Giá dầu thế giới tăng liên tục từ đầu năm 2021 tới nay, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường năng lượng, gây tác động toàn diện đến những mặt hàng khác và cản trở tiến trình phục hồi kinh tế.
Trong phiên giao dịch ngày 25/10/2021, giá dầu WTI có lúc lên tới 85,41 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 10/2014, dầu thô Brent có lúc lên đến 86,7 USD/thùng mức giá cao nhất kể từ tháng 10/2018. Tính từ đầu tháng 9/2021 đến nay, giá dầu thế giới đã tăng trung bình khoảng 20%. Trong đó, giá dầu WTI tăng 9 tuần lễ liên tiếp và dầu thô Brent tăng 7 tuần lễ liên tiếp. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, giá dầu thế giới có thể lên tới 100 USD/thùng vào cuối năm nay.
Diễn biến giá dầu có mối liên hệ chặt chẽ với lạm phát, mà nguyên nhân sâu xa là do đại dịch Covid-19. Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã buộc các nước phải triển khai các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa nhiều hoạt động kinh tế, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa và rối loạn các chuỗi cung ứng, làm tăng lạm phát.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã đẩy kinh tế toàn cầu vào tình trạng suy thoái trầm trọng nhất kể từ sau Thế chiến II, với mặt bằng giá cả giảm tới 0,9% trong thời gian từ tháng 01/2020 đến tháng 03/2020. Từ tháng 5/2020, lạm phát bắt đầu tăng tốc và vượt mức giá cả trước đại dịch. Cũng từ tháng 5/2020, giá thực phẩm bắt đầu tăng cao, giá dầu thế giới và lạm phát lõi bật tăng trở lại.
Trong năm 2020, lạm phát giá thực phẩm trên toàn cầu tăng 3,9%, cao hơn lạm phát giá cả hàng hóa nói chung, phản ánh tình trạng gián đoạn nguồn cung và thiếu hụt container trong vận tải đường biển, xu hướng gia tăng giao dịch hàng hóa trực tuyến để ngăn ngừa lây nhiễm virus cũng như tình trạng thiếu hụt lao động, trong khi biến đối khí hậu ngày càng trầm trọng.
Kể từ đầu năm 2021, lạm phát tiếp tục tăng cao và được dự báo sẽ tăng 59% trong năm nay đối với giá dầu và 27% đối với những mặt hàng hóa khác, giữa năm 2022 sẽ trở lại mức lạm phát trước đại dịch Covid-19 và sẽ ổn định trong dài hạn.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng 13,9%, chủ yếu bắt nguồn từ xu hướng phục hồi kinh tế nhanh chóng tại các nước phát triển. Do lượng dầu tồn kho giảm mạnh trên toàn cầu, Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ và liên minh, dẫn đầu là CHLB Nga (OPEC+) đã nhất trí tăng dần sản lượng từ tháng 7/2021, qua đó thu hẹp kế hoạch cắt giảm 5,8 triệu thùng/ngày cho đến tháng 9/2022. Sau thỏa thuận này, sản lượng dầu đã tăng thêm 400 nghìn thùng/ngày vào tháng 9/2021, tiếp tục tăng thêm 400 nghìn thùng/ngày vào tháng 10 và tháng 11.
Giá dầu giao sau sẽ tăng 59,1% trong năm nay lên 65,7 USD/thùng, sau đó sẽ giảm dần và xuống 56,3 USD/thùng vào năm 2026. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), thị trường sẽ thắt chặt theo đà phục hồi nhu cầu. Rủi ro về giá dầu được kỳ vọng sẽ cân bằng trong ngắn hạn, nhưng có thể giảm do biến thể Delta tiếp tục hoành hành, sản lượng dầu tăng tại các thành viên không tham gia cam kết của OPEC+ (bao gồm Iran, Libya, Venezuela) và dầu đá phiến tại Mỹ.
Giá khí đốt tự nhiên tăng tốc trên toàn cầu, bắt đầu từ châu Á với mức tăng 132,2% lên 16,6 USD/mmBtu trong giai đoạn tháng 02-8/2021, sau đó lan truyền sang châu Âu và Bắc Mỹ. Yếu tố chủ yếu khiến giá khí đốt leo thang là dự trữ khí đốt tự nhiên giảm sau mùa đông giá lạnh cùng với mùa hè nóng nực tại Bắc Bán cầu, hoạt động công nghiệp phục hồi, những yếu tố riêng như sản lượng thủy năng thấp tại Brazil.
Giá khí đốt tăng cao đã kéo theo nhu cầu về than, làm tăng giá than - một phần là do Trung Quốc hạn chế nhập khẩu than từ Australia và tăng cường nhập khẩu từ một số thị trường thay thế khác, mặc dù giá carbon tăng cao đã thu hẹp phần nào lợi thế về giá của than. Trong dài hạn, việc rút dần các nhà máy và chi phí phát thải tăng cao có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu về than, làm tăng nhu cầu về khí tự nhiên khi năng lực sản xuất tăng cao.
