Những tháng đầu năm 2022, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã phối hợp với Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phát sóng chương trình “Tiền khéo, tiền khôn” nhằm giới thiệu Cổng thông tin kết nối khách hàng vay và hướng dẫn khai thác báo cáo tín dụng trên Cổng thông tin, đồng thời làm rõ các thông tin liên quan đến việc “che nợ xấu”, “xóa nợ xấu” tại CIC.
Bên cạnh đó, CIC phối hợp với Truyền hình An ninh thực hiện Chương trình “An ninh và cuộc sống” với chủ đề Bài học về “bẫy nợ xấu” phát sóng ngày 27/5/2022 trên truyền hình ANTV và trang web antv.gov.vn. CIC cũng phối hợp với Thời báo Ngân hàng, Báo Lao động, Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh đăng tải thông tin về việc công ty giả mạo CIC để lừa đảo thu phí bảo hiểm cho khoản vay của khách hàng.
Các tổ chức tín dụng luôn được CIC hỗ trợ hiệu quả
Đặc biệt, từ đầu năm 2022, CIC đã kiện toàn hệ thống tổng đài từ hệ thống phân tán tại các phòng nghiệp vụ tập trung về Phòng Hỗ trợ khách hàng, cơ cấu lại lời thoại tổng đài theo hướng tự động hóa, điều động bổ sung cán bộ trực tổng đài... góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hỗ trợ khách hàng và chất lượng dịch vụ thông tin tín dụng của CIC. Hiện nay, CIC đã cơ bản khắc phục được tình trạng tắc nghẽn tổng đài, nâng khả năng tiếp nhận cuộc gọi đến 90%, bảo đảm sự kết nối kịp thời giữa CIC với khách hàng vay, người sử dụng dịch vụ.
Những tháng đầu năm 2022, CIC tiếp nhận và xử lý 262 đơn thư và khiếu nại bằng văn bản (tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2021), giải đáp gần 5.000 trường hợp thắc mắc qua email và trên 26.049 yêu cầu qua hệ thống tổng đài Hỗ trợ khách hàng, về những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thông tin tín dụng, cung cấp thông tin của CIC để kịp thời giải tỏa bức xúc; tư vấn giải đáp và hướng dẫn cách thức khai thác, tra cứu thông tin, sử dụng sản phẩm dịch vụ; phối hợp với các phòng nghiệp vụ nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ; phối hợp với các tổ chức tín dụng có liên quan xử lý hàng nghìn thông tin tín dụng sai sót tại tổ chức tín dụng, góp phần làm sạch kho dữ liệu CIC, hạn chế khiếu nại trực tiếp bằng văn bản. Đồng thời, CIC cũng đẩy mạnh công tác giải quyết khiếu nại trực tuyến qua cổng thông tin điện tử, hầu hết khiếu nại thuộc thẩm quyền của CIC đều được giải quyết ngay trong ngày làm việc.
Bên cạnh đó, nhờ sự cố gắng, nỗ lực, chủ động nghiên cứu của cán bộ, chuyên viên công nghệ thông tin, CIC đã phối hợp cùng với Ban Dự án công nghệ thông tin triển khai các dự án mua sắm, nâng cấp trang thiết bị công nghệ thông tin; tham gia xây dựng báo nghiên cứu khả khi cho các dự án lớn mang tính chiến lược của CIC như: Dự án xây dựng trung tâm dự phòng, Dự án di chuyển trung tâm dữ liệu chính đến các địa điểm cho thuê hạ tầng của các nhà cung cấp dịch vụ. Việc này nhằm hướng đến xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin có tính chuyên nghiệp cao hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công nghệ thông tin.
Cán bộ của CIC cũng đã chủ động nghiên cứu các công nghệ mới, vấn đề mới như ứng dụng học máy vào xử lý dữ liệu tài sản bảo đảm nhằm nâng cao hiệu quả của việc xử lý tài sản bảo đảm. Nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dự phòng tại chỗ đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin có hai cơ sở dữ liệu chạy song song đồng bộ, đảm bảo tính sẵn sàng của hệ thống khi có thiết bị gặp sự cố. Đồng thời, chủ động hoàn thành việc xây dựng phần mềm kết nối với hệ thống quản lý căn cước công dân của Bộ Công an để thực hiện việc làm sạch dữ liệu của CIC.
CIC phối hợp với Vụ Truyền thông NHNN và VTV phát sóng Chương trình "Tiền khéo, tiền khôn"
Ngoài ra, từ ngày 04/4/2022, CIC cung cấp thêm sản phẩm “Doanh nghiệp tự đăng ký xếp hạng tín dụng” trên Cổng thông tin khách hàng vay của CIC nhằm tạo điều kiện cho khách hàng doanh nghiệp thuận tiện hơn trong quá trình tra cứu báo cáo xếp hạng tín dụng của chính mình. CIC đã cung cấp 51 báo cáo xếp hạng cho khách hàng vay pháp nhân qua Cổng thông tin này. Những tháng đầu năm 2022, có 77,3 nghìn tài khoản được phê duyệt trên 147,4 nghìn tài khoản đăng ký; có 31,6 nghìn hồ sơ được cung cấp báo cáo theo thời gian thực trên 35 nghìn hồ sơ, đạt 90,12%, vượt kế hoạch đề ra năm 2022; số lượng hồ sơ khách hàng 662,8 nghìn hồ sơ, đạt 44,2% kế hoạch năm...
