“Check” CIC được hiểu đơn giản là kiểm tra thông tin cá nhân/doanh nghiệp về quá trình thanh toán, trả nợ của khách hàng: có trả chậm không, thời gian trả chậm là bao nhiêu ngày, điểm tín dụng cá nhân, ngân hàng đang vay vốn...
Để kiểm tra thông tin về dư nợ, khách hàng cần đăng ký tài khoản lần đầu trên website của CIC bằng cách cung cấp thông tin gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại... Ngoài ra, cần có ảnh Chứng minh Nhân dân (CMND) hai mặt cùng với ảnh chân dung cá nhân để CIC định danh người đăng ký. Việc nhớ hoặc lấy số CMND của người khác thì không cấp được tài khoản đăng nhập. Sau một đến vài ngày làm việc để CIC kiểm tra thông tin, xác định người đăng ký là chủ nhân của số CMND, tài khoản của bạn sẽ được kích hoạt. Lúc này bạn có thể đăng nhập vào CIC và chọn phần khai thác báo cáo, gồm các thông tin về điểm tín dụng, mức độ rủi ro và kiểm tra đang có nợ xấu hay không. Báo cáo này đang được khai thác miễn phí.
Quy trình khai thác thông tin này được thực hiện nhằm bảo vệ chính khách hàng, bởi thực tế rất nhiều người mất CMND và rất có thể bị kẻ xấu lợi dụng để khai thác thông tin tín dụng một cách bất hợp pháp. Cùng với đó, nếu không chụp CMND mà chỉ cần nhớ số CMND thì cũng rất dễ bị lọt, lộ thông tin của chính khách hàng. Mặt khác, thông tin tín dụng khách hàng cá nhân trên CIC cũng chỉ để khách hàng xem và nắm bắt về lịch sử tín dụng của bản thân và khách hàng không thể tự chỉnh sửa những thông tin này. Đặc biệt là bản thân đơn vị cung cấp thông tin tín dụng là CIC cũng “không thể” tự ý chỉnh sửa thông tin tín dụng của bất kỳ khách hàng cá nhân hay tổ chức nào. Quy định này làm tăng tính minh bạch và đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng.
Vậy trong trường hợp khách hàng bị CIC ghi nhận có nợ xấu, điểm tín dụng thấp thì cần kiểm tra lại các quan hệ tín dụng của bản thân. Trong trường hợp xác định rõ là bị nhầm (trùng tên, trùng CMND, trùng địa chỉ...) khách hàng phải có đơn đề nghị chính tổ chức tín dụng đã ghi nhận nợ xấu chỉnh sửa lại thông tin tín dụng của mình. Căn cứ trên đề nghị của tổ chức tín dụng ghi nhận nợ, CIC sẽ chỉnh sửa thông tin tín dụng của khách hàng/tổ chức. Và cũng chỉ tổ chức tín dụng ghi nhận nợ xấu mới có quyền chỉnh sửa thông tin tín dụng của khách hàng trên CIC.
Vậy “check” thông tin tín dụng trên CIC có lợi gì? Trước hết, khách hàng nắm được thông tin tín dụng của bản thân một cách chính thống, rõ ràng với chi phí 0 đồng! Khi khách có tài khoản trên CIC và muốn vay vốn một ngân hàng bất kỳ nào đó bạn có thể đăng ký nhu cầu vay vốn (cũng miễn phí) trên Cổng thông tin kết nối khách hàng vay của CIC một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất. Dựa trên đăng ký vay vốn của khách hàng, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp cận và xem xét nhu cầu vay vốn của khách hàng một cách nhanh chóng nhất. (Ngân hàng sẽ đi tìm khách hàng thay vì khách hàng phải đi tìm ngân hàng như trước). Một lợi ích nữa là với tài khoản của khách hàng đã đăng ký sẵn trên CIC, thì việc một ai đó mạo danh khách hàng để vay vốn là khá khó khăn khi các tổ chức tín dụng “check” thông tin CIC. Điều này vô hình đã tăng thêm một lớp bảo vệ và làm tăng điểm tín dụng của chính khách hàng.
Và cuối cùng, CIC chỉ khuyến khích người dân đăng ký “check” thông tin tín dụng chứ không bắt buộc. Việc “check” thông tin tín dụng là để bảo vệ chính điểm số tín dụng của khách hàng và bảo vệ khách hàng nên việc có “check” thông tin tín dụng hay không là việc mà mỗi người nên tự cân nhắc...
TT
Tạp chí Ngân hàng số 8/2021