Là tổ chức duy nhất tại Việt Nam thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG), được thành lập từ năm 1999, đến nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đang bảo vệ cho hơn 89 triệu lượt người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG; đảm trách vai trò tổ chức tài chính công, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và góp phần duy trì an toàn, lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
Theo thông tin từ BHTGVN, hiện có 1.283 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 97 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô. Các tổ chức này đều được BHTGVN cấp Chứng nhận tham gia BHTG và Bản sao Chứng nhận theo quy định của pháp luật. Các tổ chức tham gia BHTG định kỳ nộp phí cho BHTGVN theo số dư tiền gửi được bảo hiểm. Tính đến tháng 10/2022, BHTGVN thu phí đạt gần 78% kế hoạch được NHNN giao năm 2022; thực hiện miễn nộp phí cho một số tổ chức tham gia BHTG theo quy định.
Số phí do tổ chức tham gia BHTG nộp cho BHTGVN được bổ sung vào Quỹ dự phòng nghiệp vụ dùng để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi phát sinh nghĩa vụ chi trả theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Quỹ dự phòng nghiệp vụ còn được sử dụng để cho vay đặc biệt khi tham gia kiểm soát đặc biệt các TCTD theo Luật Các TCTD sửa đổi năm 2017.
Khi chưa phát sinh nghĩa vụ chi trả, BHTGVN thực hiện đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi nhằm gia tăng năng lực tài chính, đồng thời đảm bảo thanh khoản và bảo toàn vốn. Tính đến ngày 30/9/2022, tổng nguồn vốn của BHTGVN đã đạt hơn 90 nghìn tỷ đồng, tăng 12,89% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là nguồn lực tài chính quan trọng giúp BHTGVN luôn sẵn sàng khả năng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết cũng như có thể tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD.
Đến nay, BHTGVN đã thực hiện kiểm tra định kỳ đối với 228/280 tổ chức tham gia BHTG, đạt 81,43% so với kế hoạch; hoàn thành kiểm tra đối với 48/53 QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN năm 2022, đạt 90,5% so với kế hoạch. Kết quả kiểm tra được BHTGVN báo cáo NHNN nhằm kịp thời theo dõi, đánh giá diễn biến, tình hình hoạt động của các TCTD, qua đó chấn chỉnh các vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, 100% các tổ chức tham gia BHTG được giám sát từ xa thông qua thông tin báo cáo từ các tổ chức nói trên, đồng thời từ dữ liệu chia sẻ của NHNN.
Thời gian qua, BHTGVN chưa phát sinh các khoản vay đặc biệt từ các tổ chức tham gia BHTG, cũng như chưa phát sinh nghĩa vụ chi trả theo quy định. Tuy nhiên, BHTGVN luôn theo dõi sát sao các tổ chức tham gia BHTG, đồng thời đảm bảo năng lực tài chính, nguồn nhân lực và nguồn lực kỹ thuật để có thể nhanh chóng ứng phó trong mọi trường hợp phát sinh.
BHTGVN cũng thực hiện tuyên truyền chính sách pháp luật về BHTG, đa dạng hóa các kênh truyền thông có độ bao phủ lớn như phối hợp với đài truyền hình, đài phát thanh, các báo, tạp chí hay thông qua website BHTGVN và Bản tin BHTG, góp phần nâng cao hiểu biết của công chúng về chính sách BHTG và hình ảnh tổ chức BHTG.
Theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, một trong những giải pháp chủ yếu là nghiên cứu, rà soát, sửa đổi một số luật, văn bản pháp luật, trong đó có Luật BHTG. Nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém. Bên cạnh đó, nguồn lực thực hiện tái cơ cấu TCTD cũng được xác định có thể huy động từ nguồn Quỹ dự phòng nghiệp vụ của tổ chức BHTG. Đây là những định hướng chính sách để nâng cao vai trò của tổ chức BHTG trong quá trình tái cơ cấu một cách phù hợp với nhu cầu thực tiễn cũng như thông lệ quốc tế.
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại Quyết định số 1382/QĐ-NHNN ngày 02/8/2022 của Thống đốc NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”, Thống đốc NHNN chỉ rõ mục đích của Kế hoạch là triển khai chỉ đạo của NHNN đến các đơn vị thuộc ngành Ngân hàng trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 được quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” và các nội dung tại Đề án.
Trong đó, đối với nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của TCTD, Thống đốc yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, trong đó có BHTGVN tích cực tham mưu, chủ động triển khai các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao; nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật NHNN, Luật Các TCTD, Luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo hướng xây dựng và bổ sung cơ chế hỗ trợ cho các TCTD tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến tài chính và hoạt động; nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém; nghiên cứu sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn kết dư phí BHTG để xử lý QTDND yếu kém.
Bên cạnh đó, trong Báo cáo số 302/BC-NHNN ngày 19/9/2022 của NHNN đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và tình hình triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, NHNN cho biết, liên quan đến Luật BHTG, NHNN đã có Quyết định số 127/QĐ-NHNN ngày 28/01/2022 về ban hành Kế hoạch nghiên cứu, rà soát, lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHTG; xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật BHTG. Hiện NHNN đang xây dựng, hoàn thiện Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát, đề xuất chính sách sửa đổi, bổ sung Luật để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo kế hoạch.
Như vậy có thể thấy, một trong những ưu tiên hàng đầu của BHTGVN trong thời gian tới là việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. Theo Lãnh đạo BHTGVN, các nội dung đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật BHTG sẽ tập trung vào 03 nội dung lớn: Hoàn thiện cơ sở pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao vị thế, vai trò của BHTGVN để tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD, nhằm bảo vệ tốt hơn, kịp thời hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Luật BHTG trong thời gian qua; thống nhất quy định với các luật có liên quan như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD (Luật số 17/2017/QH14), Luật Phá sản…
Trong 23 năm qua, BHTGVN đã tích cực phát huy vai trò là điểm tựa niềm tin của người gửi tiền và là người đồng hành tích cực đối với hoạt động an toàn của hệ thống các TCTD. Để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò này của BHTGN, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ, NHNN đang quyết liệt triển khai quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2021 - 2025 với quan điểm nhất quán “bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền”, BHTGVN cần nâng cao năng lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, nghiệp vụ để luôn sẵn sàng gánh vác các trọng trách mới. Bên cạnh đó, việc xem xét sửa đổi, bổ sung Luật BHTG cần được triển khai mạnh mẽ, nhanh chóng hơn trong thời gian tới để nâng tầm hoạt động BHTG cũng như uy tín, vị thế của tổ chức BHTG ở trong nước, quốc tế.
Phương Vân