CIC cũng đã thực hiện thanh lý, ký mới 150 hợp đồng với các tổ chức tín dụng, nâng tổng số người sử dụng trên toàn quốc lên 57.362 tài khoản khai thác; tiếp tục tư vấn, hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện kết nối H2H với CIC, ký hợp đồng khai thác các loại báo cáo thông tin tín dụng; tư vấn giải đáp các thắc mắc trong quá trình ký kết hợp đồng, hỗ trợ tổ chức tín dụng khai thác thông tin tín dụng...
Kết quả, tính đến nay các đơn vị tăng trưởng tốt so với kế hoạch năm đề ra, cụ thể: CIC đã cung cấp trên 33,8 triệu báo cáo các loại, tăng trưởng 55,3% so với năm 2021. Trong đó, báo cáo tín dụng truyền thống đạt 18,6 triệu báo cáo, tăng 44,4% (năm 2021 đạt 12,8 triệu báo cáo); báo cáo tra cứu nhanh tình trạng nợ đạt 15,2 triệu, tăng 74%; báo cáo xếp hạng tín dụng doanh nghiệp tăng đột biến do CIC triển khai thêm sản phẩm cung cấp xếp hạng tín dụng theo lô, đạt trên 24 nghìn báo cáo, tăng 220%; việc cung cấp thông tin của Chi nhánh CIC TP. Hồ Chí Minh tăng gần 2,95%... so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tự động hóa ngày càng tăng cao, lên tới 94,2% so với 84% cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ báo cáo có thông tin đạt 71,3%.
Về hỗ trợ tổ chức tín dụng phân loại nợ thực hiện theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của Thống đốc NHNN đến thời điểm này có 80 tổ chức tín dụng phải điều chỉnh nhóm nợ với số hồ sơ phải điều chỉnh là trên 4 triệu hồ sơ. Kết quả cung cấp thông tin của CIC đã góp phần vào công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý nợ xấu của NHNN.
Sau thời gian gián đoạn vì đại dịch Covid-19, trong đầu năm 2022, hoạt động đối ngoại đã được tổ chức lại, CIC đã xây dựng kế hoạch trình Thống đốc NHNN. Theo đó, từ đầu năm đến nay, CIC đã 2 lần tham gia các hội thảo, hội nghị nước ngoài tại Singapore và Hội nghị ACCIS 2022 tại Brussels (Bỉ).
Đặc biệt, CIC đã có buổi tiếp và làm việc với ông Hyunjoon Shin, Chủ tịch Trung tâm Dịch vụ thông tin Hàn Quốc (KCIS), trao đổi những hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ Mạng lưới ACRN. CIC cũng tiếp tục duy trì trao đổi hợp tác với một số hãng thông tin quốc tế như Tập đoàn NICE, Experian; Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC); tham gia các hội thảo, hội nghị do các tổ chức quốc tế như BIIA, IFC, BIS, IMF tổ chức về các chủ đề tài trợ vốn dựa trên các khoản phải thu, xếp hạng tín nhiệm và chuyển đổi số...
Trong những tháng cuối năm 2022, CIC sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN, Chỉ thị số 02/CT-NHNN của Thống đốc NHNN và Đề án Phát triển CIC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 129/QĐ-TTTD ngày 06/5/2022 của Tổng Giám đốc CIC; bám sát kế hoạch công tác năm 2022; duy trì số lượng và chất lượng thông tin thu thập; tập trung làm sạch cơ sở dữ liệu từ các nguồn thông tin thu thập từ tổ chức tín dụng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...
Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư liên quan đến nghiệp vụ thông tin tín dụng với Bộ Công an theo Quyết định số 171/QĐ-NHNN ngày 18/02/2022 của Thống đốc NHNN. Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các sản phẩm hiện có, sản phẩm tổng hợp phục vụ các đơn vị, nghiên cứu xây dựng thêm sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu của NHNN và các tổ chức tín dụng; tiếp tục triển khai hệ thống kết nối H2H tới tất cả tổ chức tín dụng có nhu cầu trên toàn quốc; đẩy mạnh hoạt động của Cổng thông tin kết nối với khách hàng vay tới các tổ chức tín dụng và khách hàng vay. Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế với các tổ chức, cơ quan thông tin tín dụng quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và có thêm nguồn thông tin phục vụ cho hoạt động thông tin tín dụng tại Việt Nam...
Thanh Thủy