Để tiếp tục phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn tiếp theo, ngày 28/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 (sau đây gọi chung là Đề án). Bài viết khái quát lại tình hình triển khai TTKDTM giai đoạn 2016 - 2020 và đưa ra giải pháp đồng bộ để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển TTKDTM trong thời gian tới.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự tham gia của các tổ chức phi ngân hàng vào hoạt động thanh toán tăng lên, công nghệ thanh toán không ngừng phát triển, nhu cầu sử dụng dịch vụ TTKDTM ngày càng tăng, đặt ra yêu cầu cần tiếp tục xây dựng một Đề án phát triển TTKDTM mới cho giai đoạn tiếp theo phù hợp với xu hướng thanh toán trên thế giới và thực tế của Việt Nam. Quyết định số 1813/QĐ-TTg đã đề ra mục tiêu tổng quát và cụ thể về phát triển TTKDTM cho giai đoạn 2021 - 2025.
Đề án đề ra mục tiêu tổng quát như sau: Tạo sự chuyển biến tích cực về TTKDTM trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện TTKDTM trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ TTKDTM, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân; Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Về mục tiêu cụ thể, đến cuối năm 2025: Giá trị TTKDTM gấp 25 lần GDP; qua đó đánh giá quy mô của giá trị TTKDTM trong mối tương quan với GDP trong nền kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế tại Việt Nam, có tính đến tới mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân dự kiến ở mức 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; qua đó thống nhất, phối hợp thực hiện để đạt được chỉ tiêu của Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ; mục tiêu từ 80% người dân 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; qua đó đánh giá mức độ tiếp cận dịch vụ ngân hàng cũng như tiếp cận các dịch vụ tài chính, dịch vụ TTKDTM của các tổ chức tài chính cung cấp; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân, tăng số lượng điểm chấp nhận TTKDTM (bao gồm các điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ, tài khoản, qua QR Code, ví điện tử) lên trên 450.000 điểm nhằm phản ánh mạng lưới chấp nhận thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán phục vụ cho người dân để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán, trong bối cảnh phát triển mạnh của công nghệ và phù hợp với thực tế Việt Nam.
Mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ TTKDTM (gồm: Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 20 - 25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35 - 40%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%) nhằm phản ánh mức độ tăng trưởng về cả quy mô và chất lượng của dịch vụ TTKDTM, các tổ chức/cá nhân sử dụng các phương tiện TTKDTM (thẻ, lệnh chi, nhờ thu, séc…) do các tổ chức tín dụng cung ứng để thực hiện thanh toán qua các kênh thanh toán như Internet, điện thoại di động, ATM, POS, QR Code tại quầy và các kênh khác.
Ngoài ra, Đề án cũng đề ra các mục tiêu TTKDTM đối với dịch vụ công nhằm đánh giá khả năng tiếp cận dịch TTKDTM trong lĩnh vực dịch vụ công trong đó có y tế, giáo dục, cung cấp dịch vụ công trực tuyến… Cụ thể: Từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức TTKDTM; từ 90 - 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên cổng Dịch vụ công Quốc gia; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức TTKDTM; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bản đồ thị được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM.
Nhìn lại giai đoạn 2016 - 2020, có thể thấy khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán không ngừng được hoàn thiện. Hoạt động TTKDTM đánh dấu bước phát triển khá toàn diện cả về chất và lượng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích và hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin; các chỉ số TTKDTM tăng trưởng ấn tượng; công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống TTKDTM được coi trọng và tăng cường.
Hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không ngừng được hoàn thiện
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tích cực hoàn thiện hành lanh pháp lý và chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực thanh toán. Theo đó, NHNN đã trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế, chính sách về hoạt động thanh toán, cụ thể như: Trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 về phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/4/2018 về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tiền ảo... cùng hàng loạt văn bản chỉ đạo tới các ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc tăng cường an ninh, bảo mật trong hoạt động thanh toán.
Trong những tháng đầu năm 2021, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money). NHNN cũng trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Ngày 06/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định và giao NHNN chủ trì xây dựng Nghị định.
Trong tháng 5/2021, NHNN đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với các nội dung bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 và chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, NHNN đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về TTKDTM, trong đó đề xuất nhiều chính sách mới về TTKDTM thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0. Cũng trong những tháng đầu năm 2021, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025 nhằm thúc đẩy hoạt động TTKDTM tại Việt Nam trên cơ sở khai thác, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại. Ngày 28/10/2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng đang lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của NHNN quy định và hoạt động thẻ ngân hàng, trong đó dự kiến một số quy định tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ mới nhằm đẩy mạnh TTKDTM và chuyển đổi số trong hoạt động thẻ ngân hàng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ thanh toán trong đại dịch Covid-19.
