Tại Hội nghị ngày 4/8/2022 về Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chuyển đổi số là yếu tố khách quan, tác động đến mọi người dân, do đó người dân phải là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của chuyển đổi số.
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng – những bứt phá ngoạn mục
Trên cơ sở các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách, hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số. NHNN đã chủ động nghiên cứu, ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021). Mới đây, ngày 28/6/2022, NHNN tiếp tục ban hành Quyết định số 1097/QĐ-NHNN Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022.
Trước đó, ngày 13/01/2022, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng. Chỉ thị được ban hành nhằm yêu cầu các đơn vị ngành ngân hàng tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động chuyển đổi số phù hợp với yêu cầu cuộc sống và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động, trong đó, đã xác định các nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị thuộc NHNN và tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, phổ cập tài chính, NHNN cũng trình Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); đồng thời hướng dẫn các ngân hàng mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng cho khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC), qua đó cho phép người dân mở tài khoản, thẻ mà không cần đến trực tiếp ngân hàng; ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật thanh toán như mã QR code, thẻ chíp nội địa tạo thuận lợi cho kết nối thanh toán liên thông, giảm chi phí chấp nhận thanh toán.
Hiện nay, NHNN đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thử nghiệm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng nói chung hoạt động thanh toán nói riêng.
Các hạ tầng dùng chung như: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, Hệ thống thông tin tín dụng quốc gia liên tục được đầu tư, nâng cấp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để tăng khả năng liên thông kết nối, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành ngân hàng, cũng như các lĩnh vực khác trong bối cảnh mới. Ngành ngân hàng cũng đang phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu các phương án kết nối, khai thác thông tin công dân tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Căn cước công dân gắn chip phục vụ xác thực, làm sạch dữ liệu khách hàng tại các tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng.
Về phía các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không ngừng đầu tư hạ tầng công nghệ, cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ 4.0 nhằm gia tăng tiện ích, trải nghiệm và đảm bảo an toàn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ.
Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (cho biết thêm, trên nghĩa tích cực của chuyển đổi số, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động này và đã thu được những thành quả rất tích cực. Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu khi tỉ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn. Đại dịch Covid-19 vừa qua, khi các giao dịch trực tuyến lên ngôi trong thời gian dài giãn cách xã hôi, thanh toán trực tuyến bùng nổ, quá trình chuyển đổi số ngân hàng cũng được rút ngắn, và có những bứt phá thần tốc.
Theo Vụ Thanh toán (NHNN), các công nghệ thành tựu cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi (thanh toán, tín dụng, nhận tiền gửi), thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm (90% về số lượng và 150% về giá trị). Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch và lợi ích to lớn cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số. Nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, gửi tiền/ gửi tiết kiệm đã được số hóa toàn diện 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30-40%, phản ánh hiệu quả từ chuyển đổi số, phát triển dịch vụ ngân hàng số. Trong 8 tháng đầu năm 2022, thanh toán trên thiết bị di động tăng 107% về số lượng và 92% về giá trị.
Với những kết quả đạt được, Việt Nam cũng đã được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận tích cực. Theo hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, năm 2021, ngành ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, tăng từ 41% năm 2015 lên đến 82% vào năm 2021, cao hơn mức tăng bình quân 23% của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân 33% của thị trường mới nổi.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định: “Trong quá trình chuyển đổi số, ngành ngân hàng là ngành đầu tiên đi trước một bước và việc đi trước đó thể hiện rõ nét nhất thông qua bước thử nghiệm vừa rồi. Bước thử nghiệm đó trở thành một thành công vượt qua cả mong đợi”. Theo ông Hùng, để làm được điều đó, các ngân hàng tập trung vốn, công nghệ, con người vào chuyển đổi số, tổ chức từ rất sớm và sẵn sàng bỏ ra nguồn lực rất mạnh cho chuyển đổi số. Vừa qua, đại dịch là vấn đề ảnh hưởng rất lớn trên toàn cầu nhưng cũng là minh chứng rất lớn cho chuyển đổi số ngành ngân hàng. Kết quả, trong thời kỳ giãn cách, người dân vẫn hoạt động bình thường, vẫn giao dịch thanh toán mua hàng hóa trong khi vẫn cách ly.” Đấy là những kết quả tôi cho rằng nếu không chuyển đổi số thì không thể làm được. Lợi ích của người dân vừa rồi là minh chứng rất rõ ràng cho việc sử dụng dịch vụ của ngân hàng” – Tổng Thư ký Hiệp hội đánh giá.
