Ngày 9/1/2020, CIC tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cùng đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị trực thuộc NHNN Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh: CIC đã khẳng định được là một trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia, đóng góp tích cực vào sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Theo Phó Thống đốc, CIC đã làm tốt chức năng, vai trò của một đơn vị sự nghiệp thuộc NHNN. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Ban Lãnh đạo NHNN, hỗ trợ công tác tham mưu và hoạch định chính sách.
CIC cũng đã nỗ lực trong việc mở rộng kho dữ liệu và nâng cao chất lượng và độ bao phủ thông tin tín dụng. Thông qua việc mở rộng các nguồn dữ liệu thay thế từ các công ty bán lẻ, CIC đã mở rộng cơ sở dữ liệu về thông tin tín dụng, bao gồm cả thông tin truyền thống và thông tin phi truyền thống, nâng cao tính minh bạch, độ chính xác của thông tin, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra tại Kế hoạch hành động của NHNN triển khai Nghị quyết 01 và 02/NQ-CP của Chính phủ trong những năm gần đây. Kết quả này đã được ghi nhận trong việc nâng hạng chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam trong báo cáo môi trường kinh doanh năm 2020.
Cùng với đó, chất lượng sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng cũng như chất lượng phục vụ của CIC ngày càng được cải thiện theo xu thế phát triển của thị trường và tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Chính sách giảm giá của CIC cũng đã một phần nào đó hỗ trợ các ngân hàng giảm chi phí hoạt động, góp phần giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện để các doanh nghiệp và cá nhân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng công bằng, minh bạch từ các tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, trong năm 2019, CIC đã triển khai, mở rộng kênh cung cấp thông tin tín dụng mới (kết nối theo chuẩn API) với 8 TCTD, nâng tổng số TCTD được kết nối trực tiếp lên 10 TCTD. Theo đó, giao diện kết nối này cho phép trao đổi thông tin giữa TCTD và CIC được nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu sự can thiệp của con người, góp phần tăng tính bảo mật, an toàn và nâng cao hiệu quả trao đổi thông tin tín dụng.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội nghị
Phó Thống đốc cũng cho rằng, để CIC thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình theo đúng định hướng của Ban Lãnh đạo NHNN, CIC cần triển khai quyết liệt và đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020 như: Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị của Thống đốc NHNN, thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực nhiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 và định hướng đến năm 2021.
CIC là một đơn vị sự nghiệp thuộc cơ cấu tổ chức của NHNN, là kênh thông tin không thể thiếu phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, thanh tra, giám sát và hoạch địch chính sách của NHNN. Vì vậy, CIC cần tiếp tục phối hợp với các Vụ, Cục liên quan của NHNN sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, đảm bảo khuyến khích và nâng cao hiệu quả công việc phù hợp với các quy định của pháp luật.
CIC cũng cần tiếp tục mở rộng kho dữ liệu, vừa duy trì các nguồn thông tin trong ngành, vừa đẩy mạnh thu thập các thông tin phi truyền thống từ các bộ, ngành có liên quan, các tổ chức tự nguyện.
Cụ thể, CIC cần tiếp tục mở rộng độ bao phủ của thông tin tín dụng, nâng mức bao phủ lên trên 60% dân số trưởng thành và tiếp tục duy trì điểm số về chiều sâu thông tin tín dụng theo đánh giá trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của Nhóm Ngân hàng Thế giới. CIC cũng cần tiếp tục khai thác triệt để công năng sử dụng và hiệu quả hoạt động của hệ thống công nghệ thông tin hiện nay. Đồng thời, tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2018-2023 đã được NHNN phê duyệt. Trong đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu các xu hướng mới về công nghệ như xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối… vào các hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiệp vụ xử lý, cung cấp thông tin và Hỗ trợ khách hàng.
Tuy nhiên, việc phát triển CNTT đồng bộ cần gắn với việc triển khai đảm bảo an toàn thông tin mạng, an toàn bảo mật thông tin tín dụng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia vào hệ sinh thái thông tin tín dụng quốc gia.
Tổng giám đốc CIC, ông Đỗ Hoàng Phong phát biểu tại Hội nghị
Theo ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc CIC, trong năm 2019 vừa qua, CIC đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm nâng cao độ phủ TTTD, cải thiện chỉ số chiều sâu TTTD (một trong hai chỉ số để đánh giá mức độ tiếp cận tín dụng). Trong đó, CIC đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của NHNN để nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia cả chiều rộng và chiều sâu, mở rộng nguồn dữ liệu thay thế. Kết quả là, CIC đã thu thập được khá lớn dữ liệu không chỉ trong hệ thống ngân hàng mà còn từ các nguồn dữ liệu thay thế như các bộ ngành liên quan, các tổ chức tự nguyện, các doanh nghiệp bán lẻ.
