Ngày 17/5/2022 tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học và Công nghệ ngành Ngân hàng đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động Hội đồng Khoa học và Công nghệ ngành Ngân hàng giai đoạn từ năm 2015 đến nay. PGS.TS Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ngành Ngân hàng chủ trì Hội nghị.
Chất lượng các đề tài, dự án KH&CN ngày càng tăng
Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Thị Hòa - Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Phó Chủ tịch Hội đồng KH&CN ngành Ngân hàng đã trình bày báo cáo tình hình hoạt động của Hội đồng và Thường trực Hội đồng KH&CN ngành Ngân hàng từ năm 2015 đến nay và phương hướng hoạt động của Hội đồng và Thường trực Hội đồng nhiệm kỳ 2021 - 2023.
Theo đó, từ năm 2015 đến nay, được sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo NHNN, và hoạt động tư vấn, tham mưu kịp thời của Hội đồng với sự tham gia tích cực của các thành viên là các chuyên gia, cán bộ am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực ngân hàng đến từ các đơn vị, Vụ, Cục NHNN, các trường đại học, các NHTM và các chuyên gia, nhà khoa học khác trong và ngoài ngành, hoạt động KH&CN của ngành Ngân hàng trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng.
TS. Nguyễn Thị Hòa - Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng báo cáo hoạt động của Hội đồng KH&CN
Từ năm 2015 đến nay, các tổ chức KH&CN trong ngành Ngân hàng đã chủ trì và triển khai thực hiện 09 đề tài KH&CN cấp quốc gia, đóng góp tích cực không chỉ cho hoạt động của ngành mà có ý nghĩa cả đối với nền kinh tế nói chung. NHNN đã đặt hàng triển khai 199 nhiệm vụ KH&CN cấp bộ/cơ sở đến các cá nhân, đơn vị trong ngành. Trong đó Với những đổi mới trong công tác quản lý các nhiệm vụ KH&CN ngành Ngân hàng thông qua hoạt động kiện toàn môi trường pháp lý, chuẩn hóa quy trình triển khai các nhiệm vụ KH&CN, từ năm 2016 các nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ và cấp cơ sở của NHNN đã khắc phục được tình trạng quá hạn kéo dài của giai đoạn trước.
Đồng thời, với việc xây dựng định hướng bám sát các vấn đề của ngành và sự nghiêm túc đóng góp của các thành viên trong Hội đồng khi tham gia các Hội đồng tư vấn, trong những năm qua, ngành Ngân hàng đã lựa chọn và triển khai nghiên cứu nhiều đề tài/dự án có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động ngân hàng. Chất lượng của các đề tài, dự án KH&CN đã tăng qua từng năm đáp ứng cơ bản nhu cầu cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để ban hành các cơ chế chính sách, áp dụng trong việc cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động của NHNN, góp phần vào việc tăng cường hiệu quả trong việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, năng lực thanh tra giám sát, cải tiến quy trình nghiệp vụ ngân hàng.
Đại diện các tập thể đón nhận Bằng khen của Thống đốc NHNN
Mặt khác, với những đổi mới trong hoạt động chuyển giao, và báo cáo ứng dụng,trên thực tế, cùng với sự gia tăng số lượng các nhiệm vụ KH&CN sau khi nghiệm thu được chuyển giao ứng dụng tới các đơn vị thuộc NHNN và NHTM, tỷ lệ nhiệm vụ chuyển giao được báo cáo có ứng dụng cũng tăng dần qua các năm. Trong đó, tỷ lệ số nhiệm vụ KH&CN được kiến nghị chuyển giao ứng dụng/ tổng số nhiệm vụ KH&CN thực hiện và số nhiệm vụ KH&CN được báo cáo có ứng dụng trong năm 2021/ số nhiệm vụ KH&CN được kiến nghị chuyển giao ứng dụng tăng mạnh so với năm 2020 và 2019.
Trong giai đoạn 2015 - 2021, các chủ đề nghiên cứu được ứng dụng nhiều trong thực tiễn hoạt động của các đơn vị tiếp tục tập trung vào các nghiên cứu mới được nghiệm thu liên quan đến hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng, ngân hàng số, công nghệ ngân hàng, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech, trung gian thanh toán, hoạt động thông tin tín dụng... Bên cạnh đó, các nghiên cứu được nghiệm thu trong vòng 2-3 năm trở lại vẫn tiếp tục được ứng dụng trong công tác nghiên cứu, sử dụng kết quả nghiên cứu cho cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị NHNN tham khảo, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.
Các cá nhân đón nhận Bằng khen của Thống đốc NHNN
Trong giai đoạn vừa qua, nhiều sự kiện KH&CN quan trọng (hội nghị, hội thảo, tọa đàm…) với nhiều quy mô (cấp cơ sở, cấp ngành, quốc gia, quốc tế) đã được triển khai tổ chức bài bản, không chỉ có ý nghĩa với ngành mà còn đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Chất lượng của các sự kiện KH&CN từng bước được nâng lên với các nội dung mang tính thời sự và phần thảo luận được tăng cường, tập trung trao đổi, bình luận các vấn đề được quan tâm; thêm vào đó, công tác tổ chức không ngừng được đổi mới, hoàn thiện theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn. Nhờ đó, được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao, thu hút sự chú ý của các tổ chức thông tin, truyền thông trong nước.
