Hưởng ứng Kế hoạch Chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, ngày 09/12/2022, tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Phần mềm FPT - đơn vị akaBot tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số: Từ dữ liệu đến tự động hóa”.
Hội thảo có sự tham dự của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Tiến sĩ Bùi Hữu Toàn - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng; ông Trần Đăng Hòa - Phó Tổng Giám đốc FPT Software; ông Đỗ Danh Thanh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chuyển đổi số Deloitte; ông Trần Hồng Thắng - Giám đốc Dữ liệu Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP) Công thương Việt Nam; ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch DAMA Việt Nam; Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế học, tài chính, tiền tệ, ngân hàng; cùng với các lãnh đạo, đại diện đến từ các vụ, cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); các lãnh đạo, quản lý, chuyên gia lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Tiến sĩ Bùi Hữu Toàn - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Bùi Hữu Toàn - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng đã chia sẻ, trong những năm qua, công nghệ thông tin đã có bước phát triển mạnh mẽ, tác động sâu, rộng đến nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, quản trị…; làm thay đổi cục diện trong nhiều lĩnh vực.
Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thống đốc NHNN ký ban hành theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021, hướng tới các mục tiêu nâng cao chất lượng cung ứng sản phẩm, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu khách hàng là thước đo hiệu quả của quá trình chuyển đổi số. Trong quá trình này, dữ liệu và việc tự động hóa quy trình nghiệp vụ được coi là những trụ cột quyết định thành công của Kế hoạch Chuyển đổi số của ngành Ngân hàng.
Dữ liệu và các quy trình chuyên môn nghiệp vụ là hai vấn đề liên quan mật thiết với nhau, đan xen nhau, tương tác và bổ trợ cho nhau. Dữ liệu có ở chính các quy trình nghiệp vụ và ngược lại, các quy trình chỉ có thể tốt nếu có dữ liệu và khai thác dữ liệu một cách hiệu quả.
Hiện nay, Học viện Ngân hàng nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung đang tích cực chuyển đổi số một cách mạnh mẽ. Tiến sĩ Bùi Hữu Toàn mong muốn, thông qua Hội thảo sẽ tăng thêm cơ hội hiểu biết về chuyển đổi số, về cơ sở dữ liệu, quy trình nghiệp vụ, về tác động của chuyển đổi số với các mặt của đời sống kinh tế - xã hội; qua đó, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo mà còn là cơ sở để tham mưu cho các cơ quan chức năng triển khai hiệu quả trong thực tiễn, góp phần tạo nên những thành công trong từng giai đoạn nhất định của chuyển đổi số.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian qua được đánh giá là đã bước vào giai đoạn bùng nổ. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối nghiệp vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế, đã mang lại những trải nghiệm liền mạch và những lợi ích to lớn với người sử dụng dịch vụ trên không gian số. Đồng thời, nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, tiền gửi, tiền tiết kiệm… đã được số hóa toàn diện. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng là 63,2% về số lượng và 32,3% về giá trị; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3% về số lượng và 84,3% về giá trị; qua QR Code tăng 86% về số lượng và 127% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021; có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử eKYC tính đến tháng 6/2022…
Ứng dụng dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số tại Việt Nam được đánh giá là đã đuổi kịp các thị trường phát triển. Tỷ lệ khách hàng cá nhân trên thị trường châu Á - Thái Bình Dương sử dụng dịch vụ ngân hàng số đã tăng từ 55% năm 2017 lên 88% năm 2021; đối với thị trường Việt Nam, mức tăng trưởng này là 41% vào năm 2017 và tăng lên 82% năm 2021. Đại đa số khách hàng cá nhân Việt Nam sử dụng dịch vụ qua nhiều kênh khác nhau, điều này có nghĩa là họ đã sử dụng kết hợp ngân hàng số và các chi nhánh quản lý. Hiện tại, một số các ngân hàng đi nhanh trong phát triển công nghệ như NHTMCP Ngoại thương Việt Nam, NHTMCP Tiên Phong, NHTMCP Kỹ thương Việt Nam, NHTMCP Quân đội… đã bước vào giai đoạn thứ hai của chuyển đổi số.
Trong giai đoạn tới, các ngân hàng sẽ đầu tư công nghệ mới cập nhật hơn, tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML), ứng dụng Blockchain, tận dụng dữ liệu và tận dụng sức mạnh của dữ liệu lớn (Big Data) ngày càng nhiều hơn…
Trình bày báo cáo tại Hội thảo với chủ đề “Từ thực tiễn đến tự động hóa - Các trụ cột của hành trình chuyển đổi số”, Tiến sĩ Phan Thanh Đức - Trưởng khoa Hệ thống thông tin quản lý, Học viện Ngân hàng cho biết, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong xu thế phát triển xã hội hiện nay. Chuyển đổi số tạo ra dữ liệu và nền kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu. Trong nền kinh tế số, phương thức sản xuất cũng thay đổi từ thủ công, bán tự động sang tự động hoàn toàn trên các hệ thống thông minh. Có thể nói, dữ liệu và tự động hóa là những trụ cột cốt lõi của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế số. Các doanh nghiệp ngày nay áp dụng các hệ thống thông tin thông minh để hoàn thành công việc tự động trên nguồn tài nguyên của thế giới số - dữ liệu.
