Ngày 25/11/2021, Ban Nội chính Trung ương và Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 01-QCPH/BNCTW-BCSĐNHNNVN ngày 10/3/2015 giữa Ban Nội chính Trung ương với Ban Cán sự Đảng NHNN trong công tác phòng ngừa tham nhũng và tham mưu, chỉ đạo xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thuộc lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thống đốc NHNN đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc NHNN; lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương và NHNN.
Quang cảnh Hội nghị
Hội nghị đã thống nhất đánh giá, việc ban hành Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan là cần thiết, các nội dung phối hợp là thiết thực, phương pháp phối hợp được quy định trong Quy chế là phù hợp. Đồng thời, thông qua thực hiện Quy chế phối hợp đã góp phần nâng cao trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, cán bộ, công chức của mỗi bên khi thực hiện nhiệm vụ phối hợp cũng như mối quan hệ giữa hai cơ quan ngày càng gắn bó.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thống đốc NHNN cho biết, NHNN đã ban hành và triển khai nhiều biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giúp hoạt động ngân hàng ổn định, an toàn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển ngày càng đa dạng về loại hình, không ngừng mở rộng về quy mô, lớn mạnh về tài sản... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng, hoạt động ngân hàng là lĩnh vực hoạt động gắn liền với tiền nên dễ xảy ra rủi ro đạo đức. Vì vậy, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, xử lý.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng đánh giá, kể từ khi Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Ban Cán sự Đảng NHNN được ký kết, công tác phối hợp giữa hai cơ quan được thực hiện bài bản, thường xuyên, liên tục; chất lượng phối hợp cũng như nhận thức của các cán bộ, công chức, của các đơn vị thuộc hai cơ quan trong công tác phối hợp ngày càng được nâng cao.
Theo đó, kết quả nổi bật trong việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Ban Cán sự Đảng NHNN trong 5 năm qua là: (i) Phối hợp tham mưu Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ban hành và chỉ đạo ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói chung, lĩnh vực tín dụng và hoạt động ngân hàng nói riêng một cách kịp thời, phù hợp với thực tiễn; (ii) Công tác phòng, chống tham nhũng trong hệ thống ngân hàng được tăng cường, mang lại hiệu quả rõ rệt; (iii) Thông qua việc cảnh báo rủi ro, phối hợp triển khai tích cực các giải pháp phòng ngừa, khắc phục những sơ hở, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước ngày càng đi vào ổn định, an toàn và có bước phát triển mới.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thống đốc NHNN phát biểu tại Hội nghị
Hội nghị cũng xác định, thời gian tới, hai cơ quan cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, vướng mắc để tạo sự chuyển biến hơn nữa trong công tác phối hợp, trong đó tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:
Thứ nhất, phối hợp tham mưu Đảng và Nhà nước cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng thành các chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước để phòng ngừa hiệu quả tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ để rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo khắc phục những bất cập về thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan để phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng và hoạt động ngân hàng.
Thứ ba, tiếp tục phối hợp thực hiện tốt việc hướng dẫn quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; phối hợp làm tốt công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong hệ thống ngân hàng.
Thứ tư, phối hợp tham mưu, đề xuất về chủ trương, định hướng chỉ đạo xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng; phối hợp hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc ký kết, tổ chức, triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính và NHNN tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thứ năm, phối hợp tổ chức các buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về vấn đề phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ việc.
Thứ sáu, tiếp tục làm tốt việc trao đổi thông tin để góp phần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa hai cơ quan.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá, thời gian qua, Ban Nội chính Trung ương và Ban Cán sự Đảng NHNN đã phối hợp tham mưu Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nhiều vụ việc, vụ án đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa chung; hoạt động của các tổ chức tín dụng ngày càng đi vào ổn định, an toàn, có bước phát triển mới, góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng được ví như huyết mạch của nền kinh tế. Ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia có vai trò cực kỳ to lớn đối với ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trên tinh thần đó, đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị, trong thời gian tới, hai cơ quan cần tăng cường phối hợp hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, về hoạt động của các tổ chức tín dụng. Phải quán triệt và thực hiện phương châm phòng ngừa, giải quyết sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, có bệnh phải chữa ngay, không nuôi ung thành họa, không để sai phạm trong hoạt động của một tổ chức tín dụng làm đổ vỡ cả hệ thống. Cần đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN, Cục Phòng, chống rửa tiền, cơ quan giám sát nội bộ, cơ quan xử lý nợ xấu…; chú trọng kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác thẩm định cho vay; quản lý, xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu... để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh và xử lý nghiêm các sai phạm ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của ngành Ngân hàng.
Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là phối hợp trong phát hiện, kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực ngân hàng, tổ chức tín dụng (rửa tiền, thanh toán không dùng tiền mặt, cho vay, cho thuê, thanh toán...) qua tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, góp phần bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”.
Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án và công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Chỉ đạo nâng cao tính chủ động và hiệu quả phối hợp giữa cấp vụ, cấp chuyên viên; chỉ đạo, hướng dẫn tăng cường sự phối hợp giữa Ban Nội chính cấp tỉnh với NHNN chi nhánh, tỉnh, thành phố nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương.
Đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh, phải có niềm tin với nhau, cùng động cơ trong sáng là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả, đảm bảo an toàn hoạt động NHNN, hệ thống tổ chức tín dụng thì việc phối hợp mới thiết thực, hiệu quả.
Nhân dịp này, Ban Nội chính Trung ương đã trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Nội chính Đảng, Bằng khen của Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho Lãnh đạo và một số cán bộ NHNN. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Ngân hàng Việt Nam, Bằng khen của Thống đốc NHNN cho Lãnh đạo và một số cán bộ Ban Nội chính Trung ương.
Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Nội chính Đảng, Bằng khen của Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho lãnh đạo và một số cán bộ NHNN
Lãnh đạo NHNN trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Ngân hàng Việt Nam, Bằng khen của Thống đốc NHNN cho lãnh đạo và một số cán bộ Ban Nội chính Trung ương
Đức Thuận