Đại dịch Covid-19 thời gian qua tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt với làn sóng dịch bệnh lần thứ tư từ cuối tháng 4/2021 đến đầu tháng 7/2021, Bắc Ninh là một trong những địa phương có quy mô bùng phát bệnh lớn nhất cả nước, gây ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Giá cả nhiều loại vật tư, hàng hóa tăng cao làm gia tăng áp lực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, việc áp dụng các quy định chặt chẽ về giãn cách, cách ly xã hội cũng gây không ít khó khăn cho hoạt động ngân hàng...
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Ninh cùng các cơ quan chức năng, sự đồng lòng, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không hoang mang nhưng tuyệt đối không chủ quan, lơ là, các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, quyết liệt, có sự chủ động, sáng tạo, đặt mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân lên trên hết, cố gắng cao nhất để bảo đảm cho hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, liên kết sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được vay vốn lãi suất ưu đãi phục hồi sản xuất, kinh doanh (Nguồn: Internet)
Thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách trong hoạt động ngân hàng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Thống đốc NHNN, NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh đã chủ động, tích cực, kịp thời chỉ đạo triển khai các chính sách, cơ chế, quy định về hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trên toàn hệ thống ngân hàng tỉnh, với khoảng 80 văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được ban hành trong năm 2021, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ với mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”1, theo đó, các đơn vị một mặt duy trì thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: Chủ động bổ sung phương án ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh; bố trí người lao động làm việc giãn cách phù hợp với tình hình thực tế và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh, NHNN; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến đến khách hàng, giảm tối đa việc khách hàng đến giao dịch trực tiếp tại đơn vị..., mặt khác, tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ ngân hàng trên địa bàn.
Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, Chủ tịch UBND tỉnh, NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh đã nghiêm túc, quyết liệt xây dựng và hoàn thiện Phương án ứng phó của đơn vị trong trường hợp toàn bộ trụ sở Chi nhánh bị cách ly, phong tỏa do dịch bệnh và Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại đơn vị theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế2 đảm bảo NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh duy trì hoạt động liên tục trong mọi tình huống của dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, cũng như nhu cầu giao dịch của các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD).
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng tỉnh Bắc Ninh cũng khẩn trương thành lập Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp theo Quyết định số 878/QĐ-UBND ngày 16/7/2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc thành lập Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp (Tổ phản ứng nhanh 3 nhất), trong đó, thành viên Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp là lãnh đạo chủ chốt NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh và lãnh đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn, với mục tiêu tiếp nhận thông tin phản ánh, trực tiếp từ Tổ phản ứng nhanh 3 nhất; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện; kết nối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh thông qua các hệ thống truyền thông đa phương tiện, qua đó hỗ trợ triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 an toàn trong các đơn vị; hỗ trợ giải quyết kịp thời, trực tiếp tới từng vụ việc cụ thể, từng khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo thẩm quyền và chức năng của ngành Ngân hàng, kịp thời cung cấp thông tin các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đến các cơ quan có liên quan như: Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; Báo Bắc Ninh, Đài truyền hình, Cổng thông tin điện tử tỉnh; tiếp tục duy trì đường dây nóng và bộ phận thường trực tiếp nhận, xử lý nhanh, kịp thời, triệt để các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân các vấn đề liên quan đến việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19; tham dự đầy đủ các hội nghị về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 do UBND tỉnh tổ chức, qua đó đã kịp thời giải đáp các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, đồng thời tích cực truyền thông đến người dân, doanh nghiệp về các chính sách, kết quả hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19...
