Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu mang tính thời đại. Thanh toán không dùng tiền mặt là cách thức thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ không có sự xuất hiện của tiền mặt mà được tiến hành bằng cách trích tiền từ tài khoản của người chi chuyển vào tài khoản của người thụ hưởng hoặc bằng cách bù trừ lẫn nhau thông qua vai trò trung gian của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Thời gian qua, thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh và có dấu hiệu tích cực, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, thanh toán qua thẻ, Internet và điện thoại di động trong 4 tháng đầu năm 2020 đều tăng so với cùng kỳ năm 2019 (cụ thể: thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị). Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng gia tăng. Thanh toán dịch vụ công tiếp tục được mở rộng triển khai rộng rãi.
Với mục tiêu hiện đại hóa các ngành trong nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung cũng như thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công nói riêng. Nhằm cụ thể hóa nội dung của Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội và Kế hoạch số 923/QĐ-NHNN ngày 09/5/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 20/7/2018 triển khai thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Những kết quả đạt được
Từ năm 2018 đến hết tháng 05/2020, thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công qua hệ thống ngân hàng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách của tỉnh và đạt được kết quả đáng khích lệ. Các ngân hàng đẩy mạnh việc phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ trên địa bàn (Công ty Điện lực, Công ty cổ phần nước sạch, công ty viễn thông VNPT, Viettel, Mobifone) để bổ sung, mở rộng các hình thức thanh toán như: Ủy nhiệm thu tự động, Mobile Banking, Internet Banking, ATM, POS, tại các quầy giao dịch, BankPlus... tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc thanh toán được nhanh chóng, kịp thời. Điển hình là Ngân hàng TMCP An Bình chi nhánh Thái Nguyên năm 2019 doanh số thu hộ tiền điện tại đơn vị đạt 629 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Thái Nguyên và Nam Thái Nguyên đạt 70 tỷ đồng. Về thực hiện thu tiền nước, thông qua hình thức hóa đơn điện tử đã có 8.000 hộ khách hàng sử dụng thanh toán tiền nước qua hệ thống ngân hàng.
Nhằm khai thác lợi thế sẵn có là một trong những trung tâm giáo dục đào tạo lớn nhất cả nước với 12 trường đại học, cao đẳng, dạy nghề và trên 7,6 nghìn sinh viên, các ngân hàng trên địa bàn đã chủ động phối hợp với các trường mở thẻ thanh toán cho cán bộ, viên chức và sinh viên trong trường, đồng thời, thực hiện lắp đặt hệ thống máy rút tiền tự động tại các điểm trường. Nhiều trường thực hiện thu học phí online như: Đại học Thái Nguyên, Đại học Y Dược, Đại học Nông Lâm, Đại học Sư phạm, Đại học Công nghệ Thông tin… Đối với dịch vụ thanh toán tiền viện phí, một số ngân hàng đã thực hiện phối hợp với các bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên, Bệnh viện A, Bệnh viện Quốc tế cho khách hàng thanh toán qua POS và quét mã QR với số tiền thanh toán viện phí năm 2019 đạt trên 80 tỷ đồng.
Mạng lưới ngân hàng ngày càng phát triển, đến tháng 6/2020, trên địa bàn, đã có 34 đầu mối tổ chức tín dụng, trong đó, 28 chi nhánh ngân hàng thương mại, 01 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 01 chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên, 03 Quỹ tín dụng nhân dân và 01 tổ chức tài chính vi mô; 09 chi nhánh huyện, thành phố, thị xã trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Thái Nguyên và Nam Thái Nguyên; 110 Phòng giao dịch trực thuộc các Ngân hàng có trụ sở tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên góp phần mở rộng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Các ngân hàng chú trọng đầu tư, lắp đặt mở rộng mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại các đơn vị: Kho bạc Nhà nước, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, các điểm giao dịch của công ty điện lực, công ty cấp nước, điểm thu thuế… để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng. Theo thống kê đến tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh có 245 máy rút tiền tự động (ATM) và 1.700 thiết bị chấp nhận thẻ (POS), 635 điểm giới thiệu dịch vụ của 10 công ty tài chính.
