Trên tinh thần đó, tại các Phiên họp trước thềm Hội nghị trong các ngày từ 22-24/9/2024, Ban Giám đốc AIIB đã dành thời gian thảo luận dự thảo Kế hoạch Kinh doanh và ngân sách của Ngân hàng trong năm 2025 nhằm tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, tạo động lực cho tang trưởng, với 6 lĩnh vực trọng tâm, bao gồm: (i) Tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh của AIIB đối với tất cả các lĩnh vực CSHT, tập trung và CSHT bền vững và có khả năng chống chịu với khí hậu; (ii) Tăng cường quan hệ khách hàng để phát triển hơn nữa các hoạt động kinh doanh mang tính chiến lược; (iii) Tiếp tục chú trọng bảo đảm và cải thiện hơn nữa chất lượng đầu tư; (iv) Tăng cường và tận dụng thương hiệu và vị thế của AIIB; (v) Đảm bảo tính bền vững về tài chính; và (vi) Tiếp tục hoàn thiện xây dựng đội ngũ nhân sự và nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp, hỗ trợ và hòa nhập.
Ban Giám đốc ủng hộ các nội dung đề xuất, đồng thời nhấn mạnh AIIB cần tiếp tục tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là tài trợ cơ sở hạ tầng ở các nước thành viên thuộc khu vực Châu Á, phù hợp với sứ mệnh khi thành lập của Ngân hàng. Bên cạnh đó, Ban Giám đốc cũng tập trung thảo luận về Dự thảo Chiến lược Phát triển Y tế và Kế hoạch hành động về Giới của AIIB, qua đó định hướng và thể hiện các cam kết của AIIB trong các lĩnh vực này.
Tại Hội nghị chính thức, Hội đồng Thống đốc AIIB đã nghe báo cáo về kết quả hoạt động trong năm vừa qua của Ngân hàng: Sau hơn 8 năm đi vào hoạt động, đến nay, AIIB đã phê duyệt 285 dự án với tổng vốn tài trợ là 54,7 tỷ USD, cho 37 nước thành viên. Tính đến hết 31/12/2023, AIIB đã tài trợ 18,5 tỷ USD cho 68 dự án theo Thể thức hỗ trợ phục hồi khủng hoảng do Covid-19 (CRF), hỗ trợ 26 nước thành viên trong nỗ lực phục hồi và giải quyết hậu quả của dịch Covid 19. Trong năm vừa qua, AIIB tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm ở mức cao nhất và đã thành công huy động nguồn vốn tương đương 9 tỷ USD thông qua phát hành trái phiếu. Đồng thời, AIIB cũng tích cực chung tay cùng cộng đồng quốc tế để xây dựng một hệ thống các ngân hàng phát triển đa phương lớn mạnh và hoạt động hiệu quả hơn, thông qua các nỗ lực trong tài trợ cho khí hậu, mở rộng tài trợ CSHT cho các thành viên mới và tăng cường củng cố quan hệ đối tác. Bên cạnh đó, AIIB tiếp tục đẩy mạnh thực hiện khuyến nghị của G20 về rà soát khuôn khổ an toàn vốn, qua đó cải thiện năng lực cho vay của Ngân hàng.
Trong giai đoạn “tăng tốc phát triển”, đặc biệt khi AIIB chuẩn bị bước vào đợt đánh giá giữa kỳ Chiến lược phát triển tổ chức vào năm 2025, AIIB tiếp tục đặt ra các mục tiêu: (i) thiết lập tỷ lệ tài trợ cho khí hậu trong danh mục hàng năm ở mức tối thiểu là 50% vào năm 2025. Đến nay, danh mục tài trợ cho khí hậu của AIIB đã chiếm hơn 60% tổng danh mục tài trợ thông thường và 41% tổng danh mục tài trợ cho khu vực tư nhân; (ii) tài trợ cho khu vực tư nhân đạt mức 50% tổng danh mục tài trợ của AIIB vào năm 2030; (iii) tài trợ kết nối xuyên biên giới đạt mức 25-30% trên tổng mức tài trợ hàng năm đến năm 2030.
Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn - Trưởng Đoàn Việt Nam tham gia Phiên Thảo luận của các Thống đốc
AIIB tiếp tục đặt mục tiêu mở rộng phạm vi hoạt động, bao gồm thông qua việc thành lập các văn phòng và trung tâm khu vực để tiến gần hơn tới khách hàng, qua đó nắm bắt và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, trong nỗ lực để hỗ trợ tốt hơn cho các nước thành viên đang phát triển và có thu nhập thấp tăng cường năng lực chuẩn bị khoản vay, cải thiện khả năng tiếp cận vốn và triển khai, thực hiện dự án, AIIB đã thành lập Quỹ hỗ trợ đặc biệt nhằm huy động nguồn vốn từ các nhà tài trợ. Hội nghị đã ghi nhận đóng góp của Thụy Sĩ, Đức và Trung Quốc với các khoản viện trợ không hoàn lại cho các quỹ này. Cũng tại Hội nghị, Hội đồng Thống đốc đã biểu quyết kết nạp thêm một thành viên mới là Cộng hòa Nauru, nâng tổng số thành viên của AIIB lên 110 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Trong các bài phát biểu gửi đến Hội nghị, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cho biết định hướng chiến lược hoạt động của AIIB phù hợp với bối cảnh cũng như ưu tiên phát triển của các nước thành viên, đặc biệt trong việc hỗ trợ giải quyết các thách thức mà thành viên gặp phải trong phát triển cơ sở hạ tầng nói chung, cũng như phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với kế hoạch rà soát, đánh giá giữa kỳ Chiến lược phát triển tổ chức vào năm 2025, Phó Thống đốc đã đưa ra một số đề xuất tới Ban Lãnh đạo AIIB về cách thức mà AIIB có thể phát triển hơn nữa đồng thời phục vụ tốt hơn cho các thành viên của mình. Việt Nam ủng hộ AIIB tiếp tục tham vọng hơn nữa trong các hoạt động tài trợ cho khí hậu và hỗ trợ các nước thành viên trong quá trình chuyển đổi năng lượng; đồng thời đề nghị AIIB tiếp tục phát triển các sản phẩm tài chính sáng tạo mới, phù hợp để có thể linh hoạt và nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của các thành viên, bao gồm trong trường hợp khẩn cấp, đồng thời nhấn mạnh AIIB sẽ tiếp tục tập trung vào sứ mệnh cốt lõi là phát triển CSHT, đặc biệt là hạ tầng kết nối xuyên biên giới, hạ tầng xanh, bền vững với khí hậu và dựa trên công nghệ. Trong lĩnh vực huy động vốn tư nhân, AIIB cần tăng cường hiệu quả và tác động của mình thông qua tích cực huy động sự tham gia của khu vực tư nhân và xây dựng danh mục đầu tư khả thi, có tác động lớn, và lấy khách hàng làm trung tâm.
Là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, thiên tai và bão lũ, Việt Nam mong muốn AIIB tiếp tục quan tâm và hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi năng lượng và thực hiện các dự án hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó giúp Việt Nam nhanh chóng hiện thực hóa cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, với việc Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, các nguồn vốn ODA ưu đãi ngày càng khan hiếm. Việt Nam hy vọng rằng AIIB sẽ tích cực tìm kiếm các nguồn tài trợ bổ sung, các cơ hội đồng tài trợ, các khoản viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật để tận dụng tối đa kinh nghiệm và sức mạnh tổng hợp, tăng tính ưu đãi và hấp dẫn của các khoản vay và hỗ trợ nâng cao năng lực chuẩn bị và triển khai các dự án của Việt Nam.
Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn – Trưởng đoàn Việt Nam chào xã giao Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách
và Chiến lược của AIIB
Trong thời gian tham dự Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã có cuộc gặp với Ông Danny, Alexander, Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách và Chiến lược của AIIB. Tại cuộc gặp, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn đã bày tỏ cảm ơn những đóng góp của Ông cả trên cương vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký trước đây và Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách và Chiến lược của AIIB. Phó Thống đốc đã chia sẻ sự ấn tượng và đánh giá cao vai trò trung tâm của Ông Phó Chủ tịch trong việc đưa ra các chính sách linh hoạt và nhạy bén trước những thách thức toàn cầu trong thời gian vừa qua, giúp cho Ngân hàng có những bước tiến vượt bậc trong việc đạt các mục tiêu phát triển của mình. Đáp lại lời của Phó Thống đốc, Lãnh đạo cấp cao AIIB đánh giá cao kết quả đầy ấn tượng của Việt Nam thời gian qua về tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô, an toàn vượt qua đại dịch; nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam với tư cách là một nước thành viên sáng lập, là một đối tác tin cậy và có trách nhiệm của AIIB nói riêng và trong cộng đồng quốc tế nói chung. AIIB cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để trong thời gian tới tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa AIIB và Việt Nam trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, Đoàn cũng đã có các buổi làm việc với các Vụ chức năng của AIIB để chia sẻ và lắng nghe quan điểm của hai bên trong việc tiếp tục thúc đẩy hoạt động của AIIB tại Việt Nam.
Bên lề Hội nghị, Đoàn Việt Nam cũng đã có buổi tiếp xúc cấp cao với Trưởng Đoàn của New Zealand. Tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn Việt Nam chúc mừng và đánh giá cao đại diện của New Zealand vừa tiếp nhận vị trí Giám đốc Nhóm nước số 7 từ tháng 7/2024 vừa qua và tin tưởng Ông Giám đốc Nhóm sẽ hoàn thành tốt vai trò của mình, đóng góp vào sự phát triển chung của Nhóm nước cũng như hỗ trợ tốt nhất cho các thành viên Nhóm trong quan hệ với AIIB. Trong quan hệ với New Zealand, Phó Thống đốc cho biết NHNN nói riêng, và các cơ quan Chính phủ Việt nam nói chung, coi trọng quan hệ hợp tác với New Zealand, đánh giá cao những trao đổi giữa hai bên về hợp tác giáo dục - đào tạo, tài chính, ngân hàng, khuyến nghị chính sách kinh tế vĩ mô... Hai bên đã có những hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong khuôn khổ hợp tác đa phương với các nước ASEAN tại các Hiệp định Thương mại tự do. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác thông qua các chương trình tăng cường năng lực, đối thoại chính sách… giữa hai bên trong các lĩnh vực về lập kế hoạch chiến lược, xây dựng mô hình dự báo và kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính và quản lý ngân sách, và đánh giá tác động của chính sách đến môi trường đầu tư…/.
Theo HTQT/sbv.gov.vn