Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật)
Sau gần một năm triển khai biên soạn và xuất bản, đầu tháng 02/2023, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tựa đề: "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh". Cuốn sách được ra mắt vào đúng dịp kỉ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban.
Cuốn sách hệ thống hóa sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cương vị người đứng đầu Đảng ta về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thể hiện tư tưởng nhất quán, kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gợi mở, định hướng và đưa ra nhiều giải pháp có giá trị quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay; qua đó, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân nắm vững, quán triệt và tổ chức thực hiện sâu rộng, hiệu quả để góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, để phát triển đất nước
Với độ dày hơn 600 trang, gần 111 bức ảnh, trong đó có những bức ảnh lần đầu tiên được công bố, cuốn sách được chia làm ba phần: Phần thứ nhất - Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, gồm bài viết tổng quan của đồng chí Tổng Bí thư: "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!"; phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các năm 2014, 2018, 2020, 2022 và trích kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại 36 phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo từ năm 2013 đến năm 2022. Phần thứ hai - Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc, phần này tuyển chọn 22 bài viết tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, 14 bài viết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ những năm đầu tiến hành đổi mới đất nước đến nay và 8 bài viết về rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Phần thứ ba - Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, tập hợp, chọn lọc 62 ý kiến đánh giá của các tầng lớp Nhân dân, 10 ý kiến của đại biểu Quốc hội và 24 ý kiến của các chính khách, học giả, bạn bè quốc tế, thể hiện sự ghi nhận, ủng hộ, niềm tin tưởng sâu sắc của người dân đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bài viết tổng quan của đồng chí Tổng Bí thư đã đánh giá lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (năm 2013) đến nay. Khái niệm tham nhũng được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi (Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy, tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”. Tuy nhiên, so với tham nhũng thì tiêu cực còn có nghĩa rộng hơn, đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tiêu cực làm nảy sinh tham nhũng, là cái gốc của tham nhũng. Tổng Bí thư đặt ra câu hỏi, vì sao chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Vì tham nhũng làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan Nhà nước; tham nhũng đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước; là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lí của Nhà nước…
Tổng Bí thư cũng cho biết, Đảng ta đã nhận diện về tham nhũng: “Tham nhũng là một trong bốn nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta” và đến nay “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Thống nhất quan điểm, mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”…; khẳng định cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của Nhân dân.
Thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự quyết liệt, nhất quán trong cuộc chiến “không khoan nhượng”
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm trong sạch bộ máy Đảng, luôn được đồng chí Tổng Bí thư dành sự quan tâm đặc biệt dù trên cương vị công tác nào, ở thời kỳ nào. Theo Tổng Bí thư, nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao. Do đó, phòng, chống tham nhũng phải gắn với phòng, chống tiêu cực: “Phòng, chống tiêu cực mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”.
Với sự chỉ đạo quyết liệt và nhất quán: “Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lí kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực”; trên cơ sở những kết quả mà toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội đã đạt được trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, yêu cầu xác định những việc cần phải làm và cách làm để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Cuốn sách đã thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa phòng chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nếu như phần thứ nhất là đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì phần hai của cuốn sách là xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phần thứ ba là ý kiến đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân và bạn bè quốc tế. Cần khẳng định rằng, có được kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực như hiện nay, thì vai trò của Nhân dân là rất quan trọng. Sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân là sức mạnh to lớn trong cuộc chiến “không khoan nhượng”, không được phép “chùn chân”, “mỏi gối”, chỉ có tiến, không có lùi, không thể đảo ngược… được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư đã hệ thống và tổng kết lại thành quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam trong 10 năm qua. Trên cơ sở đó, chỉ ra tám bài học kinh nghiệm từ thực tiễn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế; Phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng; Chú trọng công tác cán bộ; Tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện, kịp thời xử lí nghiêm các sai phạm; Tăng cường kiểm soát, quản lí; Phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp của các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Gắn phòng, chống tham nhũng với xây dựng Đảng, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; Sự phù hợp của các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với tình hình của Việt Nam.
Đồng thời, Tổng Bí thư cũng chỉ ra năm nhiệm vụ, giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam thời gian tới: Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy vai trò gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế; Đẩy mạnh phát hiện, xử lí tham nhũng, tiêu cực; Hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; Xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vững mạnh, mở rộng hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước.
Những bài viết của Tổng Bí thư trong cuốn sách được rút ra từ thực tiễn, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục. Cuốn sách đã cho thấy sự nhất quán giữa nói và làm, kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ, sự thống nhất giữa ý chí và hành động quyết liệt chống tham nhũng của Tổng Bí thư.
Nghiên cứu, học tập nội dung cuốn sách - việc làm hết sức quan trọng trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam
Ngày 28/02/2023, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nội dung cuốn sách: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại hơn 500 điểm cầu và trên 2.800 đảng viên tham dự.
Tại điểm cầu trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có sự tham dự của các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Ngân hàng Trung ương (NHTW), Ủy ban Kiểm tra và lãnh đạo các ban chuyên trách của Đảng ủy, các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Lãnh đạo cấp vụ và tương đương của các đảng bộ, chi bộ thuộc Đảng ủy Cơ quan NHTW; Ban Thường vụ Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương, Đoàn Thanh niên NHTW, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo 35 NHNN, các đồng chí báo cáo viên, công tác viên nghiên cứu dư luận xã hội và cán bộ chuyên trách công tác Đảng trong Đảng bộ Cơ quan NHTW.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương đã khẳng định, cuốn sách của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có khối lượng tri thức lớn, tổng kết lí luận và thực tiễn tổ chức cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta. Cuốn sách có thể coi là "cẩm nang” về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Do vậy, việc quán triệt và tổ chức thực hiện các nội dung của cuốn sách mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam đang được Đảng ta chỉ đạo ráo riết, quyết liệt và đã đạt được những kết quả toàn diện, tích cực.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy khối Các cơ quan Trung ương đề nghị các Đảng bộ tổ chức học tập, quán triệt cuốn sách tới từng cấp ủy, tổ chức Đảng, các cán bộ, đảng viên và người lao động để nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nội dung cuốn sách, từ đó xây dựng kế hoạch hành động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với chức năng nhiệm vụ cụ thể của mình, rèn luyện phẩm chất đạo đức, xây dựng lối sống trong sạch, lành mạnh, chí công vô tư, đồng sức, đồng lòng trong cuộc chiến không tiếng súng nhưng vô cùng quyết liệt này.
Phúc Lâm