Trước diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh, NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh và các chi nhánh ngân hàng, TCTD trên địa bàn với tinh thần đoàn kết, đồng lòng đã chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 07/01/2021 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021, Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN; các giải pháp hỗ trợ theo chỉ đạo của ngân hàng cấp trên như giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ cho vay hiện hữu, cho vay các gói hỗ trợ tín dụng, giảm một số loại phí đối với giao dịch điện tử của khách hàng...; do đó, nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh luôn đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp phục vụ phục hồi và tái mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tính đến ngày 24/12/2021, tổng nguồn vốn huy động toàn hệ thống ngân hàng tỉnh Bắc Ninh đạt 199.816 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cuối năm 2020; tổng dư nợ đạt 122.957 tỷ đồng, tăng 21,6% so với năm 2020. Cơ cấu tín dụng tiếp tục duy trì tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ tích cực doanh nghiệp và người dân, phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh với tỷ trọng dư nợ các lĩnh vực nông nghiệp - công nghiệp và xây dựng - thương mại, dịch vụ tương ứng là 4,9% - 36,3% - 58,8%. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được duy trì nằm trong ngưỡng an toàn theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN.
Kết quả đạt được về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của hệ thống ngân hàng tỉnh Bắc Ninh từ đầu năm 2021 đến ngày 16/12/2021: (i) Tổng giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi vay lũy kế đạt 8.564 tỷ đồng trên 3.387 khách hàng, số lãi đã miễn, giảm lũy kế là 33 tỷ đồng; (ii) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.133 khách hàng, với tổng giá trị nợ được cơ cấu là 3.492 tỷ đồng; (iii) Doanh số cho vay mới đạt 75.010 tỷ đồng, số khách hàng còn dư nợ là 9.751 khách hàng.
Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh thực hiện hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2071 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo đó, tỉnh đến ngày 16/12/2021, đã cho vay 60 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh và trả lương phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ được 25.695 lượt người lao động, với số tiền 100,1 tỷ đồng.
Hỗ trợ thông qua hình thức giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng có dư nợ hiện hữu tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh, lũy kế từ ngày 01/5/2021 đến ngày 02/12/2021, các chi nhánh ngân hàng đã hỗ trợ giảm lãi suất cho 26.460 khách hàng, số tiền lãi được giảm đạt 98 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ cho 1.897 khách hàng doanh nghiệp với số tiền lãi đã giảm là 37,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các hoạt động an sinh xã hội cũng được hệ thống ngân hàng tỉnh Bắc Ninh đặc biệt quan tâm, hưởng ứng, theo đó, hệ thống ngân hàng tỉnh đã ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh Bắc Ninh số tiền 19,6 tỷ đồng; ủng hộ bằng hiện vật cho các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, trung tâm y tế… với tổng giá trị gần 2,7 tỷ đồng; đóng góp ủng hộ cho Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 số tiền 7,2 tỷ đồng.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài và phức tạp, để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận nguồn vốn vay cũng như các chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng, trong thời gian tới, toàn hệ thống ngân hàng tỉnh Bắc Ninh tiếp tục nghiêm túc, nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả những giải pháp sau:
Một là, NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, TCTD thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của NHNN, của UBND tỉnh Bắc Ninh về thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hai là, duy trì hoạt động đường dây nóng và bộ phận thường trực tiếp nhận, xử lý kịp thời, triệt để các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân các vấn đề liên quan đến TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Ba là, cha là,chi nchi nhánh ngân hàng, TCTD trên đnh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.i, hỗ trợ đvụ sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh Covid-19 với thời hạn và lãi suất hợp lý.
Bốn là, đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính; đổi mới quy trình tiếp cận, hỗ trợ khách hàng theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, bãi bỏ các thủ tục không phù hợp, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, đồng thời đảm bảo an toàn vốn vay của ngân hàng.
Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền để khách hàng nắm và hiểu rõ tinh thần chỉ đạo của Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN cũng như các chính sách, quy định khác về các giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Sáu là, tiếp tục thực hiện tốt chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tham mưu với ngân hàng cấp trên xây dựng, ban hành các gói, chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
1 Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
2 Phương án ứng phó số 1021/PA-BNI ngày 31/8/2021; Kế hoạch số 1020/KH-BNI ngày 31/8/2021.
Minh Hà (NHNN)