Phát biểu khai mạc diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia. Cho đến nay, đã có trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả các quốc gia đang phát triển ban hành các chiến lược, chương trình hành động liên quan đến cuộc CMCN lần thứ 4 với nhiều tên gọi khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều nước cũng xây dựng và triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia - một trong những nội dung cốt lõi của tham gia CMCN lần thứ tư. Đối với nước ta, nhiều kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dự báo việc tham gia CMCN lần thứ 4 sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc Diễn đàn
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ, vùng phủ sóng di động đạt 99,7% dân số trên cả nước, trong đó vùng phủ sóng 3G, 4G đạt trên 98% với mức cước phí thấp, mạng 5G đã được cấp phép thử nghiệm và dự kiến triển khai thương mại từ năm 2020. Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về quy mô nền kinh tế kỹ thuật số; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực, năm 2018, chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam xếp hạng thứ 88/193 quốc gia, trong đó chỉ số thành phần về dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc, lên thứ hạng 59/193 quốc gia so với năm 2016.
Tuy nhiên, mức độ chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4 của nước ta còn thấp, thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ mới của CMCN lần thứ 4; chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ nền tảng của cuộc CMCN lần thứ 4 trong sản xuất và đời sống; còn thiếu các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; vấn đề quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, định danh số và xác thực điện tử cho người dân chưa phát triển...
Đ/c Nguyễn Văn Bình cho biết, ngày 27/9/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4. Nghị quyết nhấn mạnh: Chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; là giải pháp đột phá và là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, Trưởng Ban Kinh tế Nguyễn Văn Bình đề nghị các đại biểu tham dự Diễn đàn này cần tập trung trao đổi, thảo luận để làm rõ các cơ chế, chính sách, kiến nghị cụ thể để triển khai các chủ trương, định hướng mà Bộ Chính trị đã nêu trong Nghị quyết.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được Chính phủ giao là đầu mối xây dựng chiến lược đổi mới, sáng tạo quốc gia. Để tham gia toàn diện vào cuộc CMCN lần thứ tư, Việt Nam cần một nguồn lực to lớn, một kế hoạch hành động hiệu quả, thiết thực đồng thời cần có sự tham gia của cả xã hội, nhất là các doanh nghiệp, và sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tin rằng, Việt Nam sẽ đạt được một bước tiến vượt bậc về kinh tế và khoa học công nghệ, tạo ra sự thay đổi căn bản trong mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu khi đẩy mạnh tham gia cuộc CMCN lần thứ tư.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Cách mạng 4.0 là chuyển đổi số các quan hệ trong nền kinh tế. Chuyển đổi số sẽ hình thành các mối quan hệ mới, đây là thách thức lớn nhất nhưng cũng chính điều này sẽ giúp phát huy hiệu quả chuyển đổi số. Các nước đi sau ít gánh nặng quá khứ cả về hạ tầng vật chất, thể chế nên có thể nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số. Nếu có chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ vượt lên thành nước phát triển. Trong chuyển đổi số, cách mạng chính sách thể chế nhiều hơn về công nghệ. Đây sẽ càng là lợi thế của Việt Nam khi có Đảng lãnh đạo có thể đưa ra quyết sách lớn, nhanh và tập trung.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, chuyển đổi số quốc gia muốn đi nhanh thì Chính phủ phải đi đầu, phải đi tiên phong trong chuyển đổi số và trong Cách mạng 4.0, doanh nghiệp có cơ hội bứt phá nhưng phải là tư duy mới, không truyền thống, không làm theo tuần tự. Cả nhà nước và doanh nghiệp cũng cần tư duy mới trong cách tiếp cận.
Tại Diễn đàn, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận làm rõ khái niệm, bản chất, các đặc trưng cơ bản, các công nghệ nền tảng, dự báo xu thế và tác động của cuộc CMCN lần thứ 4 tới nền kinh tế - xã hội của đất nước; những thuận lợi, khó khăn tác động tới việc chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4. Trao đổi về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2045, các đại biểu nhất trí cao với chủ trương, chính sách và biện pháp tổ chức thực hiện để Việt Nam chủ động tham gia CMCN lần thứ 4.
Khách hàng tìm hiểu và trải nghiệm dịch vụ mới trên hệ thống Live Bank của Ngân hàng TMCP Tiên Phong
Trong khuôn khổ Diễn đàn này, đã diễn ra chuỗi hội thảo chuyên đề tập trung vào 5 chủ đề chính bao gồm: Ngân hàng thông minh; Thành phố thông minh; Sản xuất thông minh, Năng lượng thông minh và Kinh tế số.
Ngoài ra, bên lề Diễn đàn, Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 sẽ mở rộng với quy mô gấp đôi cùng gần 80 gian hàng đến từ các công ty trong nước và quốc tế. Triển lãm năm nay sẽ được phân chia thành các khu vực trưng bày các công nghệ nổi bật của 4 lĩnh vực chính: Tài chính - Ngân hàng, Sản xuất, Năng lượng, Thành phố thông minh, quy tụ sự tham gia của hơn 2500 đại biểu cấp cao là các chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp đến từ các nhóm ngành chính như năng lượng, chế tạo, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng.
CKH
Nguồn: sbv.gov.vn