Sau 30 ngày chuyển đổi thành công Hệ thống ngân hàng lõi - Core Banking mới với tên gọi Core Banking Profile, đến nay Hệ thống mới đã hoạt động ổn định và đi vào vận hành thông suốt. Ông Phan Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Trưởng Ban Quản lý Dự án Core Banking đã chia sẻ về những dấu ấn quan trọng, ý nghĩa to lớn của Core Banking Profile đối với sự phát triển của BIDV và những kế hoạch tương lai…
Ban Lãnh đạo BIDV họp triển khai chính thức Hệ thống Core Banking Profile
Dự án chuyển đổi Core Banking có ý nghĩa lịch sử to lớn và là dấu mốc quan trọng trong vòng 20 năm trở lại đây của BIDV kể từ lần thay thế Hệ thống Core Banking năm 2003. Dự án đã áp dụng nhiều phương thức triển khai đặc biệt với rất nhiều điều “lần đầu tiên” được thực hiện.
Thứ nhất, Dự án được triển khai trong 30 tháng từ khi bùng phát đại dịch Covid-19 nên việc thích ứng hoàn toàn khác biệt.
Chưa từng có tiền lệ một dự án công nghệ phức tạp như Core Banking khi triển khai tất cả các phiên workshop tìm hiểu hệ thống, xác định yêu cầu được thực hiện online. Nhưng với quyết tâm không lay chuyển, BIDV đã đạt mục tiêu go-live đúng hạn, an toàn và chất lượng, đặc biệt không có yêu cầu thay đổi làm phát sinh thêm chi phí cho Dự án.
Thứ hai, việc tích hợp 102 ứng dụng trong thời gian 1.000 ngày. Core Banking là trái tim của hệ thống công nghệ thông tin trong ngân hàng. Thay thế Core Banking đồng nghĩa với việc “thay tim nhưng vẫn phải chạy”.
Để thực hiện được điều này trong thời gian thách thức, BIDV chỉnh các kết nối, sửa lớp giữa và các ứng dụng bên ngoài để các ứng dụng này được tích hợp liền mạch với hệ thống Core Banking. Nhà thầu và đối tác cung cấp ứng dụng, các cán bộ thuộc BIDV đã rất nỗ lực để hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ.
Thứ ba, thời gian gián đoạn thực tế của các ứng dụng ngân hàng điện tử của BIDV không quá 16 tiếng - đây là thời gian ngắn kỉ lục trong quá trình chuyển đổi Core Banking của các ngân hàng.
Làm thế nào để thời gian dừng dịch vụ với khách hàng ngắn nhất luôn là điều mà BIDV trăn trở. Do đó, ý tưởng về phương án chuyển đổi dữ liệu giao dịch (Delta) ra đời. Theo phương án này, BIDV duy trì vận hành hệ thống Core SIBS cũ song song với quá trình thực hiện chuyển đổi sang hệ thống Core mới. Trong 02 ngày tại thời điểm go-live, BIDV thực hiện chuyển đổi dữ liệu giao dịch từ hệ thông cũ sang hệ thống mới hằng ngày, qua đó BIDV vẫn cung cấp dịch vụ cho khách hàng trong hầu hết thời gian của quá trình chuyển đổi và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng việc cung ứng dịch vụ của BIDV đến với khách hàng.
Cuối cùng, việc chuyển đổi thành công hệ thống Core Banking là minh chứng cho việc: Khi “trên dưới một lòng, dọc ngang thông suốt” thì không có việc gì khó mà không thực hiện được.
Việc chuyển đổi Core Banking Profile đối với hoạt động và sự phát triển của BIDV khi đưa hệ thống Core Banking SIBS vào vận hành đã tạo nên sự thay đổi lớn tại thời điểm này, góp phần đưa BIDV trở thành ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, các ngân hàng phải nhanh chóng đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, giữ vị thế cạnh tranh trên thị trường. Do đó, Hệ thống SIBS sau 20 năm vận hành đã có những hạn chế nhất định.
Triển khai hệ thống Core Banking Profile mang lại sự thay đổi lớn và toàn diện cho BIDV, đặc biệt về định hướng, chiến lược phát triển kinh doanh, tư duy phát triển sản phẩm, dịch vụ, mô hình tổ chức, cách thức quản trị điều hành, quy trình tác nghiệp. Chuyển đổi thành công hệ thống Core Banking Profile mở ra một chặng đường mới trong lịch sử phát triển của BIDV, trong đó BIDV tự tin làm chủ công nghệ, sáng tạo đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và củng cố vị thế ngân hàng trong tương lai.
Thu Minh