Hội nghị được tiến hành trong khuôn khổ chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do GIZ thực thi tại Việt Nam theo ủy nhiệm của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ).
Cần khung pháp lý số hoá ngân hàng, Fintech
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết: Những năm gần đây, ngân hàng được đánh giá là một trong ngành dẫn đầu trong việc ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 ở Việt Nam, tạo nên những về mô hình hoạt động, sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên nền tảng CNTT. Khuôn khổ chính sách, hạ tầng công nghệ liên tục được hoàn thiện, đáp ứng tốt các nhu cầu của thực tiễn.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là xu hướng tất yếu, vừa gia tăng hiệu quả, vừa đảm bảo sự an toàn, bền vững của hệ thống các TCTD. Tuy nhiên cũng phải hạn chế được các tác động tiêu cực có thể xảy ra; nhanh chóng có các chính sách phù hợp với các mô hình hoạt động mới, các chủ thể mới tham gia vào cung ứng dịch vụ ngân hàng;…
Về phía GIZ, TS. Michael Krakowski, Cố vấn trưởng/Giám đốc Chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô/Tăng trưởng xanh GIZ cam kết đóng góp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện khung chính sách và quy định về tài chính-ngân hàng số và Fintech tại Việt Nam nhằm thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu hợp tác về tài chính - ngân hàng xanh, bền vững.
Vấn đề về khung chính sách pháp lý đối với số hoá hệ thống ngân hàng và Fintech đã được nhiều diễn giả chia sẻ sôi nổi tại hội nghị. Dẫn ra kinh nghiệm từ cơ quan quản lý của Anh quốc, ông Roger Thomas Moyes - chuyên gia cao cấp về công nghệ tài chính cho hay, Cơ quan Giám sát tài chính của Vương quốc Anh (FCA) bắt đầu triển khai khuôn khổ pháp lý thử nghiệm từ năm 2016, trong đó có đặt ra các tiêu chí cơ bản mà các công ty phải đáp ứng như một điều kiện tiên quyết để áp dụng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm như: đổi mới toàn diện, đề cao lợi ích của người tiêu dùng, phạm vi hoạt động, sự cần thiết thử nghiệm khung pháp lý, mức độ sẵn sàng để thử nghiệm.
Đánh giá của FCA qua 2 lần triển khai đầu tiên cho thấy: thực hiện khuôn khổ pháp lý thử nghiệm đã giảm thời gian và chi phí đưa ý tưởng đổi mới cho thị trường, giúp doanh nghiệp đổi mới tiếp cận các nguồn tài chính, cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm các sản phẩm và giới thiệu ra thị trường, cho phép FCA hợp tác với các doanh nghiệp đổi mới để xây dựng biện pháp bảo vệ khách hàng phù hợp với từng sản phẩm, dịch vụ mới. Theo ông Roger Thomas Moyes, việc thử nghiệm cho thấy khuôn khổ pháp lý thử nghiệm đạt được tiến bộ trong việc thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường.
Đối với Việt Nam, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) nhận thấy: hành lang pháp lý hiện hành tương đối đầy đủ cho thanh toán số, tuy nhiên cần được bổ sung hoàn thiện để tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển ngân hàng số. Theo đó, cần đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm...; xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng, định danh số; hoàn thiện quy định bảo mật giao dịch, an ninh thông tin.
Lựa chọn mô hình chuyển đổi phù hợp
Trao đổi về kinh nghiệm chuyển đổi số của Commerzbank, ông Leonard Meyer, Giám đốc Quan hệ khách hàng - phụ trách đối tác Fintech (Commerzbank) cho biết nhà băng này đã xây dựng nên mô hình Campus 2.0. Campus 2.0 là gì? Đó là mô hình kết hợp bộ phận kinh doanh và CNTT thành các nhóm làm việc cơ động: tổ chức cung cấp làm tăng đáng kể lợi ích cho khách hàng bằng cách tăng cường số lượng sản phẩm đầu ra kỹ thuật số, khoảng thời gian để đưa tới thị trường nhanh hơn - đẩy mạnh phát triển phần mềm một cách đáng kể, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn - nền tảng công nghệ mới là cơ sở của mô hình Campus 2.0.
Nói thêm về thực tế chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Lê Anh Dũng cho hay, theo khảo sát của NHNN năm 2018 thì có 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó có 59% ngân hàng bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế, 6% ngân hàng chưa tính đến việc xây dựng một chiến lược chuyển đổi số tổng thể.
Mô hình phát triển ngân hàng số tại Việt Nam theo chia sẻ của ông Dũng hiện được phân thành hai nhóm: số hoá ngân hàng hiện hữu và số hoá kết hợp phát triển ngân hàng số. Với số hoá ngân hàng hiện hữu là số hoá những mảng nghiệp vụ, hoặc từng quy trình, sản phẩm - dịch vụ tương tác trực tiếp với khách hàng (front-end), đem lại giá trị cho ngân hàng; vận hành trên nền tảng đa kênh đồng nhất, đảm bảo trải nghiệm khách hàng đồng nhất trên các kênh. Tập trung hướng khách hàng tới mô hình vận hành “digital first”, giảm thiểu tương tác tại các điểm vật lý; chú trọng gia tăng trải nghiệm người dùng và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Còn với số hoá kết hợp phát triển ngân hàng số có thể hình dung là việc thiết lập một ngân hàng số mới ngay trong lòng ngân hàng hiện hữu, áp dụng với một phân khúc và định vị giá trị khách hàng cụ thể đồng thời với số hoá ngân hàng hiện hữu. Hai sáng kiến vận hành song song, chuyển đổi năng lực vượt trội của ngân hàng số mới sang hỗ trợ mô hình đa kênh đồng nhất (omni); một số năng lực, hạ tầng vận hành có thể chia sẻ như corebank, hệ thống báo cáo... trong khi phần tương tác khách hàng (front-end) của hai sáng kiến lại rất khác biệt.
Dưới góc độ một NHTM, ông Phạm Anh Tuấn - Uỷ viên HĐQT Vietcombank cho biết, Vietcombank đang thực hiện những bước đầu trên hành trình chuyển đổi số. Bao gồm có 06 nguyên tắc đặt ra: lấy khách hàng làm trọng tâm trong các sáng kiến chuyển đổi số, phát triển song song năng lực nền tảng và xây dựng trải nghiệm khách hàng, coi hành động là yếu tố quan trọng, tập trung triển khai điểm đối với phân khúc khách hàng được lựa chọn, linh hoạt trong các cấu phần giao tiếp với khách hàng, cải thiện năng lực nền tảng số một cách liên tục.
Theo ông Tuấn chia sẻ, mô hình đề xuất lựa chọn của Vietcombank này là số hoá ngân hàng và bổ trợ sản phẩm/dịch vụ bổ sung. Trong đó, các biện pháp cần thực hiện để xây dựng mô hình ngân hàng số Vietcombank nằm ở việc thay đổi về văn hoá, cơ cấu tổ chức, nguồn lực đầu tư, quan hệ đối tác, cải tiến công nghệ và hướng khách hàng.