Tín dụng đen là một thực trạng trong xã hội gây nên những hệ lụy xấu được đưa ra bàn luận và giải quyết nhằm hướng tới một nền tài chính - tiền tệ phát triển lành mạnh trong thời gian gần đây. Tín dụng đen được hiểu là việc áp đặt các điều khoản cho vay không công bằng và lạm dụng đối với người đi vay, khoản vay này có các điều khoản và điều kiện gây tổn hại cho người vay (GAO, 2004; FDIC, 2006).
1. Quan niệm về tín dụng đen và những hệ lụy tiêu cực
Tín dụng đen là một thực trạng trong xã hội gây nên những hệ lụy xấu được đưa ra bàn luận và giải quyết nhằm hướng tới một nền tài chính - tiền tệ phát triển lành mạnh trong thời gian gần đây. Tín dụng đen được hiểu là việc áp đặt các điều khoản cho vay không công bằng và lạm dụng đối với người đi vay, khoản vay này có các điều khoản và điều kiện gây tổn hại cho người vay (GAO, 2004; FDIC, 2006). Mặc dù tất cả đều đồng ý rằng các khoản tín dụng này gây tốn kém chi phí cho người đi vay nhưng mức độ nghiêm trọng của hoạt động này rất khó để định lượng và bị buộc tội về mặt pháp lý (Agarwal và Evanoff, 2013; Engel và McCoy , 2007).
Tại Việt Nam, tín dụng đen chính là hình thức cho vay nặng lãi, hay là hoạt động cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Hình thức của hoạt động này là thông qua cho vay tiền với thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp nhưng lãi suất thực tế rất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay), tiền lãi tính theo ngày, thời gian cho vay ngắn, thường xuyên chốt gốc, lãi để phát sinh các hợp đồng vay mới. Ở các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng vật liệu nông nghiệp, còn có hình thức cho người dân mua chịu với lãi suất cao, gán nợ bằng nông sản. Thủ đoạn của các cơ sở cho vay tín dụng đen rất tinh vi, thường che dấu hoặc không ghi lãi suất vay thực sự nên rất khó buộc tội cho vay nặng lãi. Khách hàng tìm đến tín dụng đen đa phần không đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng như: đối tượng cá độ, cờ bạc, sử dụng ma túy, ăn chơi…; ngoài ra, có một bộ phận tìm đến tín dụng đen là người dân có thu nhập thấp, không ổn định, không có tài sản đảm bảo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, công nhân tại các khu công nghiệp, sinh viên các trường đại học...
Khi đã tham gia vay tín dụng đen, đa số người dân không trả được nợ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu. Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm có thể thực hiện các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần và chiếm đoạt, hủy hoại tài sản của người đi vay, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trong 4 năm qua, trên toàn quốc đã có 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen bao gồm 56 vụ giết người, 398 vụ gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản,… trong đó, có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng (vỡ nợ dây chuyền). Nhiều người dân vay “tín dụng đen” chỉ có cách bán nhà để trả nợ, hoặc bỏ trốn khỏi địa phương, thậm chí vượt biên để trốn thoát khỏi các đối tượng đòi nợ.
2. Đánh giá các giải pháp ngăn chặn tín dụng đen thời gian qua
2.1. Các giải pháp đã thực hiện
Trong thời gian qua, NHNN đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, như: chính sách lãi suất ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ cho vay, cho vay không có tài sản bảo đảm, gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp... Những giải pháp này đã góp phần giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính thức, hạn chế tìm đến “tín dụng đen”. Cụ thể:
- Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng trong đó ban hành Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 về hoạt động cho vay của các TCTD phù hợp với thực tiễn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống của người dân, doanh nghiệp. Ban hành các chỉ thị ngay từ đầu năm, yêu cầu các TCTD đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và người dân tiếp cận vốn; có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen; ban hành Quyết định 1178/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
- Đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn là nơi dễ phát sinh nạn cho vay nặng lãi, NHNN đã tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn chính thức từ ngân hàng, như: (i) Hoàn thiện hệ thống quy định pháp lý thông qua trình Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP với nhiều cơ chế ưu đãi đột phá, phù hợp với thực tiễn như nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với hộ dân sản xuất nông nghiệp lên tối đa 200 triệu đồng nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình có đủ vốn để sản xuất, kinh doanh, hạn chế việc người dân (đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số) tìm đến các nguồn vốn không chính thức khác; Tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 18/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP; Cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện tái canh cây cà phê tại khu vực Tây Nguyên,... (ii) Khuyến khích các TCTD tập trung mở rộng nguồn vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn thông qua hỗ trợ các TCTD có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn (từ 40% trở lên) được tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc; mở rộng mạng lưới tại các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn; (iii) Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh, đa dạng hóa hoạt động tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn phát sinh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, vay vốn thông qua các tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, xuống tận địa bàn để cho vay, thu nợ (gốc, lãi) ngay tại địa bàn của người vay, áp dụng cho vay qua sổ,...; (iv) Tăng cường công tác tuyên truyền các sản phẩm tín dụng của hệ thống ngân hàng tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa để người dân nắm bắt và tiếp cận dịch vụ.