Các yếu tố tác động đến giá dầu bắt nguồn từ động thái điều chỉnh chiến lược đầu tư của các công ty sản xuất dầu từ tháng 04/2020, sau khi giá dầu lao dốc.
Từ cuối tháng 01/2020, giá dầu thế giới bắt đầu có dấu hiệu giảm sâu, chủ yếu là do nhu cầu sụt giảm mạnh, dẫn đầu là du lịch và giao thông - hai lĩnh vực này chiếm khoảng 2/3 nhu cầu về dầu mỏ. Trong tháng 3/2020, giá dầu giảm kỷ lục do tác động kép của cú sốc cung và cầu, dẫn đến tình trạng sụp đổ giá dầu một cách không có tiền lệ. Trên thế giới, trong phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu ngọt WTI có lúc giảm xuống -40,3 USD/thùng, sau đó hồi phục lên mức giá -37,6 USD/thùng vào cuối phiên. Ngày 21/4/2020, giá dầu Brent giao ngay thiết lập đáy 9 USD/thùng.
Trái với nhu cầu, khả năng điều chỉnh nguồn cung đòi hỏi phải có thời gian với sự khác biệt đáng kể giữa các ngành và lĩnh vực. Khai thác dầu là lĩnh vực tiêu tốn nhiều vốn đầu tư ban đầu, nên các nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi triển khai thực hiện phương án đầu tư. Giá dầu âm buộc các công ty dầu lửa phải cắt giảm hoặc hủy kế hoạch tăng sản lượng. Đồng thời, ngày càng có nhiều quốc gia và doanh nghiệp cam kết xây dựng thế giới không có khí thải carbon vào năm 2050. Việc chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch đòi hỏi lượng vốn đầu tư ban đầu rất lớn, làm tăng đáng kể nhu cầu về kim loại. Theo đó, nhu cầu về kim loại sẽ tăng cao trong giai đoạn ban đầu 2020 - 2030, sau đó sẽ hạ nhiệt dần.
Hiện tại, A-rập Xê-út và các nước thành viên vẫn lo ngại về tác động của Covid-19 đến phục hồi kinh tế và nhu cầu cũng như nguồn thu của OPEC vốn đang hưởng lợi nhờ dầu tăng giá. Vì thế, A-rập Xê-út đã bảo vệ chính sách tăng dần sản lượng dầu của OPEC, bất chấp kêu gọi của các nước tiêu thụ chủ chốt như Mỹ là cần tăng nhanh sản lượng. Tương tự, sản lượng dầu thô tại Mỹ vẫn thấp xa mức đỉnh 13 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2019, mặc dù nhu cầu đang phục hồi về mức trước đại dịch.
Trong báo cáo công bố vào ngày 28/9/2021, OPEC cảnh báo tình trạng thiếu đầu tư vào lĩnh vực dầu khí có thể cản trở nguồn cung và đẩy giá năng lượng tăng cao, đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Hiện tại, giá khí đốt ở châu Âu và châu Á đang ở mức cao, trong khi giá khí đốt ở Mỹ ghi nhận mức cao nhất trong vòng 7 năm qua, giá than cũng tăng cao kỷ lục, giá dầu trung bình đã vượt mức giá cao nhất trong ba năm qua.
Báo cáo của OPEC trích dẫn những lo ngại về sự lây lan của các biến thể SAR-CoV-2, áp lực lạm phát, và khả năng các ngân hàng trung ương sẽ rút dần các gói hỗ trợ tài khóa quy mô lớn. Giá dầu tăng cao, nhưng nỗ lực tăng sản lượng vấp phải nhiều khó khăn. Tại Angola và Nigeria, đầu tư thấp và khó khăn về bảo dưỡng đã cản trở các nỗ lực tăng sản lượng, ảnh hưởng đến tương lai gần.
OPEC dự báo, nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng và đạt mức tương tự như trước đại dịch Covid-19 (104,4 triệu thùng/ngày) vào năm 2026. Trong đó, gần 80% mức tăng nhu cầu sẽ được hình thành trong ba năm 2021-2023, chủ yếu nhờ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Năng lượng tái tạo được dự báo sẽ ghi nhận mức tăng cao nhất, tiếp đến là khí đốt, song dầu mỏ sẽ vẫn giữ vị trí số một trong cơ cấu năng lượng, riêng nhu cầu về than sẽ giảm dần.
