Ngày 10/4/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã tổ chức Hội nghị triển khai hệ thống báo cáo cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh các tỉnh, thành phố. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng tham dự và chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có, đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; Vụ Ổn định tài chính tiền tệ; Vụ Chính sách tiền tệ; Vụ Dự báo thống kê; đại diện NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế trở ra,…
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Cao Văn Bình - Tổng Giám đốc CIC cho biết, để khai thác hiệu quả thông tin dữ liệu quốc gia phục vụ tốt cho công tác quản lí, tham mưu, điều hành của NHNN, những năm qua, CIC đã chủ động phối hợp với các đơn vị, vụ, cục thuộc NHNN xây dựng và cung cấp cho các vụ, cục, đơn vị nhiều loại báo cáo. Riêng năm 2022, CIC đã cung cấp cho các đơn vị, vụ, cục thuộc NHNN hơn 90 loại báo cáo với hơn 1,6 triệu hồ sơ khách hàng, mức tăng trưởng gấp 2,2 lần so với năm 2021. Bên cạnh đó, chất lượng báo cáo của CIC cung cấp cũng được đánh giá có nhiều cải thiện và hiệu quả khai thác ngày càng cao. Song song với việc nâng cao chất lượng báo cáo, năm 2022, CIC đã chủ động khảo sát và đánh giá việc khai thác sử dụng hệ thống báo cáo của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố. Theo kết quả khảo sát, việc khai thác, sử dụng báo cáo của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố còn thấp cả về số lượng đơn vị khai thác, tần suất khai thác cũng như hiệu quả khai thác các sản phẩm còn chưa cao, chưa đáp ứng hết được yêu cầu quản lí.
Đồng chí Cao Văn Bình - Tổng Giám đốc CIC phát biểu tại Hội nghị
Từ thực trạng đó, CIC đã nghiên cứu xây dựng hệ thống báo cáo mới cung cấp cho NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố với mục tiêu hướng đến báo cáo linh hoạt, dễ sử dụng, hàm chứa nhiều nội dung thông tin phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ quản lí của Ban Lãnh đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố cũng như công tác thanh tra tại các đơn vị.
So với hệ thống báo cáo cũ, hệ thống báo cáo mới có nhiều ưu điểm hơn. Đó là: (i) Trực quan hóa dữ liệu, thuận tiện cho người sử dụng; (ii) Nội dung báo cáo thể hiện theo nhiều chiều, linh hoạt; (iii) Phần lớn báo cáo hiển thị cả số tuyệt đối và số tương đối; (iv) Hiển thị diễn biến của dữ liệu trong 12 tháng. Nguồn dữ liệu để tạo lập báo cáo được CIC lấy từ: Dữ liệu dư nợ tín dụng, dư nợ thẻ, dư nợ trái phiếu, dữ liệu tài sản bảo đảm và số lượng khách hàng. Chính vì vậy, báo cáo cung cấp cho NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có độ chuẩn xác cao.
Để các báo cáo CIC giới thiệu tại Hội nghị này thực sự phát huy hiệu quả và chất lượng ngày càng nâng lên, cần có sự khai thác của các chi nhánh, ứng dụng vào công tác chuyên môn và có sự phản hồi lại CIC để đơn vị tiếp tục hoàn thiện và phát triển. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố với CIC trong việc kiểm tra, làm rõ những sai lệch với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, phản hồi lại để CIC cải thiện chất lượng báo cáo - đồng chí Cao Văn Bình đề nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đánh giá cao CIC đã triển khai nhiều sản phẩm mới. Phó Thống đốc nhấn mạnh, thời gian qua, Ban Lãnh đạo NHNN luôn đặc biệt quan tâm và mong muốn CIC nói riêng, các đơn vị, vụ, cục, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố nói chung đẩy mạnh công tác thống kê và giám sát.
“Dữ liệu của CIC phải đúng, chuẩn và phải kiểm tra được. Các đơn vị khi khai thác dữ liệu cũng cần có sự so sánh, phản hồi lại cho CIC. Bên cạnh đó, CIC cần tiếp thu các ý kiến của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố để hoàn thiện hệ thống báo cáo mới, đáp ứng tốt nhất cho các vụ, cục, đơn vị và chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố”, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện CIC đã giới thiệu hệ thống báo cáo cung cấp cho NHNN. Theo đó, hệ thống báo cáo mới gồm 12 loại báo cáo, gồm: Báo cáo tổng hợp thông tin tín dụng; báo cáo thông tin tín dụng theo kì hạn vay; báo cáo thông tin tín dụng theo mục đích vay; báo cáo thông tin về lãi suất; Báo cáo tình hình thẻ trên địa bàn; báo cáo tình hình khách hàng vay vốn trong và ngoài tỉnh; báo cáo thông tin khách hàng phải điều chỉnh sau R18; báo cáo nợ xấu phát sinh tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; báo cáo nợ xấu phát sinh đối với một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; báo cáo Top 10, 50, 100 khách hàng trên địa bàn có dư nợ lớn nhất; báo cáo Top 10, 50, 100 khách hàng trên địa bàn có nợ xấu lớn nhất; danh sách khách hàng có dư nợ tại các quỹ tín dụng nhân dân có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng khác.
ĐT