- Đối với các chương trình tín dụng chính sách: (i) Chú trọng phát triển các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, các chương trình, dự án tài chính vi mô. Mở rộng hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), trong đó đặc biệt là các chương trình cho vay học sinh sinh viên, cho vay hộ nghèo, cận nghèo...; (ii) Phối hợp, chỉ đạo NHCSXH ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01/3/2019, mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo tăng từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay; nâng thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng; mức cho vay tối đa với hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng được nâng lên 100 triệu đồng/hộ không phải bảo đảm tiền vay).
- Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai và hướng dẫn đầy đủ cho người dân khi vay vốn ngân hàng; Khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới tại các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt phê duyệt thí điểm mô hình ngân hàng lưu động tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
- Chấn chỉnh, phát triển hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, NHCSXH... nhằm phát huy hiệu quả và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của các hộ nghèo, các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo bền vững…
2.2. Kết quả đạt được
Với các giải pháp tích cực trên, hệ thống TCTD với mạng lưới rộng khắp trên các địa bàn, vùng sâu, vùng xa đã đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân. Đặc biệt, công tác cải cách thủ tục hành chính đã được cải thiện đáng kể, Chỉ số cải cách hành chính của NHNN liên tục đứng vị trí số 1 trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ (năm 2018 đạt điểm cao nhất 90.57/100 điểm), qua đó góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng và các dịch vụ tiền tệ ngân hàng đối với doanh nghiệp và người dân, đáp ứng nhu vốn phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình cơ cấu lại các TCTD cũng tiếp tục được đẩy mạnh, tạo sự ổn định, an toàn cho hệ thống các TCTD, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của hệ thống các TCTD đã được nâng cao.
Trong 5 năm trở lại đây, hoạt động cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng của các TCTD có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, bình quân tăng trưởng dư nợ vào khoảng 38%/năm, trong đó tốc độ tăng trưởng năm 2018 là 29,38%. Đến cuối tháng 9/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 8,7% so với cuối năm 2018, trong đó tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên đều tăng trưởng khá cao: Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 22,1%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng khoảng 13,5%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 11,5%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 6%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng khoảng 1,9%. Các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay khuyến khích nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nhà ở xã hội,... cũng được các TCTD tiếp tục triển khai quyết liệt. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN. Trong đó, nhóm các ngân hàng thương mại có tổng dư nợ phục vụ đời sống chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 92,5% tổng dư nợ phục vụ đời sống; nhóm công ty tài chính có tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống chiếm 7,5% tổng dư nợ phục vụ đời sống.
2.3. Tồn tại và khó khăn
(i) Về phía khách hàng
- Những người dân ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa thường ngại tiếp xúc với ngân hàng và chưa quen sử dụng các sản phẩm cho vay linh hoạt theo hạn mức tín dụng, thấu chi tài khoản, thẻ tín dụng. Hơn nữa, các công nhân, người lao động nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú không ổn định, thu nhập bấp bênh, không chứng minh được khả năng trả nợ nên khó tiếp cận vốn ngân hàng, chủ yếu phải vay vốn của các công ty tài chính, lãi suất cao hơn.
- Trình độ dân trí tài chính của người dân còn thấp, hiện chỉ có khoảng 24% dân số ở độ tuổi trưởng thành có hiểu biết về tài chính, thấp nhất so với các nước trong khu vực. Do thiếu hiểu biết nên người dân sẵn sàng ký vào các hợp đồng vay tín dụng đen với lãi suất cao (lên đến 99%), thậm chí hợp đồng còn được công chứng, trong khi đánh giá nguồn tài chính trong tương lai quá cao và đánh giá mức độ rủi ro của khoản vay quá thấp.
