Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng Biên tập phụ trách cùng đoàn công tác Tạp chí Ngân hàng
dâng hương tưởng niệm sự hy sinh của mười nữ anh hùng liệt sỹ TNXP hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc
Chào mừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, nằm trong các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Tạp chí Ngân hàng xuất bản số đầu tiên (9/1952 - 9/2022), trong cái nắng hanh vàng của tiết trời thu tháng Tám, đoàn công tác Tạp chí Ngân hàng đã có chuyến hành trình về với Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, thắp nén hương thơm tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP) đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đoàn công tác của Tạp chí Ngân hàng do đồng chí Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng Biên tập phụ trách làm Trưởng đoàn đã đến thăm địa chỉ đỏ Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tại Nhà tưởng niệm TNXP toàn quốc, các thành viên trong đoàn thành kính dâng hương trước anh linh các anh hùng liệt sỹ TNXP, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn trước sự hy sinh anh dũng của 1.950 anh hùng liệt sĩ TNXP toàn quốc được khắc tên và anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Sự hy sinh của các anh, các chị đã là một phần trong trang sử hào hùng và bi tráng của lịch sử dân tộc; minh chứng cho lòng yêu nước, ý chí sắt đá, quyết chiến, quyết thắng trước kẻ thù xâm lược.
Cùng với đó, đoàn công tác Tạp chí Ngân hàng đã đến thăm phần mộ của mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc, thắp nén hương thơm, đặt những nhành hoa trắng tinh khôi lên phần mộ mười nữ Anh hùng Liệt sĩ TNXP - mười đóa hoa bất tử - đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Tên tuổi các chị đã trở thành huyền thoại về tinh thần yêu nước, mãi mãi được Nhân dân cả nước và bạn bè thế giới nhắc đến như một kỳ tích của dân tộc Việt Nam anh hùng.
“Nghìn năm sau, lịch sử sẽ còn ghi
Những năm tháng chiến tranh ác liệt
Nghìn vạn chuyến xe đi
Qua trái tim Ngã ba Đồng Lộc
Máu qua tim máu lọc
Xe vượt ngã ba xe xốc tới miền Nam…”
(Trích bài thơ "Ngã ba Đồng Lộc" của nhà thơ Huy Cận).
Trong đoàn công tác, có người đã hai, ba lần về thăm vùng đất thiêng Ngã ba Đồng Lộc, có người lần đầu tiên đến với địa danh lịch sử này, nhưng trong tim mỗi người đều không nén nổi sự bồi hồi, xúc động qua giọng thuyết minh của hướng dẫn viên người Hà Tĩnh Nguyễn Thị Thúy Hòa. Trong giây phút lắng đọng, đưa các thành viên trong đoàn về với ký ức trận địa Đồng Lộc cam go, ác liệt cách đây 54 năm.
Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, ở giữa là con đường độc đạo, mặt đường giống như một lòng máng. Nơi đây là yết hầu giao thông quan trọng của con đường Trường Sơn huyền thoại, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Với tầm quan trọng và vô cùng hiểm yếu đó, con đường đã trở thành vị trí chiến lược, nơi diễn ra cuộc đọ sức giữa ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta với sức mạnh hủy diệt của các loại vũ khí chiến tranh hiện đại của đế quốc xâm lược.
Với dã tâm muốn biến Ngã ba Đồng Lộc thành “tọa độ chết”, hòng cắt đứt sự chi viện miền Bắc cho miền Nam, từ tháng 4 đến tháng 10/1968, đế quốc Mỹ đã điên cuồng đánh phá Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, với gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể đạn rốc-két và đạn 20mm; ước tính, mỗi mét vuông diện tích nơi đây phải gánh chịu ít nhất ba quả bom tấn. Đồng Lộc không lúc nào ngớt tiếng bom, hố bom chồng chất hố bom. Kẻ địch bằng mọi giá muốn biến nơi đây thành điểm chết, bãi đất hoang tàn, không người và xe qua lại.
Sau những đợt đạn bom oanh tạc còn chưa tan khói, những lực lượng TNXP không quản ngại gian khổ, hy sinh lại ào lên để lấp hố bom, dẫn đường cho những chuyến xe chở hàng chi viện đến chiến trường miền Nam. Để giữ vững mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam luôn được thông suốt, hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đã ngã xuống trên mảnh đất Đồng Lộc đầy khói lửa, đau thương này.
Theo chân hướng dẫn viên với giọng nói truyền cảm, sâu lắng, đoàn công tác Tạp chí Ngân hàng thăm lại chứng tích hố bom nơi mười nữ Anh hùng Liệt sỹ TNXP đã anh dũng hy sinh; nghiêm trang lắng nghe câu chuyện về mười đóa hoa bất tử của mảnh đất Đồng Lộc huyền thoại.
Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội TNXP Hà Tĩnh gồm mười cô gái Đồng Lộc tuổi còn rất trẻ từ 17 - 24 đã có mặt tại Ngã ba Ðồng Lộc vào những ngày bom Mỹ rải thảm ác liệt nhất. Tiểu đội 4 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng là đơn vị làm việc thường trực tại Ngã ba Đồng Lộc. Công việc của Tiểu đội 4 là đêm đến đào đất, bê đá, san lấp hố bom mà máy bay đã bắn phá vào ban ngày; san đường cho xe qua, đảm bảo không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến.