Nâng cao kỹ năng an toàn tài chính cho người tiêu dùng trên môi trường mạng
Để quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng có thể đạt những mục tiêu đặt ra (như năm 2025 có 50% nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số), cần những giải pháp đồng bộ.
Về phía NHNN: tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho sự phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán số và quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng; Tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng theo Quyết định 810/QĐ-NHNN, Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số thông qua việc nâng cấp và hoàn thiện Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH), Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ cho các giao dịch bán lẻ (ACH) hoạt động 24x7, xử lý thanh toán tức thời (real-time) và tăng cường khả năng tích hợp, kết nối hạ tầng, với các ngành, lĩnh vực khác; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, bảo mật trong cung ứng dịch vụ ngân hàng. Đồng thời, NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong triển khai chuyển đổi số và kiến nghị, đề xuất Chính phủ xây dựng cơ chế chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số như ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử; xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng trên môi trường mạng; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng Luật Giao dịch điện tử,…
Ông Lê Anh Dũng nhấn mạnh một trong những trụ cột đó là hạ tầng công nghệ cho chuyển đổi số, cần thiết tạo lập hệ sinh thái số. Ông nhấn mạnh: “ Đầu tiên là chuyển đổi số về hình thức, nguồn lực, tập trung đầu tư cho phát triển các hạ tầng có tính vận hành, hệ thống thanh toán điện tử…Ngành Ngân hàng cũng đặc biệt coi trọng ứng dụng công nghệ số trong thiết kế sản phẩm, dịch vụ khu vực phục vụ khách hàng. Chúng tôi cũng xác định trong kỷ nguyên số thì số hoá dữ liệu rất quan trọng. Ngành ngân hàng không chỉ cung cấp dịch vụ của chính ngân hàng mà còn ngoài ngân hàng thông qua việc tạo lập hệ sinh thái số để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn cho người dân trên các thiết bị điện tử”.
Đồng thời, NHNN cũng đang phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, triển khai các giải pháp kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, sử dụng dữ liệu căn cước công dân để xác minh thông tin nhận biết khách hàng chính xác; khai thác thông tin khách hàng để bổ sung thêm nguồn thông tin đầu vào cho các TCTD trong quá trình đánh giá, thẩm định khách hàng và ra quyết định cho vay.
Cuối cùng, vấn đề an ninh, an toàn là không thể thiếu được, bởi bên cạnh những cơ hội thì những yếu tố rủi ro như tội phạm công nghệ cao, hacker là khó tránh khỏi trong kỷ nguyên số. Bởi vậy, các ngân hàng và NHNN xác định phải an toàn trong dịch vụ. Thực tế, khi hàng rào bảo mật của các ngân hàng ngày càng chặt chẽ, tội phạm công nghệ sẽ nhắm đến những sơ hở của khách hàng. “Chúng ta cũng đã chứng kiến những vụ gian lận, tấn công vào người dùng… Chính vì vậy người dùng cũng phải được cung cấp thông tin, kiến thức, được giáo dục kỹ năng an toàn tài chính để tận dụng tốt nhất các sản phẩm số của ngân hàng” – ông nói.
Thực tế, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chú trọng công tác truyền thông, giáo dục tài chính, với nhiều chương trình có tính lan tỏa cao như “Tiền khéo, tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”…cung cấp kiến thức, kỹ năng về tài chính ngân hàng cho người sử dụng dịch vụ, giảm thiểu rủi ro, giúp khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng an toàn trên môi trường internet. Thời gian tới, truyền thông giáo dục tài chính của ngành Ngân hàng tiếp tục hướng đến các đối tượng công chúng rộng rãi, trong đó chú ý đến những người yếu thế, người dân vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, học sinh, sinh viên…với hình thức truyền thông ngày càng đa dạng, mới mẻ, hiện đại, đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ, dễ lan tỏa, và dễ thực hiện, qua đó góp phần thúc đẩy thanh toán số, chuyển đổi số.
Theo Phương Linh/sbv.gov.vn