Thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số
Đánh giá về tác động của Covid-19 tới hoạt động của ngành ngân hàng, các chuyên gia cho biết: Việc kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn, đình trệ đã tác động tiêu cực và trực tiếp đến hoạt động cho vay của ngân hàng, dư nợ tín dụng chỉ đạt 3,26%, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các ngân hàng đã thực hiện việc tái cơ cấu nợ, giảm thuế phí các loại nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Từ các nguyên nhân chính trên, thu nhập của tất cả các ngân hàng bị giảm kéo theo lợi nhuận giảm. Trong cuộc họp vào ngày 13/4/2020 với Thủ tướng chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đã cho biết, lợi nhuận của các ngân hàng có vốn đầu tư nhà nước trong năm 2020 sẽ phải giảm đến 40% để hỗ trợ lãi suất cho nền kinh tế.
|
Các đại biểu tham dự diễn đàn Ngân hàng bán lẻ ngày 26/11 |
Dù vậy, các chuyên gia cũng nhìn nhận rằng, dịch Covid-19 đã đem lại những điều tích cực cho sự phát triển chung. Cụ thể là thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng. Tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2020 (Vietnam Retail Banking Forum) ngày 26/11 do IDG Vietnam phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Đình Thắng - Nguyên Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - cho biết dịch: Covid-19 đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số ngành ngân hàng sớm thêm từ 3 đến 5 năm, đặt các hệ thống ngân hàng trước yêu cầu bắt buộc phải chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Điều này phù hợp với xu hướng số hóa lĩnh vực tài chính, ngân hàng trên toàn thế giới và đây chính là cơ hội tạo bước nhẩy vọt cho ngành ngân hàng Việt Nam.
Song song với xu hướng số hóa mạnh mẽ đó, theo bà Nguyễn Tú Anh - Nguyên Chủ tịch Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam, Covid-19 đã tạo bước nhẩy vọt trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và các con số thống kê của Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng đã chỉ ra điều này.
Cụ thể, Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020 đã có 200 triệu giao dịch thanh toán qua internet với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng, tăng 36% giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng giao dịch qua điện thoại di động lên tới 472 triệu giao dịch (bằng 178% so với năm 2019) với giá trị khoảng 4,9 triệu tỷ đồng (bằng 177% so với năm 2019).
|
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam |
Nhiều ngân hàng nhanh chóng thích ứng
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, các ngân hàng đã tiếp tục tập trung phát triển mảng bán lẻ dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số, đi cùng với việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số; chú trọng đáp ứng nhu cầu và trải nghiệm cho khách hàng theo hướng tăng cường cá nhân hóa, đa dạng hóa lựa chọn của khách hàng. Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động và ngân hàng trực tuyến ngày càng phát triển với nhiều tiện ích mới mẻ, thuận tiện, nhanh chóng và ngày càng thân thiện, dễ sử dụng hơn cho khách hàng. Đằng sau đó là việc các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại như: Công nghệ phi tiếp xúc, ứng dụng sinh trắc học trong xác thực khách hàng, tích hợp các dịch vụ khác nhau trên cùng một ứng dụng, giao dịch từ xa, trợ lý ảo…
Có thể kể tới như Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) đang ưu tiên áp dụng “số hoá” trong 4 lĩnh vực: Chuyển đổi số để nâng cao trải nghiệm khách hàng; chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động nhờ áp dụng các công nghệ: AI, Big Data, Machine Learning…; Kết hợp với các đối tác cùng nhau xây dựng hệ sinh thái lấy khách hàng làm trọng tâm và tập trung phân tích - làm giàu dữ liệu để hiểu hơn về khách hàng.
Trong đó, với việc nâng cao trải nghiệm khách hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc của VietinBank cho biết: VietinBank đang thí điểm triển khai kiosk thông minh tại một số phòng giao dịch. Ngay khi khách hàng bước vào sảnh phòng giao dịch, camera sẽ quét khuôn mặt và nhận biết khách hàng thuộc nhóm nào, kiosk sẽ hỏi nhu cầu của khách hàng là gì? Sau đó hệ thống sẽ phân luồng khách hàng, đẩy thông tin khách hàng về quầy giao dịch giúp giao dịch viên nhanh chóng nhận biết nhu cầu của khách, từ đó phục vụ tốt hơn. Đặc biệt, việc này còn giúp tiết kiệm được từ 30-40% thời gian so với thời gian giao dịch thông thường trước đây.
Ngoài ra, các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VPbank, Sacombank, TPbank, Agribank, MB… cũng đang có những chuyển đổi tích cực trong việc thúc đẩy chuyển đổi số. Với những động thái này của ngân hàng, nhiều chuyên gia dự báo, năm 2021, khi dịch Covid-19 tại Việt Nam được khống chế và ổn định phần nào, ngành ngân hàng sẽ có sự bứt tốc đáng kể dựa trên nền tảng số, từ đó góp phần quan trọng trong việc số hóa nền kinh tế quốc gia.
Song song với diễn đàn còn có hoạt động triển lãm với nội dung giới thiệu các công nghệ mới phục vụ chuyển đổi số hoạt động ngân hàng cũng như các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, đặc thù của một số đơn vị ngân hàng. Các công nghệ tiêu biểu dự kiến được giới thiệu trong triển lãm và diễn đàn như: Chuỗi giải pháp công nghệ quản trị nhân sự SAP SuccessFactors, quản lý khách hàng SAP CRM do Công ty CP Thiết bị và Truyền thông NGS tư vấn và phân phối; Giải pháp hỗ trợ số hóa tài liệu của Digitexx, giải pháp điện toán đám mây có bổ sung nhiều tính năng mới phù hợp với sự phát triển của ngành ngân hàng... Đặc biệt, các ngân hàng lớn như Agribank, BIDV, MB, Vietcombank, Vietinbank cũng tham gia giới thiệu các dịch vụ, sản phẩm bán lẻ mới trên nền tảng số. Qua đó, diễn đàn nói chung và triển lãm nói riêng được kỳ vọng trở thành sân chơi để các đơn vị công nghệ thông tin cũng như các ngân hàng giới thiệu khả năng, phô diễn sức mạnh công nghệ, tiềm năng phát triển của đơn vị mình trong giai đoạn hậu Covid-19. |