõi, quản lý để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện thí điểm chỉ sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán cho các nghiệp vụ của dịch vụ Mobile-Money, không sử dụng cho các mục đích khác và tách bạch, riêng biệt với các tài khoản thanh toán khác của doanh nghiệp thực hiện thí điểm mở tại NHTM.
Thứ tư, Quyết định số 316/QĐ-TTg đã có nhiều quy định nhằm bảo đảm an toàn trong cung ứng dịch vụ Mobile-Money. Cụ thể, doanh nghiệp thực hiện thí điểm chịu trách nhiệm quy định về nhận biết, định danh khách hàng (KYC) một cách chính xác khi khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile-Money dựa trên trách nhiệm trang bị, triển khai áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) tại các điểm kinh doanh để nhận biết và xác thực chính xác khách hàng (nhận diện khuôn mặt, mống mắt...) khi đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile-Money. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải xây dựng cơ chế kiểm soát các giao dịch tiền mặt (nạp, rút tiền mặt vào/ra tài khoản Mobile-Money) phát sinh tại các điểm kinh doanh đảm bảo nhận biết và kiểm soát được chính xác số tiền đã nhận của khách hàng; đối soát với tổng số dư tài khoản Mobile-Money của khách hàng; đảm bảo số tiền các điểm kinh doanh đã nhận của khách hàng phải được nạp tương ứng theo tỷ lệ 1:1 vào tài khoản Mobile-Money của khách hàng. Doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra mất tiền trong tài khoản Mobile-Money của khách hàng (trừ các trường hợp lỗi phát sinh từ phía khách hàng) hoặc số tiền được ghi có vào tài khoản Mobile-Money không tương ứng theo tỷ lệ 1:1 với số tiền khách hàng đã nạp. Doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải xây dựng cơ chế đảm bảo an toàn thanh toán của các điểm kinh doanh; xây dựng quy trình xử lý giao dịch giữa doanh nghiệp thực hiện thí điểm và các điểm kinh doanh đối với từng hoạt động; quy trình đối soát, thanh, quyết toán; quy trình xử lý tra soát, khiếu nại, tranh chấp của khách hàng đối với giao dịch phát sinh tại các điểm kinh doanh. Về trách nhiệm đối với khách hàng, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng khi triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money, đồng thời phải xây dựng quy định, cơ chế về xử lý, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp của khách hàng cũng như phương án xử lý đối với trường hợp tài khoản Mobile-Money của khách hàng vẫn còn tiền nhưng số thuê bao di động đã bị doanh nghiệp thực hiện thí điểm thu hồi và cấp cho người khác sử dụng hoặc thuê bao di động đã chuyển sang sử dụng dịch vụ thông tin di động của doanh nghiệp viễn thông khác theo thủ tục chuyển mạng giữ số thuê bao…
Thứ năm, Quyết định số 316/QĐ-TTg đã xác định rõ cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động cung ứng nghiệp vụ NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan hướng dẫn, thẩm định hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money của các doanh nghiệp thực hiện thí điểm, đánh giá việc đáp ứng quy định tại Quyết định này để chấp thuận việc tham gia thí điểm đối với từng trường hợp; thực hiện theo dõi tình hình triển khai, hướng dẫn và giải đáp vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm về sử dụng tài khoản Mobile-Money trong hoạt động thanh toán. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với NHNN trong việc hướng dẫn, thẩm định, đánh giá việc đáp ứng các điều kiện thí điểm (liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông) đã được quy định tại Quyết định này và các quy định khác có liên quan đối với hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile-Money của các doanh nghiệp thực hiện thí điểm. Bộ Công an phối hợp với NHNN trong việc hướng dẫn, thẩm định, đánh giá việc đáp ứng các điều kiện thí điểm (liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an) đã được quy định tại Quyết định này và các quy định khác có liên quan đối với hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile-Money của các doanh nghiệp thực hiện thí điểm. Ngoài ra, các bộ, ngành cũng có cơ chế phối hợp để kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện cung ứng dịch vụ Mobile-Money trên thị trường.