Theo báo cáo đánh giá Môi trường kinh doanh năm 2020 của Nhóm Ngân hàng thế giới, khả năng “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam xếp hạng 25/190 nước và vùng lãnh thổ, tăng 07 bậc so với 2019, xếp thứ 2 trong khu vực ASEAN sau Brunei và thứ 7 khu vực Châu Á. Trong đó, chỉ số chiều sâu TTTD đã cải thiện từ 7 lên 8/8 điểm nhờ cải cách hoạt động thu thập và cung cấp thông tin với các tổ chức bán lẻ (điểm số này cao hơn bình quân khu vực Đông Á TBD và OECD là 4,5 và 6,8/8 điểm). Độ phủ thông tin của CIC đạt 59,4%/dân số trưởng thành (tăng 4,6% so với năm trước), cao hơn khu vực Đông Á TBD và OECD (16,6% và 24,4%).
Toàn cảnh Hội nghị
Cùng với đó, để góp phần thực hiện mục tiêu định hướng của NHNN về thúc đẩy tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp, đảm bảo các khách hàng được tiếp cận với các sản phẩm tín dụng một cách công bằng, minh bạch và góp phần hạn chế tín dụng đen. Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, CIC đã xây dựng và vận hành Cổng thông tin kết nối khách hàng vay mới với nhiều tiện ích trên cả giao diện web và ứng dụng điện thoại thông minh từ tháng 6/2019. Trong 6 tháng triển khai thử nghiệm, CIC đã ghi nhận một lượng lớn khách hàng đăng ký thông tin qua cổng (với khoảng gần 100.000 tài khoản đăng ký); trên 500 sản phẩm tín dụng của TCTD được quảng bá; gần 2.000 tài khoản của các cán bộ tín dụng đăng ký. Tỉ lệ kết nối nhu cầu vay tại các địa phương thông qua cổng thông tin có chiều hướng tăng lên. Trong đó, có những tỉnh, thành phố có số khách hàng vay đăng ký lớn và có tỷ lệ kết nối cao như TP.HCM (71%), Hà Nội (61%), Đồng Nai (75%)...
Mặt khác, để tạo thuận lợi cho TCTD trong việc khai thác thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro, năm 2019 CIC tiếp tục triển khai kênh cung cấp TTTD mới Host-to-host (theo chuẩn API) với 8 TCTD, nâng tổng số TCTD được kết nối qua kênh mới này lên 10 TCTD. Phương thức này cho phép kết nối thông tin trực tiếp 2 chiều giữa hệ thống CIC với hệ thống quản trị rủi ro, đánh giá tín dụng của TCTD được nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu sự can thiệp của con người, góp phần tăng tính bảo mật, an toàn, minh bạch và giảm chi phí. Hiện tại, CIC đang khẩn trương hoàn thiện xây dựng một giải pháp chuẩn để triển khai tới 100% các TCTD trong hệ thống ngân hàng trong năm 2020. Kết quả trong năm 2019, số lượng báo cáo cung cấp qua phương thức này đạt hơn 348.000 báo cáo, tăng trưởng gấp gần 3 lần so với năm trước. Đặc biệt, trong năm 2019 CIC tiếp tục giảm giá dịch vụ 2 lần, tháng 4/2019 giảm 10%, và tháng 9/2019 giảm tiếp 15%. Đây là những hành động thiết thực của CIC để đồng hành cùng TCTD hướng tới mục tiêu giảm chi phí hoạt động, lãi suất cho vay và thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững theo chủ trương của Chính phủ.
Trong năm 2020 này, CIC sẽ triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 02 năm 2020 của Chính phủ; Chỉ thị số 01 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành năm 2020; Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030. Cũng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia, phấn đấu duy trì điểm chiều sâu TTTD là 8/8 điểm, nâng độ phủ của TTTD lên trên 61% dân số trưởng thành theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Phấn đấu mức tăng trưởng số lượng cung cấp sản phẩm dịch vụ từ 15-20%. Đẩy nhanh tiến độ triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2018-2023, trong đó tập trung vào các dự án xây dựng trung tâm dự phòng, Trung tâm dữ liệu, phòng máy chủ Chi nhánh TPHCM và các phần mềm ứng dụng. Hoàn thành và triển khai mô hình cung cấp thông tin trực tiếp (Host to Host) chuẩn tới tất cả các TCTD có nhu cầu. Đẩy mạnh triển khai Cổng thông tin kết nối với khách hàng vay trên toàn quốc. Hoàn thành dự án xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân mới 2.0.