EVFTA sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc, tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào một thị trường chính và nâng vị thế của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7%
vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định
Con đường cao tốc về hướng Tây
Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, có khả năng EVFTA có hiệu lực ngay trong năm 2020. Bộ Công thương đã có sự chuẩn bị cho việc EVFTA đi vào thực thi hiệu quả ngay khi có hiệu lực. Trong đó, đặt trọng tâm vào cộng đồng doanh nghiệp; các cam kết hội nhập phải được các doanh nghiệp thụ hưởng và nỗ lực vươn lên, tiến tới cạnh tranh tốt hơn.
Lạc quan với EVFTA, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, EVFTA là “con đường cao tốc hướng Tây” kết nối chúng ta tới một không gian rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường... Đặc biệt, theo ông Lộc, “giữa lúc đại dịch Covid-19 đang lan rộng, thách thức tính bền vững của các chuỗi giá trị toàn cầu mà nền kinh tế Việt Nam là một mắt xích, thì việc EVFTA được EP phê chuẩn đã mở ra một cơ hội vàng thúc đẩy sự chuyển dịch các chuỗi giá trị này”.
Quả vậy, đó không chỉ là những lợi ích đến từ những con số có thể cân, đong, đo, đếm được khi EU dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này; Việt Nam xóa bỏ 48,5% dòng thuế tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU vào Việt Nam. Những điều này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ, khơi thông một dòng chảy mới về thương mại giữa Việt Nam với EU- một thị trường có sức mua lớn thứ hai trên thế giới.
Vượt qua các rào cản
“Nhưng có câu hỏi không thể né tránh trước khi đặt được chân lên con đường cao tốc này là có thể vượt qua được những rào cản ở các “đường tỉnh” không? Thị trường mở ra thật, có cầu lớn, nhưng doanh nghiệp có năng lực sản xuất không? Có thể cải thiện được năng suất, giảm chi phí được không, có cạnh tranh được với các đối thủ không?”, TS. Nguyễn Đình Cung – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu.
Trước đây, những chậm trễ trong luật hóa các cam kết WTO, hay tháo gỡ các rào cản thị trường đã làm doanh nghiệp Việt không những không tận dụng tốt các cam kết mở cửa thị trường, mà còn bị lép vế hơn các doanh nghiệp FDI.
Ông Cung cho rằng, những hàng rào kỹ thuật khắt khe không phải là nỗi lo lớn vì được công bố công khai, doanh nghiệp nếu muốn thâm nhập thị trường đều biết mình phải làm gì, tuân thủ các điều kiện gì, chi phí ra sao.
“Tôi lo lắng hơn về các hàng rào kỹ thuật bên trong, đó là các điều kiện kinh doanh, các quy định kiểm tra chuyên ngành... Vì, chúng thường khó thực thi, khó đoán định, chi phí tuân thủ cao, rủi ro rất cao”, ông Cung nói. Những hàng rào này không được gỡ bỏ, thì các nỗ lực của Chính phủ trong ký kết các hiệp định thương mại tự do không được hậu thuẫn bên trong, các tác động dự kiến từ các FTA tới nền kinh tế sẽ khó được hiện thực. “Không thể để các rào cản bên trong chắn đường ra cao tốc của doanh nghiệp Việt”, TS.Nguyễn Đình Cung nhắc lại.
“Thể chế nào thì doanh nghiệp đó. Chìa khóa để hội nhập EVFTA nói riêng, hay hội nhập kinh tế quốc tế nói chung thành công, suy cho cùng, phải bắt nguồn từ những nỗ lực cải cách thể chế của Nhà nước, song hành với những nỗ lực nâng cấp về quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đó là đôi chân ngàn dặm để nền kinh tế Việt Nam có thể đi tới thành công”, TS.Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh
Rõ ràng các cam kết mở cửa thị trường trong EVFTA là có chừng mực, với lộ trình đủ dài, vừa với sức vươn lên của các doanh nghiệp trong nước. Nỗ lực vươn lên đương đầu với cạnh tranh sòng phẳng phải là tâm thế của doanh nghiệp thời hội nhập.
Bởi vậy, ông Lộc cho rằng: “Doanh nghiệp chuẩn bị về tâm thế, về nguồn lực. Nhà nước, bên cạnh việc phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn cho doanh nghiệp về Hiệp định, thì việc chuẩn bị về thể chế là quan trọng nhất. Tác động kép của Covid-19 và EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào một số thị trường nhất định và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu”.
Tri Nhân
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/chuan-bi-ve-the-che-la-quan-trong-nhat-98011.html