4. Kết luận và khuyến nghị chính sách
Một là, về định danh khách hàng, hiện chưa có hệ thống định danh khách hàng điện tử (eKYC) về xác thực người dùng do chưa hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, cho phép ngành Ngân hàng khai thác thông tin trên chip thẻ căn cước công dân, đặc biệt là các yếu tố sinh trắc học, qua đó hỗ trợ định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử, tăng độ chính xác trong định danh, xác thực khách hàng9. Điều này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xác thực thông tin khách hàng nhằm phát hiện các giao dịch đáng ngờ hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật do không thể kiểm tra thông tin khách hàng cung cấp, từ đó có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không tích cực triển khai dịch vụ Mobile-Money, bởi lẽ:
- Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động trong quá trình vận hành, triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money. Doanh nghiệp thực hiện thí điểm nếu vi phạm quy định hoặc để xảy ra bất kỳ hành vi biến tướng, lợi dụng dịch vụ Mobile-Money cho các hoạt động vi phạm pháp luật sẽ bị đình chỉ việc tham gia thí điểm và xử lý các hậu quả, hệ lụy phát sinh bởi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Thiếu cơ sở để doanh nghiệp thực hiện thí điểm xây dựng quy định về việc mã hóa và kiểm soát truy cập thông tin khách hàng, thông tin giao dịch để đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu khách hàng do doanh nghiệp thực hiện thí điểm thu thập; lưu trữ trên hệ thống dữ liệu về các thông tin liên quan đến tài khoản, số dư tài khoản Mobile-Money của khách hàng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Hai là, theo quy định hiện hành, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp thực hiện thí điểm và các điểm kinh doanh trong thời gian triển khai thí điểm để đảm bảo tuân thủ pháp luật; giám sát việc tuân thủ của doanh nghiệp thực hiện thí điểm đối với các hành vi bị cấm, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm; quản lý việc thu phí dịch vụ Mobile-Money của doanh nghiệp thực hiện thí điểm; hướng dẫn và giải đáp vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện thí điểm liên quan tới việc sử dụng tài khoản viễn thông, ứng dụng viễn thông và Internet trong dịch vụ Mobile-Money và chủ trì, chịu trách nhiệm thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra (tối thiểu 01 lần/1 năm) các doanh nghiệp thực hiện thí điểm, các điểm kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện thí điểm trong quá trình hoạt động, triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money; phối hợp NHNN thực hiện tổng kết, đánh giá sau 02 năm thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money và kiến nghị, đề xuất chính sách quản lý phù hợp. Tuy nhiên, vấn nạn “sim rác” đang tồn tại hiện nay vẫn chưa được giải quyết triệt để và nó có thể trở thành nguy cơ đe dọa an toàn của hệ thống thanh toán Mobile-Money.
Ba là, Bộ Công an ngoài việc chủ động phát hiện, điều tra và xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng dịch vụ Mobile-Money để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cũng cần nhanh chóng ban hành hướng dẫn dấu hiệu nhận diện “hành vi lợi dụng dịch vụ Mobile-Money” vốn rất khó để chứng minh, nhất là dấu hiệu liên quan đến hoạt động phạm tội, có hành vi vi phạm pháp luật, các giao dịch bất thường, đáng ngờ (thông tin cung cấp bao gồm toàn bộ thông tin lưu trữ về tài khoản Mobile-Money).
