Tại phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, có ý kiến vào 2 kịch bản tăng trưởng mà Chính phủ xây dựng.
Dịch bệnh tác động rõ nét hơn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong tháng 4 vừa qua
Ngành Ngân hàng tích cực hỗ trợ nền kinh tế
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng hết sức nặng nề bởi dịch bệnh Covid. Đặc biệt sang tháng 4, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm; số DN thành lập mới giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2015-2020; số DN đăng ký tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn tăng mạnh. Hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải (nhất là vận tải hàng không), ăn uống, lưu trú, vui chơi, giải trí...; tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, nền kinh tế cũng bật lên một số điểm sáng như tăng trưởng GDP quý I tuy đạt thấp (3,82%) so với cùng kỳ các năm trước, nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và đà suy giảm kinh tế thế giới. Bên cạnh đó kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định; lạm phát được kiểm soát, xu hướng giảm dần qua từng tháng; xuất khẩu đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7%. Phương thức tiêu dùng, quản lý, điều hành trong các hoạt động kinh tế, xã hội trong nước có sự đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giao tiếp và làm việc từ xa; tăng mạnh nhu cầu của thị trường công nghệ thông tin và công nghệ số…
Đặc biệt mặc dù thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu biến động mạnh, nhiều NHTW lớn trên thế giới nới lỏng mạnh tiền tệ để ứng phó với đại dịch Covid-19; nhưng thị trường tiền tệ vẫn được duy trì ổn định. Chính phủ cho biết, đến ngày 14/4/2020, huy động vốn tăng 0,55%, tín dụng tăng nhẹ (0,74%) so với cuối năm 2019. Thị trường ngoại tệ, tỷ giá cũng cơ bản ổn định, tâm lý thị trường vững, cân đối cung, cầu ngoại tệ thuận lợi, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Không chỉ vậy, để hỗ trợ nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, NHNN đã hai lần cắt giảm các mức lãi suất điều hành, trong đó lãi suất cho vay VND ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm tới 1% nhằm hỗ trợ giảm chi phí vốn vay của DN và người dân. NHNN cũng đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…
Thực hiện các quyết định của NHNN, các TCTD đã tích cực vào cuộc thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho DN. Không chỉ vậy, các TCTD còn triển khai nhiều gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp hơn 2-2,5% so với thời điểm trước dịch để hỗ trợ DN duy trì sản xuất - kinh doanh và phục hồi sau dịch.
Nên có thêm kịch bản thứ ba
Trên cơ sở dự báo tình hình, rà soát và tính toán các cân đối lớn, ước khả năng thực hiện Chính phủ đã dự kiến có 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong đó với kịch bản 1 là Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý III/2020. Với kịch bản này GDP dự kiến tăng trưởng khoảng 4,4-5,2% (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm mục tiêu đề ra).
Ở kịch bản 2 với giả định Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý IV/2020, GDP dự kiến tăng trưởng khoảng 3,6-4,4% (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm mục tiêu đề ra).
Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan. Theo đó Chính phủ dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh là: GDP tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%); Bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); Tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).
Thảo luận về vấn đề này, nhiều ý kiến đã đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng vẫn còn những băn khoăn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương. Trong khi Nghị quyết Trung ương vừa qua đã nói là chúng ta phải phấn đấu nỗ lực để thực hiện đạt mức cao nhất, chứ chưa “bật đèn xanh” để chúng ta điều chỉnh, vì vậy nếu bây giờ điều chỉnh thì phải làm lại quy trình xin ý kiến Trung ương.
Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, đánh giá và dự báo tình hình năm 2020 một cách sát nhất và có thể xây dựng kịch bản thứ 3 với khả năng là làn sóng thứ hai về dịch bệnh sẽ diễn ra vào Thu - Đông 2020 và dịch bệnh trên thế giới chưa thể dập tắt ngay được trong năm 2020 mà có thể kéo sang đến năm 2021. Theo đó thì nhiều lĩnh vực kinh tế sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Đó là xuất nhập khẩu, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ đều gặp những khó khăn nhất định. Bởi vậy tăng trưởng của Việt Nam, nếu như có kịch bản 3 thì có thể chỉ khoảng 3%, tuy nhiên vẫn cao hơn đánh giá của IMF là 2,7%. Kéo theo đó các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn sẽ gặp khó khăn, nhất là hụt thu ngân sách, bội chi ngân sách, nợ công sẽ ở mức cao hơn so với kịch bản 1 và 2 mà Chính phủ đã nêu để từ đó chúng ta có những giải pháp thích ứng.
UBTVQH cho rằng các giải pháp của Chính phủ cũng sát, nhưng cần toàn diện, rõ hơn và cụ thể hơn. Thứ nhất là cần phải tiếp tục rà soát lại các chính sách kinh tế, chính sách tài chính, ngân sách, tín dụng để kích thích sản xuất và khắc phục hậu quả Covid-19 phải đúng, phải trúng, tránh kích thích sai, đầu tư sai dẫn đến những thiệt hại không đáng có.
Thứ hai là phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết Quốc hội, nhất là vấn đề đầu tư công, đảm bảo giải ngân theo đúng tiến độ, đúng kế hoạch, bố trí dự án trong kế hoạch đã được bố trí vốn…