Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao tế… thì “chuyển đổi số” là từ khóa thường xuyên được nhắc tới. Hệ quả mà đại dịch Covid-19 gây ra đối với đời sống kinh tế - xã hội là “chất xúc tác” cho thấy rõ hơn sự cấp thiết phải chuyển đổi số về mọi mặt, xây dựng sự thống nhất từ quan điểm chỉ đạo đến hành động. Với vai trò là cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm bảo vệ người gửi tiền, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thông của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) cũng sẽ có những đóng góp nhằm đẩy mạnh sự lan tỏa chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) cũng như niềm tin của công chúng vào hoạt động ngân hàng.
Chuyển đổi số - một chủ trương thông suốt
Ngày 03/6/2020, “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là kim chỉ nam cho các hoạt động chuyển đổi số trong các cơ quan tại Trung ương và địa phương.
Trong phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cuối năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ ở riêng nước ta mà trên bình diện toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh đối diện với “thách thức kép” - vừa chống đại dịch Covid-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số với 03 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương. Phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và mục tiêu, động lực của chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Đầu năm 2022, tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/01/2022 về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN.
Thống đốc NHNN cũng chỉ đạo nâng cao nhận thức của các tập thể, cá nhân trong ngành Ngân hàng về vai trò, lợi ích của hoạt động chuyển đổi số. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chỉ đạo triển khai chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực được phụ trách. Tiếp tục chú trọng và tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn, giảm thiểu tối đa các rủi ro phát sinh trong quá trình cung ứng, thực hiện các hoạt động ngân hàng trên môi trường số.
Đáng chú ý, Chỉ thị số 02/CT-NHNN còn nhấn mạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức, giáo dục tài chính, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, đúng quy định của pháp luật. Thúc đẩy các hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng để phát triển, cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, an toàn, tăng cường trải nghiệm khách hàng và đáp ứng tốt nhu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp.
Như vậy, có thể nói, chuyển đổi số đã là một chủ trương thông suốt, được thực hiện một cách có hệ thống. BHTGVN cũng đã và đang triển khai từng bước chuyển đổi số một cách đồng bộ, hiệu quả trên tất cả các mặt hoạt động, trong đó có tuyên truyền chính sách BHTG.
Chuyển đổi số trong truyền thông, tuyên truyền chính sách
Trước hết, cần phân biệt rõ giữa chuyển đổi số với các khái niệm có điểm chung, dễ gây nhầm lẫn, song có cách tiếp cận và tác động hoàn toàn khác biệt.
Số hóa (Digitalization) là quá trình chuyển đổi thông tin, dữ liệu, tài liệu từ dạng vật lý, tín hiệu Analog sang định dạng kỹ thuật số. Ví dụ như các cơ quan, tổ chức thực hiện scan, lưu trữ tài liệu dưới dạng tệp tin điện tử thay vì tài liệu giấy như trước đây. Đây là gọi là số hóa dữ liệu. Ngoài số hóa dữ liệu còn có số hóa quy trình, là việc sử dụng các dữ liệu, tài liệu đã được chuyển sang định dạng kỹ thuật số để cải tiến, thay đổi quy trình vận hành, các quy trình làm việc, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhờ việc tiếp cận dữ liệu nhanh chóng hơn, thúc đẩy tương tác hiệu quả hơn.
Chuyển đổi số (Digital Transformation) là một mức độ phát triển cao hơn của số hóa. Hiểu một cách đơn giản “chuyển đổi số” là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và chấp nhận các thất bại.
Như vậy, chuyển đổi số đòi hỏi tổ chức phải có chiến lược lâu dài. Dựa trên các dữ liệu và quy trình được số hóa, chuyển đổi số làm thay đổi toàn bộ tổ chức. Do đó, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thông cần được thực hiện trong một khuôn khổ thống nhất từ trên xuống dưới, có tính tới phương pháp tiếp cận nhằm chuyển đổi số từng bước phù hợp. Bên cạnh đó, truyền thông chính sách có những điểm đặc thù, khác biệt so với phương pháp truyền thông nói chung của doanh nghiệp, tổ chức. Những điểm đặc thù này cần được cân nhắc trong quá trình xây dựng chiến lược chuyển đổi số.