Hạ tầng thanh toán và công nghệ 4.0 tạo đà cho TTKDTM phát triển
Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhìn chung, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) hoạt động an toàn, hiệu quả, thông suốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc. Trong năm 2020, hệ thống đã xử lý trên 146 triệu giao dịch với giá trị giao dịch đạt trên 104 triệu tỷ đồng; tăng trên 80% về số lượng và 134% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ (ACH) đã chính thức vận hành từ tháng 7/2020 với khả năng thanh toán thời gian thực, hoạt động liên tục 24/7, xử lý giao dịch đa kênh. Hiện có 77 tổ chức đã triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, đến cuối năm 2020 mạng lưới ATM, POS phủ sóng đến tất cả tỉnh, thành trên cả nước với 19.636 ATM và 276.273 POS (tăng lần lượt 12,4% và 4,9% so với cuối năm 2016).
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và viễn thông, các phương tiện và dịch vụ thanh toán ngày càng phát triển, đa dạng hóa, góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử, đáp ứng nhu cầu thanh toán đa dạng của người dân.
Các đơn vị, tổ chức đã chú trọng nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán như: Sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), công nghệ mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS,... Bên cạnh đó, các công nghệ hiện đại cũng được ứng dụng vào việc xác thực giao dịch, giúp khách hàng thanh toán tiện lợi và đảm bảo an toàn, bảo mật như xác thực sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt,...). Đến cuối năm 2020, đã có 30 NHTM và 6 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) triển khai dịch vụ thanh toán qua QR Code với hơn 90.000 điểm chấp nhận trên toàn quốc.
Nhờ đó, hoạt động TTKDTM có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là thanh toán qua điện thoại di động và Internet. Cụ thể, theo Vụ Thanh toán - NHNN, nếu so với cùng kỳ năm 2016, số lượng và giá trị thanh toán trong năm 2020 qua kênh Internet tăng 278% và 285% so với cùng kỳ năm 2016; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 1.111% và 4.049%; thanh toán qua POS tăng tương ứng 271% và 147%; thanh toán qua ATM tăng tương ứng 43% và 54%.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị tác động bởi các biện pháp giãn cách xã hội thì hoạt động TTKDTM vẫn đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020. Theo Vụ Thanh toán (NHNN), trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 1,88% về số lượng và tăng tới 42,58% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng 51,16% về số lượng và 29,09% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 76,19% về số lượng và 88,3% về giá trị; qua kênh QR Code tăng tương ứng 64,07% về số lượng và 127,9% về giá trị. Đến cuối tháng 9 năm 2021, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là 110,92 triệu tài khoản, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Thanh toán điện tử trong lĩnh vực công tiếp tục được triển khai rộng rãi. Hệ thống TTĐTLNH đã hoàn thành kết nối thanh toán điện tử liên ngân hàng tại 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh trong cả nước, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và doanh nghiệp. Khoảng 50 NHTM đã hoàn thành kết nối với hệ thống nộp thuế điện tử của Tổng cục Hải quan, của Tổng cục Thuế trên 63 tỉnh/thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước. 98,6% số thu Hải quan được thực hiện qua ngân hàng. 27 NHTM và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của EVN thanh toán, thu qua ngân hàng, TGTT lên tới trên 91%.
Việc triển khai quy định về mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC) theo Thông tư số 16/2020/TT-NHNN đạt nhiều kết quả khả quan. Từ tháng 3/2021 đến hết tháng 9/2021, có 20 ngân hàng báo cáo triển khai chính thức quy trình mở tài khoản thanh toán eKYC.
Các TCTD đã liên tục xây dựng, cập nhật các phiên bản Mobile Banking thế hệ mới với rất nhiều dịch vụ ngân hàng số, đặc biệt là xây dựng hệ sinh thái số với việc tích hợp dịch vụ ngân hàng với các dịch vụ thiết yếu (điện, viễn thông, thực phẩm, y tế, siêu thị, sàn thương mại,…), theo đó người dân có thể mua sắm, thanh toán trực tuyến các dịch vụ thiết yếu mà không cần gặp mặt. Các TCTD đã phát triển phương thức thanh toán hiện đại, tiện ích qua mã QR giúp người dân giao dịch thanh toán thuận tiện, nhanh chóng và không cần nhớ số tài khoản. Napas đã kết hợp với hơn 14 ngân hàng triển khai phát triển thương hiệu VietQR, giúp người sử dụng dịch vụ thanh toán thực hiện giao dịch nhanh chóng và an toàn.
Hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: (i) 95% các TCTD đều đã và đang triển khai Chiến lược chuyển đổi số; (ii) nhiều dịch vụ đã số hóa hoàn toàn như thanh toán, tiết kiệm, quản lý tài chính, đánh giá phân loại khách hàng; (iii) nhiều ngân hàng đã có tỷ trọng giao dịch trên kênh số đạt trên 90%.
Nhiều chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán tiếp tục triển khai thực hiện trong năm 2021. NHNN đã cùng các TCTD giảm phí mạnh mẽ. Tổng số phí giảm qua hệ thống TTĐTLNH và chuyển mạch bù trừ đã giảm là 1.557 tỷ đồng. Nhiều TCTD cũng triển khai thêm các chính sách miễn, giảm phí thanh toán; ước tính số lượng giao dịch được miễn phí chiếm khoảng 80%. Trước đó, số phí dịch vụ thanh toán ngành Ngân hàng giảm trong năm 2020 là khoảng 1.004 tỷ đồng.
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn ra thời gian qua, NHNN đã có công văn gửi các ngân hàng, chi nhánh NHNN nước ngoài và các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT đẩy mạnh TTKDTM trong lĩnh vực y tế, giáo dục và nghiên cứu, xem xét áp dụng chính sách ưu đãi, miễn, giảm phí dịch vụ TTKDTM đối với học phí, viện phí trong thời gian tối thiểu 02 năm nhằm hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch.
Mặc dù đạt những kết quả quan trọng nhưng thực tế, TTKDTM vẫn tập trung ở các thành phố lớn, trong khi tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, thanh toán bằng tiền mặt vẫn khá phổ biến. Mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch và hạ tầng thanh toán còn thưa thớt, chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối. Một phần là do cơ sở hạ tầng, địa hình và giao thông một số khu vực chưa thuận tiện cho việc đi lại, giao dịch của người dân. Hơn nữa, thói quen thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến với nhiều người dân. Chưa kể, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đang ngày càng tinh vi, phức tạp trên quy mô toàn cầu. Việc đầu tư cho công nghệ tốn kém cũng là thách thức với một số ngân hàng quy mô nhỏ.
Tiếp tục những giải pháp đồng bộ để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển TTKDTM
Để đạt được các mục tiêu của TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025, kế thừa các bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình phát triển TTKDTM giai đoạn 2016 - 2020 và phù hợp với xu hướng, thông lệ quốc tế, Đề án đã đề ra 07 nhóm giải pháp tổng thể, gồm: (i) Hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách; (ii) Nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; (iii) Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0; (iv) Thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công; (v) Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; (vi) Công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong TTKDTM; (vii) Cơ chế phối hợp thúc đẩy TTKDTM hoàn thành việc xây dựng (phối hợp hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử, xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng trên môi trường mạng, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng Luật Giao dịch điện tử,…)
Để đạt được các mục tiêu của Đề án, trong thời gian tới, NHNN phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp đã được xác định tại Đề án.
Trước hết, về hoàn thiện hành lang pháp lý, NHNN tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu xây dựng mô hình kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ. Thời gian tới, khi Chính phủ ban hành Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN cần sớm có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trên toàn hệ thống, trong đó có các tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT, đảm bảo sự phối hợp giữa ngân hàng - Fintech được hiệu quả, an toàn, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại, tiện lợi cho người dùng.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần tăng cường phối hợp với NHNN để sớm hoàn thiện trình Chính phủ ký ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về TTKDTM và kịp thời có các văn bản hướng dẫn triển khai.
Đồng thời, các bộ như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng phối hợp NHNN đẩy nhanh việc rà soát, cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông đủ điều kiện triển khai thí điểm dịch vụ thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money). Để đảm bảo triển khai an toàn, hiệu quả dịch vụ Mobile-Money, các bộ, ngành cần phối hợp xây dựng công cụ giám sát và quản lý phù hợp, thuận lợi. Các doanh nghiệp được cấp phép phải đủ điều kiện để được thiết lập hạ tầng thanh toán điện tử; chú ý đến vấn đề bảo mật cho khách hàng. Hạ tầng mạng viễn thông và hạ tầng thanh toán gắn với an ninh quốc gia, trong khi đó các nhà mạng đều là các doanh nghiệp Nhà nước lớn, do vậy, Nhà nước cần giám sát và quản lý chặt chẽ.