Khủng hoảng năng lượng toàn cầu có thể đẩy nhu cầu tăng thêm 500 nghìn thùng/ngày, làm lạm phát tăng tốc và kìm hãm phục hồi kinh tế sau đại dịch. Khi giá dầu tăng, các mặt hàng kim loại sẽ chịu tác động mạnh nhất, một phần là do nhiên liệu chiếm 50% chi phí sản xuất kim loại, một phần vì các nước sẽ tìm giải pháp năng lượng mới, qua đó làm tăng nhu cầu về kim loại.
Ngày 21/10, chỉ số MXV-Index kim loại vượt mốc 2.000 điểm và đang hướng tới mức đỉnh cao mới kể từ đầu năm 2021 tới nay. Chỉ trong vòng hai tuần, giá đồng kỳ hạn tháng 12 trên sàn giao dịch hàng hóa COMEX (New York, Mỹ) đã tăng 12,5% lên trên 10.400 USD/tấn. Trên sàn giao dịch LME (London), giá nhôm cũng tăng 6% lên 3.112 USD/tấn, lập đỉnh 13 năm và có thể tiếp tục tăng nhanh trong thời gian ngắn; giá chì tăng 10,5% lên 2.376 USD/tấn; giá kẽm cũng tăng 15% lên 3.508 USD/tấn, giảm so với ngày 13/10 (3.637,5 USD/tấn).
Vào thời điểm đầu của cuộc khủng hoảng năng lượng lần này, hàng loạt nhà máy phải tạm dừng hoạt động vì thiếu điện, khiến cho giá của các mặt hàng kim loại đều gặp sức ép giảm giá do nhu cầu tiêu thụ sụt giảm. Tuy nhiên, sự đình trệ này khiến cho giới đầu tư tỏ ra lo ngại về khả năng sụt giảm nguồn cung kim loại cơ bản trên toàn cầu. Trước những lo ngại về khả năng khan hiếm nguồn cung trong thời gian tới, nhiều công ty đã tăng dự trữ đồng, làm tăng chênh lệch giữa giá trị hợp đồng tương lai và hợp đồng giao ngay lên 1.010 USD/tấn - mức cao nhất trong 27 năm qua.
Trong giai đoạn tháng 2 - 8/2021, chỉ số giá kim loại cơ bản tăng 9,7%, trong khi kim loại quý tăng 1,8%. Trong tháng 7/2021, kim loại cơ bản tăng lên mức giá cao nhất trong 10 năm qua, nhưng sau đó có xu hướng giảm nhẹ. Giá tăng bởi công nghiệp chế tạo phục hồi trên toàn cầu, triển vọng nhập khẩu để đầu tư hạ tầng tại các nước phát triển và rối loạn nguồn cung do Covid-19. Những kỳ vọng về nhu cầu kim loại tăng cao xung quanh việc chuyển đổi năng lượng đã hỗ trợ tăng giá đồng, Niken và những kim loại khác. Ngoài ra, điều kiện tài chính nới lỏng cũng là yếu tố bổ sung.
Dự báo, chỉ số giá kim loại cơ bản sẽ tăng 57,7% trong năm 2021, sau đó giảm 1,5% vào năm 2022. Rủi ro đối với dự báo tương đối cân bằng, nhưng sự bùng phát biến thể Delta có thể nhấn chìm nhu cầu về kim loại và làm rối loạn các chuỗi cung ứng. Tốc độ chuyển đổi năng lượng tăng thêm bất ổn đến nhu cầu về một số kim loại, giá kim loại quý được kỳ vọng tăng 5,1% trong năm nay và 0,2% vào năm 2022.
Theo báo cáo về triển vọng năng lượng ngắn hạn do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào ngày 13/10/2021, nhu cầu về dầu thế giới trong quý IV năm nay được dự báo sẽ đạt 99,98 triệu thùng/ngày, do nhu cầu đi lại sẽ tăng lên khi các nền kinh tế hồi phục sau đại dịch. Hiện tại, OPEC vẫn còn công suất dự phòng gần 5 triệu thùng/ngày chưa đi vào hoạt động. Trong khi đó, các công ty khai thác dầu tại Mỹ không có ý định mở rộng nguồn cung, cho dù giá dầu tăng cao. Ngoài ra, cuộc vận động nhằm chuyển dịch sang năng lượng xanh của các chính phủ càng khiến cho vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn, khi đầu tư và trợ cấp cho các dự án năng lượng tái tạo tăng, đầu tư dành để bảo dưỡng và phục hồi sản lượng giảm xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm. Các ngân hàng lớn như Goldman Sachs cũng liên tục điều chỉnh nâng dự báo giá dầu từ 70 USD/thùng lên 80 USD/thùng và trên 90 USD/thùng vào cuối năm nay.