Bốn là, tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Chính phủ yêu cầu “khẩn trương triển khai thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money”. Có thể khẳng định, Mobile-Money không chỉ kích thích sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh kỹ thuật số, mà còn đẩy mạnh việc tiếp cận các dịch vụ tài chính. Chẳng hạn tại Kenya, sau 3 năm triển khai Mobile-Money thì tỷ lệ sử dụng tài khoản ngân hàng tăng 19%, nhờ vào sự phát triển của dịch vụ Mobile-Money. Mobile-Money với các giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ chính là trải nghiệm để người dân trở thành khách hàng của ngân hàng. Để phát triển Mobile-Money ở Việt Nam, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người đang sở hữu thuê bao di động biết cách sử dụng. Việc NHNN công bố công khai Quyết định số 1818/QĐ-NHNN và Quyết định số 1820/QĐ-NHNN ngày 18/11/2021 của Thống đốc NHNN về việc chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money cho Tổng Công ty Viễn thông MobiFone và Tổng Công ty Truyền thông (VNPT-Media), Quyết định số 1916/QĐ-NHNN ngày 26/11/2021 của Thống đốc NHNN về việc chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money cho Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) giúp người sử dụng thuê bao di động biết và tìm hiểu năng lực của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Đối với doanh nghiệp tham gia thí điểm cần tăng cường các kênh thông tin để người dân hiểu được quy trình sử dụng nghiệp vụ, nhất là việc nạp, rút, chuyển tiền cho các giao dịch thanh toán, những lỗi kỹ thuật có thể gặp phải để người dân yên tâm sử dụng.
1 Trần Hùng Sơn, Hoàng Công Gia Khánh, Huỳnh Thị Ngọc Lý, Khuôn khổ pháp lý đối với sự phát triển của Mobile -Money: Kinh nghiệm thế giới và gợi ý chính sách cho Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng số 8/2020, truy cập tại địa chỉ http://tapchinganhang.com.vn/khuon-kho-phap-ly-doi-voi-su-phat-trien-cua-mobile-money-kinh-nghiem-the-gioi-va-goi-y-chinh-sach-ch.htm ngày 22/10/2020.
2 Xem cụ thể:
- Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
- Thông tư số 30/2016/TT-NHNN ngày 14/10/2016 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán.
- Thông tư số 26/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
- Thông tư số 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
- Thông tư số 28/2019/TT-NHNN ngày 25/12/2019 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
3 Thông tư số 22/2015/TT-NHNN ngày 20/11/2015 của Thống đốc NHNN quy định hoạt động cung ứng và sử dụng séc.
4 Xem thêm:
- Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.
- Thông tư số 30/2016/TT-NHNN ngày 14/10/2016 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán.
5 Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
6 GSMA Consumer Survey (2020). Question asked: “I started saving money in a savings account linked to mobile money because of Coronavirus”. Sample sizes: Kenya: 943, Mozambique: 470, Bangladesh: 364, Nigeria: 298, Pakistan: 181.
7 Trần Hùng Sơn, Hoàng Công Gia Khánh, Huỳnh Thị Ngọc Lý, Khuôn khổ pháp lý đối với sự phát triển của Mobile-Money: Kinh nghiệm thế giới và gợi ý chính sách cho Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng số 8/2020, tlđd.
8 Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.
9 Thuy Thu Nguyen, Hien Thi Nguyen, Hong Thi Mai, Tram Thi Minh Tran, Determinants of digital banking services in Vietnam: Applying UTAUT2 Model, Asian Economic and Financial Review, 2020, 10(6), pp.682.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. GSMA Consumer Survey (2020). Question asked: “I started saving money in a savings account linked to mobile money because of Coronavirus”. Sample sizes: Kenya: 943, Mozambique: 470, Bangladesh: 364, Nigeria: 298, Pakistan: 181.
2. Trần Hùng Sơn, Hoàng Công Gia Khánh, Huỳnh Thị Ngọc Lý, Khuôn khổ pháp lý đối với sự phát triển của Mobile-Money: Kinh nghiệm thế giới và gợi ý chính sách cho Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng số 8/2020.
3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
4. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.
5. Thuy Thu Nguyen, Hien Thi Nguyen, Hong Thi Mai, Tram Thi Minh Tran, Determinants of digital banking services in Vietnam: Applying UTAUT2 Model, Asian Economic and Financial Review, 2020, 10(6), pp.682.
TS. Bùi Hữu Toàn
Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng