Ngày 11/5/2023, NHNN phối hợp với TP.HCM và 5 tỉnh khu vực Đông Nam bộ tổ chức hội nghị ngành Ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh khu vực kinh tế trọng điểm này. Tham dự hội nghị có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và nhiều lãnh đạo UBND các tỉnh phía Nam. Về phía ngành Ngân hàng có Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cùng tham dự hội nghị.
Vốn tín dụng tạo ra những hiệu ứng tích cực
Theo thống kê của NHNN tính đến ngày 27/4/2023, tổng huy động vốn của các TCTD đạt khoảng 12,4 triệu tỉ đồng; tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,28 triệu tỉ đồng, tăng 3,04% so với cuối năm 2022 và tăng 9,92% so với cùng kì năm ngoái. Riêng tại khu vực Đông Nam bộ, tính đến hết quý I/2023, tổng huy động vốn của hệ thống TCTD trên địa bàn đạt trên 4,1 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc; tổng dư nợ tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỉ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, hiện TP.HCM nói riêng và Đông Nam bộ nói chung là khu vực ngành Ngân hàng tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân. Trong đó, dòng vốn tín dụng từ các ngân hàng chủ yếu chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (dư nợ khoảng 2,96 triệu tỉ đồng, chiếm 70,8% tổng dư nợ). Các lĩnh vực khác như công nghiệp và xây dựng cũng đạt dư nợ khá cao (gần 1,1 triệu tỉ đồng, chiếm 26%).
Thời gian qua, ngành Ngân hàng cũng tập trung thúc đẩy cho vay hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, cho vay người mua nhà ở TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam. Theo đó, tổng dư nợ bất động sản khu vực Đông Nam bộ đạt gần 1,1 triệu tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 41,12% tổng dư nợ tín dụng bất động sản cả nước. Hiện 4 NHTM Nhà nước cũng đang tích cực triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng (cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ) để thúc đẩy phân khúc nhà ở xã hội, qua đó tạo động lực cho thị trường bất động sản.
Đánh giá cao vai trò tín dụng của ngành Ngân hàng đối với việc tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân vùng Đông Nam bộ, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, các chính sách tín dụng, hỗ trợ lãi suất của hệ thống ngân hàng đang tạo ra hiệu ứng khá tích cực. Nguồn vốn tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh nên đã giúp nền kinh tế TP.HCM và các tỉnh lân cận duy trì được đà tăng trưởng và phục hồi sau nhiều tháng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.
Đồng quan điểm, ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, ngành Ngân hàng đang đáp ứng rất tốt nhu cầu vốn của cộng đồng doanh nghiệp. Trong 4 tháng vừa qua, tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng tại Tây Ninh đạt trên 90.000 tỉ đồng. Trong đó hầu hết đổ vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. “Điều này cho thấy đóng góp của các ngân hàng là rất lớn”, ông Thắng nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực - thực phẩm TP.HCM cũng cho rằng, ngành Ngân hàng đã rất tích cực trong việc kết nối với cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. “Suốt 2 - 3 năm dịch bệnh, Hiệp hội chúng tôi đều được ngành Ngân hàng tại TP.HCM đồng hành, tổ chức nhiều hoạt động kết nối, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giãn hoãn nợ, giảm lãi suất. Vì thế có thể nói đến lúc này doanh nghiệp đã "dễ thở" hơn một chút”, bà Chi nói.
Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương
Mặc dù nhìn nhận những đóng góp tích cực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế khu vực Đông Nam bộ phục hồi và duy trì tốc độ tăng trưởng, tuy nhiên, tại Hội nghị nhiều đại diện doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và lãnh đạo các địa phương vẫn nhận định, nền kinh tế đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ kinh tế toàn cầu; trong khi năng lực của doanh nghiệp đã bị bào mòn đáng kể sau 2 năm chống chọi với dịch Covid-19. Vì thế rất mong muốn ngành Ngân hàng tiếp tục cân nhắc, duy trì các chính sách hỗ trợ lãi suất, nới hạn mức tín dụng, tăng cho vay tín chấp đối với sản xuất kinh doanh và giữ nguyên mức định giá tài sản thế chấp là bất động sản để các doanh nghiệp có thể tiếp tục vay được vốn duy trì hoạt động và khôi phục thị trường.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng kiến nghị NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và điều hành lãi suất theo hướng tạo điều kiện tối đa để giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay. Trong đó, tập trung hơn nữa vào việc tăng vốn cho vay lưu động hỗ trợ doanh nghiệp thanh toán đơn hàng ngắn hạn, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đẩy mạnh hỗ trợ công nhân, sinh viên, người yếu thế trong việc tiếp cận vốn vay từ các TCTD chính thống, hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen.
Dòng vốn tín dụng tập trung chủ yếu cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên nên đóng góp
thiết thực vào tăng trưởng của TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ
Trong khi bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai mong muốn NHNN tiếp tục đốc thúc hệ thống TCTD triển khai tích cực chương trình hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và triển khai giãn nợ, không chuyển nhóm nợ xấu theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của NHNN. Bà Hoàng cho rằng, theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay các thủ tục để nhận được các hỗ trợ này khá phức tạp. Vì thế, ngành Ngân hàng cần nghiên cứu để tiết giảm, cụ thể hóa, hướng dẫn các NHTM để tăng hiệu quả của các chính sách ưu đãi.
Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, địa phương, với cương vị người đứng đầu ngành Ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cam kết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo đó, trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phấn đấu cân đối tất cả các mục tiêu của chính sách tiền tệ để giữ ổn định lãi suất, tỉ giá và giảm mặt bằng lãi suất cho vay khi có điều kiện. Thống đốc cũng cho rằng, để tháo gỡ toàn diện những khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động tiếp cận vốn thì các địa phương và các bộ, ngành Trung ương cũng cần phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng để chung tay cùng đưa ra các giải pháp hỗ trợ đồng bộ, từ tín dụng đến hỗ trợ tài chính, thuế phí, hỗ trợ thương mại, duy trì mở rộng thị trường và tháo gỡ các nút thắt pháp lí đầu tư, pháp lí kinh doanh…
Riêng đối với hệ thống TCTD, Thống đốc chỉ đạo hệ thống NHTM tại khu vực Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung tập trung triển khai tích cực các chính sách hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Trong đó, tập trung kết nối với các sở, ban, ngành tại các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các khu chế xuất, khu công nghiệp để tìm hiểu nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp; đồng thời tích cực tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, kết nối trực tiếp với từng khách hàng để cân nhắc tăng hạn mức tín dụng, tăng tỉ trọng cho vay không có tài sản đảm bảo nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.