Tiến sĩ Phan Thanh Đức - Trưởng khoa Hệ thống thông tin quản lý, Học viện Ngân hàng
trình bày báo cáo tại Hội thảo
Tiến sĩ Phan Thanh Đức đã phân tích, làm rõ các vấn đề liên quan đến dữ liệu và tự động hóa trong bối cảnh chuyển đổi số, hướng đến một nền kinh tế số trong quốc gia số. Ông cho biết, điểm nhấn tự động hóa dữ liệu (Data Automation) là điều bắt buộc trong hoạt động kinh doanh hiện đại vì việc xử lý dữ liệu thủ công không thể đáp ứng được trước những thay đổi nhanh chóng. Do đó, các vấn đề đặt ra là: (i) Về mặt dữ liệu: Cần hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống chính sách về dữ liệu, các quy định về quản trị và chia sẻ dữ liệu; xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung, nền kinh tế dữ liệu, kinh tế API, kinh tế thời gian thực; (ii) Về mặt tự động hóa: Triển khai tự động hóa dữ liệu, các vấn đề liên quan đến đặc tả, mô phỏng, triển khai và tối ưu quy trình nghiệp vụ, tự động hóa, tự động hóa thông minh và siêu tự động hóa, thực tiễn triển khai tự động hóa quy trình nghiệp vụ bằng robot (RPA).
Ông Trần Đăng Hòa - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm FPT với tham luận: Xu hướng nổi bật trong Chuyển đổi số tại Việt Nam
Ông Trần Đăng Hòa - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm FPT với tham luận “Xu hướng nổi bật trong chuyển đổi số tại Việt Nam” đã chia sẻ, FPT luôn đồng hành với tất cả các doanh nghiệp trên chặng đường chuyển đổi số với tâm niệm, công nghệ sẽ song hành với con người để kiến tạo những giá trị mới, đưa doanh nghiệp bước lên tầm cao mới, đưa Việt Nam tiến xa trong lộ trình số hóa. FPT cũng chắc chắn rằng, việc chuyển đổi số mà FPT đang làm không thua kém với các nước trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng là lĩnh vực có nhiều dữ liệu nhất trong chuyển đổi số. Ông Trần Đăng Hòa cũng cho biết, sau sự bùng phát của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã trở thành khái niệm quen thuộc với nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến sự sống còn của một doanh nghiệp. Tùy vào mức độ phát triển và trình độ nhận thức, các quốc gia trên thế giới có tốc độ chuyển đổi số khác nhau. Trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và nhu cầu ngày một tăng cao của nền kinh tế, sử dụng RPA không còn đáp ứng được tối đa kỳ vọng của doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa quy trình vận hành. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải ứng dụng một giải pháp công nghệ cao cấp hơn, đem lại kết quả vượt trội hơn và siêu tự động hóa có thể giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán này.
Bà Trần Thanh Xuân - Phó Giám đốc Trung tâm ngân hàng số BIDV trình bày tham luận
Tham luận của bà Trần Thanh Xuân - Phó Giám đốc Trung tâm ngân hàng số, NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với chủ đề “Từ chiến lược thực thi - hành trình ứng dụng tự động hóa tại BIDV” đã chia sẻ những nội dung về chiến lược chuyển đổi số tại BIDV; thực tế triển khai RPA tại BIDV từ năm 2019 - 2022; những bài học kinh nghiệm sau quá trình triển khai RPA và kế hoạch tự động hóa tại BIDV giai đoạn 2023 - 2026. Trong đó, nhấn mạnh các công nghệ cần đẩy mạnh là RPA, Blockchain, AI, Open API, Big Data và Microservices.
Trong phiên Tọa đàm với sự tham gia của Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia lĩnh vực tài chính, tiền tệ và ngân hàng; ông Đỗ Danh Thanh - Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam; ông Trần Đăng Hòa - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm FPT; bà Trần Thanh Xuân - Phó Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV; ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch DAMA Việt Nam, cùng với sự điều phối của Tiến sĩ Phan Thanh Đức - Trưởng khoa Hệ thống thông tin quản lý, Học viện Ngân hàng, các diễn giả đã thảo luận tập trung vào chủ đề từ dữ liệu đến tự động hóa trong chuyển đổi số.
Tọa đàm: “Chuyển đổi số: Từ dữ liệu đến tự động hóa”
Hội thảo diễn ra hai phiên Chuyên đề: Phiên Chuyên đề 1 với chủ đề “Từ quản trị, chia sẻ đến xây dựng văn hóa dữ liệu”, các diễn giả đã thảo luận nội dung chia sẻ dữ liệu nhằm mở rộng kho dữ liệu cho ngành tài chính, ngân hàng ở Việt Nam; bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thực tiễn và dân chủ hóa dữ liệu nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa dữ liệu trong doanh nghiệp. Phiên Chuyên đề 2 với chủ đề “Tự động hóa quy trình trong thực tiễn doanh nghiệp”, các diễn giả đã thảo luận xoay quanh nội dung: Xây dựng hệ sinh thái tự động hóa - tối ưu trải nghiệm nhân viên ngành Ngân hàng; ứng dụng nền tảng akaBot trong nâng cao mức độ hài lòng của người học: Thực hiện triển khai tại một số cơ sở giao dục đại học ở Việt Nam; Hyperautomation trong kỷ nguyên liên minh Người và Bot.
Phúc Lâm