Công cuộc chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ, cùng với đó là các dịch vụ thanh toán điện tử ngày càng được người dân sử dụng phổ biến mang lại tiện ích, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại. Ðặc biệt, thời gian qua, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì các giao dịch từ xa và thanh toán trực tuyến phát triển mạnh, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa dễ dàng mua sắm, từ lương thực, thực phẩm cho đến vật dụng gia đình, đồ điện tử, công nghệ hay thanh toán hóa đơn điện, nước, viễn thông…
Ngân hàng Cà Mau đẩy mạnh tiện ích thanh toán điện tử
Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn ra khá sôi động. Các hoạt động ngân hàng “không tiếp xúc” trở nên phổ biến hơn và dần trở thành thói quen trong xã hội. Cũng nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số đã giúp các ngân hàng tỉnh Cà Mau vẫn duy trì sự ổn định trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đảm bảo các giao dịch thông suốt và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Trên cơ sở phát huy lợi thế về mạng lưới, nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin, thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh các giao dịch trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch nhằm đảm bảo đáp ứng dịch vụ ngân hàng trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Phú Hải, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Cà Mau, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, Agribank triển khai dịch vụ mở tài khoản trực tuyến ngay trên ứng dụng E-Mobile Banking thông qua công nghệ xác thực khách hàng hiện đại, theo đó, khách hàng có thể mở tài khoản đơn giản, nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải ra quầy giao dịch. Phương thức mở tài khoản mới này giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng, đơn giản hóa quy trình mở tài khoản, đảm bảo an toàn, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ðây cũng là “cánh cửa” để các khách hàng vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm các tiện ích trên ngân hàng điện tử.
Từ tháng 5/2021, Agribank là ngân hàng đầu tiên trong nhóm 4 ngân hàng thương mại lớn nhất, chính thức tham gia cuộc đua miễn phí chuyển tiền trực tuyến và một số loại phí khác cho tất cả khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số của Agribank.
Hiện nay, Agribank triển khai miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong hệ thống và áp dụng trên tất cả các kênh thanh toán: ATM, Agribank E-Mobile Banking, SMS Banking, Bankplus, Internet Banking…; miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền ra ngoài hệ thống Agribank, áp dụng trên tất cả các kênh ngân hàng điện tử: ATM, Agribank E-Mobile Banking, Internet Banking đối với khách hàng cá nhân và giảm phí cực lớn đối với khách hàng là tổ chức; giảm lãi suất cho vay thẻ tín dụng; giảm phí cho chủ thẻ Agribank khi rút tiền tại ATM của ngân hàng khác; miễn phí chuyển tiền cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, lương phục hồi sản xuất...
Theo đó, Agribank Chi nhánh tỉnh Cà Mau đã tăng cường hoạt động liên kết hợp tác, ký kết các thỏa thuận hợp tác với các đơn vị để thu hộ, chi hộ, thu ngân sách Nhà nước… Triển khai nhiều sản phẩm, chức năng tiện ích, như: Thanh toán bằng QR Code, Samsung Pay, thanh toán thẻ không tiếp xúc…; phát hành thẻ ghi nợ và cho vay thấu chi trên tài khoản thanh toán phát hành thẻ với hạn mức lên tới 30 triệu đồng cho các cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn; trang bị máy POS miễn phí cho các tổ chức, cá nhân cung ứng hàng hóa, dịch vụ hợp pháp đáp ứng đủ các điều kiện.
Để tránh tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, Cà Mau khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh tỉnh Cà Mau đã triển khai những giải pháp hỗ trợ giúp đỡ người dân từng bước tiếp cận với hình thức thanh toán trực tuyến, như: Đăng ký dịch vụ SmartBanking, khuyến mãi khi mở thẻ ATM, mở thẻ trực tuyến trên ứng dụng BIDV, miễn phí phát hành thẻ, miễn phí thường niên năm đầu, mở tài khoản tiểu thương được tặng 66.000 đồng trong tài khoản (miễn phí đăng ký SmartBanking, phí sử dụng dịch vụ trực tuyến, phí chuyển tiền), phối hợp với các đơn vị bán hàng để thanh toán trực tuyến thông qua hình thức quét mã QR, hỗ trợ không thu phí chuyển tiền trên SmartBanking nếu đáp ứng điều kiện số dư tối thiểu qua các gói: Bfree Basic, Bfree Classic, Bfree Gold,...
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng trong giao dịch ngân hàng, từ đầu năm 2022, các chi nhánh ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn tỉnh, như: Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), BIDV, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã miễn phí chuyển tiền liên ngân hàng.
Cụ thể, từ ngày 01/01/2022, Vietcombank miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên kênh ngân hàng số VCB Digibank cho khách hàng cá nhân, ngay sau đó, BIDV cũng công bố chính sách miễn toàn bộ phí trên kênh ngân hàng số BIDV SmartBanking. Cụ thể, khách hàng cá nhân của BIDV được miễn toàn bộ phí khi giao dịch trên BIDV SmartBanking, bao gồm: Phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống BIDV; phí duy trì dịch vụ; phí quản lý tài khoản; phí tin nhắn OTT…
VietinBank cũng đã triển khai miễn toàn bộ các loại phí trên kênh ngân hàng số VietinBank iPay, khách hàng không cần tham gia các gói tài khoản thanh toán hay duy trì số dư tối thiểu trong tài khoản đều được hưởng các ưu đãi hấp dẫn này. Cụ thể, khách hàng được miễn phí tất cả giao dịch chuyển khoản trong và ngoài hệ thống qua VietinBank iPay, phí duy trì tài khoản thanh toán, phí duy trì dịch vụ VietinBank iPay, phí phát hành thẻ ghi nợ nội địa/thẻ ghi nợ quốc tế…
Số hóa hoạt động ngân hàng
Số hóa ngân hàng sẽ tạo ra nhiều giá trị cho khách hàng như trải nghiệm khách hàng tốt hơn; nâng cao chất lượng vận hành; phát triển năng lực phục vụ, dịch vụ ngày càng sáng tạo; tăng cường an toàn bảo mật và giảm thiểu chi phí.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Cà Mau, hiện nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, cho vay với những sản phẩm tiện ích đối với doanh nghiệp và dân cư. Các hệ thống thanh toán nội bộ các ngân hàng thương mại được hiện đại hóa, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển mạnh.