Hiện tại, tác động của xu hướng tăng giá dầu được thể hiện rõ nét qua các chỉ số về lạm phát. Đây là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát tại châu Âu trong tháng 9 tăng lên mức 3,6% - cao nhất trong 10 năm qua và vượt mức lạm phát mục tiêu 2%. Tương tự, giá năng lượng sẽ đẩy lạm phát tại Mỹ trong cuối năm nay lên 5,1%, vượt xa mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đề ra.
Ngoài ra, chi phí về năng lượng là một trong những khoản khó cắt giảm nhất. Vì thế, khi giá nhiên liệu tăng, người tiêu dùng sẽ buộc phải cắt giảm những khoản chi tiêu khác. Mặt khác, lạm phát cao sẽ buộc các ngân hàng trung ương phải cân nhắc thắt chặt chính sách tiền tệ, gây tác động kép đến nền kinh tế thế giới. Trong báo cáo công bố vào ngày 20/10/2021, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ triển vọng GDP toàn cầu năm 2021 xuống mức tăng trưởng 5,9%, một phần là do đà tăng phi mã của giá năng lượng, bao gồm dầu mỏ, than, khí đốt.
Đối với thị trường hàng hóa, tác động của giá dầu sẽ trở nên rõ rệt đối với các mặt hàng kim loại. Do nhiên liệu có thể chiếm đến 50% chi phí sản xuất kim loại (như đồng, nhôm, sắt), giá dầu tăng sẽ khiến cho dòng vốn đầu tư đổ vào thị trường hàng hóa để phòng tránh lạm phát, đẩy giá tăng trên thị trường. Mặt khác, giá cả nhiên liệu hóa thạch tăng có thể buộc các chính phủ phải tìm đến các giải pháp dài hạn hơn, như gia tăng sử dụng các sản phẩm năng lượng sạch. Điều này sẽ hỗ trợ tăng giá kim loại cơ bản trong dài hạn, nhất là những mặt hàng kim loại cần thiết để chế tạo các sản phẩm pin, điện như đồng, bạch kim.
Tại Việt Nam, sau khi trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu theo chu kỳ điều chỉnh 15 ngày/lần, có hiệu lực từ chiều 26/10/2021, ghi nhận 4 đợt tăng giá liên tiếp trong thời gian gần đây. Cụ thể là: xăng E5RON92 bán ra ở mức 23.110 đồng/lít; xăng RON 95: 24.330 đồng/lít; dầu diesel: 18.710 đồng/lít; dầu hỏa: 17.630 đồng/lít; dầu mazut: 17.210 đồng/kg.
Như vậy, giá
xăng dầu tại Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Tính từ ngày 11/11/2020, giá cả các mặt hàng xăng dầu trong nước đã tăng 17 lần, giảm 3 lần và giữ nguyên 3 lần, với xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 9.225 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 9.629 đồng/lít.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, CPI tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản tháng 9/2021 giảm 0,26% so với tháng trước, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 0,88%. Điều này cho thấy, biến động giá tiêu dùng chủ yếu bắt nguồn từ xu hướng tăng giá lương thực, giá xăng, dầu, khí đốt. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 9 tháng tăng 24,8%, làm CPI chung tăng 0,89 điểm phần trăm; giá bán lẻ khí đốt tăng 21,7%, góp phần làm CPI chung tăng 0,32 điểm phần trăm; do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020 - 2021 theo lộ trình quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021, giá dịch vụ giáo dục tăng 3,76%, làm CPI chung tăng 0,2 điểm phần trăm; giá gạo tăng 6,47%, làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm; do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên liệu đầu vào, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 6,3%, góp phần làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm.
Ngoài ra, rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới nước ta, vì giá nhiều nguyên liệu cơ bản tiếp tục ở mức cao khiến giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tăng. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi của nền kinh tế; gây nhiều áp lực cho việc điều hành giá trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022.
Tuy nhiên, với diễn biến CPI 9 tháng năm 2021 như trên, mục tiêu lạm phát năm 2021 do Quốc hội đề ra ở mức 4% là hoàn toàn khả thi. Báo cáo cập nhật gần đây của ADB và IMF đều dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng 3,8% trong năm 2021 và tăng 6,5 - 6,6% trong năm 2022; lạm phát sẽ được kiềm chế trong năm 2021 và 2022 do GDP tăng chậm lại.
Do giá xăng sẽ còn tiếp tục leo thang trong thời gian tới, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, đề xuất phương án giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu để hạn chế đà tăng của giá xăng dầu, giảm bớt tác động tới lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; đồng thời đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, tạo thuận lợi cho quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cùng với đó, Chính phủ cũng cần có một chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế, với các gói kích thích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, gồm các chính sách tài khóa, tiền tệ, miễn giảm các khoản thuế phí, như thuế môi trường.
Nguồn tham khảo: IMF, Reuters, Tổng cục Thống kê, WB.
Xuân Thanh (NHNN)