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế tại các huyện, thị xã, thành phố và bảo hiểm xã hội thực hiện các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thu thuế, thu phí và thu chi bảo hiểm xã hội. Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên đã phối hợp với các ngân hàng thương mại mở 26 tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu để thực hiện ủy nhiệm thu ngân sách nhà nước; Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên khuyến khích khách hàng kê khai thuế qua mạng Internet và nộp thuế điện tử qua ngân hàng với kết quả năm 2019 đã có 100 % doanh nghiệp thực hiện kê khai và nộp thuế điện tử, số chứng từ nộp thuế điện tử đạt 98% và số tiền nộp ngân sách nhà nước bằng hình thức điện tử đạt 99%.
Nhằm đem đến sự an toàn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ, các ngân hàng đã và đang áp dụng hệ thống quản trị hiện đại trong khai thác sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Một trong hệ thống quản trị hiện đại được các ngân hàng (Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Ngoại Thương, Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng TMCP như Á Châu, Đông Nam Á, Kỹ Thương, Sài Gòn Thương Tín…) triển khai hệ thống quản trị ngân hàng tập trung (corebanking) hiện đại. Theo đó, phần mềm chuyên dụng quản lý hoạt động ngân hàng có thể tự động hóa lịch trình công việc, phục hồi nhanh các yêu cầu của khách hàng, có thể thực hiện tới 1.000 giao dịch/giây, quản trị tới 50 triệu tài khoản khách hàng và hỗ trợ thực hiện giao dịch qua hệ thống 24h/ngày, khách hàng chỉ cần một mã khách hàng duy nhất ở ngân hàng là có thể giao dịch với rất nhiều sản phẩm và ở bất cứ điểm giao dịch trong cùng hoặc khác hệ thống. Nhiều ngân hàng đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng trong và ngoài địa bàn ký kết kết thỏa thuận phối hợp để thực hiện đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với một số dịch vụ công. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động khách hàng mở tài khoản thẻ để thanh toán qua ngân hàng, đến nay đã thực hiện mở 1.015.685 tài khoản thanh toán (trong đó, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là 989.534 tài khoản); số lượng thẻ ngân hàng đang lưu hành là 574.615 thẻ.
Giải pháp thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại tỉnh Thái Nguyên
Những kết quả đạt được trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt lĩnh vực công của hệ thống ngân hàng trên địa bàn thời gian qua có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở nền tảng để mở rộng và phát triển dịch vụ công trực tuyến, phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử giúp tối đa hóa lợi ích cho người sử dụng trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thực hiện các các giải pháp, như: (i) Chú trọng phát triển các chương trình hướng dẫn, hỗ trợ đào tạo khách hàng về quy trình thanh toán, tạo thói quen cho khách hàng trong việc thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng; (ii) Khuyến khích các ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ công triển khai các hình thức ưu đãi cho khách hàng thực hiện thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng; (iii) Mở rộng và phát triển việc kết nối liên thông giữa các ngân hàng với các đơn vị điện, nước, trường học, bệnh viện, bảo hiểm xã hội để thực hiện việc xử lý và đối chiếu thông tin dưới dạng dữ liệu điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi và quản lý các khoản thu, chi với khách hàng được nhanh chóng, chính xác; (iv) Phối hợp truyền thông chương trình giáo dục tài chính “Tiền khéo, tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái” nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng và khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính đối với người dân; (v) Chủ động kiểm tra, rà soát hệ thống máy giao dịch tự động và máy chấp nhận thẻ; tăng cường hệ thống đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch qua ATM, POS và các giải pháp xác thực khách hàng, chống các hành vi gian lận; (vi) Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trong đó, có triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money).
Tuyết Nhung
Theo Tạp chí Ngân hàng số 13/2020