Trong quá trình phát triển và hội nhập ngày nay, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã trở thành xu thế tất yếu bởi nó mang lại nhiều tiện ích rõ rệt cho cả người dân và nền kinh tế. TTKDTM giúp tiết kiệm chi phí thời gian, công sức chờ đợi thanh toán, TTKDTM qua ngân hàng đảm bảo quá trình giao dịch nhanh, an toàn, tiện lợi... mang lại nhiều tiện ích cho các tổ chức, cá nhân trong đầu tư, tiêu dùng xã hội, góp phần đẩy nhanh tốc độ chu chuyển vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng các dòng vốn. Ngoài ra, TTKDTM tạo sự minh bạch trong các hoạt động kinh tế, chống thất thu thuế, hạn chế tình trạng tham nhũng, rửa tiền, tiết kiệm chi phí phát hành tiền mặt...
TTKDTM đảm bảo quá trình giao dịch nhanh, an toàn, tiện lợi
Thực hiện Quyết định 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng (Quyết định 2545) phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, Quyết định 637/QĐ-NHNN ngày 31/3/2017 ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 2545, Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng (Quyết định 241) phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công như thu thuế, điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí, chi trả các chương trình an sinh xã hội, Quyết định 923/QĐ-NHNN ngày 09/5/2018 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 241 của Thủ tướng Chính phủ, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án TTKDTM trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 - 2020, trong đó đã đặt ra mục tiêu, lộ trình việc triển khai thực hiện TTKDTM trên địa bàn; chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, công nghệ, nâng cao tính bảo mật, chú trọng phát triển nhân lực, mở rộng mạng lưới các điểm chấp nhận thẻ, phát triển các dịch vụ thanh toán đa năng, hiện đại phục vụ nền kinh tế và đời sống nhân dân. Với vai trò là trung tâm thanh toán của hệ thống ngân hàng trên địa bàn, NHNN Chi nhánh tỉnh thường xuyên nâng cấp hạ tầng công nghệ, cập nhật phần mềm, vận hành hiệu quả hệ thống thanh toán liên ngân hàng, thanh toán bù trừ trên địa bàn, góp phần kết nối hoạt động thanh toán của hệ thống ngân hàng, rút ngắn thời gian chu chuyển vốn; chủ động phối hợp với cơ quan báo chí tuyên truyền Quyết định 241, chủ trương, chính sách phát triển TTKDTM nói chung, dịch vụ công nói riêng theo định hướng của Chính phủ, của Ngành; đầu mối phối hợp với các cấp, ngành để đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua hệ thống ngân hàng, phối hợp với Điện lực Thái Bình tổ chức hội thảo, chỉ đạo hệ thống ngân hàng đẩy mạnh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; đầu mối chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn tham gia tọa đàm để trao đổi, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh TTKDTM đối với các dịch vụ y tế...
Các NHTM trên địa bàn đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp hạ tầng công nghệ, phần mềm ứng dụng, bảo mật phục vụ hoạt động thanh toán (ví dụ: Lắp đặt máy ATM, POS, mPOS, áp dụng hệ thống ngân hàng lõi, phần mềm thanh toán trực tuyến, thanh toán QRpay...); đa dạng hóa các hình thức thanh toán, phát hành các loại thẻ đa năng phục vụ thanh toán như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước, thẻ nội địa, thẻ quốc tế...; phát triển đa dạng các sản phẩm TTKDTM phục vụ doanh nghiệp, như: Séc, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, thư tín dụng, nộp thuế, phí, các dịch vụ thanh toán phục vụ khách hàng cá nhân: Nhận lương qua tài khoản, ví điện tử, thanh toán tiền điện, nước, cước điện thoại, xăng dầu, học phí, viện phí, dịch vụ đời sống, nhà hàng, khách sạn... chủ động làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cung cấp các sản phẩm, dịch vụ để thỏa thuận, ký hợp đồng triển khai dịch vụ TTKDTM; áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích sử dụng dịch vụ TTKDTM; NHNN, các NHTM thường xuyên phối hợp với các cấp, các ngành để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các bên liên quan trong phát triển sử dụng dịch vụ TTKDTM...
