XK hàng hóa là một trong những điểm sáng của hoạt động kinh tế cả nước nhiều năm qua, đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch XK hàng hóa giai đoạn 2016 - 2019 đã tăng từ 176,58 tỷ USD năm 2016 lên 264,27 tỷ USD năm 2019. Từ năm 2017, XK bình quân đầu người đã bắt đầu vượt mục tiêu đề ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020 (đạt 2.552 USD so với mục tiêu 2.000 USD).
Xuất khẩu hàng hóa là điểm sáng của hoạt động kinh tế
Kết quả này một phần rất lớn nhờ hoạt động sản xuất và XK của những tập đoàn lớn. Bên cạnh đó, việc thực thi các hiệp định như CPTPP cũng đóng góp đáng kể giúp mở rộng thị trường. Ngoài ra, Bộ Công Thương chỉ rõ, Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội khai thác khoảng trống thị trường trước ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, với việc tăng mạnh XK sang Mỹ đối với một số hàng hóa Việt Nam có lợi thế nhằm thay thế hàng hóa Trung Quốc.
Trong giai đoạn 2016 - 2019, cơ cấu hàng hóa XK đã đảm bảo đúng mục tiêu đề ra tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng trên 80%; nhóm nông - thủy sản chiếm trên 10% và nhóm nhiên liệu khoáng sản chỉ còn chiếm hơn 1%. Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam đã khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển các thị trường mới. Nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, Việt Nam đã XK hàng hóa đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, XK gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở các thị trường nhập khẩu truyền thống của nước ta. Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm, kim ngạch XK vẫn đạt 145,79 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ và dự kiến cả năm 2020 vẫn duy trì mức độ tăng trưởng dương. Do vậy, khả năng chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng XK toàn giai đoạn 2016 - 2020 vẫn đạt trên 10%. Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Báo Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Các giải pháp lớn, bao gồm từ tăng cường năng lực sản xuất và XK Việt Nam theo hướng tập trung mở rộng, phát triển theo chiều sâu, đến các nhóm giải pháp về phát triển thị trường, chính sách tài chính tín dụng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước… đa dạng và đồng bộ đã giúp ta thực hiện tốt các lộ trình XK, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra”.
Trước những kết quả đạt được, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công Thương phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân từ 5%/năm, kim ngạch XK đạt khoảng 340 tỷ USD vào năm 2025; tốc độ tăng trưởng XK hàng hóa của DN trong nước tăng 5%; trong đó, xuất khẩu sang khu vực thị trường châu Âu - châu Mỹ tăng trưởng trung bình từ 7 - 10%/năm. Nhóm hàng công nghiệp chế biến được nhận định tiếp tục là động lực của XK hàng hóa với tỷ trọng trong tổng kim ngạch tăng lên khoảng 85,3% vào năm 2025; tỷ trọng nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm xuống còn khoảng 1,15% vào năm 2025.
Báo cáo nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam do WB phát hành mới đây nhấn mạnh, hoạt động XK của Việt Nam giữa ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn đứng vững, thể hiện khả năng chống chịu ở mức độ ngoài dự kiến. |