Về hạ tầng công nghệ thanh toán, NHNN cần tiếp tục chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; mở rộng triển khai Hệ thống ACH tại Việt Nam theo hướng mở rộng sản phẩm dịch vụ và mở rộng kết nối các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ công.
Để giải quyết tồn tại về hạ tầng thanh toán số hiện nay tại Việt Nam, việc quy hoạch thiết kế xây dựng hạ tầng thanh toán số quốc gia đồng bộ, thống nhất, dùng chung là cần thiết. Việc này cho phép các tổ chức tài chính trong nước, quốc tế sử dụng hạ tầng mạng lưới rộng khắp của các đơn vị viễn thông để triển khai các dịch vụ cho người dân với chi phí thấp. Đồng thời, các cơ quan liên quan như các ngân hàng, tổ chức tài chính, các trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần xây dựng hạ tầng mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán điện tử có thể bao phủ tới nhiều địa phương. Hạ tầng chấp nhận thanh toán dùng chung này đáp ứng mọi phương tiện thanh toán được phát hành bởi các ngân hàng, TGTT, các tổ chức tài chính, các tổ chức thanh toán trong và ngoài nước. Trên cơ sở sử dụng hạ tầng chuyển mạch bù trừ để kết nối, các thành phần tham gia không cần phải lắp đặt riêng các thiết bị POS, QRCode, NFC… do đó, giảm thiểu chi phí đầu tư của xã hội và đạt được mức chi phí thấp cho người dân.
Đối với vấn đề an ninh, bảo mật hệ thống thanh toán, trong bối cảnh tội phạm công nghệ ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi, ngành Ngân hàng cần tăng cường đầu tư, nâng cấp công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng nói chung, trong hoạt động thanh toán đi đôi với bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Phía các NHTM, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking), hệ thống thanh toán nội bộ và các hệ thống thanh toán khác, đảm bảo kết nối, tích hợp với các hệ thống thanh toán quan trọng, hạ tầng kỹ thuật của các tổ chức cung ứng dịch vụ công và các hệ thống khác để cung ứng dịch vụ thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả cho tổ chức, cá nhân.
Để thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ và dịch vụ hành chính công, NHNN cần yêu cầu TCTD đẩy nhanh hơn nữa việc mở tài khoản cho đơn vị cung ứng dịch vụ công và thông báo số tài khoản để người dân chuyển tiền thanh toán; phối hợp lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ, thanh toán ứng dụng QR để cho phép người dân thanh toán trực tiếp (tương tự như việc mua hàng hóa tại các siêu thị); xây dựng phần mềm, giải pháp kết nối với trường học, bệnh viện, hệ thống của các đơn vị cung ứng dịch vụ công để cho phép ghi nhận thông tin hóa đơn tự động, giúp người sử dụng truy cập các ứng dụng trên Internet, Smartphone và thực hiện trả tiền học phí, viện phí... thông qua các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích của ngân hàng (thanh toán thẻ, ví điện tử, thanh toán hóa đơn, thanh toán qua mã QR Code....).
Đồng thời, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS) và áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như QR Code, Tokenization, thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless)... đối với các dịch vụ công, dịch vụ tiện ích như điện, nước, học phí, viện phí, thanh toán phí, lệ phí trực tuyến, các thủ tục hành chính công trực tuyến; tiếp tục nghiên cứu, triển khai phát triển thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam. Các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT nghiên cứu có giải pháp về mô hình kết nối phù hợp, hiệu quả giữa các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí,....
Đối với chính sách phí dịch vụ thanh toán: Ngành Ngân hàng cần nghiên cứu xây dựng chính sách phù hợp về phí dịch vụ TTKDTM, tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận dịch vụ TTKDTM với chi phí hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và khách hàng.
Về công tác truyền thông: Các TCTD; tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, giúp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động thanh toán và các giao dịch trên môi trường mạng, qua đó, thúc đẩy TTKDTM và phổ cập tài chính.
Ở tầm vĩ mô, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là nhân tố quan trọng giúp các đơn vị liên quan có thể kết nối, đồng bộ, từ đó hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thanh toán số. Do đó, thời gian tới cần tiến tới hoàn thiện chính sách pháp luật có thể cho phép ngành Ngân hàng kết nối, khai thác thông tin tại cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong cung ứng dịch vụ, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc an ninh, an toàn và quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Tài liệu tham khảo
1. http://chinhphu.vn
2. http://sbv.gov.vn
3. Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.