Đã xuất hiện mô hình “sếu đầu đàn”
Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam hiện có khoảng gần 800.000 doanh nghiệp (DN) đang tạo ra khoảng 12 triệu việc làm, đóng góp tới 43% GDP (khu vực kinh tế nhà nước gần 30% GDP và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI khoảng 18% GDP); riêng trong lĩnh vực dịch vụ, khu vực tư nhân đóng góp tới trên 85% GDP.
Rất nhiều DN tư nhân đã trở thành những con sếu đầu đàn, dẫn dắt trong đổi mới khoa học công nghệ, đem khoa học - công nghệ đến với kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam được thế giới biết đến qua những tên tuổi của của các tập đoàn tư nhân như: Vingroup, Sun Group, T&T Group, Thaco, Vietjet, TH True Milk, Masan... Nhiều DN tư nhân đạt kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD, đóng góp lớn vào tăng trưởng, thu ngân sách và giải quyết việc làm. Hiện 29 DN Việt Nam đã có giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán vượt con số 1 tỷ USD.
Theo tính toán, nếu đầu tư tư nhân (chưa tính đến hộ kinh doanh cá thể) tăng 1%, sẽ giúp GDP của Việt Nam năm 2020 tăng trưởng thêm khoảng trên 0,15 điểm %. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây là “tấm đệm giảm sóc” cho nền kinh tế. Đặc biệt, khi nền kinh tế trong nước và thế giới gánh chịu những tác động bởi các yếu tố bất định.
Kinh tế tư nhân còn nhiều dư địa để phát triển
Để trở thành “lực kéo” chính
Kinh tế tư nhân thực sự có vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và còn rất nhiều dư địa để phát triển, trở thành “lực kéo” chính cho cả nền kinh tế trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn những tồn tại được xem là lực cản hạn chế sự phát triển của khu vực này.
TS. Lê Duy Bình- Giám đốc Economica Việt Nam- cho rằng, các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN vẫn còn rườm rà, phức tạp, khiến DN mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí tuân thủ quy định pháp luật, thủ tục hành chính.
Còn theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài Chính, thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách cắt giảm điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo sự bình đẳng cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân; tuy nhiên, kết quả chưa đạt được như mong muốn. Một trong những nguyên nhân là do khung khổ pháp lý cho kinh tế tư nhân vẫn chưa được hoàn thiện; sự thực thi vẫn còn nhiều vấn đề, chính sách, chế độ vẫn chậm đến với khu vực kinh tế tư nhân.
Theo ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, cần xây dựng, phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn thế mạnh của quốc gia, tập trung vào hai cơ sở: Hình thành trung tâm tài chính khu vực và tận dụng cơ hội chuyển dịch dòng vốn đầu tư do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Muốn vậy, cần có chính sách cụ thể để các thành phần kinh tế nhận được những ưu đãi công bằng, không quá ưu tiên cho DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong các trường hợp nhất định, Chính phủ cần có biện pháp bảo hộ khu vực kinh tế tư nhân trong lĩnh vực trọng điểm để cạnh tranh với quốc tế...
Tại Nghị quyết 10-NQ/TW, Trung ương đã xác định rõ kinh tế tư nhân là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế, và cũng từ quan điểm đó, có thể nói, đội ngũ doanh nhân là trụ cột của kinh tế tư nhân. Sức khỏe, bản lĩnh, linh hoạt sáng tạo, năng động là những yếu tố quan trọng để các doanh nhân vượt qua thách thức, “chèo lái” con tàu DN thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nhân cần làm tốt hơn việc liên kết, thực hiện phát huy vai trò trong các hội, hiệp hội; từ đó, làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đi vào chuỗi giá trị thuần Việt, nâng cao giá trị sản phẩm Việt, và có thể khẳng định vị trí, vai trò trong nền kinh tế.
|