- Người dân thường phát sinh nhiều nhu cầu vay tiêu dùng, đặc biệt là nhu cầu cấp bách nhưng thủ tục cho vay của các NHTM vẫn còn một số hạn chế, chưa đáp ứng được thời gian, do đó người dân thường tìm đến các đối tượng cho vay nặng lãi, các công ty cung cấp dịch vụ tài chính, hiệu cầm đồ... Trong khi, việc quản lý đối với hoạt động của các công ty này hiện chưa chặt chẽ, dễ dẫn tới các công ty này biến tướng hoạt động thành cho vay nặng lãi và người dân lầm tưởng đây là hoạt động tài chính do NHNN cấp phép.
(ii) Về phía TCTD
- Mặc dù các TCTD đã tích cực đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tuy nhiên, người dân vẫn cho rằng thủ tục vay vốn phức tạp, nên đã tìm đến các đối tượng cho vay nhanh chóng, thủ tục đơn giản.
- Một số NHTM bị ảnh hưởng bởi hoạt động của các đối tượng cho vay nặng lãi do khách hàng vay vốn mua trả góp phương tiện đi lại, sau đó, cầm đồ tại các hiệu cầm đồ để vay lại tiền nhưng hiện không có chế tài xử phạt hành vi này.
- Các CTTC đã tích cực đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với thủ tục đơn giản, nhanh chóng tuy nhiên lãi suất cho vay còn cao và công tác quản lý khách hàng còn hạn chế (thời gian thẩm định ngắn, thường vài giờ khi khách hàng cung cấp đủ hồ sơ; việc thẩm định thường qua gọi điện xác minh thông tin; khách hàng khó chứng minh khả năng trả nợ, số lượng khách hàng vay rất lớn,...), trong khi hầu hết là khoản vay không có TSBĐ, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn các NHTM. Ngoài ra, các giá trị khoản vay thường nhỏ nhưng khi phát sinh nợ quá hạn sẽ kéo theo chuyển nhóm nợ đối với các khoản vay tại NHTM khác, gây khó khăn cho các NHTM, thậm chí xảy ra tình trạng các NHTM phải đi đòi nợ hộ các CTTC.
- Các TCTC vi mô và một số quỹ vi mô gặp khó khăn về nguồn vốn để mở rộng cung ứng dịch vụ tín dụng đến đối tượng người nghèo, thu nhập thấp,… do vốn chủ yếu từ nguồn bổ sung tích lũy, vốn vay ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, nguồn tiết kiệm của hội viên.
- NHCSXH và một số tổ chức tài chính vi mô mặc dù triển khai hoạt động cho vay đến các hộ nghèo, hộ chính sách, đặc biệt là cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên,… nhưng nguồn vốn mở rộng, cung ứng sản phẩm tín dụng tiêu dùng cho khách hàng còn hạn chế (như mức cho vay giải quyết việc làm, học sinh sinh viên, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn còn thấp), trong khi nhu cầu của người dân là rất lớn.
- Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có các công ty cung cấp các dịch vụ tài chính khác do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép thành lập thường bị biến tướng thành các hoạt động cho vay nặng lãi nhưng chưa được quản lý chặt chẽ. Trong khi, NHNN không có thẩm quyền quản lý đối với các công ty tài chính này và lực lượng công an cũng chỉ có thể kiểm tra hành chính đối với những đối tượng nghi ngờ tham gia cung cấp tín dụng đen, không có quyền kiểm tra sâu hơn nên rất khó xử lý, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen.
3. Một số đề xuất, kiến nghị với các Bộ, ngành
3.1. Đối với NHNN
- NHNN cần sớm ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về tài chính, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, dịch vụ tài chính của người dân, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa; đẩy mạnh công tác truyền thông, hoạt động giáo dục tài chính cộng đồng để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của ngành Ngân hàng, của từng TCTD về các chương trình, chính sách tín dụng và cách thức tiếp cận vốn vay; tuyên truyền cho người dân hiểu về tín dụng tiêu dùng nhằm phát triển hoạt động này; tuyên truyền cho người dân hiểu về mức độ rủi ro khi đi vay với lãi suất cao.
- NHNN và các TCTD cần tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen.