Vào buổi chiều định mệnh ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 được lệnh đặc biệt phải san lấp hố bom sau khi máy bay Mỹ liên tục ném bom phá nát tuyến đường vận tải để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Nhận nhiệm vụ xong, mười cô gái với cuốc, xẻng trên vai gấp rút đến hiện trường triển khai công việc. Các chị làm việc không ngơi nghỉ và đã ba lần bị vùi lấp bởi bom đạn của kẻ thù nhưng các chị đều rũ đất đá đứng lên tiếp tục công việc. 16h30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, mười cô gái TNXP Tiểu đội 4 lánh vào một căn hầm chữ A. Nhưng, một quả bom rơi xuống ngay trước cửa hầm, khói mù mịt bao trùm lên tất cả các chị. Một phút trôi qua... rồi năm phút trôi qua, đứng trên đài quan sát đồng đội không thấy ai trong số mười cô rũ đất đứng dậy. Cả trận địa lặng đi rồi òa lên tiếng khóc nức nở. Tần ơi?... Hà ơi?... Nhỏ ơi?...
Đoàn công tác Tạp chí Ngân hàng lặng người xúc động thăm lại chứng tích hố bom
nơi mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc
Kể đến đây, giọng của cô hướng dẫn viên như nấc nghẹn, các thành viên trong đoàn lặng người, bật khóc, nhất là khi nghe cô hướng dẫn viên kể chuyện về sự hy sinh của tiểu đội phó Hồ Thị Cúc. Sau hơn hai tiếng đồng hồ, đồng đội đã đào đất tìm được chín người, đặt lên 9 cáng xếp hàng ngang như khi còn sống tiểu đội tập hợp. Riêng có Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc là vẫn chưa tìm được. Cả mặt trận quyết tâm phải tìm bằng được Cúc rồi mới tổ chức an táng cho các cô, bởi mười cô gái đã cùng chiến đấu bên nhau, gắn bó thân thiết với nhau như chị em một nhà. Nhưng hai tiếng, ba tiếng... và đến hết ngày hôm đó, đồng đội vẫn chưa tìm được Cúc. Trong lúc đau thương, xót xa tìm thi thể người em, người đồng đội, nhà thơ Yến Thanh nghẹn ngào viết bài thơ:
Cúc ơi
“Tiểu đội đã xếp một hàng ngang
Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?
Chín bạn đã quây quần đủ hết
Nhỏ - Xuân - Hà - Hường - Hợi - Rạng - Xuân - Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
(Chín bỏ làm mười răng được!)
Bọn anh đã bới tìm vết cuốc
Ðất sâu bao nhiêu bọn anh không cần
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng
Cúc ơi! Em ở đâu?
Ðất nâu lạnh lắm
Da em xanh
Áo em thì mỏng!
Cúc ơi! Em ở đâu?
Về với bọn anh tắm nước sông Ngàn Phố
Ăn quýt đỏ Sơn Bằng
Chăn trâu cắt cỏ
Bài toán lớp Năm em còn chưa nhớ
Gối còn thêu dở
Cơm chiều chưa ăn
Ở đâu hỡi Cúc
Đồng đội tìm em
Đũa găm, cơm úp
Gọi em
Gào em
Khan cổ cả rồi
Cúc ơi!”
Như nghe thấy tiếng gọi của đồng đội, sang ngày thứ ba, đồng đội đã tìm thấy thi thể chị Cúc nằm sâu trong lòng đất đá, trên đồi Trọ Voi, trong tư thế đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc, mười đầu ngón tay đều bị ứa máu vì đang bới đất để tìm đường ra. Mọi người bảo rằng chị đã cố gắng bới đất tìm đường ra nhưng hầm sâu quá...
Mười cô gái TNXP kiên cường đã hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi - cái tuổi đẹp nhất của tuổi trẻ, đó là các chị: Võ Thị Tần (24 tuổi, Tiểu đội trưởng), Hồ Thị Cúc (24 tuổi, Tiểu đội phó), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi). Ngày nay, khu mộ của mười cô gái TNXP được đặt dưới một ngọn đồi Trọ Voi cao vút thông xanh, ngay cạnh nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc.
Mười đóa hoa mang trong tim bao nhiệt huyết, bao khát vọng và ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ đã mãi mãi hóa thân vào hồn thiêng sông núi, minh chứng cho khát vọng hòa bình, lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam. Các chị đã cống hiến tuổi xuân cho khát vọng hòa bình dân tộc. Sự hy sinh oanh liệt của những cô gái “mãi mãi tuổi hai mươi" đã hóa thành bất tử, mãi vang vọng và trường tồn trong mỗi thế hệ người Việt Nam yêu nước.
Thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính tại khu mộ mười nữ Anh hùng Liệt sỹ TNXP.
Khép lại hành trình về với miền đất anh hùng Đồng Lộc đầy nắng gió mà vô cùng can trường, quả cảm, dư âm về chiến công, sự hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ TNXP ngày đêm quyết giữ tuyến đường huyết mạch đảm bảo thông xe an toàn cho mỗi chuyến xe qua đã lưu lại cho đoàn công tác những cảm xúc thật đặc biệt, khó quên. Các thành viên trong đoàn sẽ luôn khắc ghi công ơn của các anh, các chị - những anh hùng liệt sĩ của Tổ quốc và nguyện sẽ tích cực học tập, công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao để xứng đáng với công lao của các anh, các chị đã không tiếc máu xương, hy sinh cả tuổi thanh xuân cho thế hệ chúng ta được hưởng thái bình, độc lập, non sông nối liền một dải, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho như hôm nay.
Mai Lâm