Ðặc biệt, việc trả lương qua tài khoản cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, mạng lưới rút tiền tự động qua ATM, điểm chấp nhận thanh toán thẻ qua POS luôn được các ngân hàng thương mại trên địa bàn quan tâm chỉ đạo thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giao dịch, góp phần hạn chế được việc sử dụng tiền mặt trong lưu thông. Dịch vụ rút tiền tự động bằng ATM trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, củng cố với 134 máy, toàn tỉnh có 453 điểm chấp nhận thanh toán thẻ với 550 máy POS, đảm bảo giao dịch được thông suốt, an toàn.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về triển khai thí điểm phương thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, NHNN Chi nhánh tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh phối hợp với Công ty Ðiện lực Cà Mau triển khai thực hiện thí điểm phương thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt thông qua sử dụng các dịch vụ ngân hàng, như: Trích nợ tự động, Internet Banking...
Hiện nay, phần lớn người dân đều sử dụng điện thoại thông minh nên có thể cài đặt App của các ngân hàng để thực hiện giao dịch trực tuyến. Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, người dân dần thích nghi với hình thức thanh toán điện tử, các ngân hàng đang chạy đua với việc chuyển đổi số, theo đó, việc miễn phí chuyển khoản liên ngân hàng cũng tạo điều kiện cho người dân sử dụng hình thức thanh toán chuyển tiền trực tuyến.
Theo thông tin từ BIDV Chi nhánh tỉnh Cà Mau, để tạo điều kiện cho tiểu thương thực hiện giao dịch điện tử, đảm bảo an toàn trong mua bán, cuối năm 2021, BIDV Cà Mau đã hỗ trợ mở thẻ ATM miễn phí cho gần 2.000 tiểu thương. Ðối với việc thanh toán qua thẻ ATM, BIDV Chi nhánh tỉnh Cà Mau cũng đã phối hợp với các cửa hàng, siêu thị lắp đặt 90 máy POS. Theo đó, từ đầu năm 2022, BIDV cũng đã miễn phí chuyển khoản liên ngân hàng, điều này đã tạo điều kiện cho khách hàng thực hiện thanh toán chuyển khoản khi mua sắm trực tuyến.
Tại Siêu thị Ðiện máy Xanh tỉnh Cà Mau, có nhiều hình thức thanh toán bằng tiền mặt, thanh toán bằng cách quét QR Code hay thanh toán bằng cách chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của công ty. Ðối với những sản phẩm có giá trị cao, nhân viên giao hàng thường giao tận nhà, khi đó khách hàng sẽ thanh toán bằng cách chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của công ty.
Nhiều năm nay, hầu hết sản phẩm của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau đều được khách hàng mua trực tuyến và thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng, đảm bảo nhanh và chính xác. Mỗi tháng tiền điện, tiền nước đều được hợp tác xã thanh toán qua tài khoản ngân hàng; hay đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, đóng lãi ngân hàng đều thực hiện qua hình thức chuyển khoản.
Đáng chú ý, với việc phát triển giao dịch số đã giúp các doanh nghiệp tiết giảm rất nhiều chi phí, thời gian và cả việc giao dịch liên quan đến các thủ tục hành chính. Điển hình trong giải quyết các thủ tục liên quan đến thuế, với việc đẩy mạnh giao dịch điện tử đã không ngừng phát huy hiệu quả và thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp. Chỉ riêng trong năm 2021, việc kê khai thuế qua mạng đã thu hút hơn 2.170 doanh nghiệp đăng ký khai thuế điện tử, đạt tỷ lệ 99,72%. Hay trong nộp thuế điện tử, số doanh nghiệp đăng ký thành công với ngân hàng thương mại là 2.170/2.178 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 99,63%...
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh chủ trương chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xác định chuyển đổi số là động lực phát triển kinh tế. Theo đó, đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt bình quân trên 6,5%/năm và đến năm 2030, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP.
Mục tiêu trên hoàn toàn khả thi, nhất là Việt Nam có nền kinh tế Internet tăng trưởng nhanh thứ hai Đông Nam Á. Thêm vào đó, Việt Nam đã đặt mục tiêu triển khai thương mại 5G vào năm 2022, thúc đẩy người dân dùng điện thoại thông minh và giảm số lượng điện thoại 2G còn dưới 5%...
Đây là những tiền đề cho kinh tế số phát triển nhanh gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm thay đổi căn bản những giao dịch truyền thống, đặc biệt phát triển mạnh các dịch vụ tài chính số thông qua phương tiện điện tử, nhất là điện thoại thông minh. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang tập trung phát triển mạnh loại hình dịch vụ này.
Trần Kim