Năm 2023, ngành Ngân hàng tiếp tục gặt hái nhiều “trái ngọt” trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và chuyển đổi số, góp phần hướng đến Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm. Năm 2023 còn là Năm Dữ liệu số quốc gia, ngân hàng cũng là một trong những ngành đi đầu trong phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số ngành Ngân hàng nói riêng, chuyển đổi số quốc gia nói chung. Dữ liệu không chỉ giúp ngân hàng xác thực, định danh khách hàng mà còn thông qua các ứng dụng công nghệ để phân tích, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng, từ đó đưa ra quyết định trong phát triển, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng đến an toàn, tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội.
1. Những kết quả đáng ghi nhận trong thúc đẩy TTKDTM và chuyển đổi số
Đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng
Dữ liệu là yếu tố quan trọng mang tính quyết định trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia nói chung, chuyển đổi số ngành Ngân hàng nói riêng. Triển khai Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 và Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 (Đề án 06), Thủ tướng Chính phủ đã lựa chọn năm 2023 là Năm Dữ liệu số quốc gia với mục tiêu tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới.
Tại Việt Nam, chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được quy định tại Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc quan trọng nhất “chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động liên quan tới xử lí dữ liệu cá nhân của mình” và “dữ liệu cá nhân chỉ được xử lí đúng với mục đích”. Pháp luật về ngân hàng cũng có các quy định về đảm bảo bí mật thông tin khách hàng tại Luật Các tổ chức tín dụng và Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ.
Đối với ngành Ngân hàng, phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số là một trong 09 nhóm nhiệm vụ giải pháp để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số ngành Ngân hàng tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Dữ liệu không chỉ giúp ngân hàng xác thực, định danh khách hàng mà còn thông qua các ứng dụng công nghệ để phân tích, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng, từ đó đưa ra quyết định trong phát triển, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thời gian qua, xác định vai trò quan trọng của dữ liệu trong chuyển đổi số ngân hàng, NHNN đã thường xuyên rà soát và hoàn thiện hành lang pháp lí để tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối, khai thác dữ liệu, ứng dụng công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật thanh toán trong hoạt động ngân hàng.
Ngày 18/02/2022, Thống đốc NHNN đã kí Quyết định số 170/QĐ-NHNN thành lập Tổ Công tác của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 và Quyết định số 171/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 với hai nhóm nhiệm vụ chính. Đó là kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGvDC) phục vụ dịch vụ công và các nghiệp vụ của NHNN; đồng thời, kết nối, khai thác CSDLQGvDC phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành Ngân hàng.
Theo đó, ngày 24/4/2023, NHNN và Bộ Công an đã kí kết Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN triển khai Đề án 06 gồm 11 nhóm nhiệm vụ lớn, 35 nhiệm vụ cụ thể. Về kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu quốc gia dân cư, các nhóm nhiệm vụ được thể hiện dưới góc độ chính như sau: Nhóm nhiệm vụ thứ nhất, làm sạch các dữ liệu trước đây mà ngành Ngân hàng đã mở tài khoản, cung ứng dịch vụ ngân hàng cho khách hàng bằng chứng minh nhân dân hay căn cước công dân chưa gắn chíp; nhóm nhiệm vụ thứ hai, xác thực khách hàng khi khách hàng đến đăng kí sử dụng dịch vụ mới; nhóm nhiệm vụ thứ ba, khi khách hàng thực hiện giao dịch, sử dụng dịch vụ ngân hàng thì đảm bảo được định danh khách hàng đó một cách chính xác.
Quá trình triển khai đã đạt một số kết quả tích cực, cụ thể, NHNN là một trong các bộ, ngành đã đảm bảo an toàn kết nối CSDLQGvDC trong triển khai hệ thống dịch vụ công.
Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và Cục Cảnh sát Quản lí hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an đã thống nhất chọn phương án kết nối offline để làm sạch hồ sơ khách hàng trong kho dữ liệu của CIC và phương án online qua API để làm sạch các hồ sơ khách hàng phát sinh hằng tháng. Hiện nay CIC đã phối hợp với C06 thực hiện 04 đợt rà soát, hoàn thành đối chiếu dữ liệu của 42 triệu hồ sơ khách hàng. Mới đây, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng xem xét, quyết định áp dụng theo thẩm quyền giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư trong đánh giá khách hàng vay do Bộ Công an cung cấp phục vụ hoạt động cho vay nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân, góp phần đơn giản hóa, rút ngắn quy trình thủ tục cho vay đi đôi với việc tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
TTKDTM tiếp tục tăng trưởng
Khuôn khổ pháp lí, cơ chế, chính sách cho hoạt động TTKDTM, hoạt động ngân hàng số tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Năm 2023, NHNN tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy TTKDTM và hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng. NHNN đã trình Chính phủ bộ hồ sơ Nghị định mới về TTKDTM (thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP), Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các văn bản hướng dẫn Nghị định mới về TTKDTM; nghiên cứu xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Chiến lược Phát triển các hệ thống thanh toán tại Việt Nam đến năm 2030. NHNN đang nghiên cứu sửa một số nội dung tại Quyết định số 630/QĐ-NHNN ngày 31/3/2017 ban hành Kế hoạch áp dụng các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Đây là một quyết định rất căn cơ, sẽ có quy định chi tiết về hạn mức giao dịch nào sẽ phải xác thực bằng yếu tố sinh trắc học để xác định chính chủ. Có nghĩa, người mở tài khoản và người thực hiện giao dịch đó phải là một.
Trong năm 2023, NHNN đã triển khai tích cực các đề án, chương trình, kế hoạch, chính sách nhằm thúc đẩy TTKDTM và hoạt động ngân hàng số, như: Kế hoạch triển khai Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06...; đồng thời thực hiện tốt công tác giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng và giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Trong 11 tháng đầu năm 2023 so với cùng kì năm 2022, hoạt động TTKDTM tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực: Giao dịch TTKDTM đạt gần 10,15 tỉ giao dịch với giá trị đạt hơn 197,23 triệu tỉ đồng (tăng 49,95% về số lượng và giảm 0,71% về giá trị); qua kênh Internet đạt hơn 1,94 tỉ giao dịch với giá trị đạt gần 52,23 triệu tỉ đồng (tăng 56,60% về số lượng và 5,80% về giá trị); qua kênh điện thoại di động đạt gần 7,13 tỉ giao dịch với giá trị đạt gần 49,44 triệu tỉ đồng (tăng 61,14% về số lượng và 11,65% về giá trị); qua phương thức QR Code đạt hơn 182,61 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 116,22 nghìn tỉ đồng (tăng 171,68% về số lượng và 74,16% về giá trị); qua POS là gần 670,48 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 1,13 triệu tỉ đồng (tăng 18,77% và 20,64%); giao dịch qua ATM đạt gần 892,46 nghìn món với giá trị đạt 2,57 triệu tỉ đồng (giảm 8,84% và 9,04%) cho thấy đây là dấu hiệu tích cực và người dân ngày càng chuộng TTKDTM.
Trong 10 tháng năm 2023, so với cùng kì năm 2022, giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 58,11% về số lượng và 13,26% về giá trị. Đến cuối tháng 10/2023, thị trường có 21.061 ATM và 499.833 máy POS, tăng tương ứng 1% và 26,22% so với cùng kì năm 2022.
Việc triển khai thí điểm dịch vụ
Mobile-Money đạt được những kết quả khả quan. Đến hết ngày 30/9/2023, tổng số tài khoản Mobile-Money được đăng kí và sử dụng là hơn 5,6 triệu tài khoản, trong đó số lượng khách hàng đăng kí và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là hơn 3,9 triệu khách hàng (chiếm khoảng 70% tổng số khách hàng đăng kí và sử dụng dịch vụ); gần 11,7 nghìn điểm kinh doanh được thiết lập, với hơn 195,8 nghìn đơn vị chấp nhận thanh toán. Ngày 18/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 192/NQ-CP gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money đến hết ngày 31/12/2024.
Thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng đạt kết quả tích cực
Thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính không ngừng phát riển và đạt được kết quả tích cực: Công tác thu ngân sách nhà nước, dịch vụ giáo dục, y tế, điện, nước, chi trả lương hưu, bảo hiểm y tế, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp thất nghiệp bằng phương thức TTKDTM được chú trọng, tăng cường. NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức TGTT tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ, nghiên cứu, có giải pháp kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) để thực hiện thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ đã được tích hợp trên Cổng DVCQG, áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán đối với các giao dịch thanh toán trên Cổng DVCQG. Đến hết năm 2023, khoảng 62% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (vượt chỉ tiêu được giao tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025), trong đó: Lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đạt 43%, chế độ BHXH một lần đạt 92%; trợ cấp thất nghiệp đạt 98%; 87,9% các bệnh viện trực thuộc Bộ và thuộc các trường Đại học Y, Dược đã triển khai TTKDTM; khoảng 63,8% địa phương - Sở Y tế có số cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai TTKDTM đạt tỉ lệ từ 50% trở lên, trong đó có 25,5% Sở Y tế đạt tỉ lệ 100% các cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai TTKDTM.
NHNN cũng kịp thời có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về hỗ trợ triển khai thanh toán trực tuyến lệ phí đăng kí xét tuyển đại học năm 2023; theo đó: 100% các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn đô thị đã thực hiện TTKDTM; 100% cơ sở giáo dục nước ngoài đã triển khai giao dịch trực tuyến trên Cổng DVCQG.
Mở rộng hệ sinh thái số, lấy khách hàng làm trung tâm
Với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, NHNN đã khuyến khích các tổ chức tín dụng triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác nhau để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số cung ứng sản phẩm, dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp trải nghiệm giao dịch liền mạch, cá nhân hóa.
Các tổ chức tín dụng, tổ chức TGTT đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng; đồng thời, đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong các lĩnh vực. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kì hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, quản lí nhân sự, kế toán - tài chính...), nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Đến nay, có khoảng 30 tổ chức phát hành thẻ triển khai phát hành thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC), số lượng thẻ ngân hàng phát hành bằng eKYC đang hoạt động đạt gần 13 triệu thẻ.
Trong ngành Ngân hàng, thông qua việc tích hợp các công nghệ số như điện toán đám mây (Cloud Computing), phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), giao diện lập trình ứng dụng (API)... dữ liệu ngân hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, đa dạng về nguồn phát sinh cũng như định dạng từ dữ liệu cấu trúc về thông tin khách hàng, lịch sử giao dịch, quy trình nghiệp vụ hoạt động của ngân hàng... trên môi trường số cho đến dữ liệu phi cấu trúc về hình ảnh, âm thanh, video... thu thập từ nhiều điểm tiếp xúc số (digital touchpoints) với khách hàng. Việc hợp tác kết nối giữa ngân hàng với các đơn vị liên quan, hình thành hệ sinh thái số và cung cấp trải nghiệm số liền mạch, xuyên suốt (end-to-end) cho khách hàng cũng giúp các ngân hàng có thêm nguồn dữ liệu về khách hàng từ các lăng kính khác bên ngoài.
Các ngân hàng đã chú trọng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cá nhân hóa cao, trùng khớp với nhu cầu của khách hàng trên từng giai đoạn của hành trình khách hàng (customer journey), qua đó tăng cường trải nghiệm về lòng trung thành của khách hàng thông qua phân tích hành vi, lịch sử giao dịch, nhu cầu... Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi văn hóa điều hành, quản trị dựa trên dữ liệu giúp các ngân hàng đánh giá, nhận biết trước được các rủi ro tiềm ẩn như các mẫu ẩn (hidden pattern), dấu hiệu bất thường về lừa đảo, gian lận, rửa tiền/tài trợ khủng bố, an ninh mạng hay rủi ro tín dụng, thanh khoản... để sớm triển khai các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động của các rủi ro này cũng như tăng tính tuân thủ (regulatory compliance).
Bên cạnh việc phát triển dữ liệu nội bộ, ngành Ngân hàng cũng đã tích cực triển khai mở rộng các kết nối tới nhiều ngành, lĩnh vực, tổ chức khác để hướng đến hệ sinh thái chia sẻ dữ liệu (data sharing ecosystem), cho phép các tổ chức trong và ngoài ngành Ngân hàng tiếp cận tới dữ liệu một cách dễ dàng hơn nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới cho khách hàng.