- Đối với tín dụng tiêu dùng, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, NHNN cần: (i) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của TCTD, nhất là các CTTC, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, điều kiện thực tế và đặc thù hoạt động cho vay tiêu dùng; (ii) Cụ thể hóa quy định cho vay tiêu dùng cá nhân tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa của các NHTM; (iii) Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của CTTC thông qua quản lý về quy mô, minh bạch về khuôn khổ lãi suất, về sản phẩm và biện pháp thu hồi nợ phù hợp đạo đức và pháp luật; nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố.
- Nghiên cứu trình Chính phủ mở rộng chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo tại NHCSXH theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg, tăng mức cho vay ưu đãi đối với chương trình tín dụng học sinh, sinh viên theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg.
- Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính vi mô, triển khai Đề án củng cố và phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân nhằm hoàn thiện kênh tín dụng chính thức cho người dân.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có hành vi tiếp tay, thông đồng với các đối tượng cho vay nặng lãi.
3.2. Đối với các Bộ, ngành liên quan
- Bộ Công an cần tăng cường trấn áp tội phạm, xử lý nghiêm minh đối tượng tín dụng đen bất hợp pháp các tổ chức đòi nợ thuê tín dụng đen; phối hợp chính quyền địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phương thức, hậu quả của “tín dụng đen” để người dân hiểu, cảnh giác và không tham gia, đặc biệt là người dân ở nông thôn, đồng bào vùng sâu, vùng xa có ít thông tin, hiểu biết về tín dụng đen; phối hợp với chính quyền các cấp quản lý chặt chẽ hoạt động của các tổ chức cho vay tài chính, các cơ sở hiệu cầm đồ do Sở Kế hoạch và Đầu tư của địa phương cấp giấy phép; cần đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự, xử lý tội phạm hoạt động tín dụng đen với những chế tài cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc hơn.
- Trung ương Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Tổng liên đoàn lao động, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và chính quyền địa phương cần phối hợp với ngành Ngân hàng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chính sách của ngành Ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân. Tăng cường các nguồn vốn và các sản phẩm cho vay thông qua các quỹ tài chính của tổ chức mình để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vay vốn của công nhân, người lao động, phụ nữ nghèo.
- UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với NHNN đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, đặc biệt chính quyền cấp xã, phường, thôn, bản phối hợp với ngành Ngân hàng hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Hỗ trợ ngành Ngân hàng trong quá trình xác minh nhu cầu vốn tiêu dùng chính đáng, cấp bách của người dân, cũng như quá trình theo dõi, thu hồi nợ vay nhằm hạn chế người dân tìm đến các kênh phi chính thức. Quan tâm chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong sản xuất, không để người dân tự phát ngoài quy hoạch nhằm hạn chế rủi ro cho người dân khi mất mùa, thiên tai, địch họa,…
3.3. Đối với các TCTD
- Tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa…
- Triển khai các giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen theo chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 08/01/2019. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Khuyến khích phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác. Kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân như xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.
- Hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính và của NHCSXH (mở rộng đối tượng cho vay, nâng mức cho vay giải quyết việc làm, học sinh sinh viên, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, bổ sung chương trình cho vay tiêu dùng đối với hộ mới thoát nghèo). Nghiên cứu chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể triển khai thí điểm chương trình cho vay tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
- Phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách về tín dụng và chuyển tải vốn đến người nông dân, người lao động một cách hiệu quả nhất.
Tài liệu tham khảo:
Tiếng Anh
1. Agarwal, S., Evanoff, D. 2013. Do lenders steer borrowers to high risk mortgage products. Working paper. National University of Singapore.
2. Engel, K.C., McCoy, P.A., 2007. Turning a blind eye: Wall Street finance of predatory Lending. Fordam Law Review 75, 101-165.
3. Federal Deposit Insurance Corporation (FDIC), 2006. Challenges and FDIC efforts related to predatory lending. Report by the Office of Inspector General.
4. U.S. Government Accountability Office (GAO), 2004. Consumer protection: Federal and state agencies face challenges in combating predatory lending. Report 04-280.
Tiếng Việt
1. Nguyễn Mạnh Hùng & Nguyễn Thị Minh Hằng (2014), Tín dụng đen- Mối quan hệ với tín dụng chính thức và giải pháp hạn chế https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/links/cm100?dDocName=CNTHWEBAP0116211761658
2. Kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý III/2019 https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/links/cm100?dDocName=SBV401548
3. http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/5-giai-phap-day-lui-tin-dung-den-nong-thon-304642.html
TS. Đoàn Thị Thanh Hương
ThS. Vũ Mai Chi
TCNH số 23/2019