Ngày 15/12/2022, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động thông tin tín dụng (TTTD) năm 2022. Dự Hội nghị có Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Tiến Dũng; Tổng Giám đốc CIC Cao Văn Bình; Lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, đại diện các tổ chức tín dụng (TCTD) và một số cơ quan báo chí.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Trong năm 2022, CIC đã luôn đảm bảo được sự an toàn, ổn định, đóng góp vào kết quả chung của ngành Ngân hàng, đặc biệt là các hoạt động góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng. CIC cũng thực hiện đôn đốc các TCTD gửi báo cáo về CIC theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN) quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Kết quả trong năm 2022, CIC đã kiểm soát và cập nhật thông tin cho trên 1.211.000 khách hàng báo cáo theo Thông tư số 01, với tổng dư nợ quy đổi là trên 798.900 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, CIC tiếp tục mở rộng thu thập thông tin từ các bộ, ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thuế...) để nâng cao độ phủ và chiều sâu của kho dữ liệu. Trong năm, CIC đã cập nhật thông tin các doanh nghiệp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bao gồm cập nhật 100% các thông tin thay đổi, cập nhật mới về doanh nghiệp (300.000 báo cáo tài chính doanh nghiệp; hàng triệu thông tin khách hàng có mua hàng trả chậm từ các doanh nghiệp bán lẻ...). Đặc biệt, CIC đã mở rộng thu thập TTTD của khách hàng từ tổ chức tự nguyện. Điều này tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp, nhất là những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa như vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi...
Ngoài ra, trong năm 2022, CIC và C06 Bộ Công an đã thống nhất chọn phương án kết nối offline để làm sạch 51 triệu hồ sơ khách hàng trong kho dữ liệu CIC và phương án online qua API để làm sạch các hồ sơ phát sinh hằng tháng.
Ngày 24/11/2022, CIC ký Biên bản ghi nhớ với C06 và đến nay CIC đã thực hiện khai thác hơn 2 triệu thông tin khách hàng từ cơ sở dữ liệu (CSDL) của Bộ Công an. Trên cơ sở đó, CIC sẽ có phương án làm sạch dữ liệu TTTD tại CIC. Sự hợp tác này đã giúp độ phủ TTTD được cải thiện rõ rệt trong năm 2022, tăng hơn 5,2 triệu khách hàng vay (tăng trên 79% so với năm 2021), nâng tổng số chủ thể dữ liệu trong CSDL lên trên 53,1 triệu.
Trên CSDL TTTD thu thập được, CIC đã chủ động tổng hợp, báo cáo định kỳ về tình hình đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và tình hình dư nợ, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng; báo cáo tình hình tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: Kinh doanh bất động sản, chứng khoán và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của TCTD; cung cấp số liệu tổng hợp về Top 100 khách hàng có dư nợ lớn nhất tại các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần...
Kết quả năm 2022, CIC cung cấp các sản phẩm cảnh báo và báo cáo NHNN cho trên 9.800 lượt truy cập của các vụ, cục, các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố qua website báo cáo của NHNN; cung cấp thông tin chi tiết khách hàng về tình hình tín dụng của trên 1.596.000 khách hàng; CIC cũng cung cấp thông tin bằng văn bản về 1.455 khách hàng theo yêu cầu của cơ quan công an và cơ quan quản lý nhà nước khác... tăng 190% so với năm 2021.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thống đốc NHNN, nhằm tiếp tục hỗ trợ TCTD, người dân và doanh nghiệp khắc phục các khó khăn của đại dịch Covid-19, CIC đã gia hạn chính sách giảm trừ 50% tiền khai thác dịch vụ TTTD cho TCTD đến hết tháng 6 năm 2022. Kết quả trong năm 2022, CIC đã giảm trừ trên 162,3 tỷ đồng tiền khai thác phí dịch vụ TTTD cho TCTD.
Như vậy, kể từ khi bắt đầu áp dụng chính sách giảm trừ hỗ trợ khắc phục khó khăn cho đại dịch đến khi dừng chính sách hỗ trợ (từ năm 2020 đến ngày 30/6/2022), CIC đã giảm phí khai thác dịch vụ TTTD cho các TCTD khoảng 655,7 tỷ đồng. Ngoài ra, CIC tiếp tục thực hiện cung cấp các tài khoản để truy cập, tra cứu sản phẩm miễn phí cho Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp tín dụng đối với cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Đặc biệt trong năm 2022, CIC tiếp tục phối hợp và triển khai tốt các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật tới các TCTD có nhu cầu thực hiện kết nối H2H. Trong năm, đã có 24 TCTD thực hiện gửi dữ liệu thành công qua cổng H2H. CIC cũng hỗ trợ thêm 8 TCTD triển khai kết nối H2H, nâng tổng số TCTD đã kết nối H2H lên 34 TCTD, số lượng báo cáo cung cấp qua phương thức này đạt hơn 1,7 triệu báo cáo, tăng trên 224% so với cùng kỳ năm trước. Đó là nỗ lực rất lớn của CIC và các TCTD trong việc đẩy mạnh cung cấp thông tin qua kênh kết nối này.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự cũng đã lắng nghe kiến nghị của các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN; đại diện các TCTD về những khó khăn, vướng mắc trong khai thác, sử dụng TTTD, trong kết nối và thanh toán...
Tổng Giám đốc CIC Cao Văn Bình phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh: Hoạt động TTTD là một trong những trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia, một hệ thống tài chính tín dụng không thể hoạt động an toàn, hiệu quả khi không có một hệ thống TTTD phát triển, có chiều sâu.
Phó Thống đốc đánh giá cao hoạt động của CIC khi quy mô của CSDL TTTD quốc gia ngày càng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Chất lượng, thời gian báo cáo TTTD của các TCTD được cải thiện, góp phần nâng cao độ phủ TTTD so với năm 2021.
Bên cạnh đó, hoạt động cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách của NHNN được tăng cường. Nguồn thông tin của CIC ngày càng quan trọng đối với các đơn vị NHNN. Số lượng báo cáo tín dụng của CIC cung cấp đạt trên 77 triệu (tăng hơn 53% so với năm trước), tỷ lệ tự động và có thông tin được duy trì ở mức cao. CIC cũng đã rất chủ động, tích cực tham gia hỗ trợ triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19...
Phó Thống đốc cho rằng, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã và đang đặt ra nhiều thách thức, CIC cần khẩn trương phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xây dựng và trình Thống đốc ban hành thông tư mới về hoạt động TTTD của NHNN để phục vụ tốt hơn yêu cầu thông tin của các đơn vị NHNN và TCTD.
Cùng với đó, CIC cần đẩy mạnh phát triển CSDL TTTD quốc gia, nâng cao độ phủ và duy trì chiều sâu thông tin; hoàn thành kết nối và khai thác CSDL quốc gia về dân cư để xác thực, làm sạch kho dữ liệu, phát triển hoạt động nghiệp vụ; mở rộng kết nối với các nguồn dữ liệu phi truyền thống khác ngoài Ngành. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên việc duy trì hệ thống hoạt động liên tục; đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu kết nối, khai thác thông tin của NHNN và các TCTD; thực hiện tốt chính sách an toàn thông tin.
Cũng tại Hội nghị, CIC đã khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt hoạt động TTTD trong năm 2022.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng (ngoài cùng bên phải) trao tặng Kỷ niệm chương cho 3 đơn vị có hoạt động TTTD xuất sắc nhất năm 2022.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng (thứ 10 từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị
Tuấn Hưng