Tựu chung, chuyển đổi số trong truyền thông chính sách có thể quy về 03 trụ cột chính:
Một là, xây dựng danh tính số thông qua việc gia tăng sự hiện diện của cơ quan triển khai chính sách trên môi trường số với hình ảnh nhận diện và thông điệp thống nhất, song có sự chuyển đổi phù hợp trên từng môi trường cụ thể, đối tượng công chúng cụ thể.
Hai là, thực hiện chuyển đổi số về kênh truyền thông, gia tăng sự tiếp cận của công chúng đối với cơ quan thực thi chính sách cũng như gia tăng tương tác với công chúng trên môi trường số.
Ba là, xây dựng cơ sở dữ liệu số về đối tượng công chúng mục tiêu, theo dõi dư luận trên môi trường số và thấu hiểu công chúng qua các công cụ số.
Cụ thể, trong thời gian tới, nhằm thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông chính sách, BHTGVN cần xây dựng và gia tăng sự hiện diện trên các môi trường số như mạng xã hội, các kênh truyền thông số, qua đó gia tăng độ nhận biết. Song song với các chương trình truyền thông truyền thống và truyền thông thực địa, tổ chức BHTG cần tăng dần tỷ trọng của các chương trình truyền thông số.
Bên cạnh đó, cần tăng khả năng tiếp cận của công chúng tới tổ chức BHTG, qua đó thúc đẩy tương tác số. Công nghệ thông tin hiện đại cho phép thực hiện tương tác với công chúng trên quy mô lớn. Việc triển khai tiếp cận công chúng trong môi trường số cũng sẽ góp phần giúp tổ chức BHTG củng cố uy tín, phát hiện sớm và xử lý các khủng hoảng truyền thông.
Một trong những mảng chuyển đổi số không kém phần quan trọng trong truyền thông chính sách là xây dựng kho dữ liệu số về người gửi tiền và công chúng nói chung. Việc hoạch định, triển khai các chương trình truyền thông hiệu quả có một phần không nhỏ từ việc thấu hiểu công chúng mục tiêu. Trên cơ sở xây dựng kho dữ liệu số về người gửi tiền, tổ chức BHTG có thể nắm bắt được các đặc điểm, nhu cầu, thói quen của từng đối tượng công chúng, qua đó tác động đúng, trúng tới nhóm công chúng mục tiêu nhất định, không chỉ đối với các chương trình truyền thông số mà có thể áp dụng ngay cả với các chương trình truyền thông truyền thống trên thực địa. Bên cạnh đó, môi trường số cho phép BHTGVN lắng nghe tích cực, chủ động theo dõi dư luận nhằm xác định phương hướng, thông điệp truyền thông. Trong tương lai, với việc sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI), tổ chức BHTG có thể tổng hợp, xử lý, phân tích dữ liệu trên cơ sở các thuật toán, qua đó tự động hóa các nghiệp vụ truyền thông số, giảm bớt chi phí nhân lực, đồng thời tăng hiệu quả truyền thông.
Có thể nói, ứng dụng tốt chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thông chính sách BHTG sẽ là động lực để tăng cường nhận thức về chính sách, qua đó nâng cao niềm tin công chúng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số cần được thực hiện theo từng bước trong một chiến lược ít nhất 3 - 5 năm và phải liên tục được cập nhật để theo kịp các tiến bộ về khoa học công nghệ hiện đại, đồng thời kiểm nghiệm, đánh giá hiệu quả đối với những hoạt động đã triển khai để kịp thời cải tiến, khắc phục.
Mặt khác, không nên coi việc chuyển đổi số trong truyền thông chính sách là giải pháp vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề. Đặc thù của hoạt động thông tin tuyên truyền là phải thực hiện các biện pháp truyền thông trên môi trường số, đồng thời duy trì thực hiện các biện pháp truyền thông trực tiếp hoặc gián tiếp trên thực địa nhằm tiếp cận tới đối tượng công chúng mục tiêu. Trong quá trình này, các thành quả chuyển đổi số đóng vai trò gián tiếp vào hiệu quả truyền thông thực địa. Thực tế cho thấy, các cơ quan, doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số vẫn đang triển khai các biện pháp thực địa như: Quảng cáo ngoài trời (OOH), Roadshow, tổ chức sự kiện... Do đó, việc thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động thông tin tuyên truyền là cần thiết, song trong bối cảnh hiện nay, vẫn cần duy trì một hàm lượng đáng kể các hoạt động truyền thông thực địa, qua đó xây dựng hiệu quả truyền thông bền vững.
Minh Tuấn (Hà Nội)