Nhờ quyết liệt triển khai các giải pháp thực hiện hệ thống TTKDTM nói chung, TTKDTM đối với dịch vụ công nói riêng đạt được những hiệu quả rất tích cực. Đến nay, mạng lưới cung ứng dịch vụ thanh toán trên địa bàn tỉnh Thái Bình ngoài NHNN Chi nhánh tỉnh thực hiện chức năng trung tâm thanh toán hệ thống ngân hàng, kho bạc nhà nước, có 24 Chi nhánh ngân hàng và 85 QTDND. Doanh số TTKDTM qua ngân hàng năm 2019 đạt 750 ngàn tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018 (tốc độ phát triển bình quân hàng năm trên 26%); các NHTM đã mở gần 980.000 tài khoản thanh toán, phát hành trên 1 triệu thẻ thanh toán các loại; lắp đặt gần 170 máy ATM, 600 máy POS, thực hiện trả lương qua tài khoản cho gần 1.770 cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp với tổng số gần 140.000 lao động nhận lương qua thẻ. Doanh số TTKDTM đối với dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội năm 2019 đạt 6.568 tỷ đồng, cụ thể, TTKDTM qua thu thuế, phí đạt 4.530 tỷ đồng, thu tiền điện đạt 1.500 tỷ đồng, thu tiền nước đạt 82 tỷ đồng, học phí đạt 80 tỷ đồng, thu tiền viễn thông, bưu chính 370 tỷ đồng, chi trả an sinh xã hội 6,3 tỷ đồng. Các hình thức TTKDTM phục vụ đa dạng các đối tượng khách hàng (doanh nghiệp, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân), bao quát nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội (sản xuất kinh doanh, chi trả lương, trợ cấp xã hội, trao đổi, mua bán hàng hóa, chi tiêu dùng,...); giao dịch thanh toán có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi; và đặc biệt, thời gian thực hiện các giao dịch được rút ngắn đáng kể... mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, cũng như toàn xã hội.
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích xã hội và phù hợp với xu thế phát triển, nhưng việc TTKDTM trong dịch vụ công, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định: TTKDTM phải có tài khoản ngân hàng và phải có tiền trong tài khoản để thực hiện các giao dịch khi phát sinh; thói quen sử dụng tiền mặt trong dân cư còn rất phổ biến; người dân sử dụng các dịch vụ TTKDTM liên quan đến khoa học, kỹ thuật hiện đại đòi hỏi phải có trình độ hiểu biết nhất định để thực hiện các thao tác vận hành; sự vào cuộc của một số ngành, tổ chức liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ còn hạn chế. Về phía ngành Ngân hàng, còn hạn chế về nguồn lực trong phát triển TTKDTM, nhất là phát triển TTKDTM về vùng nông thôn.
Tiếp tục đẩy mạnh TTKDTM nói chung, thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công trên địa bàn tỉnh Thái Bình nói riêng, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công theo Quyết định 241 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của NHNN Việt Nam, của Tỉnh; trong thời gian tới, hệ thống ngân hàng Thái Bình tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất, triển khai kịp thời cơ chế, chính sách, chỉ đạo, hướng dẫn của Nhà nước, của Ngành, của tỉnh liên quan đến phát triển TTKDTM, đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, thu nộp ngân sách Nhà nước, chi trả an sinh xã hội, chi phí sinh hoạt, tiêu dùng của dân cư...
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dịch vụ TTKDTM; tập trung giới thiệu tính năng, tiện ích, hướng dẫn sử dụng dịch vụ, giúp người dân nắm bắt, thuận lợi trong việc sử dụng dịch vụ, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của xã hội đối với phát triển TTKDTM trên địa bàn.
Thứ ba, tập trung phát triển sản phẩm TTKDTM, ưu tiên các sản phẩm thao tác ứng dụng trên điện thoại di động, mạng internet; nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng, tính năng bảo mật của dịch vụ. Tiếp tục đầu tư nâng cấp công nghệ, hạ tầng kỹ thuật, phần mềm ứng dụng, phần mềm bảo mật phục vụ hoạt động TTKDTM. Tiếp tục phát triển hệ thống máy ATM theo hướng ưu tiên địa bàn các huyện, khu vực nông thôn.
Thứ tư, tích cực phối hợp với các tổ chức cung ứng dịch vụ công để ký hợp đồng triển khai dịch vụ; vận động công chức, người lao động và nhân dân thực hiện trả phí sử dụng dịch vụ công qua tài khoản ngân hàng.
Thứ năm, tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, các đơn vị cung cấp dịch vụ công kiến nghị tỉnh tăng cường chỉ đạo, vận động, khuyến khích công chức, người lao động và nhân dân sử dụng dịch vụ TTKDTM; kịp thời kiến nghị hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi để phát triển TTKDTM, đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công.
Thứ sáu, tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát đối với các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế, đảm bảo tuân thủ các quy định của nhà nước và của ngành; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, các tổ chức cung cấp dịch vụ an ninh mạng để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các loại tội phạm, đảm bảo an ninh, an toàn và nâng cao chất lượng dịch vụ TTKDTM phục vụ nền kinh tế và đời sống nhân dân.
Phan Thị Tuyết Trinh
Nguồn: TCNH số 1+2/2020