Ngày 11/10/2023, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên năm 2023 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Marrakech, Ma-rốc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tham dự Hội nghị bàn tròn giữa Tổng Giám đốc IMF với Thống đốc NHTW, Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN, cuộc họp với Văn phòng Giám đốc điều hành WB/IMF khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương, đồng thời có buổi làm việc với bà Anna Bjerde, Giám đốc điều hành phụ trách hoạt động của Ngân hàng Thế giới và và tiếp bà Antoinette Sayeh, Phó Tổng Giám đốc IMF.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị bàn tròn giữa Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN với Tổng giám đốc IMF
Trao đổi tại Hội nghị bàn tròn và với lãnh đạo IMF, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng ghi nhận sự hỗ trợ, hợp tác của IMF dành cho Việt Nam trong thời gian qua. Những đánh giá, tư vấn và thông tin mà IMF cung cấp rất hữu ích cho Chính phủ Việt Nam nói chung và các cơ quan quản lý nói riêng trong quá trình điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, giúp duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Trong khuôn khổ các cuộc thảo luận, Thống đốc đã trình bày những kết quả đạt được trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2022 cũng như 9 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, trong bối cảnh khó khăn, thách thức chưa từng có trong năm 2022, kinh tế Việt Nam vẫn có sự phục hồi mạnh mẽ, với GDP tăng 8,02%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011; lạm phát bình quân năm 2022 là 3,15%, thấp hơn mức mục tiêu năm 2022. Kể từ đầu năm 2023, trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu, Chính phủ Việt Nam tiếp tục điều hành chủ động, đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Phó Tổng giám đốc IMF Antoinette Sayeh và Thống đốc Nguyễn Thị Hồng
Nhờ đó, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, lạm phát được kiểm soát. Quý 3/2023, tăng trưởng GDP ước đạt 5,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 3,28% của Quý 1 và 4,05% của Quý 2. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GDP ước đạt 4,24%, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản bình quân tăng 4,49%. Thống đốc cũng cho biết trong những tháng cuối năm, bám sát mục tiêu, định hướng của Quốc hội, Chính phủ, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2023 bình quân khoảng 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Thống đốc NHNN làm việc với Phó Tổng giám đốc IMF
Tại buổi làm việc với bà Anna Bjerde, Thống đốc bày tỏ sự tin tưởng rằng với bề dày kinh nghiệm và thành tích đã có, Giám đốc điều hành phụ trách hoạt động mới được bổ nhiệm từ tháng 4/2023 sẽ quản lý hiệu quả danh mục dự án của WB trị giá hơn 300 tỷ USD trên toàn cầu. Trao đổi về Báo cáo Lộ trình Phát triển WB, Thống đốc ủng hộ và đánh giá cao WB và các tổ chức phát triển đa phương đang xây dựng lộ trình nhằm thay đổi định hướng hoạt động của WB trong ứng phó với các thách thức. Về phía Việt Nam, NHNN cũng sẽ nỗ lực, chung tay đóng góp cùng với các quốc gia thành viên để sớm hiện thực hóa tầm nhìn, sứ mệnh của WB trong thời gian tới.
Về phía WB, bà Anna Bjerde chúc mừng thành tích ấn tượng của Chính phủ Việt Nam trong công tác phục hồi kinh tế, đánh giá cao hiệu quả hợp tác giữa hai bên trong suốt 30 năm qua. WB ghi nhận những nỗ lực hợp tác của NHNN và đánh giá cao việc NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Trước đó, vào ngày 10/10/2023, tại buổi làm việc với bà Manuela Ferro - Phó Chủ tịch WB, Thống đốc mong muốn Ban lãnh đạo WB chia sẻ với những nỗ lực của các cơ quan Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đang triển khai cũng như chuẩn bị các dự án mới. Mặc dù tổng danh mục hoạt động của WB tại Việt Nam có sự sụt giảm mạnh trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, Việt Nam vẫn khẳng định vai trò của WB trong tiến trình cải cách và phát triển kinh tế của Việt Nam trong suốt 30 năm qua và quá trình phát triển của Việt Nam vẫn rất cần có sự đồng hành của WB.
Cùng ngày, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã tham dự cuộc họp với Văn phòng Giám đốc điều hành IMF/WB khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương cùng với lãnh đạo Ngân hàng Trung ương/Bộ Tài chính các quốc gia khác trong khu vực. Tại hội nghị, Thống đốc đã ghi nhận trong giai đoạn này, cả IMF và WB đang đứng trước những cải tổ sâu rộng về cơ chế hoạt động nhằm đảm bảo thực hiện tốt hơn vai trò của mình trong một thế giới đầy biến động. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, hai tổ chức tài chính quốc tế lớn nhất vẫn tiếp tục thực hiện tốt vai trò tư vấn, hỗ trợ các nước thành viên đối phó với khủng hoảng, xử lý các thách thức toàn cầu, hướng tới tăng trưởng và ổn định. Thống đốc mong muốn IMF/WB trong quá trình thực hiện sứ mệnh của mình cần trao đổi cởi mở, tích cực nhằm đạt được sự thấu hiểu đầy đủ về đặc điểm và những điều kiện đặc thù của quốc gia thành viên, qua đó đảm bảo tính hiệu quả các các sáng kiến, hoạt động của mình.
HTQT
Theo sbv.gov.vn