2. Một số khó khăn, thách thức
Trong lĩnh vực TTKDTM, trong đó có thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực; tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, thách thức như:
(i) Thói quen, tâm lí sử dụng tiền mặt của người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tâm lí e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới của một bộ phận người dân gây trở ngại cho phát triển TTKDTM; (ii) Xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tội phạm lợi dụng dịch vụ ngân hàng cho mục đích bất hợp pháp, rửa tiền, trốn thuế, gian lận, lừa đảo...; (iii) Việc phối hợp thu ngân sách nhà nước đối với các khoản thu từ đất và lệ phí trước bạ còn một số vấn đề phát sinh liên quan đến quá trình trao đổi dữ liệu nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước giữa các cơ quan gây ảnh hưởng đến người nộp thuế; (iv) Việc đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua ngân hàng mới tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị.
3. Định hướng, giải pháp trong thời gian tới
Để hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ trong phát triển TTKDTM nói chung và chuyển đổi số ngành Ngân hàng nói riêng, chuyển đổi số quốc gia nói chung, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án Phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, cụ thể:
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lí, cơ chế, chính sách về TTKDTM, thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó tập trung hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về TTKDTM và Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; hoàn thiện Chiến lược phát triển các hệ thống thanh toán tại Việt Nam đến năm 2030; nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng và Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các ngân hàng, tổ chức TGTT cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; trong đó tập trung triển khai, kết nối với CSDLQGvDC, cho phép các tổ chức tín dụng có thể tổ chức xác minh thông tin nhận biết khách hàng, làm sạch dữ liệu và hỗ trợ khách hàng trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng.
Phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về dịch vụ Mobile-Money.
Tiếp tục đẩy mạnh TTKDTM đối với dịch vụ công; tăng cường sự phối hợp các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong phát triển, kết nối cơ sở hạ tầng đảm bảo sự liên thông, đồng bộ; chỉ đạo các NHTM nghiên cứu chính sách phí đảm bảo phù hợp, khuyến khích các ngành, lĩnh vực, người dân, doanh nghiệp tham gia.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong công tác phòng, chống tội phạm, phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo, bất hợp pháp; thực hiện công tác kiểm tra về hoạt động thanh toán và thường xuyên có cảnh báo, chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT nghiêm túc chấp hành các quy định của NHNN và pháp luật liên quan, đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán, an toàn tài sản cho khách hàng.
Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Về phía các NHTM, tổ chức TGTT, với quan điểm xuyên suốt lấy khách hàng làm trung tâm, đảm bảo an ninh an toàn và phát huy sức mạnh, vai trò của dữ liệu trong phát triển hệ sinh thái số ngân hàng, trong thời gian tới, các NHTM, tổ chức TGTT cần phối hợp thực hiện một số công việc sau:
Thứ nhất, tích cực đẩy nhanh tiến trình kết nối, khai thác ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia để làm sạch các dữ liệu khách hàng, xác thực chính xác khách hàng và đảm bảo định danh khách hàng thực hiện giao dịch một cách chính xác.
Thứ hai, các ngân hàng chú trọng nâng cấp hạ tầng công nghệ, kĩ thuật cũng như quy trình nội bộ tinh gọn, linh hoạt nhằm đáp ứng việc phát triển sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo trên cơ sở kết nối, phát triển hệ sinh thái số; đồng thời xây dựng và công bố các cổng API mở nhằm tạo điều kiện cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu một cách an toàn, hiệu quả, phù hợp với phạm vi, mục đích.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tài chính tới khách hàng trong việc bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân của mình; cảnh giác với các hành vi, thủ đoạn gian lận tội phạm và lựa chọn, sử dụng dịch vụ an ninh, an toàn trên môi trường số; nhằm nâng cao kiến thức, kĩ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Về phía các bộ, ngành (Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông...) cần tiếp tục tăng cường phối hợp với NHNN trong công tác phát hiện và xử lí tội phạm công nghệ cao và lừa đảo, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng tài chính, đảm bảo an toàn thông tin và dữ liệu người dùng trên môi trường mạng.
Bộ Công an tiếp tục phối hợp với NHNN trong triển khai Đề án 06, ưu tiên kết nối, khai thác CSDLQGvDC theo Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN để làm sạch dữ liệu, xác thực khách hàng và ứng dụng, triển khai các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
2. Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
3. Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
4. Quyết định số 171/QĐ-NHNN ngày 18/02/2022 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06.
Hà Trang (NHNN)