Trong giai đoạn 2015 – 2021, Hội đồng KH&CN ngành Ngân hàng đã có nhiều hoạt động trong lĩnh vực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN. Đồng thời, Công tác phổ biến, thống kê thông tin KH&CN có những bước chuyển tích cực với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trong khuôn khổ Hội Nghị, đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức và cán bộ đã công bố Quyết định của Thống đốc NHNN thành lập Hội đồng Khoa học và Công nghệ của Ngành nhiệm kỳ 2021 – 2023. PGS.TS Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN là Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ ngành Ngân hàng.
Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN đã trao Bằng khen của Thống đốc cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động KH&CN.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị này, Viện Chiến lược Ngân hàng đã ký kết thỏa thuận hợp tác về KH&CN với các đối tác: KPMG, HDBank, Agrribank và Vietcombank.
Nâng cao khả năng ứng dụng của các đề tài nghiên cứu KH&CN
Phát biểu kết luận Hội nghị, đánh giá cao, ghi nhận những nỗ lực, kết quả của các đơn vị trong toàn ngành Ngân hàng đối với hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong thời gian qua, Phó Thống đốc nhấn mạnh, cuộc CMCN 4.0 tạo ra những đột phá trong ứng dụng công nghệ, thay đổi cách con người sống, làm việc, định hình lại các giá trị, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới. Sự phát triển của công nghệ đã ảnh hưởng sâu rộng, mang tính cải cách cho tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội, và ngành Ngân hàng không phải là ngoại lệ. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN của Ngành, trên cơ sở những kết quả đạt được, nhận diện cơ hội và thách thức, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện một số nhiệm vụ:
Hội đồng KH&CN ngành Ngân hàng phát huy tốt hơn nữa vai trò tư vấn cho Thống đốc NHNN một cách chính xác, kịp thời đối với hoạt động KH&CN của toàn ngành Ngân hàng; Phát huy vai trò đánh giá, phản biện trong quá trình xây dựng các chính sách của các đơn vị thuộc NHNN, đặc biệt là trong việc triển khai xây dựng các nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng cần phát huy vai trò là các nhà khoa học độc lập, hỗ trợ truyền thông các chính sách do NHNN ban hành.
Viện Chiến lược Ngân hàng ký kết thỏa thuận hợp tác về KH&CN với các đối tác
Viện Chiến lược ngân hàng phát huy vai trò là Cơ quan thường trực giúp việc Hội đồng KH&CN ngành Ngân hàng, thực sự là cầu nối đối với các Hội đồng KH&CN của các đơn vị cơ sở, các tổ chức nghiên cứu của các bộ/ngành và các trường đại học hoặc các tổ chức quốc tế trong hoạt động nghiên cứu khoa học và trao đổi chuyên gia. Cùng với đó, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao vai trò, vị trí của đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên đối với việc cung cấp thông tin cần thiết trong các hoạt động KH&CN của ngành Ngân hàng thông qua chính sách đãi ngộ hợp lý.
Học viện Ngân hàng và Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh: Bám sát định hướng nghiên cứu của ngành Ngân hàng trong từng năm, từng giai đoạn để từ đó đề xuất các nghiên cứu phù hợp. Bên cạnh đó, các trường cần chủ động phát hiện ra những vấn đề mới, quan trọng đối với ngành Ngân hàng và đưa ra đề xuất nghiên cứu; Có biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý các nhiệm vụ KH&CN tại các trường, đảm bảo tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiến đối với từng nhiệm vụ cũng như tăng khả năng ứng dụng đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở; Đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN trong công tác giảng dạy và lưu trữ làm tài liệu tham khảo về khoa học, nghiệp vụ ngân hàng và các vấn đề liên quan cho giảng viên và các học viên.
Các đơn vị thuộc NHNN bám sát định hướng nghiên cứu của ngành Ngân hàng trong từng năm, từng giai đoạn để từ đó đề xuất các nghiên cứu phù hợp; Đề tài nghiên cứu KH&CN cần xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị để đảm bảo tính ứng dụng cao; Có biện pháp nâng cao khả năng ứng dụng của các đề tài nghiên cứu KH&CN của đơn vị đề xuất, tích cực phối hợp với các đơn vị khác trong hoạt động KH&CN; Khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho cán bộ dành thời gian nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động KH&CN của Ngành.
Các TCTD cần có cơ chế khuyến khích hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN. Tăng cường ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN trong việc xây dựng, điều chỉnh các quy định, quy trình nghiệp vụ nội bộ. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ của CMCN lần thứ tư vào hoạt động ngân hàng, ưu tiên phát triển ngân hàng theo mô hình ngân hàng số, trong đó lấy thanh toán số làm cửa ngõ để kết nối liền mạch với các ngân hàng khác.